LỖ TẤN: Cỏ dại
Trần Đình Sử dịch (Phần 2)
HY VỌNG
Lòng tôi vô cùng vắng vẻ.
Vậy mà lòng tôi rất bình yên: không có yêu ghét, không có buồn vui, cũng không có màu sắc và thanh âm.
Có lẽ tôi già rồi. Tóc tôi đã bạc trắng, chẳng phải là sự thực hiển nhiên sao? Tay tôi run rẩy, không phải là sự thực rõ ràng sao? Vậy thì bàn tay trong tâm hồn tôi chắc cũng run rẩy rồi, đầu tóc của nó cũng bạc rồi.
Thế nhưng đó là việc của nhiều năm trước.
Trước đó lòng tôi cũng từng ngập tràn tiếng ca tanh máu; máu và sắt, lửa và độc, khôi phục và báo thù. Rồi đột nhiên những thứ ấy đều trống không, nhưng có lúc cố ý lèn vào một thứ hy vọng bất đắc dĩ để tự dối mình. Hy vọng, hy vọng, đem đến cái khiên hy vọng mà chống đỡ cuộc tập kích của đêm tối trong trống không, tuy rằng sau cái khiên vẫn là đêm tối trong trống không. Nhưng mặc dù là vậy, cũng dần tiêu ma mất tuổi trẻ của tôi.
Lẽ nào trước đây tôi không biết rằng tuổi trẻ của tôi đã mất? Nhưng tôi cho rằng tuổi trẻ ngoài tôi vẫn còn: các vì sao, ánh trăng, bươm bướm buông mình, hoa trong tối, lời không lành của chim cú mèo, chim đỗ quyên khóc chảy máu, nụ cười mơ hồ, tình yêu bay lượn… Tuy là một tuổi trẻ buồn lạnh, mịt mù, nhưng vẫn là tuổi trẻ.
Vậy mà giờ đây vì sao lại vắng vẻ thế? Lẽ nào cả tuổi trẻ ngoài tôi cũng đã mất rồi, tuổi trẻ trên đời cũng phần nhiều già yếu rồi ?
Tôi đành phải một mình vật lộn với đêm đen trong trống không. Tôi đặt cái khiên hy vọng xuống. Tôi nghe bài ca Hy vọng của Sandor Petofi (1823- 1849):
Hy vọng là gì, là ả gái điếm:
Ai cũng quyến rũ, ai cũng dâng mời
Chờ đến khi anh tiêu hết cái quí báu nhất đời
Là tuổi trẻ – cô ả liền bỏ anh
Nhà thơ trữ tình vĩ đại ấy, nhà yêu nước Hunggari, vì Tổ quốc mà chết trên mũi dao nhọn của lính Côdắc, đã 75 năm rồi. Buồn thay cái chết! Nhưng buồn hơn là thơ ca ông vẫn chưa chết !
Nhưng cuộc đời thật đáng thương! Anh hùng kiên dũng như Petofi cũng đành dừng bước trước đêm tối, nhìn lại phương Đông mịt mù. Ông nói:
Tuyệt vọng mà thành trống không thì cũng giống như là hy vọng. Nếu tôi còn phải sống trộm trong cõi trống không không sáng không tối này thì tôi còn phải tìm cái tuổi trẻ buồn lạnh, mịt mù đã mất ấy, nhưng không ngại tìm ngoài thân tôi. Bởi vì tuổi trẻ bên ngoài nếu mà đã chết, thì sự già lão trong tôi cũng lập tức điêu linh.
Thế nhưng bây giờ không có sao và ánh trăng, không có bướm buông cánh và cả nụ cười mờ mịt, tình yêu bay múa. Vậy mà cánh trẻ tuổi rất bình yên.
Tôi đành phải một mình vật lộn với đêm đen trong trống không này, cho dù không tìm được tuổi trẻ ngoài tôi, cũng phải tự mình ném phăng cái già lão trong mình. Nhưng đêm đen lại nằm ở đâu? Giờ đây không có sao, không có ánh trăng, cả nụ cười mù mịt, tình yêu bay múa; cánh trẻ tuổi rất bình yên, mà trước mặt tôi đến nỗi không có cả cái đêm tối thật.
Tuyệt vọng mà thành trống không.
Thì cũng giống như là hy vọng.
Ngày 01 tháng 01 năm 1925
KHÁCH QUA ĐƯỜNG
Thời gian: Hoàng hôn một ngày nào đó.
Địa điểm: Một nơi nào đó.
Nhân vật:
Ông lão – khoảng 70 tuổi, râu tóc bạc, áo dài đen.
Bé gái – khoảng 10 tuổi, tóc hoe, mắt đen, áo dài nền trắng kẻ ô đen.
Khách qua đường – khoảng 30- 40 tuổi, dáng mỏi mệt, quật cường, ánh mắt u tối, râu đen, tóc rối, áo chẽn màu đen và quần đều rách bươm, chân trần mang giầy rách, vai đeo một cái túi, chống một chiếc gậy trúc cao bằng người.
Phía đông là mấy cây linh tinh và ngói vụn; phía tây là nghĩa địa hoang vắng đổ nát; ở giữa có dấu vết lờ mờ của một con đường, như có như không. Một gian nhà đất nhỏ bé, mở một cánh cửa về phía con đường. Cạnh cửa có một khúc gốc cây khô.
(Bé gái đang muốn đỡ ông lão ngồi trên gốc cây đứng dậy)
Ông lão: Cháu ơi, chà, cháu à, làm sao mà không nhúc nhích được thế này?
Bé gái: (Nhìn về phía đông) Có ai đến kìa, nhìn mà xem.
Ông lão: Xem làm gì. Hãy đỡ ông vào nhà đi. Nắng sắp tắt rồi đấy.
Bé gái: Cháu… muốn xem một tí.
Ông lão: Thôi, cái con bé này! Ngày nào cũng nhìn thấy trời, nhìn thấy đất, nhìn thấy gió, còn chưa đủ hay sao? Chẳng có gì hay hơn các thứ đó, thế mà cháu còn muốn xem ai? Những thứ xuất hiện khi trời chiều sẽ chẳng ích gì cho cháu cả… Thôi, vào nhà đi.
Bé gái: Nhưng mà, đã đến gần rồi. Ôi chao, một gã ăn mày!
Ông lão: Ăn mày? Đã chắc đâu mà!
(Người khách qua đường khập khiễng từ khóm cây phía đông bước lại, sau khi ngần ngừ giây lát, từ từ tiến lại phía ông lão)
Khách: Thưa cụ, xin chào cụ.
Ông lão: Ồ, chào anh.
Khách: Thưa cụ, tôi mạo muội, dám xin cụ một cốc nước uống. Tôi đi đường khát quá. Ở nơi này lại chẳng có ao hồ hay vũng nước nào cả.
Ông lão: Ồ, được, mời anh ngồi, (nói với cháu) cháu ơi, lấy nước đi, cốc phải rửa sạch nhé.
(Bé gái lặng lẽ đi vào nhà)
Ông lão: Anh khách, mời anh ngồi, anh tên gì nhỉ?
Khách: Tên là gì? Tôi không biết. Từ khi tôi còn nhớ được đến giờ tôi chỉ có một mình, tôi không biết tên tôi vốn được gọi bằng gì. Dọc đường tôi đi, có lúc người ta cũng tuỳ tiện gọi tôi, đủ thứ tên, tôi cũng không nhớ rõ nữa. Huống gì cái tên gọi giống nhau tôi chưa từng nghe gọi lần thứ hai.
Ông lão: Thế à? Vậy anh từ đâu đến?
Khách: (hơi ngập ngừng) Tôi không biết. Từ khi tôi còn nhớ được đến giờ tôi cứ đi như thế này.
Ông lão: Thôi được. Vậy tôi có thể hỏi anh đi về đâu không?
Khách: Tất nhiên là được. Nhưng tôi không biết. Từ khi tôi còn nhớ được đền giờ tôi chỉ đi như thế này, muốn đi đến một nơi nào đó, nơi đó ở trước mặt kia. Tôi chỉ nhớ là đã đi được nhiều đường rồi, giờ thì đến đây, sau đó tôi sẽ đến kia (chỉ tay về phía tây), trước mặt kia.
(Đứa bé cẩn thận mang cốc nước ra đưa cho khách)
Khách: (cầm cốc nước) Cảm ơn, cô bé! (cầm cốc, hai hơi uống hết, trả cốc). Cảm ơn, cô bé! Thật là tốt bụng hiếm có. Tôi thật không biết phải cảm ơn làm sao.
Ông lão: Không cần phải cảm ơn đến thế. Chẳng ích gì cho anh.
Khách: Vâng ạ. Chẳng ích gì với tôi. Nhưng bây giờ tôi hồi sức rồi. Tôi đi được rồi. Thưa cụ, chắc cụ ở đây lâu ngày, cụ có biết phía trước là đâu không?
Ông lão: Phía trước ư? Phía trước là nghĩa địa.
Khách: (kinh ngạc) Nghĩa địa?
Bé gái: Không, không phải, không phải. Ở đó có rất nhiều hoa bách hợp dại, hoa hồng dại. Cháu thường đến đó chơi, xem các thứ hoa.
Khách: (Nhìn về phía tây, có vẻ đang cười) Đúng. Những nơi ấy có rất nhiều hoa bách hợp dại, hoa hồng dại, tôi cũng thường đến chơi, đến xem. Nhưng đó là nấm mồ. (Nói với ông lão) Thưa cụ, đi hết nghĩa địa thì đến đâu?
Ông lão: Đi hết nghĩa địa? Cái đó thì tôi không biết. Tôi chưa từng đi.
Khách: Không biết ư ?!
Bé gái: Cháu cũng không biết.
Ông lão: Tôi chỉ biết phía Nam, phía Bắc, phía Đông, là con đường mà anh đi đến, đó là nơi quen thuộc nhất. Có lẽ đó là nơi tốt nhất của các anh. Anh chớ trách tôi lắm lời. Theo tôi thì anh đã mỏi mệt rồi, chi bằng nên quay trở lại. Bởi vì đi tới, chắc gì anh đã đi được hết đường.
Khách: Chắc gì đi hết đường? (Trầm ngâm, bỗng nhiên giật mình) Không được! Tôi cứ phải đi. Trở lại đường cũ thì không nơi nào là không có danh hiệu, không nơi nào là không có địa chủ, không nơi nào là không có xua đuổi và ngục tù, không nơi nào là không có nụ cười giả tạo, không nơi nào là không có nước mắt giả vờ. Tôi căm ghét họ, tôi không quay lại!
Ông lão: Thế cũng chưa chắc. Anh có thể bắt gặp nước mắt tự cõi lòng, nỗi buồn đau vì anh.
Khách: Không, tôi không muốn nhìn thấy giọt nước mắt tự đáy lòng của họ, cũng không cần họ vì tôi mà xót đau.
Ông lão: Thế thì anh (lắc đầu) cứ phải đi thôi.
Khách: Vâng, tôi chỉ cứ phải đi. Huống gì còn có âm thanh giục tôi ở phía trước, nó kêu gọi tôi, khiến tôi không nghỉ ngơi được. Đáng ghét là cái chân của tôi đã rách tướp rồi, có nhiều vết thương, chảy máu nhiều (giơ một chân cho ông lão xem). Do đó, tôi thiếu máu nhiều. Tôi muốn uống một ít máu. Nhưng làm gì có. Nhưng tôi cũng không muốn uống máu của bất cứ ai. Tôi chỉ đành uống một ít nước để bù cho máu của tôi. Dọc đường vẫn có nước, tôi cũng không cảm thấy thiếu gì. Có điều là sức tôi đã yếu quá rồi, có lẽ vì trong máu tôi có nhiều nước lã quá. Hôm nay thì đến một vũng nước cũng không gặp, cho nên không đi được nhiều.
Ông lão: Đó cũng chưa chắc. Mặt trời lặn rồi. Tôi nghĩ, chi bằng anh nghỉ chân một lát đã, như tôi đây này.
Khách: Nhưng, cái âm thanh phía trước đang gọi tôi đi.
Ông lão: Tôi biết.
Khách: Cụ biết sao? Cụ biết có âm thanh ấy à?
Ông lão: Biết. Nó hình như cũng đã từng gọi tôi.
Khách: Đó cũng là cái âm thanh đang gọi tôi bây giờ phải không?
Ông lão: Cái đó thì tôi không biết. Nó đã gọi mấy tiếng, tôi mặc kệ, nó cũng thôi không gọi nữa. Tôi cũng không còn nhớ rõ nữa.
Khách: Chà, chà, mặc kệ nó… (Trầm ngâm suy nghĩ, đột nhiên giật mình lắng nghe) Không được. Tôi đi thì vẫn hơn. Tôi không nghỉ chân được. Đáng ghét là cái chân của tôi đã rách tướp từ lâu rồi (Chuẩn bị lên đường).
Bé gái: Cho chú đấy (đưa một miếng giẻ), đem mà bó vết thương của chú.
Khách: Cảm ơn (nhận giẻ). Cô bé! Quả thật là… quả thật là tốt bụng hiếm có. Cái này sẽ giúp tôi đi được nhiều hơn (Ngồi lên trên viên gạch vỡ, muốn đem miếng giẻ mà bó mắt cá chân). Nhưng, không được! (Cố sức đứng dậy) Cô bé, giả lại cháu đây, không bó được. Với lại, nhiều lòng tốt quá, tôi không biết lấy gì cảm ơn.
Ông lão: Đừng nên cảm kích nhiều như thế, chả ích gì.
Khách: Vâng ạ. Chẳng ích gì cho tôi. Nhưng đối với tôi, cái của bố thí đó là tốt nhất đấy. Cụ xem, cả người tôi có đâu được thế?
Ông lão: Anh đừng thật thà quá.
Khách: Vâng, nhưng tôi không thể, tôi sợ không làm được. Nếu tôi nhận bố thí của ai thì tôi sẽ như diều hâu nhìn thấy xác chết, đi loanh quanh bốn bề, cầu mong kẻ đó chết, để tôi được tận mặt nhìn thấy, hoặc là nguyền rủa tất cả mọi người, trừ người đó, đều chết hết, chết cả tôi nữa, vì chính tôi đáng bị nguyền rủa. Nhưng tôi còn chưa có được sức mạnh ấy. Dù có đi nữa tôi cũng không mong cho cô bé có cái hoàn cảnh ấy, bởi vì cô không có cái cảnh ấy. Tôi nghĩ, cách ấy thoả đáng hơn. (Nói với cô bé) Này cháu, miếng giẻ của cháu tốt quá, chỉ tội hơi bé một tí, giả lại cháu đây.
Cô bé: (sợ hãi, lùi lại) Cháu không cần nữa, chú mang đi đi.
Khách: (Tựa như cười) Ô, ô… Bởi vì tôi đã cầm?
Cô bé: (Gật đầu, chỉ cái túi) Cho vào túi, mang đi mà chơi.
Khách: (Chán nản quay lại) Nhưng mang cái này trên lưng thì đi làm sao được?
Ông lão: Anh không nghỉ ngơi được, lại cũng không mang nổi, nghỉ một lúc lấy sức thì cũng chẳng sao!
Khách: Đúng, nghỉ chân (trầm ngâm suy nghĩ, bỗng nhiên giật mình, lắng nghe) Không, tôi không thể, tôi đi thì vẫn hơn.
Ông lão: Anh vẫn không muốn nghỉ chân sao?
Khách: Tôi muốn nghỉ chân.
Ông lão: Vậy thì nghỉ một lát đi.
Khách: Nhưng tôi không thể.
Ông lão: Thế anh vẫn muốn đi ư?
Khách: Vâng, đi vẫn tốt hơn.
Ông lão: Vậy thì đi đi cho tốt hơn.
Khách: (vươn lưng) Được, tôi chào cụ, tôi rất cảm tạ các người. (Nói với cô bé) Cái này trả cháu, xin nhận lại giúp.
(Bé gái giật mình, rụt tay lại, muốn nấp vào trong nhà đất)
Ông lão: Mang đi đi, nếu nặng quá thì có thể vứt vào nấm mồ bất cứ lúc nào.
Bé gái: (Chạy tới trước) Ơ, ơ, thế thì không được.
Khách: Ố, thế thì không được.
Ông lão: Vậy thì anh mắc vào cây hoa bách hợp dại, hoa hồng dại cũng được.
Bé gái: (Vỗ tay) Hoan hô, hay lắm.
Khách: Ơ, ơ…
(Chốc lát, im lặng)
Ông lão: Thế thì, xin chào nhé, chúc thượng lộ bình an. (Đứng dậy, hướng về bé gái) Đỡ ông vào nhà đi cháu, kìa xem mặt trời đã lặn lâu rồi (quay mặt vào cửa).
Khách: Đa tạ các người, chúc các người bình yên. (Đi đi, lại lại, trầm ngâm, bỗng nhiên giật mình) Thế nhưng tôi không thể, tôi phải đi, tôi phải đi là hơn (tức khắc ngẩng đầu hăng hái đi về phía Tây).
(Cháu gái đỡ ông lão đi vào nhà, cánh cửa đóng lại. Ông khách khập khiễng đi về phía cánh đồng, bóng đêm phủ xuống sau lưng)
Ngày 02 tháng 03 năm 1925
NGỌN LỬA CHẾT
Tôi mơ thấy mình đang lao nhanh giữa núi băng.
Đó là một núi băng cao lớn, trên chạm tới trời băng, trên trời mây đông lạnh bàng bạc, từng đám từng đám trông như vẩy cá. Mõm núi có rừng cây băng, cành lá đều như thông lá kim, tất cả đều đông lạnh, tất cả đều trắng xanh.
Bỗng nhiên tôi rơi xuống hang băng.
Trên dưới bốn bên đều là băng lạnh, trắng xanh. Mà trên tất cả mặt băng trắng xanh đều có vô số bóng hồng, đan cài vào nhau như lưới san hô. Tôi cúi nhìn xuống chân, thấy có một ngọn lửa.
Đó là một ngọn lửa chết, có hình dáng phần phật, nhưng bất động, đông cứng như một cành san hô, đầu nhọn còn có ngọn khói đen đông cứng, có lẽ là ngọn lửa từ trong hoả trạch rơi xuống, cho nên đã khô cháy. Thế là nó chiếu vào bốn bức tường băng, rồi bốn bức tường lại phản chiếu vào nhau, biến thành vô số hình ảnh lửa, khiến cho cái hang băng này có màu hồng san hô.
Ha ha!
Khi tôi còn bé, tôi rất thích xem ngọn sóng do phi thuyền chạy nhanh dấy lên, thích xem ngọn lửa bốc ra ngoài hoả lò. Không chỉ thích xem, tôi còn muốn nhìn cho rõ. Tiếc là chúng đều thoắt hiện, thoắt biến, mãi mãi không có hình dáng cố định. Dù là chăm chú đến mấy cũng không giữ lại được một ấn tượng xác định nào.
Hỡi ngọn lửa chết, giờ thì ta đã tóm được mi!
Tôi nhặt ngọn lửa chết lên, đang định nhìn cho kĩ, thì cái hơi lạnh của ngọn lửa đã làm ngón tay tôi bỏng rát, nhưng tôi cố nén đau, đem ấn nó vào trong túi áo. Bốn bề hang băng lập tức hoàn toàn trắng xanh. Tôi đang nghĩ cách để thoát ra khỏi hang băng.
Trên người tôi bỗng bốc lên một sợi khói đen, bay lên ngoằn ngoèo như con rắn sắt. Hang băng bốn bề lập tức lại có lửa hồng loang loáng, như có một đống lửa lớn vây bọc lấy tôi. Tôi cúi xuống nhìn thì ra ngọn lửa chết đã cháy, cháy thủng chiếc áo của tôi, rơi tuột xuống mặt băng.
– Chà, anh bạn, sự ấm áp của anh đã đánh thức tôi dậy- Ngọn lửa nói. Tôi vội chào, hỏi tên họ của nó.
– Tôi vốn bị người ta vứt bỏ trong hang băng này- Nó đáp không theo câu hỏi- Kẻ vứt bỏ tôi đã chết từ lâu, chết hết rồi. Tôi cũng bị băng làm đông lạnh đến sắp chết. Nếu anh không cho tôi chút ấm áp, làm tôi cháy lên, thì chẳng bao lâu tôi cũng sẽ chết hẳn.
– Lửa tỉnh lại làm tôi rất mừng! Tôi đang tìm cách ra khỏi hang băng, tôi sẽ cố mang lửa ra để lửa không bị đông cứng, và được cháy mãi.
– Ấy chết, thế thì tôi sẽ cháy hết!
– Nếu lửa cháy hết thì tôi tiếc lắm. Tôi để lửa lại ở đây vậy.
– Ấy chớ, thế thì tôi chết cóng mất.
– Thế thì làm thế nào?
– Thế theo anh, anh sẽ làm sao?- Ngọn lửa hỏi lại.
– Tôi nói rồi, tôi phải ra khỏi hang băng…
– Thế thì tôi cứ cháy hết là hơn!
Ngọn lửa bỗng nhiên bùng lên, như một ngôi sao chổi đỏ, cùng tôi lao ra khỏi hang băng. Có một chiếc xe bằng đá đột nhiên lao tới, thế là tôi bị chẹt chết dưới bánh xe, nhưng tôi còn kịp nhìn thấy cái xe ấy lao xuống hang băng.
Ha ha! Các người không còn nhìn thấy ngọn lửa chết nữa! Tôi đắc ý cười, có vẻ như là tôi muốn như vậy.
Ngày 23 tháng 04 năm 1925
LỜI PHẢN BÁC CỦA CON CHÓ
Tôi mơ thấy mình đang đi trong một ngõ hẹp, áo và giày đều rách bươm, hệt như một kẻ ăn mày.
Một con chó ở đằng sau sủa lên.
Tôi từ từ quay lại, kinh ngạc bảo:
– Xì, câm mồm! Đồ chó xu phụ!
– Hi hi- con chó cười rồi nói thêm- Không dám! Sao được như giống người!
– Cái gì?! Tôi căm phẫn, cảm thấy đó là lời xúc phạm sâu sắc.
– Tôi hổ thẹn: rốt cuộc tôi vẫn không biết phân biệt đồng và bạc, vẫn không biết phân biệt vải và lụa, vẫn không biết phân biệt quan và dân, vẫn không biết phân biệt chủ và tớ, vẫn không biết…
Tôi bỏ chạy.
– Ấy, hãy lượm đã! Chúng ta còn bàn… Con chó ở đằng sau lớn tiếng giữ lại.
Tôi bỏ chạy, rồi rảo bước nhanh, cho đến khi ra khỏi giấc mơ, nằm trên giường của mình.
Ngày 23 tháng 04 năm 1925
VĂN BIA MỘ
Tôi mơ thấy mình đang đứng trước tấm bia mộ, đọc những lời khắc trên đó. Bia mộ như làm bằng sa thạch, vỡ lở đã nhiều, lại thêm có rêu phủ lên, chỉ còn lại ít dòng văn tự.
“… cảm lạnh trong khúc ca cuồng nhiệt; thấy hố sâu ở trên trời. Nhìn thấy không có gì trong mọi đôi mắt; được cứu vớt trong vô vọng…”
“… có một linh hồn lang thang hoá thành con rắn dài, miệng có răng độc, không nhằm cắn ai, mà cắn chính bản thân nó, cuối cùng chết điên…”
“…đi khỏi!…”
Tôi đi vòng ra sau tấm bia mới nhìn thấy một nấm mộ cô đơn, trên không có cây cỏ, và đã hư hỏng. Xuyên qua hố nứt lớn, tôi nhìn thấy xác chết, ngực và bụng đều rách toạc, không còn tim gan. Mà mặt thì không có vẻ gì là vui hay buồn, chỉ mờ mờ như sương khói.
Mãi nghi hoặc không kịp quay người, nhưng đã kịp nhìn thấy mặt sau tấm bia còn lại dấu tích văn tự:
“… moi tim tự ăn, muốn biết mùi vị. Đau đớn tột cùng, làm sao biết được mùi vị?…”
“… sau khi hết đau, từ từ mới ăn. Nhưng tim đã cũ rồi, còn làm sao biết được mùi vị nữa?…”
“… Trả lời tôi. Nếu không, đi đi…”
Tôi định bỏ đi, nhưng xác chết trong mồ đã ngồi dậy; đôi môi bất động, nhưng có tiếng nói:
“Chờ tôi thành bụi, sẽ thấy được tôi mỉm cười!”
Tôi đi vội, không dám nhìn lại, chỉ sợ nhìn thấy xác chết chạy theo mình.
Ngày 17 tháng 06 năm 1925
Pingback: Anhbasam Điểm Tin thứ Tư, 26-06-2013 | doithoaionline
Pingback: Tin thứ Tư, 26-06-2013 | Dahanhkhach's Blog
Pingback: NHẬT BÁO BA SÀM : TIN THỨ TƯ 26-6-2012 | Ngoclinhvugia's Blog
Pingback: Tin thứ Tư, 26-06-2013 « BA SÀM