Địa vị xã hội của văn học trong thời buổi kinh tế thị trường

Địa vị xã hội của văn học trong thời buổi kinh tế thị trường

Trần Đình Sử

Sự nghiệp đổi mới đem lại một sự đổi thay hết sức to lớn cho văn học, mà nay, nói chung chúng ta vẫn chưa nhận thức rõ. Đó là do ta quá quan tâm đến sự nghiệp đổi mới của văn học, quan điểm, tư tưởng, thi pháp, mà ít quan tâm vị thế của văn học đã đổi thay căn bản. Đây là nói về thực chất của vấn đề, không phải theo yêu cầu của khẩu hiện xây dựng nền văn nghệ tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Đó là khẩu hiệu xa rời thực tế.

Thực tế của  văn học là gì? Đó là văn học đã ngoại biên hoá, do xã hội đã chuyển sang thời đại kinh tế thị trường. Mà đã thị trường thì mọi thứ trong xã hội đều biến thành hàng hoá.   Các thứ hàng hoá như nhà cửa, cơm gạo, áo quần đã từ giả thời bao cấp để trở thành hàng hoá như chúng vốn thế. Nhưng các thứ vốn không phải hàng hoá cũng lập tức trở thành hàng hoá như con người, quan chức, địa vị, giáo dục, y tế, thể thao…đều biến thanhg hàng hoá, thì văn học tất nhiên cũng trở thành hàng hoá. Mà đã trở thành hàng hoá thì nó đã ngoại biên hoá, nó không còn đóng va trò vũ khí, chiến sĩ như trước. Bởi mệnh lệnh đồng tiền là tối cao. Không phải vô cớ mà các tác phẩm vốn là vũ khí mãnh liệt một thời như thơ Tố Hữu, truyện của Anh Đức, tự truyện Nguyễn Đức Thuận, Sống như Anh hiển hách một thời, mà nay ít người sờ tới.  Lẽ tất nhiên là tiếng hô văn học là vũ khí, nhà văn là chiến sĩ vẫn còn văng vẳng trong nghị quyết này, văn kiện nọ, nhưng thử hỏi, ai là người thực hiện và thi hành. Xin hỏi, nếu một tác phẩm miêu tả đời sống ngợi ca lí tưởng xã hội chủ nghĩa, tìm ra nhân vật tích cực hi sinh cho chủ nghĩa xã hội, ca ngợi những người chỉ biết cống hiến kiểu Lôi Phong, Pavel Corchagin thì được mấy ai mua đọc? Tất nhiên là vẫn có ai đó mua, đọc và thích thú, nhưng phải nói thật, họ là số ít, rất ít. Văn học cách mạng chỉ sống được trong bầu không khí chiến đấu, sắt lửa, hi sinh xương máu, không ai được sống bình thường, khi văn học là công cụ tuyên truyền, còn trong thời buổi kinh tế thị trường thì nó không còn đất để tồn tại. Kinh tế thị trường tạo ra một lối sống khác, làm giàu, kiễm tiền, mua nhà cao cấp, mua xe hơi đời mới, ăn mặc theo thời trang và đi xem các phim hót. Những người ngheo vẫn muốn thi hoa hậu, muốn nghe băng nhạc tiền chiến, xem các gala cười vô thưởng vô phạt. Cứ xem các chương trinh VTV thì rõ. Văn nghệ đang tứng bước ngoại biên hoá rồi, không thể đảo ngược. Quản lí bây giờ là xử lí những ai phạm luật, mà xác định phạm luật nhiều khi cũng khó.

Xu thế ngoại biên hoá tạo điều kiện cho những tiểu thuyết loại Quỳnh Dao, Kim Dung, Vệ Tuệ, Xuân Thụ và ngày nay sách ngôn tình, đam mĩ trần ngập thị trường. Xu thế ngoại biên hoá cho pháep inlại hàng loạt sách xuất bản ở đo thị miền Nam mà một thời coi là sản phẩm của thực dân mới đem thu thập đem đốt. Sách bán chạy như  Tiếng chim hót trong bui mận gai, Trở về Êden… tràn ngập mộ thời. Phải nói rằng ngoại biên hoá, tức là giải giáp văn học về mặt chính trị (tuyên truyền chống đối là chuyện khác.). Hôm nay ta đọc Vòng tay học trò của Nguyễn Thị Hoàng một cách bình thường, mà không có gì đồi truỵ cả. Và nhà văn hôm nay có thể kể chuyện về đồng tính, về tình ái, tình dục, các phim và tiểu thuyết có cảnh nóng là bình thường. TRong các chương trình Giai điệu tự hào có khuynh hướng “hoà giải” rẩ rõ, khi đưa vào những ca khúc của ccác tác giả mà trước đây chúng ta cấm kị, nói rõ hơn là các tác giả đã có một thời chống cộng. Nhưng các bài ấy người ta đã hát từ lâu trong sinh hoạt. Đã ngoại biên hoá đến như thế thì có mấy ai sáng tác các tác phẩm theo phương châm “tiên tiến” và đậm đà dân tộc nữa? Bài Xuân và tuổi trẻ của La Hối vốn rất Tây. Có mấy ai làm chiến sĩ nữa?

Biến văn học thành hàng hoá, ngoại biên hoá nó,  là thành tựu lớn nhất của công cuộc đổi mới văn học. Nó làm cho tính chất, cơ cấu văn học, mục tiêu văn học thay đổi. Văn học ngày nay phải thú vị, phải hay, thoả mãn nhu cầu giải trí. Giáo dục vẫn rất cần, lí tưởng nhân văn không xem nhẹ, tri thức lịch sử và đời sống rất cần, nhưng trước hết phải lạ, phải khác thường, phải thoả mãn trí tò mò, phải đáp ứng nhu cầu thẩm mĩ đã. Cứ xem những đổi thay trong hình thức tiểu thuyết, đổi thay trong các hình thức thi ca, tân hình thức… thì mới thấy văn học đã thực sự thay đổi rồi. Ai hô khẩu hiện cứ hô, song văn học cứ đi con đường ngoại biên của nó.

Có một thơi chúng ta do tâm lí háo hức đã hiểu sai hai chữ Đỏi mới. Ta chỉ nghĩ đó là đổi mới tu duy xã hội và kinh tế một cách rất cao siêu và trừu tượng. Nhưng đó chỉ là bề ngoài. Đổi mới là chuyển từ bao cấp sang kinh tế thị trường, chuyển tư duy từ giáo điều sang tuỳ tiện, chuyển từ lí tưởng cao cả sang thực dụng tầm thường, là tạo tiền đề cho mọi hoạt động kinh tế, trong đó có vay nợ tràn lan, bán đất dài hạn, chỉ định thầu cho ai mà mình có lợi, có tham nhũng lớn, có lợi ích nhóm, đủ hết. Đổi mới làm thay đổi việc bổ nhiệm nhân sự, làm thất thoát tài sản của nhân dân. Tóm lại tấ cả những gì ta lo lắng hôm nay là thành quả của công cuộc đổi mới đó. Đó là thực chất của Đổi mới. Đổi mới cũng làm cho đời sống xã hội được tự do hơn một chút, dân chủ hơn một chút. Bởi toàn bộ các quy định về tự do của công dân trong hiến pháp vẫn chờ khi có các luật cụ thể thì mới được thi hành, Chỉ có điều quốc hội ta quá bận cho nên các luật ấy không biết bao giờ mứi được thao luận và ban hành.

Chỉ riêng văn học được thực sự hưởng lợi. Nó được thoát ra dần dần khỏi vòng cương toả, được là văn học bình thường. Chỉ dần dần thôi, vì nó vẫn bị này bị nọ bất cứ lúc nào.

(Suy nghĩ đầu xuân.)

About Trần Đình Sử

Giáo sư tiến sĩ Lý luận văn học, khoa Ngữ Văn, Đại học sư phạm Hà Nội
Bài này đã được đăng trong Uncategorized. Đánh dấu đường dẫn tĩnh.

1 Responses to Địa vị xã hội của văn học trong thời buổi kinh tế thị trường

  1. Pingback: Suy nghĩ đầu xuân: Địa vị xã hội của văn học trong thời buổi kinh tế thị trường | CÓP NHẶT

Bình luận về bài viết này