Bác Hồ đã học văn như thế nào?

Bác Hồ học văn như thế nào?

Trần Đình Sử

Hàng ngày đọc báo vẫn thấy không ít người kêu học sinh bây giờ không thích văn, ngại học văn, chê môn văn khô, dạy văn thiếu hấp dẫn. Tôi nghĩ mọi cái đều có thể. Có những người không thích văn hoặc môn văn thật. Không phải cái gì mình thích thì người khác cũng thích như nhau. Ngày trước khi Bác Hồ đi lênh đênh trên tàu biển qua nhiều nước châu Âu, châu Phi, châu Mĩ, cũng có nhiều người đi như anh Ba (tên của Bác lúc bấy giời), nhưng không học được gì hết. Còn anh Ba lại khác. Mỗi lần đến nơi nào anh đều tìm cách lên bờ tìm hiểu, sưu tầm các thứ tiêu biểu của nơi đó như bao diêm, đồ vật lưu niệm. Nhờ vậy Người có ấn tượng sâu sắc về các nơi đã qua, trong khi đó người khác chẳng có ấn tượng gì. Thích học đúng là một động lực rất quan trọng để học tốt, nhưng tự tìm lấy cái thích trong môn học cũng rất cần thiết.

Trong bài bàn về Cách viết viết năm 1952 Bác Hồ đã kể lại quá trình học văn của Người khi ở Pháp. Tất nhiên Bác Hồ đã học trường Quốc học Huế, đã đi dạy học thì tất nhiên Người đã giỏi văn. Nhưng đây là văn Pháp, cũng giống như ta học ngoại ngữ hiện nay. Người ta cũng thường than phiền học ngoại ngữ ở Việt Nam như người leo cột mỡ, cột mỡ trơn, leo lên lại trượt xuống, mãi không lên được đỉnh. Tuy nhiên chúng ta vẫn có rất nhiều em học giỏi các thứ tiếng nước ngoài. Điều đó phụ thuộc vào động cơ học tập. Học để biết, học để sống, học để hoạt động, để giao tiếp. Mục đích học văn chủ yếu là để giao tiếp bằng ngôn ngữ, thứ nữa là để giao tiếp bằng nghệ thuật ngôn từ. Nhiều người nói đến học văn chỉ nói đến nghệ thuật, thực ra là chưa đúng.

Hồi ở Pháp, sau đại chiến thế giới lần thứ nhất, tức từ năm 1919, Bác muốn viết báo mà không biết viết, vì vốn liếng của Người về việc viết lách quá ít. Người đem chuyện đó nói với một người bạn Pháp phụ trách tờ Đời sống của thợ thuyền. Anh ấy bảo, đầu tiên hãy viết ba dòng để thông báo một sự việc rồi gửi cho anh ấy xem. Bác chép làm hai bản. Một bản gửi đi, một bản lưu. Sau khi cái tin ấy được đăng, Bác đối chiếu với bản lưu của mình, xem đã được sửa chữa như thế nào để rút kinh nghiệm. Khi đã viết được ba dòng, người ấy khuyến khích Bác viết dài hơn, năm sáu dòng, mười dòng. Bác lại đối chiếu với bài đã đăng với bản lưu xem sửa thế nào rồi lại viết tiếp. Người ấy khuyến khích Bác viết dài hơn, viết cả cột báo hay một cột rưỡi báo. Khi viết đã dài, người bạn ấy lại yêu cầu Bác viết ngắn lại. Viết ngắn lại có nghĩa là bỏ bớt những câu không quan trọng lắm, những thông tin không chủ yếu, những câu thừa, dài dòng mà ít thông tin. Bác đã làm như thế và Bác đã thành công. Sau đó người bạn Pháp mới bảo. Bây giờ anh muốn viết gì thì viết, thấy đáng viết ngắn thì viết ngắn, đáng viết dài thì viết dài. Vậy là Bác đã có năng lực viết văn. Bác đã thành công thật sự và trên thực tế đã trở thành nhà văn khi viết được những bài kí và truyện ngắn xuất sắc như Paris, Lời than vãn của

Bà Trưng Trắc, Ông Varen và Phan Bội Châu, Con người biết mùi hun khói

Tất nhiên, từ nhà báo chuyển sang nhà văn Bác cũng phải học. Vì viết văn không giống như viết báo. Bài báo chủ yếu chỉ cần thông tin, còn viết văn thì phải có cảm xúc. Để viết được văn, Bác tìm đọc truyện của nhà văn Anatol Franc và Lev Tolstoi. Thì ở đây lại đòi hỏi có cách đọc, biết đọc. Hằng ngày chúng ta vẫn đọc, đọc bài, thậm chí học thuộc bài nữa, nhưng bài văn cứ trôi tuột đi mất, không để lại ấn tượng gì. Đằng này Bác đọc , chú ý quan sát bài văn và có nhận xét về văn trong bài văn. Bác nhận thấy trong văn học không chỉ có kể chuyện  mà còn miêu tả, trong miêu tả người ta viết những gì người ta cảm thấy. Không phải chỉ thấy, mà cảm thấy, nghĩa là có cảm xúc về điều ta thấy. Do có cảm xúc về sự vật mà lời văn cũng có cảm xúc, có chất văn. Lúc ấy, Bác nghĩ, hóa ra viết văn cũng không khó. Chỉ cần mình  biết cảm nhận về sự vật, phát hiện trong sự vật cảm xúc của mình, rồi đem cái ấy mà viết ra. Tôi nghĩ đó là một phát hiện rất quan trọng trên con đường học văn của Bác. Nó là điểm khởi đầu của nhận thức của Bác về văn học. Bác đã có lí khi tự hào coi mình là người học trò nhỏ của các nhà văn lớn như Tolstoi, A. Franc. Như thế đọc mà biết cảm thấy văn, không chỉ biết câu chuyện mà còn phải cảm thấy văn, từ cảm thấy văn mà viết được văn.  Nghĩa là học văn phải rất tự giác, có mục đích.

Nhiều người nói học sinh học văn đâu phải để làm nhà văn. Đúng vậy. Trong số các em đang học văn trên ghế nhà trường chỉ có rất ít người sau này trở thành nhà văn. Bác Hồ cũng vậy, Bác Hồ đâu có muốn trở thành nhà văn. Cho đến cuối đời Bác chỉ nhận mình là nhà báo, không nhận mình là nhà văn, nhà thơ. Bác là nhà cách mạng, đi tìm đường cứu nước. Nhưng làm gì trong xã hội ngày nay đều phải biết ăn nói, biết đọc hiểu thông tin, biết viết thông thạo, diễn đạt được thông tin và ý muốn của mình. Thiếu cái năng lực văn ấy thì khó mà nói chuyện thành đạt trong cuộc đời. Mà em nào đi học mà lại không muốn chuyện thành đạt ?

Có người phải đợi thầy cô giảng văn thật hay mới chịu học văn. Có được thầy cô dạy văn hay để học thì còn gì hạnh phúc bằng? Nhưng trong xã hội làm sao có được chuyện thầy cô nào dạy văn cũng đều hay cả. Điều đó đòi hỏi phải có khiếu, mà có phải thầy cô nào cũng có khiếu văn cả đâu. Cho nên câu chuyện học văn là chuyện của mình, học cho mình, gặp thầy giỏi đương nhiên là tốt, mà gặp thầy dạy chưa  hay thì cũng không sao. Nếu mình muốn học thì thầy cô sẽ sẵn lòng giúp đỡ.

Câu chuyện Bác Hồ học văn không chỉ có ý nghĩa đối với học trò mà cũng rất bổ ích cả  cho thầy cô giáo. Chúng ta đã gợi mở cho học sinh biết nhận xét về văn chưa? Chúng ta đã dạy các em biết viết ngắn rồi viết dài, rồi rút ngắn lại chưa. Chúng ta đã coi trọng việc chấm bài, các giờ trả bài, chữa văn trên lớp cho học sinh chưa?

Đầu năm chúc các em học sinh và các thầy cô giáo học tập cách học văn của Bác Hồ. Học như thế chắc chắn thành công.

.

About Trần Đình Sử

Giáo sư tiến sĩ Lý luận văn học, khoa Ngữ Văn, Đại học sư phạm Hà Nội
Bài này đã được đăng trong Uncategorized. Đánh dấu đường dẫn tĩnh.

3 Responses to Bác Hồ đã học văn như thế nào?

  1. Ngan Dam nói:

    Reblogged this on Live to write – Write to live and commented:
    Học văn cốt là để nuôi dưỡng tâm hồn mình, giúp nó không trở nên khô cằn cứng nhắc. Hơn nữa thích đọc văn, thích nghe văn cũng làm cho mình có khap khát làm văn hơn. Làm văn đôi khi đơn giản chỉ là viết ra những điều mình nghĩ, những thứ mình cảm thấy. Tự bao giờ, nhiều người cứ coi văn chương chỉ là một môn học mà không nhận ra nó là hiện thân của cuộc đời ta, là những câu chuyện cuat những con người quanh ta hay là ở một nơi xa nào đó. Cứ coi văn là một thứ giản dị thôi, như cơm bữa ta ăn chứ đừng xem nó là một món mà chỉ những ông hoàng ngôn từ mới có thể có được

  2. Pingback: Bác Hồ đã học văn như thế nào? | solalluvium

  3. thùy trang 18tui nói:

    cảm ơn thầy hay quá ạ!

Bình luận về bài viết này