Mấy cảm nghĩ về Nhật kí Trong tù của Hồ Chí Minh

 Trần Đình Sử

          1. Có thể xem Nhật ký trong tù là tập thơ chữ Hán cuối cùng trong lịch sử văn học Việt Nam, nhưng tư duy nghệ thuật của nó chủ yếu lại thuộc một loại khác so với truyền thống. Nét nổi bật của thơ ca cổ điển Trung Quốc và Việt Nam là cái nhìn “vũ trụ” đối với con người và cuộc đời. Là những con người sống trong các quan hệ nhân sinh cụ thể, nhưng trong quan niệm, các nhà thơ lại tự thấy họ chỉ sống giữa cỏ cây, núi sông, đất trời. Vì vậy, khi khí khái thì đội trời đạp đất, chọc trời khuấy nước; khi thất ý thì giãi bày với nhật nguyệt, cỏ cây; khi uất hận, hỏi trời xanh, tạo hóa; khi thế cùng, gửi tâm sự vào kiếp sau. Thơ trữ tình Việt Nam từ thế kỉ X cho đến thế kỉ XX, mặc dù có nhiều biến đổi rất quan trọng trong khuynh hướng tư tưởng, tình cảm – và cũng đã có nhiều tài năng lớn, vượt ra khỏi mọi thông lệ thường thấy – nhưng về cơ bản vẫn tư duy trong cái mô hình ấy. Hồi đầu thế kỉ, nhà thơ cách mạng Phan Bội Châu khi vào tù đã nói: “Đã khách không nhà trong bốn biển – Lại người có tội giữa năm châu”, còn cụ Huỳnh Thúc Kháng trong Bài hát lưu biệt lại hát: “Trăng trên trời có khi tròn khi khuyết”… Lối tư duy này làm cho hiện thực xã hội lịch sử cụ thể bị trừu tượng đi, còn các hình ảnh thiên nhiên thì chứa đầy ý nghĩa tượng trưng thâm thúy. Điều làm cho Hồ Chí Minh mang cốt cách nhà hiền triết phương Đông chính là vì ông vẫn giữ lối tư duy này và thể hiện đặc biệt nổi bật trong thơ chữ Hán thời kháng chiến chống Pháp. Trong nhiều bài thơ chữ Hán làm lúc ấy, Hồ Chí Minh là người làm việc nước sống giữa hoa, chim, trăng, suối, trẻ nhỏ, vườn rau… Cách tư duy này động viên được sự đồng cảm cố hữu tồn tại hàng bao thế kỉ trong tâm lý người Việt, dựng lên hình tượng một con người siêu phàm, ung dung, toàn tâm kháng chiến, hiện thân cho non sông, cốt cách và trí tuệ Việt Nam.

          Vũ trụ trong Nhật ký trong tù vẫn mang đậm màu sắc truyền thống với những “phù vân”, “trùng sơn”, “chinh nhân”, “thu nguyệt”… Nhưng vũ trụ này cũng mang rõ nội dung xã hội, thời đại cụ thể, thể hiện ở nhiều bài. Đáng kể là bài Buổi sớm: “Trong ngục giờ đây còn tối mịt – Ánh hồng trước mặt đã bừng soi.” Hoặc bài Cảnh buổi sớm: “Khắp núi nơi nơi rực ánh hồng – Chỉ bởi trước lao còn bóng tối – Mặt trời chưa rọi thấu vào trong.” Nhà ngục được đặt trong một luồng ánh sáng bao trùm đã bộc lộ rõ tính chất cục bộ, lạc lõng của nó. Đọc hết tập thơ, ta thấy nhà ngục đó là cả một xã hội đen tối với những luật lệ riêng lạ lùng, còn mặt trời không còn là nguồn sáng chung trong “nhật nguyệt”, nguồn dương khí của thế giới, mà đã là mặt trời vật chất với những ý nghĩa tượng trưng mới mẻ. Ý nghĩa tượng trưng này thể hiện tập trung ở bài Nắng sớm:

“Nắng sớm xuyên qua nơi ngục thất,

Đốt tan khói đặc với sương dày;

Đất trời phút chốc tràn sinh khí,

Tù phạm cười tươi nở mặt mày.”

          Đây không chỉ là cảnh nắng sớm sinh động trong tù mà còn là ước mơ đổi thay, cải tạo toàn bộ cuộc sống – cái nhà ngục của con người – với một cảm xúc mạnh mẽ, một khí thế không gì ngăn cản được.

          Đã có ý kiến cho rằng thơ Hồ Chí Minh đầy trăng. Có lẽ phải nói thêm: thơ ông đầy ánh nắng sớm. Nếu như thơ cổ đã có nhiều ánh trăng thì ánh nắng sớm ở đây là một hình tượng rất mới mẻ. Thơ xưa chỉ thường nói “tịch dương”, “tà huy”, “lạc nhật”, “nhật mộ”… Phải liên hệ với các bài thơ Đêm dài, Đêm tối, Đêm mùa hạ, Gánh nước đêm… của Nguyễn Khuyến, Tú Xương, Tản Đà, Từ Diễn Đồng, Trần Tuấn Khải… mới thấy cái nắng sớm ở đây gắn liền như thế nào với khát khao đổi đời và cảm quan về thời đại mới. Trước đó, trong bài Lời than vãn của Bà Trưng Trắc – Nguyễn Ái Quốc cũng đã một lần dùng hình ảnh mặt trời buổi sáng tượng trưng cho thời đại mới, chứng tỏ sự nhất quán trong cảm quan của ông. Điều này cũng chứng tỏ thời gian nghệ thuật là sự kéo dài của thời gian thực tại ở trong tâm tưởng và là sự tiếp nối, mở rộng giới hạn vốn có của thời gian nghệ thuật trong văn học thời đại trước.

          2. Một số người sành thơ thường có thói quen đánh giá tập thơ theo tài nghệ vận dụng thi liệu truyền thống và mức độ giống của nó so với các mẫu mực của người xưa. Nhiều ý kiến khác đã góp phần khẳng định tập thơ ở chỗ, bên cạnh phương thức tư duy nghệ thuật truyền thống, nó còn mở ra một cái gì rất mới, góp phần phá vỡ những giới hạn có sẵn trong thi ca trữ tình cổ điển.

          Ở đây có nhiều khía cạnh để bàn. Nhưng điều dễ thấy là thơ Nhật ký trong tù thiên về thể tài thơ ký sự, thơ sinh hoạt hằng ngày. Ai cũng biết quá nửa tập thơ viết về cái phần tồn tại rất vật chất của người tù: bắt rận, ghẻ lở, đói, cùm chân, ngủ cạnh hố xí, chia nước, rụng răng, mất gậy, đêm lạnh, giải đi đường, trượt ngã, ngồi xe than, nộp tiền đèn… Nếu nói đưa chất văn xuôi vào thơ là một hướng phát triển quan trọng của thơ ca thế giới thì Nhật ký trong tù quả là tập thơ Việt Nam thể hiện hướng này một cách độc đáo.

          Khác với quá trình phát triển của thơ một số nước phương Tây, hoặc Nga, từ chủ nghĩa cổ điển, trong thơ cổ chữ Hán không có đối lập tuyệt đối các đề tài cao cả với các đề tài sinh hoạt hằng ngày của nhân dân. Nhưng các hiện tượng như đói rách, hát rong, ăn xin, bán áo, bắt lính… mà các nhà thơ đồng tình với nhân dân ghi nhận như những điều “sở kiến”, chủ yếu lại giới hạn trong phạm vi các sự kiện gây tình cảm bi phẫn, thống thiết, ai oán. Nhật ký trong tù cũng có một số bài như vậy. Nhưng cái chính mà tập thơ mang lại không giản đơn là nhiều sự thực sinh hoạt hằng ngày hơn, mà là một cái nhìn mới đối với các hiện tượng “văn xuôi” hằng ngày. Xét về mặt này thì từ Nguyễn Trãi, thơ Nôm ta đã có con niềng niễng, mớ đòng đong, bè muống, lảnh mùng, cây núc nác, chú vằn, bà ngựa, tằm ôm lúc nhúc… và đó là sáng tạo đột xuất của một thiên tài đi trước thời đại. Song lịch sử văn học Việt Nam cũng từng chứng kiến “một sự vắng bóng rất lâu” những từ ngữ thông tục kiểu đó, có đến ba bốn trăm năm kể từ khi Nguyễn Trãi mất, để rồi đến Hồ Xuân Hương, Nguyễn Khuyến, Tú Xương và nhất là từ phong trào thơ ca gắn liền với cuộc vận động giải phóng dân tộc khoảng mấy mươi năm đầu thế kỉ này chúng lại mới sống lại dần dần, quen thuộc và trở nên thi vị dần dần. Có điều, cũng cần chú ý là ở Hồ Xuân Hương, cái mới chủ yếu chỉ mới là đưa tiếng nôm na và cách nhìn dân gian vào thơ, còn các hình ảnh như con ốc nhồi, quả mít, hòn đá mài… thì căn bản vẫn chỉ là cái cớ để nhà thơ bộc lộ tình cảm. Thơ Nôm Nguyễn Khuyến, Tú Xương… sau này đã giàu lên với nhiều sự thực sinh hoạt của thời đại ấy, nhưng đặc sắc của họ chủ yếu là chế giễu, bỡn cợt, trào lộng. Vì vậy mà nhiều bài thơ của họ được gọi một cách xác đáng là thơ “trào phúng”. Chất trào phúng chủ yếu toát ra ở lời. Tiếp nối mạch thơ sinh hoạt, thế sự, nhưng lời thơ Nhật ký trong tù lời lẽ nào cũng chừng mực, nhã nhặn, hầu như không có chỗ nào dùng tiếng thô để châm chọc hay hạ thấp đối tượng, dầu là đối tượng xấu xa, bỉ ổi. Không phải do tác giả dùng chữ Hán, vì chữ Hán của Hồ Chí Minh phần nhiều là bạch thoại, khẩu ngữ, có xen cả tiếng lóng và tiếng nước ngoài. Chất châm biếm, “uymua” (humour) ở đây dường như chỉ toát ra từ bản chất của hiện tượng, nhằm thỏa mãi trí tuệ chứ không phải để cho sướng miệng:

“Hút thuốc nơi này cấm gắt gao

Thuốc anh nó tịch, bỏ vào bao;

Nó thì kéo tẩu tha hồ hút,

Anh hút, còng đây, tay ghé vào.”

(Cấm hút thuốc)

          Nếu thơ thường được hiểu là thể loại giàu chất tưởng tượng kỳ diệu nhất, thì nhiều bài thơ Nhật ký trong tù hầu như chẳng tưởng tượng gì cả. Trong các bài thơ rõ ràng là có tưởng tượng thì tưởng tượng cũng không bao giờ che lấp các sự thực trần trụi. Cảm hứng của nhà thơ là nói được nhiều sự thực đa dạng vốn là chứng nhân cho sự tồn tại và các quan hệ xã hội của con người. Bảy tám lần nói cái đói trong nhà tù với các biểu hiện khác nhau: đói kêu cha, đói sùi bọt hòa nước mắt, đói bụng réo gào, đói cồn cào, đói run bần bật dưới ánh điện, đói vì muộn giờ cơm, đói chết người này người khác. Bốn lần nói bị trói giải đi đường, tinh thần tác giả rất cao mà lúc nào ta cũng thấy người bị trói giật cánh khuỷu, trói bằng sợi thừng gai, trói bằng xích sắt, trói treo ngược đôi chân! Phương pháp của tác giả là để cho sự vật được nói lên bản chất của chúng. Cái gông dài trong thơ Cao Bá Quát là cái cớ để tác giả nói đến sự vô tình của cái gông và tâm trạng “không hổ thẹn” của một người tù như mình, tuy bị đọa đày nhưng vẫn giữ vững lẽ sống. Chính cách tư duy ấy làm cho các sự vật, dù là văn xuôi nhất, một khi vào thơ thì không còn giữ chất văn xuôi nữa. Cái cùm trong thơ Hồ Chí Minh thì lại khác, nó hiện lên không phải như một biểu tượng về một loại người nào đấy mà với tất cả tính chất cảm tính vật thể:

“Dữ tựa hung thần miệng chực nhai,

Đêm đêm há hốc nuốt chân người;

Mọi người bị nuốt chân bên phải,

Co duỗi còn chân bên trái thôi.”

(Cái cùm)

          Gặp quán cháo nghèo bên đường, rất dễ gây cảm xúc thê lương, cám cảnh cho người lữ khách. Nhưng cảm hứng bài thơ lại ở ý nghĩa vốn có của cái quán nghèo, thậm chí còn có chút hài hước vì sự giản dị quá đáng ấy:

“Ven đường nấp dưới bóng lùm cây,

Một túp lều tranh: “tiệm rượu” đây;

Nào món cháo hoa và muối trắng,

Đường xa, khách tạm nghỉ nơi này.”

(Hàng cháo)

          3. Nhiều người khẳng định cách cảm thụ trong thơ Hồ Chí Minh rất giản dị. Điều đó rất đúng, vì giản dị và sự thực luôn luôn đi đôi với nhau. Nhiều ý kiến cũng xác nhận sức mạnh tinh thần lớn lao của nhà thơ để có thể ung dung thưởng thức thiên nhiên trong nghịch cảnh. Quả là sức mạnh đó gắn liền với bản lĩnh nhận thức sự vật. Thơ ông thể hiện một kiểu tương quan cảnh – tình mới, trong đó tình ý xây dựng trên ý nghĩa khách quan của cảnh vật, sự kiện, chứ không phải theo kiểu “người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”, cũng không phải do một “tính năng động chủ quan” đặc biệt làm tác giả luôn thấy được cảnh vui. Chính ông nói: “Người đi thi hứng bỗng thêm nồng”, lại nói: “Cô quạnh đường xa vợi ít nhiều”.

          Chất văn xuôi và cách tư duy đó đã đổi mới hệ thống thơ Nhật ký trong tù, làm cho thơ ông khi theo đà truyền thống tự ví mình với rồng, với tiên… thì tiên và rồng đây cũng xuất hiện trong một khung cảnh rất “văn xuôi.” Đặc điểm này đòi hỏi phải cảm thụ tập thơ theo một cách khác.

          Nhiều nhà bình luận muốn tìm thấy “nghĩa bóng” quen thuộc trong thơ Hồ Chí Minh, trong khi đó thơ ông dường như chỉ muốn khám phá cái nghĩa đen đích thực của sự vật, giải phóng nó khỏi những ý niệm có trước hay liên tưởng truyền thống che phủ nó đi. Do đó mà khi nói cái chăn giấy thì thấy nó ấm hơn không có chăn; đi xe lửa ngồi toa than nhưng rốt cuộc vẫn “tuyệt” hơn đi bộ; ra khỏi nhà lao để tránh oanh tạc, nhưng mọi người khoan khoái vì được ra khỏi lao! Khuynh hướng này làm cho thơ Hồ Chí Minh giàu chất phân tích, thể hiện ở chỗ dùng nhiều hư từ chỉ nguyên nhân, so sánh, đối lập, nhiều thủ pháp tương phản loại trừ, thậm chí là nghịch lý, nhiều cách nói giới hạn xác định như kiểu “Cờ to đã hẳn là nên có – Cờ nhỏ dù sao thiếu được đâu”; “Rét đến cho than, tuy chẳng mấy”; “Ăn uống đôi khi cũng thạo đời”; “Phần nhiều do giáo dục mà nên”… Nhà thơ như muốn đối lập với loại thơ “khẩu khí”, trong đó bản thân sự “xuất khẩu” đã là một sự kiện tự nó có ý nghĩa. Nghe tiếng gà gáy, ông nhận xét: “Anh chỉ là một con gà bình thường” mà sáng sáng gáy lớn cho dân chúng tỉnh giấc thì “Công anh cũng không phải là xoàng”. Khác hẳn với ý thơ trong một bài từ: “Nhất xướng hùng kê thiên hạ bạch”. Cũng vậy, Cột cây số, Rụng mất một chiếc răng, Lính ngục đánh cắp chiếc gậy của ta… đều mang những ý nghĩa thông thường, biểu hiện một tình cảm dung dị của Bác Hồ đối với mọi người mọi vật, chứ không có gì là “khẩu khí” cả.

          Nhấn mạnh cách tư duy theo “nghĩa đen” của sự kiện và sự thực trong thơ Nhật ký trong tù không hề có ý nghĩa làm nghèo nội dung liên tưởng và tượng trưng của thơ Hồ Chí Minh. Tính đa nghĩa phong phú của các bài thơ nằm ở chỗ phát hiện sự vật trong các thế đối lập và đầy mâu thuẫn, giàu liên hệ của bản thân chúng. Và đó cũng là một phương diện của chất thơ, nếu hiểu chất thơ trong xu hướng vận động của tư duy thẩm mỹ nhằm hướng tới hiện đại.

          Những điều nói trên cho phép khẳng định Nhật ký trong tù chẳng những hay vì thể hiện sinh động một nhân cách lớn, một tinh thần cứng cỏi, tha thiết tình đời, vì có những tác phẩm sánh ngang với những mẫu mực thi ca cổ điển quá khứ, mà còn hay vì bên cạnh đó còn có hàng loạt bài thơ thể hiện một lối tư duy mới, xuất hiện như là những mẫu mực mới, đóng góp vào sự phát triển của tư duy nghệ thuật Việt Nam và làm phong phú cho vườn thơ nhiều hương sắc của chúng ta.


About Trần Đình Sử

Giáo sư tiến sĩ Lý luận văn học, khoa Ngữ Văn, Đại học sư phạm Hà Nội
Bài này đã được đăng trong Uncategorized. Đánh dấu đường dẫn tĩnh.

Bình luận về bài viết này