Nhìn lại cuộc tranh luận nghệ thuật của Hải Triều nhân 60 năm mất của ông

Nhìn lại Hải Triều và cuộc tranh luận nghệ thuật
năm 1936 – 1939 ở Việt Nam
Trần Đình Sử
Lịch sử lí luận văn học Mác xít Việt Nam không thể không nhắc đến tên tuổi Hải Triều, nhà lí luận tiên phong. Sớm giác ngộ chủ nghĩa Mác, sớm dịch, giới thiệu một số phần tác phẩm Tư bản luận của Mác vào Việt Nam, từ một nhà báo cách mạng sắc bén, bị giam cầm, được tha, quản thúc, mở của hàng sách, vừa sinh sống vừa hoạt động Hải Triều trở thành nhà lí luận mác xít đầu tiên ở Việt Nam. Hải Triều đã nhận thấy vai trò quan trọng của lí luận văn học đối với cách mạng, ông đã sớm có ý thức xây dựng quan niệm văn nghệ mác xít, biến văn học thành công cụ đắc lực của cách mạng.
Có quan điểm mác xít là một chuyện, làm thế nào để đưa tư tưởng ấy vào xã hội, gây thanh thế cho nó, lại là chuyện khác. Xét từ điểm này ta thấy Hải Triều chính là người đã gây nên cuốc tranh luận nghệ thuật vị nghệ thuật và nghệ thuật vị nhân sinh sôi nổi nhất, kéo dài nhất, số người tham gia đông nhất, có ảnh hưởng rộng lớn nhất từ năm 1935 đến 1939 trong số các cuộc tranh luận văn nghệ ở Việt Nam. Năm 1944 trong Văn học khái luận của Đặng Thai Mai nói đây đã là câu chuyện cũ, thực ra là không đúng. Bởi trong cuốn sách đó, Đặng Thai Mai vẫn giành nhiều trang để nói lại câu chuyện vị nghệ thuật vị nhân sinh, mà cho đến những năm sau, trong các cuộc tranh luận văn nghệ và tuyên truyền ở Việt Bắc vấn đề nêu trên lại quay trở lại. Điều đó chứng tỏ tầm vóc cuộc tranh luận còn có ảnh hưởng lâu dài.
Nói Hải Triều là người chủ động gây ra cuộc tranh luận để tuyên truyền lí luận mác xít, là bởi vì, các hoạt động lí luận của ông đều do ông chủ động khởi xướng, chứ không phải ông phải ứng phó, bị động. Ông khởi xướng cuộc tranh luận duy vật, duy tâm với Phan Khôi. Phan Khôi bị ông lôi vào cuộc. Ông là người chủ động tranh luận với cụ Phan Sào Nam, cụ Phan Sào Nam bị ông lôi vào cuộc. Ở đây cụ Phan chỉ là cái cớ để ông tuyên truyền quan niệm văn học là sản phẩm của xã hội. Thiết nghĩ, nếu chỉ muốn trình bày tư tưởng ấy, Hải Triều chỉ cần nêu, ngày xưa người ta hiểu văn học là văn trời, văn đất, văn người, nay phải hiểu khác là văn của xã hội là được, không việc gì phải lôi cụ Phan vào. Nhưng nếu làm như thế thì không mấy ai chú ý. Vì cụ Phan là nhân vật nổi tiếng, danh vọng cao, uy tín lớn, cho nên Hải Triều mượn danh cụ, mượn uy cụ, nhân cãi với cụ để gây chú ý cho toàn xã hội về tư tưởng của mình. Có thể nói đó là nghệ thuật PR gây thanh thế của Hải Triều, một thanh niên mới 26 tuổi.
Hiểu như vậy ta sẽ hiểu thêm, chính Hải Triều là người gây ra cuộc tranh luận nghệ thuật vị nghệ thuật và nghệ thuật vị nhân sinh. Nguyên năm 1933,khi Thiếu Sơn viết bài Hai cái quan niệm văn học, phê phán quan điểm của Phạm Quỳnh và Nguyễn Bá Học, đề cao văn chương giáo huấn, tải đạo, coi đó là văn có ích, còn xem thơ, tiểu thuyết chỉ là thứ văn chơi, không có giá trị gì. Phải nói rằng đó là một quan niệm rất sai, có hại cho nền văn học mới, và việc Thiếu Sơn phê bình hai ông là hoàn toàn đúng đắn và rất cần thiết. Thiếu Sơn không hề nhằm nêu khẩu hiệu nghệ thuật vị nghệ thuật. Ông chỉ muốn khẳng định rằng, văn học, thi ca, tiểu thuyết cũng là văn chương có ích, vị nhân sinh, không phải văn chơi, thậm chí là có ích lâu dài hơn văn chương học thuật, giáo huấn. Ông chỉ phê phán hai ông Quỳnh, Học về quan niệm xem văn học thẩm mĩ là vô ích. Quan điểm của Thiếu Sơn là rất quan trọng, nó nêu lên tính chất thẩm mĩ của nền văn học mới, mà hai ông Quỳnh, Học, vì quan điểm thủ cựu trong vấn đề này mà hạ thấp vai trò và giá trị của văn học nghệ thuật. Tiếp theo đó, ông Hoài Thanh cũng khẳng định tính chất thẩm mĩ của văn học trong bài Văn chương là văn chương, một thuộc tính mới của văn học hiện đại so với văn học trung đại mà hai ông Quỳnh, Học đại diện. Cuộc tranh luận này, nếu được tiếp tục, sẽ có ý nghĩa không nhỏ đối văn học hiện đại Việt Nam trên con đường hiện đại hóa.
Nhưng cuộc thảo luận đó không thể xảy ra được, bởi vì Hải Triều đã giật lấy cuộc tranh luận của Thiếu Sơn, mà gây ra cuộc tranh luận khác: nghệ thuật vị nghệ thuật và nghệ thuật vị nhân sinh. Phải nói rằng ông Thiếu Sơn hoàn toàn không ngờ và không chuẩn bị, ông đã bị Hải Triều đưa vào tròng, khi bị phê phán, ông đã phát biểu những câu đúng là nghệ thuật vị nghệ thuật và bị Hải Triều phê phán không thể nào chạy thoát được. Sang bài thứ hai của Thiếu Sơn, Nghệ thuật với đời người, ông nêu quan niệm phân biệt nghệ thuật với tôn giáo, chính trị, chủ nghĩa, mang hơi hướng của quan niệm “nghệ thuật vị nghệ thuật”, “chủ nghĩa duy mĩ” rất thịnh hành ở phương Tây. Ông chủ trương “chủ nghĩa” của văn chương là “phô bày cái đẹp”, còn các chủ nghĩa khác có thể có ích cho đời, song tác dụng khác hẳn văn học. Ông chủ trương “Muốn sống với nghệ thuật thì phải giải phóng, phải thoát li với các thành kiến về luân lí, xã hội, chính trị, tôn giáo, mà chỉ biết có nghệ thuật mà thôi”. Ông đã tự trở thành cái bia cho ông Hải Triều bắn vào.
Về phía ông Hoài Thanh, lúc đầu ông Hải Triều không tranh luận với Hoài Thanh, mà chính ông Hoài Thanh chủ động tranh luận với Hải Triều. Nhân chuyện ông Hải Triều phê bình cuốn Kép Tư Bền của Nguyễn Công Hoan, ông Hoài Thành không phục, cho nên lên tiếng chỉ trích ông Hải Triều và nêu quan niệm văn học của mình, nhân thể bộc lộ quan điểm văn học của ông. Nhân đó Hải Triều phê phán Hoài Thanh một thể. Thế là ông Hoài Thanh lúc đầu chủ động, tự coi quan điểm của mình là đúng, sau bị ông Hải Triều quay ngược lại phê bình, ông Hai Triều chủ động, Hoài Thanh lại bị động, ứng phó. Diễn biến cuộc tranh luận cho thấy tài năng, trí tuệ, vốn hiểu biết, chiến lược, chiến thuật của ông Hải Triều đều rất cao tay. Nhờ cuộc thảo luận ấy mà quan niệm nghệ thuật vị nhân sinh, văn học bình dân và sau đó văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa được truyền bá rất sớm vào xa hội Việt Nam. Chỉ cần qua mấy số liệu sau đây để thấy tài nhạy bén của ông Hải Triều. Năm 1933 ở Liên Xô mới có sách trích tuyển ý kiến của Marx Engels bàn về nghệ thuật, năm 1934 , sau đại hội nhà văn Liên Xô mới có đề xuất phương pháp hiện thục xa hội chủ nghĩa, mà đến năm 1936- 39 Hải Triều đã giới thiệu các vấn đề đó vào Việt Nam thì quả thật là mau lẹ. Cuộc tranh luận này đã là tiền đề cho đồng chí Trường Chinh khởi thảo Đề cương văn hóa năm 1943 và để Đặng Thai Mai viết Văn học khái luận năm 1944. Hải Triều đúng là nhà lí luận tiên phong, đã nhạy bén truyền bá lí luận mác xít và lí luận văn học mác xít vào Việt Nam. Công lao đó sẽ còn được nhắc mãi. Đối với văn học, cuộc tranh luận đã nâng cao ý thức tự giác của nhà văn đối với sự nghiệp văn học của mình. Nhà văn bây giờ không thể sáng tác chỉ do thích thú cá nhân mà không quan tâm tới xã hội được nữa, và đó cũng là thành tựu to lớn của cuộc tranh luận.
Tuy nhiên, ngày nay nhìn lại, xét từ nhu cầu hiện đại hóa khách quan của nền văn học và quan niệm văn học Việt Nam, từ giả các quan niệm cổ lỗ lỗi thời thời trung đại, thì ta phải thấy rằng, quan niệm của Thiếu Sơn cũng như quan niệm của Hoài Thành về cơ bản không phải là quan niệm nghệ thuật vị nghệ thuật. Đọc bài Văn học bình dân của Thiếu Sơn, đọc Văn chương và hành động, Xin mach một nguồn văn, thì thấy rõ hai ông này không hề phủ nhận văn học vị nhân sinh, không hề coi cái đẹp là vô ích như Theophile Gautiere chủ trương, mà chủ trương khẳng định tính đặc thù của văn học nghệ thuật, và chức năng đặc thù của văn học ấy. Tôi đã có bài khẳng định Hoài Thanh cũng như Thiếu Sơn là người đầu tiên nêu thuộc tính thẩm mĩ của Văn học trong văn học Việt Nam hiện đại. Hải Triều là người đầu tiên khẳng định bản chất xã hội, tính chất xã hội của văn học. Tính xã hội và tính thẩm mĩ đều là hai thuộc tính căn bản của nền văn học hiện đại. Đáng tiếc là do điều kiện xã hội đương thời, đặc biệt là không khí đấu tranh giai cấp, đấu tranh ý thức hệ, và phân nào vì định kiến đã làm cho một trong hai thuộc tính quan trọng ấy bị trở thành đối đầu, thậm chí thù địch và tính thẩm mĩ bị thua trong một thời gian dài. Điều đó làm hạn chế sự phát triển của bản thân văn học, nhất là văn học cách mạng. Phải đến thời đổi mới bản tính thẩm mĩ mới thực sự được thừa nhận.
Tranh luận nghệ thuật vị nghệ thuật và nghệ thuật vị nhân sinh là cuộc tranh luận của phương Tây, nảy sinh ở phương Tây. Cuộc tranh luận ở Việt Nam chỉ là tia hồi quang, là cái bóng của cuộc tranh luận ấy. Trong cuộc tranh luận của mình ông Hải Triều và các đồng chí của ông phần nào đã đem cuộc đối đầu nghệ thuật vị nghệ thuật và nghệ thuật vị nhân sinh ở nước ngoài áp dụng vào Việt Nam, chụp lên Thiếu Sơn, Hoài Thanh, tạo nên phái vị nghệ thuật của Việt Nam, dùng đó làm cái bia để đấu tranh phê phán. Thành ra sự phê phán có thể đúng về phương diện lí thuyết và ý thức hệ, mà không thật đúng người, đúng việc ở trong nước. Ông Hoài Thanh đã nổi khùng và tuyên bố “một lời vu cáo đê hèn”, vì ông chỉ chủ trương sự khác biệt giữa văn học nghệ thuật và các sang tác khác phi văn học, như báo chí, phóng sự, chính luận. Tất nhiên sự phân biệt nhà văn và người cầm bút… của ông chưa được thuyết phục lắm, song nói cho đúng, cho đến bây giờ, về lí thuyết sự xác định đặc trưng văn học nghệ thuật với các sáng tác phi văn học vẫn còn là một vấn đề rất khó, chưa được giải quyết xong xuôi, nhất là trong thời hiện đại, hậu hiện đại.
Một mặt, cần phân biệt văn học và phi văn học, như mong muốn của các ông Hoài Thanh và Thiếu Sơn, và mặt khác khái niệm văn học của hai ông rất mơ hồ về nội hàm và ngoại diên, cho nên lí thuyết phân biệt chưa thể giải quyết rốt ráo vấn đề này, do đó lập luận lúng túng của hai ông là dễ hiểu. Về một mức độ nào đó phê bình của ông Hải Triều ít nhiều có tính chất quy chụp, mặc dù các ông Hoài Thanh, xét về sự non nớt của các ông thì bị phê bình cũng không oan. Chúng ta nên nhớ các ông này lúc ấy chỉ mới 26, 27 tuổi. Chúng ta phải nghiêng mình khâm phục tài ba khác thường của họ, cho dù có chút ít non nớt của tuổi tác.
Điểm thứ ba, xét về cung cách tranh luận, chúng ta biết, tranh luận nghệ thuật vị nghệ thuật và nghệ thuật vị nhân sinh là sản phẩm của phương Tây, bắt nguồn từ điều kiện xã hội. Đầu thế kỉ XIX ở Nga cũng có nghệ thuật vị nghệ thuật, giữa thế kỉ XIX ở Pháp có chủ nghĩa duy mĩ của Th. Gotiere, Baudelaire, Mallarrme, ở Mĩ có Oscar Wild, các quan điểm này cũng xuất hiện ở Nhật bản, và đầu thế kỉ XX xuất hiện ở Trung Quốc và Việt Nam. Quan điểm duy mĩ của Wild lại có tính chất thương mại. Ông chủ trương cái đẹp đi trước hướng dẫn cuộc sống. Luân Đôn có sương mù, nhưng chỉ từ khi có họa sĩ vẽ cái đẹp của sương mù thì người Luân Đôn mới thấy sương mù là đẹp. Nghệ thuật thời trang phải tạo ra các mod mới, sau đó người ta mới bắt đầu sử dụng các mod vào đời sống. Ró rang nghệ thuật dạy cho người ta sống đẹp. Như thế mọi người thưởng thức, ăn mặc theo cái đẹp của nghệ thuật. Đương thời Plekhanov giải quyết lí thuyết nghệ thuật vị nghệ thuật bằng cách nêu câu hỏi, vì sao mà người ta có xu hướng nghệ thuật vị nghệ thuật. Đó là vì nghệ sĩ bất hòa với xã hội. Đi tìm nguyên nhân ở xã hội hơn là phán xét đúng sai. Hải Triều cũng đọc Plekhanov, nhưng ông chưa học được bài học này. Ở Trong Quốc vào năm 1921 Hội nghiên cứu văn học do Mao Thuẫn, Chu Tác Nhân, Diệp Thánh Đào..21 người chủ trương văn học vị nhân sinh, chủ trương chủ nghĩa hiện thực, văn học bình dân, quan tâm phơi bày mọi ung nhọt đời sống, tố cáo hiện thực đen tối. Cùng thời Quách Mạt Nhược, Thành Phỏng Ngô, Úc Đạt Phu…thành lập Sáng tạo xã , chủ trương nghệ thuật vị nghệ thuật, văn học sang tạo từ bản ngã cái tôi, biểu hiện lí tưởng, tôn thờ cái đẹp, thoát li nhân sinh. Hai bên cũng tranh luận, nhưng không sát phạt gay gắt. Chẳng bao lâu, phái nghệ thuật vị nghệ thuật thừa nhận nghệ thuật có ích cho nhân sinh, Quách Mạt Nhược theo văn học cách mạng, văn học vô sản, rồi hai phái xích gần nhau. Trong khi đó thì ở Việt Nam hai quan niệm đối lập tuyệt đối về quan điểm. Điều đó chứng tỏ chúng ta chưa hiểu hết quan niệm nghệ thuật vị nghệ thuật ở phương Tây, mà ít nhiều còn mang định kiến.
Xét về quan niệm văn nghệ mác xít, thì đương thời, trình bày quan niệm chủ nghĩa tả thực như Hải Triều trong bài Đi tới chủ nghĩa tả thực trong văn chương là một đóng góp tài năng. Ông không chỉ trình bày nội dung của chủ nghĩa tả thực, mà còn phân tích tính khuynh hướng khách quan của nó, chống lối khuynh hướng chủ quan như thầy tuồng nhắc vở, là một đóng góp đột xuất, đi trước thời gian. Điều này chứng tỏ ông đã tiếp cận tư tưởng của F. Engels về chủ nghĩa hiện thực trong bức thư gửi nữ nhà văn Anh Maguerit Hackness. Bức thư này công bố năm 1932, chúng tôi chưa biết bằng cách nào mà Hải Triều tiếp cận được. Tuy nhiên, xét nội dung lí thuyết marxiste của ông, chủ yếu ông chịu ảnh hưởng của Nicola Bukharin, ủy viện bộ chính trị Đảng Bolsevich, một nhà lí thuyết tài năng, năm 1938, ông bị Stalin tử hình vì bị quy tội phản quốc. Tư tưởng Bukharin chủ yếu là giai cấp luận, ý thức hệ luận, kinh tế luận và công cụ luận (xem văn học là vũ khí đấu tranh giai cấp). Bukharin có khuynh hướng tả khuynh, chỉ muốn sau cách mạng xây dựng ngay nền văn học vô sản, đánh đổ các nghệ thuật truyền thống, chẳng hạn theo ông, sau cách mạng tháng 10 thì không cần phải diễn vở kịch Vườn Anh đào của Chekhov nữa. Đó là tư tưởng đi ngược lại Lênin. Sau đó do học tập Lenin ông đã khắc phục phần nào tư tưởng tả khuynh ấy. Trong quan niệm văn học của Hải Triều ta thấy có dấu ấn của Bukharin khá rõ, khi ông tuyên bố khi nền kinh tế cũ sụp đổ thì cái nghệ thuật xây dựng trên nền tảng đó cũng sụp đổ theo. Trong lí luận ông cũng thiên vè nội dung, ít bàn về hình thức, không nói đến cái đẹp. Trong khi đó nghệ thuật sáng tạo theo quy luật cái đẹp là một quan điểm cơ bản bên cạnh quan điểm xã hội, lịch sử và ý thức hệ của chủ nghĩa Mác về văn học. Nêu qua mấy điểm để thấy rằng quan điểm văn nghệ mác xít của Hải Triều lúc ấy khó tránh khỏi khiếm khuyết, bởi lí luận mác xít thời đó mới được xác lập chưa lâu, trước tác của Marx, Engels cũng chưa được công bố đầy đủ. Nhắc đến điều này chỉ để thấy thêm tài năng và đảm lược, sự nhạy bén của Hải Triều mà thôi.
Kỉ niệm 60 năm ngày mất của Hải Triều, nhớ lại cuộc tranh luận học thuật do Hải Triều khởi xướng và thực hiện gần 70 năm trước, chúng ta ôn lại tài nưng, trí tuệ của ông, đồng thời cũng có thể rút ra những bài học bổ ích để tiến hành các cuộc thảo luận lí thuyết tiếp theo trong quá trình xây dựng nền lí luận văn nghệ Việt Nam hiện đại.
Hà Nội, ngày 29 – 9 – 2014.
TĐS
Tài liệu thamkhaor
1. Hải Triều toàn tập, Phạm Hồng Toàn, Chu Giang biên soạn, nxb. Văn học, 2 tập, Hà Nội, 1996.
2. Hải Triều nhà lí luận tiên phong, Nguyễn Ngọc Thiện biên soạn, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2004.
3. Lịch sử phát triển lí luận văn nghệ Marxism. Đại học Phúc Đán, Thượng Hải, 1995.
4. Thiếu Sơn. Văn học và nhân sinh, nxb Văn hóa thong tin, Hà Nội, 2001.
5. Hoài Thanh. Bình luận văn chương, Nguyễn Ngọc Thiện, Từ Sơn biên soạn, nxb. Giáo dục, Hà Nội, 1998.
6. Tranh luận văn nghệ thế kỉ XX, tập 2, Nguyễn Ngọc Thiện chủ biên, Hà Nội, 2001.

About Trần Đình Sử

Giáo sư tiến sĩ Lý luận văn học, khoa Ngữ Văn, Đại học sư phạm Hà Nội
Bài này đã được đăng trong Uncategorized. Đánh dấu đường dẫn tĩnh.

3 Responses to Nhìn lại cuộc tranh luận nghệ thuật của Hải Triều nhân 60 năm mất của ông

  1. Pingback: Tin thứ Ba, 30-09-2014 « BA SÀM

  2. Pingback: Anhbasam Điểm Tin thứ Ba, 30-09-2014 | doithoaionline

  3. Pingback: Vô Ngã

Bình luận về bài viết này