DẠY VĂN HỌC TRONG NHÀ TRƯỜNG

Trần Đình Sử

Dạy văn trong nhà trường là chuyện rất khó. Dạy ở trường phổ thông càng khó. Đó là vì ở các lớp dưới, học sinh còn bé, ví dụ lớp 6 – 9, các em chưa có điều kiện để hiểu nghệ thuật văn học. Vì thế về chương trình, phải chọn những tác phẩm ít có độ khó đối với các em, mặt khác việc dạy văn cho lứa tuổi này, một mặt nào đó chưa phải là dạy văn học đầy đủ. Nhà trường cần văn học như một mô hình về các xung đột, các tình huống, các vấn đề, mà con người đối diện buộc phải có một hành vi, và người đọc phải nhận ra và đánh giá về hành vi ấy. Như vậy trong nhà trường, môn văn học chưa phải là môn dạy học về nghệ thuật, mà thiên về dạy tư tưởng, đạo đức, thẩm mĩ. Xét về mặt dạy đọc, thì chủ yếu là đọc câu chuyện, đọc tình huống, đọc xung đọt và đọc hành vi, rồi phán đoán về giá trị của hành vi đó.Lên THPT, các em đã gần người lớn, có thể cho tiếp cận các khía cạnh mới như ngôn từ, phong cách, cách thể nghiệm và miêu tả đời sống hoặc biểu hiện tư tưởng, sự thật và hư cấu, tưởng tượng. Sự phân biệt này cũng mới là có tính ví dụ. Ở THCS chưa yêu cầu về văn học sử, nhưng lên THPT thì phải đọc TP trong ngữ cảnh lịch sử, phải biết ít nhiều về lịch sử, tác giả, nhất là tác giả tiêu biểu. Nhưng dù có phân biệt như vậy, đối với nhà trường chủ yếu vẫn là dạy hiểu về tư tưởng, thế giới quan, về tình cảm, cảm xúc. Tất nhiên môn văn không chỉ dạy đọc văn học, các em còn đọc các kiểu văn bản khác, đặc biệt phải học viết, học biểu đạt nói và viết. Ở đây dù phương pháp rất quan trọng thì quan trọng nhất vẫn là con người của thầy (cô). Con người thầy cô càng hấp dẫn, thì bài dạy càng hấp dẫn, cuộc gặp gỡ với văn học của các em càng thú vị. Thầy cô không phải dạy hết dạy đủ, chỉ cần tìm một đột phá khẩu thật hấp dẫn, và khi HS bị thu hút rồi, sẽ để học sinh tự khám phá nốt, với sự gợi ý của thầy cô. Nhưng dạy văn như thế cũng có nguy cơ chính trj hóa, đạo đức hóa văn học và sẽ để ra những bài làm văn như con vẹt. Đó là điều khó tránh, chỉ cần trừ yếu tố con vẹt, HS biết có ít suy nghĩ riêng mà đúng hướng thì cần khích lệ ngay. Nhưng nếu đặt mục tiêu nghệ thuật cao hơn thì sẽ không đạt gì. Dạy văn như nghiên cứu một tác phẩm nghệ thuật là một nhiệm vụ của khoa học, lên đại học thì mới có thể nói đến.

Vậy trong chương trình văn học nhà trướng sẽ xử lí về các tri thức lí luận văn học thế nào? Theo ý tôi, nói như trên không có nghĩa là bỏ qua các hình thức của văn học. Hình thức và nội dung không tách rời nhau, không ai có thể nói về nội dung, mà không thể không nói đến hình thức, hoặc trước hết nói đến hinh thức. Còn nhớ SGK TH những năm 60 người ta dạy cho học sinh các bài nguyên lí văn học như nghệ thuật bắt nguồn từ lao động, văn học phản ánh hiện thực, tính đảng, tính nhân dân, điển hình hóa, chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa, ba chức năng của văn học. Các ấu trĩ ấy nay đã khắc phục rồi. Ngày nay lí luận văn học trong nhà trường cần dạy các khái niệm về tác phẩm: hình tượng, nhân vật, người kể chuyện, nhân vật trữ tình, các chủ đề, câu chuyện, cốt truyện, sự kiện. Đồng thời dạy các khái niệm thông dụng về thể loại, từ văn học dân gian đến văn học viết như là các hình thức chỉnh thể về tác phẩm, một số phương thức tu từ thông dụng trong văn học, thi ca. Mỗi tuần dạy một ít theo lối chú thích, tích lũy dần, lặp đi lặp lại, không có bài riêng. THCS không dạy các trào lưu văn học. THPT mới cho biết một số trường phái chủ đạo, gắn với tác phẩm được chọn, tìm hiểu phong cách, nhận ra tính độc đáo khác biệt, cũng theo lối chú thích, bình luận, không dạy theo lối khái niệm như đại học, mà nhận biết qua chất liệu văn học cụ thể. Khái niệm lí thuyết ở đây hiểu như những công cụ cần thiết để phân biệt cái này với cái kia trong tác phẩm văn học,nhưng không đi sâu vào khái niệm. Không kiểm tra về khái niệm trừu tượng. Trong khi dạy đọc, HS cần biết ai nói (ai kể, ai bộc lộ cảm xúc) để biết ai nhìn (điểm nhìn), bởi sự miêu tả thể hiện cái nhìn, tức thế giới quan, thái độ của người nói, giọng điệu người nói gắn với phương tiện từ vựng, phép tu từ, kiểu câu. Cần hiểu tác phẩm một cách linh hoạt, mềm mại. Đối với THPT một tác phẩm có thể có nhiều chủ đề (đề tài), một nhân vật cũng có thể có nhièu khía cạnh, nhiều khi rất mâu thuẩn.

Như vậy lí luận văn học ở nhà trường, nói cho đúng vẫn chưa phải là lí thuyết văn học, mà chỉ là những kiến thức công cụ có tính thực dụng. Chúng là những phương tiện để dạy học, là những tri thức bậc hai. Tri thức bậc một là cách hiểu, đánh giá về tác phẩm, nhân vật, tạo thành năng lực đọc hiểu. Tất nhiên người giáo viên thì phải hiểu sâu sắc các khái niệm đó.

About Trần Đình Sử

Giáo sư tiến sĩ Lý luận văn học, khoa Ngữ Văn, Đại học sư phạm Hà Nội
Bài này đã được đăng trong Uncategorized. Đánh dấu đường dẫn tĩnh.

Bình luận về bài viết này