Lỗ Tấn: Cỏ dại

LỖ TẤN: CỎ DẠI

 

Trần Đình Sử: Giới thiệu và dịch

(Phần một)

 

 

       Lỗ Tấn là nhà văn hiện đại Trung Quốc rất đỗi quen thuộc với bạn đọc Việt Nam. Ông quê ở Thiệu Hưng, Triết Giang, sinh ngày 25 tháng 9 năm 1881, mất ngày 19 tháng 10 năm 1936. Năm nay là năm kỉ niệm 130 năm sinh và 75 năm ngày mất của ông. Qua phiên dịch, nghiên cứu, giới thiệu của các tác giả Đặng Thai Mai, Trương Chính, Phan Văn Các, Lương Duy Thứ bạn đọc Việt Nam đã có dịp thưởng thức các tập truyện ngắn nổi tiếng như Gào thét, Bàng hoàng, Chuyện cũ viết lại, tạp văn cùng với thơ ca cổ điển của ông. Thơ văn xuôi và hồi kí như Cỏ dại, Nhặt cánh hoa tàn cũng được giới thiệu một phần, nhưng chưa được chú ý đứng mức.

       Tập Cỏ dại thể hiện một phương diện còn được ít biết tới về tâm hồn Lỗ Tấn. Đây là một tập thơ văn xuôi đặc sắc viết vào những năm 1924 – 1925, phản ánh những mâu thuẫn, bế tắc trong tư tưởng nhà văn trước thực trạng xã hội đen tối, nhưng thường không được xem xét kĩ. Văn học sử hiện đại Trung Quốc thời trước viết theo lối cũ thường xem đây là những mâu thuẫn trên con đường phát triển “từ tiến hoá luận tư sản đến giai cấp luận Macxit”. Với quan niệm xem Lỗ Tấn như một thần tượng trọn vẹn, người ta không muốn nói tới những gì là bi quan, hư vô trong tư tưởng của nhà văn. Với quan niệm phản ánh luận thô thiển, những phản ánh về tâm hồn không đựơc đánh giá đúng mức. Mỗi lần nói tới Cỏ dại là người ta nói tới một cái gì nhất thời, ngẫu nhiên trên bước đường qui về một cái gì đó cuối cùng to lớn hơn, vĩnh cửu hơn, tức là đánh giá theo quan điểm tương lai. Trong tiểu luận Di sản đã mất giá của Xecvantex, nhà văn Pháp gốc Tiệp Milan Kundera có nói một ý đáng suy nghĩ: “Trước đây tôi cũng tin rằng tương lai là kẻ duy nhất có tư cách đánh giá tác phẩm và hành vi của chúng ta, về sau tôi hiểu rằng chạy theo tương lai là kẻ nịnh bợ đê tiện nhất trong những kẻ nịnh bợ, là sự xun xoe khiếp nhược trước cường quyền”; “Nhưng nếu tương lai không còn là một giá trị đối với tôi, thì đâu là điểm qui về của tôi? Thượng đế? Quốc gia? Nhân dân? Cá nhân? Câu trả lời của tôi tuy rất phi lý nhưng cũng rất thành thực- Tôi không lấy cái gì làm điểm qui về cả”. Có lẽ chỉ nhìn về tương lai đã làm giảm đi ý nghĩa của hiện tại. Nhưng chính hiện tại mở đường cho tương lai. Tất cả các nhà văn đi tìm cứu cánh sau khi tan vỡ đều rút ra kết luận như Kundera. Chỉ có cuộc đi tìm vô tận vì cái đẹp, chỉ có tâm hồn mãi mãi không thoả mãn mới dẫn dắt con người ta đi tới.

       Đặc sắc của Cỏ dại là một cuộc đi tìm trong cô đơn, một tâm sự hoài nghi đau đớn, và một tinh thần chiến đấu quật cường lặng lẽ, không gì khuất phục được. Đương thời, trong ngọn triều tranh đấu sục sôi của thời đại, Lỗ Tấn thấy Cỏ dại “phần lớn là những đoá hoa nhỏ nhoi, trắng nhợt mọc bên bờ cái địa ngục đã hoang phế”. Năm 1934, trong một bức thư, Lỗ Tấn nói: “Cỏ dại của tôi, kĩ thuật không tồi, nhưng tâm tình thì suy đồi quá”. Nhưng mặt khác, như trong Đề từ đã nói, Cỏ dại chứng tỏ Lỗ Tấn đã từng sống, sống hết mình với thời đại, và ông chưa hề trống không. Nếu văn học là sự vượt lên thực tại hữu hạn, là sự thăng hoa của tâm hồn, thì Cỏ dại là bó hoa của một tâm hồn đau khổ, tuyệt vọng đến cùng cực, nhưng không ngừng tìm kiếm. Có người nói Lỗ Tấn là tâm hồn đau khổ nhất của Trung Quốc hiện đại. Có người so sánh Cỏ dại với tập Hoa ác của Baudelaire quả là không sai.

       Lỗ Tấn là nhà văn dân chủ vĩ đại, triệt để phản phong. Ông chủ trương một thứ văn chương nhìn thẳng vào đời sống, chống lại thứ văn chương che đậy và dối trá. Ông đề cao khẩu hiệu đập vỡ ảo tưởng tinh thần, phơi bày sự bế tắc của sinh tồn. Ông là người nhìn rõ những căn bệnh tinh thần của quốc dân. Ông thấy rõ sức mạnh vĩ đại của nhân dân, nhưng ông cũng thấy rất sâu những căn bệnh của nó. Ông khinh bỉ kẻ thù, nhưng ông cũng thấy chúng giảo hoạt quá. Và ông bước vào một mặt trận có đối thủ mà như không có đối tượng, cô đơn, trơ trọi. Cỏ dại là nỗi đau của một tâm hồn sâu sắc, đào bới đến tận đáy sâu của tồn tại. Đọc kĩ Cỏ dại, ta sẽ thấy đó không hề là một cái gì tạm thời, mà một mặt nào đó, là trạng thái vĩnh cửu của nhân sinh. Con người phải đấu tranh vơi tuyệt vọng và hư vô để tồn tại.

       Cỏ dại học tập bút pháp của tập thơ văn xuôi Con đường tình yêu của Turgenev, viết về những cảnh trong mơ, tạo ra những huyền thoại hiện đại. Nhưng các biểu tượng ở đây kết tinh các biểu tượng đã có trong đời văn của Lỗ Tấn, như những kẻ hiếu kì, nô tài, sự trống không, cánh đồng hoang, đêm thu, mặt trận không đối tượng, che đậy và dối lừa… Những câu văn đầy ấn tượng kiểu Nietzsche, những hình ảnh tượng trưng kiểu Baudelaire…

       Dịch Cỏ dại, chúng tôi muốn giới thiệu với bạn đọc một góc khuất trong tâm hồn của một nhà văn vĩ đại mà tư duy hiện đại không thể bỏ qua, giới thiệu một phương diện siêu hình trong nhà văn hiện thực, để bạn đọc Việt Nam có được một hình ảnh trọn vẹn về Lỗ Tấn, khắc phục bức chân dung được cắt tỉa, ít nhiều công thức đã được biết lâu nay.

       Do yêu cầu đó, chúng tôi trích dịch 17 bài trong số 24 bài của tập Cỏ dại. Văn bản rút từ Lỗ Tấn toàn tập, Tập 2, Bắc Kinh, 1957. Một số trong các bài trên đã được dịch ra tiếng Việt. Nhưng văn hay không ngại dịch lại dịch lại nhiều lần. Cỏ dại là tập văn rất khó dịch, do trình độ có hạn, khó tránh khỏi sai sót, mong bạn đọc lượng thứ và góp ý.

Trần Đình Sử

ĐỀ TỪ CỎ DẠI

 

       Khi im lặng, tôi tự thấy mình chắc nịch; khi sắp cất lời, tôi lại thấy mình rỗng không.

       Sự sống quá khứ chết rồi. Tôi vui mừng vì cái chết đó, nhờ thế mà tôi biết mình đã từng sống. Sự sống ấy rữa nát rồi. Tôi vui mừng vì sự rữa nát đó, nhờ thế mà tôi biết mình chưa hề trống không.

       Bùn của sự sống vung vãi trên mặt đất, không mọc được thành cây gỗ lớn, chỉ mọc cỏ dại, đó là lỗi của tôi.

       Cỏ dại, rễ đã không sâu, hoa lá không đẹp, lại còn hút sương, hút nước, hút máu và thịt của người đã chết từ lâu, mọi vật đều cướp đoạt sự sống của nó. Hễ còn sống thì sẽ còn bị giày xéo, còn bị cắt xén, cho đến chết rồi rữa nát.

       Nhưng tôi thản nhiên, vui mừng. Tôi sẽ cười to, tôi sẽ hát ca.

       Tôi yêu cỏ dại của tôi, nhưng tôi căm ghét cái mặt đất lấy cỏ dại làm trang điểm.

       Lửa đang vận hành dưới đất, chỉ chực phụt lên. Một khi dung nham phụt lên, nó sẽ thiêu rụi tất cả mọi cỏ dại, thiêu cả cây cối, thế là chẵng còn gì để mà rữa nát.

       Nhưng tôi thản nhiên, vui mừng. Tôi sẽ cười to, tôi sẽ hát ca.

      Trời đất đã lặng im đến thế, tôi không thể cười to và hát ca. Trời đất dù cho không lặng im đến thế, có thể tôi cũng sẽ không thể cười và hát. Tôi đem khóm cỏ dại này hiến dâng trước bạn và thù, người và thú, người yêu và kẻ không yêu, giữa lúc sáng và tối, sống và chết, quá khứ và tương lai, để làm chứng.

       Vì bản thân tôi, vì bạn và thù, người và thú, người yêu và kẻ không yêu, tôi mong cho khóm cỏ dại này chết và rữa nát, lửa sẽ đến nhanh. Nếu không thế thì trước đây tôi đã chưa từng sống, điều đó còn bất hạnh hơn cái chết và sự rữa nát.

       Đi đi, cỏ dại, mang cả Đề từ của tôi.

                                                                         Ngày 26 tháng 4 năm 1927

                                                            Lỗ Tấn ghi ở lầu Bạch Vân tại Quảng Châu

 

 

ĐÊM THU

      

       Vườn sau nhà tôi ngoài tường có thể nhìn thấy hai cây, một cây là táo, còn một cây nữa cũng là táo.

       Bầu trời đêm trên vườn kì lạ mà lại cao, đời tôi chưa hề thấy bầu trời kì lạ mà lại cao như thế bao giờ, nó có vẻ như là đang rời bỏ nhân gian mà đi, khiến cho mọi người có ngửa mặt lên nhìn cũng không còn thấy nữa. Ấy thế mà giờ đây nó lại vô cùng xanh, long lanh mấy chục ngôi sao đang nhấp nháy, lạnh nhạt. Trên khoé miệng nó hiện ra nụ cười, tựa hồ như tự cho mình là thâm thuý, rồi đem sương dày rắc trên hoa và cỏ dại trong vườn của tôi.

       Tôi không biết những hoa cỏ dại ấy gọi là gì, người ta gọi chúng bằng những tên gì. Tôi nhớ có một loài hoa nở những đoá hoa phớt hồng cực bé, bây giờ vẫn còn nở, nhưng nhỏ bé hơn trước nhiều. Trong hơi đêm lạnh lẽo này, nó xo ro nằm mơ, mơ thấy mùa xuân đến, mơ thấy mùa thu đến, mơ thấy nhà thơ gầy nhỏ nước mắt lên cánh hoa ngoài cùng của nó, bảo nó rằng, mùa thu tuy đến, mùa đông tuy đến, nhưng sau đó tiếp theo là mùa xuân, bướm sẽ tung bay, ong mật sẽ hát bài ca xuân. Thế là đoá hoa mỉm cười, tuy màu sắc đỏ lạnh đến tội nghiệp, và vẫn xo ro.

       Cây táo hầu như đã rụng hết lá. Trước đó còn có mấy đứa bé đến chọc những quả táo mà người ta hái còn sót lại, bây giờ thì chẳng còn quả nào, đến cả lá cũng rụng hết. Nó biết giấc mơ của đoá hoa phớt hồng, sau mùa thu là mùa xuân. Nó cũng biết giấc mơ của lá rụng, sau mùa xuân là mùa thu. Nó hầu như đã rụng hết lá, chỉ còn trơ lại cành không, nhưng sau khi thoát khỏi cái hình vòng cung mang đầy lá và quả, nó được thoải mái vươn mình. Nhưng còn mấy cành lại oằn thấp xuống che đỡ những vết thương do sào chọc táo đâm phải, còn mấy cành thẳng nhất, dài nhất thì lại lặng lẽ như sắt đâm thẳng lên bầu trời kì lạ mà lại cao, khiến bầu trời lấp lánh chớp mắt; chúng đâm thẳng lên mặt trăng đầy đặn trên trời, khiến mặt trăng quýnh lên, mặt trắng bệch.

        Bầu trời chớp mắt lại càng xanh hơn, không yên, tựa như là muốn rời bỏ nhân gian, né tránh cây táo, chỉ để mặt trăng lại. Ấy thế nhưng mặt trăng cũng len lén nấp về phía đông. Thế mà cái cành cây trơ trụi vẫn cứ lặng lẽ như sắt đâm thẳng lên bầu trời kì lạ mà lại cao, cứ một mực đẩy nó vào chỗ chết, bất chấp nó nhấp nhánh bao nhiêu đôi mắt quyến rũ với đủ các kiểu.

       “Oà” một tiếng, một con chim ác ăn đêm bay qua.

       Tôi bỗng nghe thấy tiếng cười nửa đêm, “xì xì” tựa hồ như không muốn đánh thức những người đang ngủ, thế nhưng không khí bốn bề xung quanh lại đều cười hoạ theo. Nửa đêm, chẳng có ai khác, tôi tức khắc nhận ra âm thanh ấy chính là phát ra từ miệng của tôi, tức khắc tôi cũng bị tiếng cười ấy xua đuổi, trở về phòng của mình. Bấc đèn cũng tức khắc được tôi vặn cao lên.

       Mặt kính trên cửa sổ phía sau nghe tách tách, có nhiều con trùng nhỏ bay đập. Không bao lâu, có mấy con lọt vào, có lẽ là chui từ chỗ rách của tờ giấy dán cửa sổ. Chúng vừa vào bèn bay đập tách tách trên chụp đèn pha lê. Một con bay đập từ phía trên, thế là nó gặp phải ngọn lửa, mà tôi thì cho rằng đó là ngọn lửa thật. Hai ba con khác thì dừng lại nghỉ và thở trên giấy chụp đèn. Đó là chụp đèn mới thay tối qua, giấy trắng bạch, đường gấp theo hình sóng, trên một góc còn có vẽ một cành dành dành đỏ chót. Khi cây dành dành nở hoa đỏ chót thì cây táo lại mơ thấy giấc mơ của đoá hoa nhỏ phớt hồng, cành lá xanh um uốn cong thành hình cánh cung. Tôi lại nghe thấy tiếng cười nửa đêm. Tôi vội vàng dập tắt mối tâm tư của mình, nhìn con côn trùng xanh đang đậu mãi trên chụp đèn, đầu to, đuôi nhỏ, tựa như hoa hướng dương, chỉ to bằng nửa hạt lúa mạch, màu sắc toàn thân xanh biếc rất đáng yêu, đáng thương.

       Tôi ngáp, châm một điếu thuốc, thở khói ra nhìn ngọn đèn, lặng lẽ tôn kính các anh hùng bé nhỏ xanh biếc ấy.

                                                                              Ngày 15 tháng 09 năm 1924

 

SỰ GIÃ TỪ CỦA CÁI BÓNG

    

       Người ta ngủ đến lúc không biết là vào lúc nào nữa thì sẽ có cái bóng đến từ biệt, nói những lời như sau:

       Trên thiên đường có điều tôi không thích, tôi chẳng muốn lên; dưới địa ngục cũng có điều tôi không thích, tôi chẳng muốn xuống; trong thế giới hoàng kim tương lai của các người có điều tôi không thích, tôi chẳng muốn đến.

       Thế mà anh lại chính là điều mà tôi không thích.

       Bạn ơi, tôi không muốn theo anh nữa, tôi chẳng muốn ở lại.

       Tôi không muốn!

       Ô hô chao ôi, tôi không muốn, giá mà tôi được quẩn quanh ở nơi chẳng nơi nào cả.

       Tôi chẳng qua chỉ là cái bóng, muốn từ biệt anh để đắm chìm trong bóng tối. Thế nhưng bóng tối sẽ nuốt chửng tôi, còn ánh sáng thì lại khiến tôi biến mất.

       Nhưng tôi cũng không muốn luẩn quẩn ở giữa bóng tối và ánh sáng, giá mà tôi được đắm chìm vào bóng tối.

       Thế mà rốt cuộc tôi đang luẩn quẩn giữa bóng tối và ánh sáng, tôi không biết nó là hoàng hôn hay bình minh. Tôi hằng giơ bàn tay đen đúa vờ làm như uống cạn một chén rượu, khi không biết lúc đó là lúc nào mà tôi sẽ một mình đi xa.

       Chao ôi! nếu là hoàng hôn thì đêm đen tự nhiên sẽ lại nhấn chìm tôi, nếu không thì tôi sẽ bị ánh sáng ban ngày làm cho biến mất, nếu đó là bình minh.

       Bạn ơi, thời gian sắp đến rồi.

       Tôi sẽ hướng về bóng tối để quẩn quanh ở nơi chẳng nơi nào cả.

       Anh lại còn muốn quà tặng của tôi. Tôi biết dâng tặng anh cái gì? Bất đắc dĩ, chỉ vẫn là bóng tối và trống không mà thôi. Nhưng tôi chỉ mong nó là bóng tối, có thế nó sẽ biến mất trong ánh ngày của anh. Tôi chỉ muốn nó là trống không, quyết không chiếm chỗ trong cõi lòng của anh.

       Tôi muốn như thế này, bạn ơi.

       Tôi một mình đi xa, chẳng những không có anh, mà cũng không có cái bóng nào khác trong bóng tối. Chỉ có mình tôi bị bóng tối nuốt chửng, thế giới ấy hoàn toàn chỉ thuộc về tôi.

                                                                             Ngày 24 tháng 09 năm 1924

 

 

ĐỨA VAN XIN

      

     Tôi đi men theo bức tường cao lở lói, chân dẫm lên trên đất bụi xốp tơi. Ngoài tôi ra còn có mấy người nữa, ai đi đường nấy. Gió nhẹ thổi tới, cành cây cao nhô ra trên tường có mấy chiếc lá chưa khô lay động trên đầu tôi.

       Gió nhẹ nổi lên, bốn bề đều là đất bụi.

       Có một đứa trẻ đến van xin tôi, nó cũng mặc áo kép, không có vẻ gì là buồn thảm, thế mà ngăn tôi lại để vái chào, chạy theo tôi mà kêu thảm thiết.

       Tôi chán ghét cái giọng điệu, thái độ của nó. Tôi căm ghét việc nó không buồn đau, có vẻ như là đùa chơi; tôi chán ngấy việc nó chạy theo mà kêu thảm thiết.

       Tôi đi trên đường. Ngoài tôi ra còn có mấy người nữa, ai đi đường nấy. Gió nhẹ thổi lên, bốn bề đều là đất bụi.

       Có một đứa trẻ đến van xin tôi, nó cũng mặc áo kép, cũng chẳng lấy gì làm buồn thảm, nhưng nó câm, nó dang hai tay, vờ làm điệu bộ.

       Tôi căm ghét cái điệu bộ đó. Với lại, có thể là nó không câm, đó chẳng qua là một cách để van xin.

       Tôi không bố thí. Tôi không có lòng bố thí, tôi chỉ đứng trên kẻ bố thí, chỉ ban cho chúng những chán ngán, nghi ngờ và căm ghét.

       Tôi đi men theo bức tường đất đã sụp đổ, gạch vỡ chất vào chỗ sụp đổ của bức tường, trong tường chẳng có gì cả. Gió nhẹ thổi lên, đưa cái lạnh mùa thu thấm qua áo kép của tôi; bốn bề đều là đất bụi.

       Tôi nghĩ tôi sẽ dùng cách gì để van xin: khi cất lời thì dùng giọng điệu nào? Khi vờ câm thì dùng động tác nào?

       Ngoài tôi ra còn có mấy người nữa, ai đi đường nấy.

       Tôi sẽ không nhận được bố thí, không nhận được lòng bố thí; tôi sẽ nhận được cái ở bên trên kẻ bố thí, sự chán ngán, nghi ngờ, căm ghét.

       Tôi sẽ cầu xin bằng vô vi và lặng im.

       Tôi ít nhất sẽ nhận được trống không.

       Gió nhẹ thổi lên, bốn bề đều là đất bụi.

       Ngoài tôi ra còn có mấy người nữa, ai đi đường nấy.

       Đất bụi, đất bụi…..

       ……….

       Đất bụi…….

Ngày 24 tháng 09 năm 1924

      

        

TÔI THẤT TÌNH

                                                             Thơ vè nhại cổ

       

              Tình của tôi ở lưng chừng núi;

              Muốn đến thăm nàng, núi quá cao,

              Cúi đầu chịu phép, lệ ướt áo.

              Người yêu tặng tôi khăn trăm bướm,

              Tặng lại nàng gì? Chim cú mèo.

              Từ đấy quay mặt không nhìn nữa.

              Tôi giật mình chừ, chẳng biết sao!

 

              Tình của tôi ở tại phố đông;

              Muốn đi tìm nàng, người nghẽn lối,

              Ngửa mặt chịu phép, lệ ướt tai.

              Người yêu tặng tôi tranh đôi én,

              Tặng lại nàng gì? Mứt sơn trà.

              Từ đấy quay mặt không nhìn nữa.

              Tôi ngơ ngác chừ, biết vì ai!

 

              Tình của tôi ở tại bờ sông;

              Muốn đi tìm nàng, ngại nước sâu,

              Nghẹo đầu chịu phép, lệ ướt áo.

              Người yêu tặng tôi dây đồng hồ vàng,

              Tặng lại nàng gì? Thuốc nhức đầu.

              Từ đấy quay mặt không nhìn nữa.

              Thần kinh đau chừ, biết vì đâu!

 

              Tình của tôi ở tại nhà giàu;

              Muốn đi tìm nàng, xe hơi đâu?

              Lắc đầu chịu phép, lệ như trút.

              Người yêu tặng tôi đoá hoa hồng,

              Tặng lại nàng gì? rắn nẹp hồng.

              Từ đấy quay mặt không nhìn nữa.

              Thì mặc nàng thôi, còn biết tại sao!

Ngày 03 tháng 10 năm 1924

 

TRẢ THÙ

 

       Da con người ta dày bất quá nửa phân, máu nóng tươi thắm chảy bên dưới nó, cuồn cuộn chảy trong mạng huyết quản còn dày đặc hơn cả sự dày đặc của đám sâu hoè tầng tầng lớp lớp bò trên bức tường, toả ra hơi ấm. Thế là mọi người đem cái hơi ấm ấy mà khêu gợi nhau, khích động nhau, lôi kéo nhau, cố sức để dựa vào nhau, hôn nhau, ôm nhau, mong cầu được niềm vui lớn đắm say của sự sống.

       Nhưng nếu dùng một lưỡi dao sắc nhọn, chỉ đâm một cái, xuyên qua lớp da hồng đào mỏng manh ấy thì sẽ thấy máu nóng hồng tươi kia vọt ra như tên tắm đẫm kẻ giết người bằng cái nóng trực tiếp. Tiếp đó là cho ra hơi thở lạnh băng, cho thấy đôi môi trắng nhợt, khiến cho tính người tê dại, nhận được niềm vui sướng tột cùng của sự sống bay bổng; còn bản thân người ấy thì mãi mãi đắm chìm vào niềm vui lớn tột cùng của sự sống bay bổng.

       Như thế cho nên có hai người loã lồ toàn thân, tay cầm dao sắc đứng đối diện nhau trên cánh đồng vắng mênh mông.

       Hai người đó sắp ôm nhau, sắp giết nhau…

       Người qua đường từ bốn phía túa lại, tầng tầng lớp lớp, như đám sâu hoè bò trên tường, như bầy kiến xúm nhau lại khiêng mẩu cá khô. Áo quần họ đẹp đẽ, nhưng tay không. Thế mà từ bốn phía túa lại, mà lại đều cố sức vươn dài cổ ra, để thưởng thức cuộc ôm nhau hay giết nhau ấy. Họ đã cảm thấy trước cái vị tươi của mồ hôi hoặc máu trên đầu lưỡi mình sau khi việc ấy xảy ra.

       Thế nhưng hai người đứng đối diện nhau, trên cánh đồng vắng bao la, toàn thân loã lồ, tay cầm dao sắc, thế mà họ lại không ôm nhau, cũng không giết nhau, cũng chẳng có ý ôm nhau hoặc giết nhau.

       Họ cứ đứng như thế cho đến vĩnh viễn, những thân thể đầy đặn đã dần dần khô kiệt, thế mà vẫn không có ý định ôm nhau hay giết nhau.

       Người qua đường bèn cảm thấy chán ngắt, cảm thấy nỗi chán chường chui vào trong từng lỗ chân lông, rồi cảm thấy cái chán ngấy từ trong trái tim chui qua lỗ chân lông mà thoát ra ngoài, bò trên cánh đồng vắng, rồi lại chui vào lỗ chân lông người khác. Thế là họ cảm thấy lười và họng khô rát, cổ vươn đã mỏi, cuối cùng mặt nhìn mặt, họ từ từ tản đi. Thậm chí còn cảm thấy khô khan đến mức mất hết sinh thú nữa!

       Thế là chỉ còn lại có cánh đồng vắng mênh mông, còn hai người toàn thân loã lồ, tay cầm dao sắc, đứng khô kiệt, đem ánh mắt như người chết mà thưởng thức cái khô kiệt của bọn qua đường, một cuộc chém giết không đổ máu, thế mà mãi mãi đắm chìm trong niềm vui sướng lớn tột cùng của sự sống bay bổng.

                  Ngày 20 tháng 12 năm 1924

           

TRẢ THÙ ( 2 )

 

       Bởi vì người tự cho mình là con của thần linh, cho nên vua của Israel mới đem đóng đinh trên giá thập tự.

       Binh lính mặc cho người bộ áo màu tía, đội mũ gai, chúc mừng người, rồi lại lấy một cây sậy mà đập lên đầu người, phỉ nhổ vào người, quì gối lạy người, đùa nghịch chán, chúng lại cởi áo tía ra, mặc lại áo của người cho người.

       Xem kìa, chúng đang đập vào đầu người, nhổ vào mặt người, quì lạy người.

       Người không chịu uống thứ rượu có pha thuốc mê để được nhấm nháp rõ ràng cái cách mà bọn người Israel đối phó với người con của thần linh của chúng, vả lại sẽ xót thương lâu dài cho tiền đồ của chúng, nhưng lại căm thù cái hiện tại của chúng.

       Bốn bề đều là thù địch, đáng xót thương, đáng nguyền rủa.

       Tiếng búa đóng chan chát, mũi đinh xuyên qua lòng bàn tay, chúng muốn đóng đinh giết chết người con của thần linh của chúng. Hỡi những kẻ đáng thương, nếu điều đó làm cho người dịu bớt nỗi đau. Tiếng búa đóng chan chát, mũi đinh xuyên qua mu bàn chân, xuyên vỡ một cái xương, đau đớn nhói vào tuỷ sống. Thế mà chúng tự tay đóng đinh giết chết người con của thần linh của chúng. Hỡi những kẻ đáng nguyền rủa, điều đó khiến người đau cảm thấy dễ chịu.

       Giá thập tự đã dựng lên, người bị treo trên trống không.

       Người không uống thứ rượu có pha thuốc mê, muốn nhấm nháp thật rõ rệt cái cách mà người Israel đối phó với người con của thần linh của chúng, vả lại sẽ thương xót lâu dài cho tiền đồ của chúng, mà căm thù cái hiện tại của chúng.

       Kẻ qua đường đều nhục mạ người. Viên tư tế và lũ văn sĩ đều bỡn cợt người, cả hai tên cướp cùng bị đóng đinh trên cây thập tự cũng chế nhạo người.

       Xem kìa, kẻ cùng bị đóng đinh…

       Bốn bề đều là thù địch, đều đáng xót thương, đáng nguyền rủa.

       Trong nỗi đau ở tay và ở chân, người cảm thấy nỗi buồn của người con của thần linh bị bọn người đáng thương đóng đinh giết chết, và nỗi vui của bọn người đáng nguyền rủa muốn đóng đinh giết chết người con của thần linh, mà con của thần linh thì lại sắp bị đóng đinh giết chết. Đột nhiên, nỗi đau lớn của cái xương vỡ nhói vào tuỷ và người đắm chìm vào trong nỗi vui sướng lớn và đau thương lớn.

       Vùng bụng của người chuyển động, ngọn trào đau đớn của bi thương và nguyền rủa.

       Khắp nơi đều tối đen.

       – Iroi, Iroi, Lamasapa cotani?! (Dịch ra là: Hỡi Thượng đế, sao người lại bỏ con?!).

       Thượng đế đã rời bỏ anh ta, anh ta rốt cuộc là một người con của con người, thế nhưng người Israel thì đến con của con người, họ cũng đóng đinh giết chết!

       Trên người của những kẻ đóng đinh giết chết đứa con của con người còn đẫm máu hơn, tanh hôi hơn khi đóng đinh giết chết người con của Thượng đế.

Ngày 20 tháng 12 năm 1924

 

Advertisement

About Trần Đình Sử

Giáo sư tiến sĩ Lý luận văn học, khoa Ngữ Văn, Đại học sư phạm Hà Nội
Bài này đã được đăng trong Uncategorized và được gắn thẻ , . Đánh dấu đường dẫn tĩnh.

4 Responses to Lỗ Tấn: Cỏ dại

  1. Pingback: Anhbasam Điểm Tin Thứ Hai, 24-06-2013 | doithoaionline

  2. Pingback: Tin Thứ Hai, 24-06-2013 | Dahanhkhach's Blog

  3. Pingback: NHẬT BÁO BA SÀM : TIN THỨ HAI 24-6-2013 | Ngoclinhvugia's Blog

  4. Pingback: Tin Thứ Hai, 24-06-2013 « BA SÀM

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s