BA BÀI THƠ CỦA NGUYỄN CÔNG TRỨ

ĐI THI TỰ VỊNH

(NGUYỄN CÔNG TRỨ)

Nguyễn Công Trứ (1778 – 1858) là nhà thơ tự tin, ngang tàng, phóng túng bậc nhất trong các nhà thơ cổ điển Việt Nam. Từ đầu thế kỷ XVIII, xã hội phong kiến Việt Nam bắt đầu thối nát, kỷ cương suy đồi. Nhiều nhà nho đã không còn giữ vẻ khúm núm, tự khiêm, nhường nhịn vốn có của nho gia như trước, mà công nhiên khẳng định chí hướng, niềm tin và tài năng của mình, biểu thị mạnh mẽ sự hiện diện của mình bằng các hành động có ý nghĩa. Đi thi tự vịnh là một trong nhiều bài thơ nói về chí nam nhi của tác giả, thể hiện tinh thần tự khẳng định mạnh mẽ cá tính của nhà thơ.

“Vịnh” nguyên nghĩa là hát ca, ngâm nga, sau phát triển thành làm thơ, từ để ngâm ngợi, ngợi ca, sau nữa thì vịnh có thể là mỉa mai, trào lộng. Ở đây, nhan đề Đi thi tự vịnh có thể hiểu là : tự làm thơ ngợi ca việc đi thi của mình. Một đầu đề như vậy không phải là ít ý nghĩa.

Đi thi tự vịnh là bài thơ thất ngôn bát cú Đường luật. Thể thơ này không phải là tiêu biểu đối với sáng tác của Nguyễn Công Trứ, như thể hát nói, song giọng điệu thì vẫn là một với các bài hát nói : tự tin, phóng túng, ngang tàng.

Bài thơ mở đầu với những câu đầy khí thế, ý tứ mạnh mẽ như đinh đóng cột :

Đi không há lẽ trở về không,

Cái nợ cầm thư phải trả xong.

Khi đi thi thì chỉ là anh bạch diện thư sinh, không có danh phận gì, nhưng trở về thì phải có danh phận. “Nợ cầm thư”, tức là nợ bút nghiên và đàn hát phong lưu phải trả bằng được.

Ta biết gia thế nhà họ Nguyễn Công Trứ không thuộc hàng cao sang, đất đai không có, vốn liếng không có, cuộc sống nghèo nàn. Ông đã từng làm bài phú Chém cha cái nghèo. Muốn giải thoát, thỏa chí tang bồng thì ông chỉ có một con đường là thi đỗ để ra làm quan. Theo cái chí đó, nhà thơ không bao giờ chán nản, chùn bước, mặc dù con đường thi cử của ông cũng khá gian nan. Kỳ thi đầu năm 1807, ông bị trượt, kỳ thi năm 1813, ông mới đỗ tú tài, chưa được làm quan. Chỉ đến năm 1819, ông mới đỗ giải nguyên. Lúc đó ông đã 42 tuổi. Nhưng trong những ngày tháng nghèo nàn, khổ cực, Nguyễn Công Trứ bao giờ cũng tự tin, lạc quan. Hiểu điều này mới hiểu lòng tự tin kia không phải tự kiêu, tự phụ, mà là tinh thần không ngừng khích lệ mình để tự khẳng định mình.

Trong cuộc lựa chọn giữa cuộc sống ruộng vườn cho qua ngày tháng với cuộc sống có công danh, ông đã chọn hẳn chí công danh :

Rắp mượn điền viên vui tuế nguyệt,

Dở đem thân thế hẹn tang bồng.

Ông như mũi tên đã đặt trên cây cung, lăm lăm chỉ có một việc là bắn trúng đích. Câu thơ sau đây có thể xem là tuyên ngôn về chí hướng làm người của ông :

Đã mang tiếng ở trong trời đất,

Phải có danh gì với núi sông.

“Đã mang tiếng” đây là mang tiếng làm người. Làm người thì phải có “danh gì” mới xứng đáng. Hai chữ “danh gì” đầy hàm ý : Đó là danh tiếng, là công danh, đủ để lưu danh hậu thế. Trong một bài khác, Nguyễn Công Trứ đã nói rõ : “Không công danh thì nát với cỏ cây”. Đối với ông, thư sinh mặt trắng là vô danh, tú tài cũng chưa kể là danh. Chữ “danh” của ông tương xứng với anh hùng, là kẻ đứng đầu những người xuất chúng :

Trong cuộc trần ai ai dễ biết,

Rồi ra mới biết mặt anh hùng.

Câu thơ đầy tự hào và tự tin. Trong cuộc sống hàn vi, nghèo khổ hiện tại, ai biết được ai ? Nhưng chắc chắn, “rồi ra” mọi người mới biết danh tiếng anh hùng của ông. Thật hiếm có một  tinh thần lạc quan, tự tin đến như vậy. Có người hiểu một ý thức anh hùng cá nhân như vậy là tiêu cực vì mục đích của nó chỉ là được nổi tiếng. Quả là trong lịch sử có những kẻ muốn nổi tiếng bằng con đường phạm tội, như kẻ đốt đền Erốtxtơrát, người Hy Lạp. Nhưng trường hợp Nguyễn Công Trứ là muốn phát huy cao độ giá trị sẵn có của mình để thỏa mãn các nhu cầu của xã hội, được xã hội công nhận. Đó chính là tư tưởng khẳng định con người và nhân cách con người, có ý nghĩa tiến bộ. Nguyễn Công Trứ không muốn để con người bị mai một, chìm trong tăm tối, nát với cỏ cây, không để lại dấu vết gì cho xã hội. Vì vậy, ông đã lập công xuất sắc trên nhiều lĩnh vực. Chỉ tiếc là trong khuôn khổ chật hẹp của xã hội phong kiến đương thời, Nguyễn Công Trứ đã nhiều phen lận đận. Dù thế nào, Nguyễn Công Trứ cũng để lại một tấm gương vĩ đại sáng ngời cho những ai muốn phát huy tận độ các giá trị của mình.

CHÍ ANH HÙNG

(NGUYỄN CÔNG TRỨ)

Bài Chí anh hùng của Nguyễn Công Trứ là một bài thơ hát nói bày tỏ chí khí của mình, thuộc vào loại thơ ngôn chí cổ điển. Thơ ngôn chí là thơ bày tỏ, khẳng định, biểu dương lý tưởng sống của người làm thơ. Bài thơ này bày tỏ đầy đủ khát vọng lý tưởng của tác giả, một người thanh niên trong xã hội phong kiến.

Bốn dòng đầu nhà thơ tỏ ý muốn thi thố sức trai và miêu tả một không gian trời đất bao la làm bối cảnh cho bản thân mình vẫy vùng, hoạt động :

Vòng trời đất dọc ngang, ngang dọc,

Nợ tang bồng vay trả, trả vay.

Chí làm trai nam bắc đông tây,

Cho phỉ sức vẫy vùng trong bốn bể.

Tác giả đã hình dung trời đất “dọc ngang, ngang dọc”, “nam bắc đông tây”, “bốn bể” như là một không gian nhiều chiều thênh thang, rộng mở, thông suốt, không có gì cản trở, hứa hẹn một trường hoạt động tự do cho con người bước vào đời thi thố tài năng. Trong xã hội phong kiến, ngày nay ai cũng biết là chật hẹp, định kiến, một cách cảm nhận không gian như thế tuy thể hiện cái chí khí lớn lao của nhà thơ, song không khỏi mang ý vị ảo tưởng.

Tác giả cũng bày tỏ một quan niệm về sứ mệnh ở đời. Người con trai sinh ra ở đời là mang theo một món nợ về công danh, sự nghiệp : hoặc lập chiến công trên chiến trường, hoặc đoạt bằng cấp cao trong khoa cử, được nhà vua dùng vào việc lớn cho dân cho nước. Xưa Phạm Ngũ Lão cũng bày tỏ lý tưởng này trong mấy câu thơ :

Nam nhi vị liễu công danh trái,

Tu thính nhân gian thuyết Vũ hầu.

(Nghĩa là : Người con trai mà chưa trả được nợ công danh của mình thì thẹn thùng mỗi khi nghe người đời nói chuyện Vũ hầu Gia Cát Lượng).

Nguyễn Công Trứ xem trả nợ công danh – nợ tang bồng là việc tất nhiên phải làm, không có gì phải băn khoăn, suy tính. Câu “Cho phỉ sức vẫy vùng trong bốn bể” vừa thể hiện tình cảm hăm hở, vừa biểu thị lòng tự tin vào sức mình và sự thành công của mình.

Bốn dòng tiếp theo của bài có thể coi là bốn câu “luận”, thuyết minh cho cái chí trong bài :

Nhân sinh thế thượng thùy vô nghệ,

Lưu đắc đan tâm chiếu hãn thanh.

Đây là hai câu thơ chữ Hán mà người làm thường đưa vào như là dẫn sách, nói chữ, tỏ cho thấy tư tưởng của mình có căn cứ từ xưa. Nguyên hai câu này vốn là câu thơ của Văn Thiên Tường đời Tống trong bài Quá Linh Đinh Dương làm khi bị quân Nguyên bắt đi qua Linh Đinh Dương. Tướng quân Nguyên bức ông đầu hàng và bán rẻ quân Tống, ông làm bài thơ tỏ chí quyết tử :

Nhân sinh tự cổ thuỳ vô tử,

Lưu thủ đan tâm chiếu hãn thanh.

Nghĩa là “Đời người từ xưa ai mà không chết, Cốt lưu giữ được lòng son soi sáng sử xanh”. Nguyễn Công Trứ đã sử dụng câu thơ này theo lối tập cổ và đổi thay một số chữ thành ra là :

Đời người ở trên đời ai mà không có nghề,

(Cốt) để cho được lòng son chiếu sáng sử xanh.

Câu thơ của Văn Thiên Tường biểu thị ý chí quyết tử để giữ gìn khí tiết, không đầu hàng, tràn đầy chính khí và bi tráng. Nguyễn Công Trứ tuy chí cũng mong được ghi tên sử sách, nhưng không có lý do gì để quyết tử, nên đã thay đổi câu thơ đi, thành “ai mà không có nghề”, và mong được nổi tiếng trong sự nghiệp của mình. Quả nhiên sau này ta thấy Nguyễn Công Trứ đã làm các việc khác nhau, mà nhiều việc trở thành sự nghiệp xuất chúng.

Đã chắc ai rằng nhục rằng vinh,

Mấy kẻ biết anh hùng thời vị ngộ.

Mấy chữ “thời vị ngộ” nghĩa là lúc chưa gặp được dịp thi thố, cho biết Nguyễn Công Trứ lúc này chưa có công danh gì, nhưng ông hoàn toàn tự tin, không gì làm nhụt được ý chí của ông.

Bốn dòng kế tiếp phác họa ra những sự nghiệp anh hùng mà tác giả sẽ làm khi có dịp. Đáng chú ý là cái tư thế làm chủ trời đất, vũ trụ :

Cũng có lúc mây tuôn sóng vỗ,

Quyết ra tay buồm lái trận cuồng phong.

Chí những  toan xẻ núi lấp sông,

Làm nên đấng anh hùng đâu đấy tỏ.

Hai câu trên nghe như ý vị của câu thơ đầy khí phách của Lý Bạch trong bài Hành lộ nan (Bài 1) :

Trường phong phá lãng hội hữu thì,

Trực quải vân phàm tế thương hải.

Nghĩa là “Nhất định sẽ có lúc ta cưỡi gió mạnh, rẽ sóng lớn, giong thẳng buồm mây vượt biển xanh !”. Nguyễn Công Trứ tin sẽ có lúc “mây tuôn sóng vỗ”, tức là lúc thế sự nghiêng ngửa đảo điên, ông sẽ quyết ra tay buồm lái cuồng phong đưa nó vào trật tự. Đó là chí “cứu khổn phò nguy” của nhà thơ.

“Chí những toan xẻ núi lấp sông” là chí làm việc lớn, việc của anh hùng, để sáng danh khắp nơi.

Ba dòng cuối cùng miêu tả cảnh thành đạt, vinh thân, phong lưu, sung sướng :

Đường mây rộng thênh thang cử bộ

“Cử bộ” là cất bước. Đường mây là đường công danh, quan cao lộc trọng, dường như đang mở ra thênh thênh rộng rãi. Đó là lúc trả xong nợ tang bồng, tức hoàn thành sự nghiệp anh hùng, tác giả lúc ấy đã có thể ung dung thanh nhàn uống rượu, làm thơ :

Thảnh thơi thơ túi rượu bầu

Bài thơ kết lại ở lý tưởng sống nhàn hạ, vui thú, thanh nhã.

Cả bài thơ tràn đầy niềm tin tưởng vào tiền đồ, vào con đường công danh rộng mở : chỗ nào cũng thênh thênh, mở ra bốn phía. Cả bài thơ tràn đầy khát vọng anh hùng. Cả bài ba lần nói tới anh hùng, nhưng dòng nào cũng toát ra chí khí anh hùng đầy tự tin : coi thường khó khăn, muốn thử sức, muốn lập công.

Bài thơ thể hiện trọn vẹn lý tưởng nhân cách của tác giả. Bài này tuy không có hình ảnh, từ ngữ gì mới lạ, nhưng lời thơ phóng khoáng, hào hùng, giọng điệu tự nhiên, chí khí mạnh mẽ, trẻ trung cho ta hiểu một tâm hồn, một cá tính luôn luôn muốn tự khẳng định cái “tôi” của mình, dù là trong công danh hay là trong các thú vui hưởng lạc nhàn hạ.

BÀI CA NGẤT NGƯỞNG

(NGUYỄN CÔNG TRỨ)

Bài ca ngất ngưởng là một bài hát nói nổi tiếng của Nguyễn Công Trứ. Hát nói là một thể thơ dân tộc thuần túy bên cạnh các thể thơ dân tộc khác như lục bát, song thất lục bát. Với tư cách là một thể thơ (phân biệt với điệu hát), hát nói có những đặc điểm khác hẳn với các thể thơ luật Đường. Đó là thể thơ thuộc loại du hý, làm để hát tại các cuộc vui, nơi ca quán, nói chung thích hợp với những tâm hồn tài tử tự do phóng khoáng, thoát vòng cương tỏa, thoát sáo, thoát tục lụy, danh lợi, cốt nắm lấy phút vui hiện tại.

Bài hát nói Bài ca ngất ngưởng này làm sau năm 1848, là năm Nguyễn Công Trứ về hưu dưới thời Tự Đức, đã phụng sự suốt ba mươi năm trời dưới ba triều vua : Minh Mệnh, Thiệu Trị, Tự Đức ; đã từng làm đủ các chức, giữ các vị trí quan trọng như Dinh điền sứ, Tổng đốc Đông, Trấn Tây tham tán, Quảng Ngãi án sát, Thừa Thiên phủ doãn. Khi về hưu, Nguyễn Công Trứ đã 71 tuổi. Theo Lê Thước miêu tả, khi về hưu Nguyễn Công Trứ thật có cái thái độ phiêu nhiên, vật ngoại, nào là mùi hoạn huống, nếp phong lưu đều gác sạch. Hằng ngày, ông mặc áo lụa xanh, vận quần vải đỏ, đi đâu chẳng ngựa chẳng xe, chỉ đủng đỉnh trên lưng con bò vàng, mà đeo đạc ngựa, một bậc đại thần danh tướng mà tự nhiên biến thành ông lão thôn quê(1).

Bài thơ này đã thể hiện tinh thần, cốt cách của Nguyễn Công Trứ trong những ngày sống ngoài vòng cương tỏa.

Mở đầu bài thơ là một câu chữ Hán có tính chất tuyên ngôn :

Vũ trụ nội mạc phi phận sự

Có nghĩa là trong vũ trụ không có việc gì không phải là phận sự của ta. Đó là tư tưởng nhà nho coi làm điều nhân là trách nhiệm của mọi kẻ sĩ. Nhà nho thời ấy đã chịu ảnh hưởng của tư tưởng thực học của thời Minh Thanh : Kẻ sĩ phải cầu thực học, tìm học cả thiên văn, địa lý, việc binh, việc nông, việc thủy, việc hỏa, điển chương các thời. Họ tự coi quốc gia hưng vong thất phu hữu trách. Với câu tuyên ngôn ấy, Nguyễn Công Trứ đã làm nên một sự nghiệp lẫy lừng ít ai sánh kịp. Ông đã kể thuật lại các danh hiệu, chức vụ trong bốn dòng thơ liền :

Khi Thủ khoa, khi Tham tán, khi Tổng đốc Đông,

Gồm thao lược đã nên tay ngất ngưởng.

Lúc bình Tây, cờ đại tướng,

Có khi về Phủ doãn Thừa Thiên.

Nhưng đáng chú ý là mấy câu, chữ sau :

Ông Hy Văn tài bộ đã vào lồng

Hy Văn là biệt hiệu của Nguyễn Công Trứ. Tài bộ là tài ba, tài trí, từ này thấy có trong từ điển của Huỳnh Tịnh Của. Cả câu nghĩa là : Ông Hy Văn tài ba đã vào lồng. Lồng đây là vũ trụ của phận sự mà ông đã tuyên bố ở trên, mà cũng là cái vòng chật hẹp của cương tỏa danh lợi mà sau này ông sẽ thoát khỏi. Cho nên câu thơ thứ hai có một ý vị vừa tự hào vừa chua chát. Chữ “vũ trụ” ở trên nghe hào sảng bao nhiêu thì chữ “lồng” ở dưới nghe chua chát bấy nhiêu !

(1) Xem : Lê Thước. Sự nghiệp và thơ văn của Uy viễn tướng công Nguyễn Công Trứ, Nhà in Lê Văn Tân, 1928.

Đã biết ở đời theo phương châm xưa ai cũng vào lồng, song kẻ “tài bộ” vào lồng đâu có như kẻ khác.

Gồm thao lược đã nên tay ngất ngưởng

Ngất ngưởng là một thái độ tư thế rất đặc biệt. Từ điển học sinh (1971) giải thích từ “ngất ngưởng” như sau :

1. Cao mà không vững, dễ đổ, dễ rơi.

2. Đi thẳng người nhưng không vững, vừa đi vừa nghiêng ngả, chân bước  không đều, không thẳng như muốn ngã (tr. 366).

Từ điển Tiếng Việt (2000) giải thích :

1. Ở tư thế không vững, lắc lư nghiêng ngả như chực ngã.

2. Như ngất nghểu : cao và gây cảm giác không vững, dễ đổ (tr. 674).

Cứ xét theo mấy ý nghĩa này thì cuộc đời của ông Nguyễn Công Trứ ngất ngưởng thật. Ông đã có tài, được trọng vọng, có chức quan cao, nhưng đều không vững vàng và dễ đổ, dễ ngã. Cụ đã làm đến Binh bộ thượng thư, Tổng đốc Hải An, chỉ vì một tên tù vượt ngục mà cụ bị giáng xuống bốn cấp (năm Minh Mệnh thứ 17), được thăng lên ba cấp chưa lâu cụ lại bị giáng xuống Binh bộ hữu tham tri. Sang đời Thiệu Trị cụ làm Tham Tán đại thần bị giáng xuống chức Binh bộ lang trung. Sau cụ vừa được thăng chức Binh bộ tham tri, thì vì có kẻ vu cáo, cụ bị cách hết chức, sung làm lính ở Quảng Ngãi ! Cuối cùng cụ được cất nhắc làm Án sát Quảng Ngãi rồi Phủ doãn Thừa Thiên. Điểm qua như thế để thấy cái đời ngất ngưởng của cụ : cao mà dễ đổ, không vững.

Song trong bài thơ này hai chữ “ngất ngưởng” còn có một ý nghĩa khác không có trong từ điển. Đó là chỉ cái tính cách không chịu khép mình vào bất cứ khuôn phép nào. Đặt  vào chỗ nào rồi nó cũng bung ra, một tính cách cao ngạo, thoát ra khỏi mọi sự ràng buộc. Nhà thơ tự xưng mình là “tay ngất ngưởng”. Mà phải thực sự tài ba thời mới ngất ngưởng được như thế. Vua nhà Nguyễn đã sử dụng ông vào các việc quan trọng như đánh Nam, dẹp Bắc, khai canh, mở rộng đất đai. Nhưng nhà vua thưởng mọn, lại hay đàn hặc, như sợ ông tự phụ, kiêu căng, khinh nhờn, làm cho ông bao phen nhục nhã. Câu nói của Nguyễn Công Trứ trả lời quan tỉnh Quảng Ngãi cũng cho thấy tinh thần “ngất ngưởng” của ông. Khi ấy Nguyễn Công Trứ mặc áo lính, vai đeo dao tu, đội nón gỗ vào ra mắt quan ái ngại thì Nguyễn Công Trứ nói : “Lúc làm đại tướng tôi không lấy làm vinh, thì nay làm tên lính tôi cũng không lấy làm nhục : Người ta ở địa vị nào, có nghĩa vụ đối với nghĩa vụ ấy. Làm lính mà không mang đồ ấy thì sao gọi là lính được ?”.

Nếu sáu dòng đầu nói cái ngất ngưởng của nhà thơ lúc làm quan, thì phần còn lại nói cái ngất ngưởng khi về hưu :

Đô môn giải tổ chi niên,

Đạc ngựa bò vàng đeo ngất ngưởng.

Một câu Hán kèm câu Nôm đã là ngất ngưởng, bò vàng đeo đạc ngựa lại càng ngất ngưởng. Tay kiếm cung mà nên dạng từ bi, tuổi già ngoài bảy mươi còn dẫn theo một hai cô đầu trẻ lại càng ngất ngưởng. Hai chữ “ngất ngưởng” đây như đồng nghĩa với chữ “ngông”, làm những sự khác tục. Đó là ngất ngưởng trong sinh hoạt.

Được mất dương dương người tái thượng,

Khen chê phơi phới ngọn đông phong.

Đây lại là hai câu nói ngất ngưởng trong xử thế. Được hay mất vẫn vui như “Tái ông thất mã”. Khen hay chê vẫn để ngoài tai như ngọn gió đông thổi qua. Ngọn gió thổi qua rồi tan, khen chê cũng chẳng có ý nghĩa gì lâu bền đáng phải để ý. Hai câu thơ chứng tỏ nhà thơ coi thường sự được mất, khen chê và hai chữ “dương dương”, “phơi phới” nói lên trạng thái tự bằng lòng với mình, đắc ý với chính mình, không quan tâm gì dư luận, ngoại vật. Toàn bộ cuộc sống như được thu vào nội lực của chính mình, vào thế giới riêng của mình.

Khi ca, khi tửu, khi cắc, khi tùng,

Không Phật, không tiên, không vướng tục.

Hai câu thơ tả trạng thái sinh hoạt vui thú với thơ, rượu, hát cô đầu của tác giả. Mấy chữ “khi” lặp lại tạo cảm giác vui vẻ triền miên, tuy không phải là Phật, không phải tiên, nhưng cũng không vướng tục. Tác giả tự đặt mình vào vị trí chỉ dưới Phật và tiên, nhưng trên tục, thoát tục. Cái sự không Phật không tiên mà không tục cũng là ngất ngưởng !

Chẳng Trái, Nhạc cũng vào phường Hàn, Phú.

Nghĩa vua tôi cho vẹn đạo sơ chung,

Trong triều ai ngất ngưởng như ông !

Trái Tuân (? – 33), tướng đời Đông Hán, nổi tiếng chấp hành pháp luật nghiêm chỉnh, lập nhiều chiến công dẹp loạn, ốm chết trong quân.

Nhạc Phi (1103 – 1142), danh tướng đời Nam Tống kiên quyết chống quân Kim, từng dâng thư can gián vua, bị cách chức, sau bị gian thần hãm hại chết.

Hàn Kỳ (1008 – 1075), đại thần nhà Bắc Tống, từng làm Hữu tư gián, An phủ sứ, từng thu hồi đất đai bị Khiết Đan chiếm. Cùng Phú Bật thuộc phái bảo thủ, dâng sớ chống biến pháp của Vương An Thạch.

Phú Bật (1004 – 1083), đại thần Bắc Tống, từng làm Khu mật phó sứ, từ chối cắt đất cho Khiết Đan, trung thành với vua, dâng sớ chống biến pháp của Vương An Thạch.

Điểm qua lai lịch mấy ông này ta thấy Nguyễn Công Trứ tự đánh giá mình, tuy chưa phải vào hàng danh tướng, nhưng cũng xứng đáng vào bậc đại thần của nhà nước. Đáng chú ý là tác giả gọi mình là “phường Hàn, Phú”, phường đại thần, có vẻ xem thường, cũng là một thái độ ngất ngưởng ! Ông cũng đánh giá mình vẹn đạo trước sau với các vua nhà Nguyễn. Nhưng là một đại thần ngất ngưởng trong triều !

Bài ca ngất ngưởng là một bài thơ tự vịnh, như rất nhiều bài thơ tự vịnh khác của ông. Trong bài, ông gọi mình là “Ông Hy Văn” như một ngôi thứ ba. Giữa bài gọi “ông”, kết bài lại gọi “Trong triều ai ngất ngưởng như ông“. Cách gọi đó cũng ngất ngưởng ! Thủ pháp chủ yếu là liệt kê và đối lập. Bài vịnh nhằm khẳng định, ngợi ca tính cách ngất ngưởng của mình.

Tác giả đã sử dụng những từ khẩu ngữ ngang tàng để gọi mình : Ngoài gọi là “ông”, ông lại gọi là tay ngất ngưởng, phường Hàn, Phú, gọi thế giới công danh của ông là cái lồng, các chữ ấy lại đem đặt bên cạnh các chức danh quan phương, các tiên, Phật… càng tỏ ra một thái độ tự do thoát tục. Cả bài thơ kể cả đầu đề, có bốn từ “ngất ngưởng”, nhưng xét ra cả bài đều ngất ngưởng.

Bài ca ngất ngưởng thật là một bài ca nghênh ngang thoát tục, thể hiện tinh thần tự do nội tại của một nhân cách lớn.

Advertisement

About Trần Đình Sử

Giáo sư tiến sĩ Lý luận văn học, khoa Ngữ Văn, Đại học sư phạm Hà Nội
Bài này đã được đăng trong Uncategorized. Đánh dấu đường dẫn tĩnh.

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s