CỐT TRUYỆN

Tiếng Anh: Plot, tiếng Đức: Fabel, Sujet, tiếng Pháp: Sujet, Complot.

Trần Đình Sử

Yếu tố cơ bản của tác phẩm tự sự, kịch và tự sự-trữ tình, phân biệt với câu chuyện, nhân vật, kết cấu, lời kể, chỉ chuỗi sự kiện và hành động liên tục, được kể, miêu tả và sắp đặt để có được hiệu quả nghệ thuật, tư tưởng và tình cảm đặc biệt. Đó cũng tức là cuộc sống của các nhân vật trong các chiều không- thời gian, trong các tình huống hoàn cảnh thay thế nhau của tác phẩm. Aristote gọi cốt truyện là mythos (thần thoại, câu chuyện, các bản dịch tiếng Việt dịch thành cốt truyện, tiếng Trung dịch thành tình tiết, tiếng Anh là Plot, tiếng Pháp là sujet, tiếng Nga phiên thành siuzhet). Trong tiếng Việt thuật ngữ cốt truyện xuất hiện từ đầu thế kỉ XX thường được hiểu là cái cốt, cái lõi truyện, chỉ gồm các sự kiện chủ yếu như là sự tóm lược một câu chuyện. Cốt truyện như một thuật ngữ lí luận văn học được hiểu khác hơn, như một liên kết của các sự kiện theo cách thức nào đó nhằm tạo nghĩa. Ví dụ cốt truyện ngụ ngôn, cổ tích, cốt truyện phiêu lưu…Sự kiệnhành động (bao gồm cả lời nói) do nhân vật của tác phẩm làm ra trong những hoàn cảnh nhất định và thể hiện tư tưởng, phẩm cách, tính cách  của chúng, do đó cốt truyện  là sư biểu hiện của nhân vật, còn nhân vật tạo nên sự kiện, câu chuyện, cũng tức là một bình diện nội dung của tác phẩm. Cốt truyệncâu chuyện có sự khác nhau quan trọng. Trong các thứ tiếng Âu Mĩ, câu chuyện là fable hoặc fabula, còn cốt truyện sujet hay siuzhet. Khi nói tới câu chuyện là chủ yếu nói đến tính nhân quả và thứ tự trước sau của sự kiện, còn nói đến cốt truyện là nói đến sự sắp xếp các sự kiện kia trong trật tự nghệ thuật để gây sự đợi chờ nơi người xem và làm bật lên tư tưởng tác phẩm. Nếu hiểu câu chuyện là cái gì, thì cốt truyện là cách kể như thế nào đối với câu chuyện ấy. Từ một câu chuyện mà có thể có những cách kể khác nhau, và có các cốt truyện khác nhau. Ví dụ Đoạn trường tân thanh của Nguyễn Du là kể lại câu chuyện Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân (Trung Quốc) bằng một cốt truyện khác. Do thế, cốt truyện cũng được gọi là truyện kể, là cách kể câu chuyện để tạo ra nội dung của tác phẩm.

Khái niệm cốt truyện lúc đầu dùng để chỉ yếu tố của kịch. Aristote chỉ ra, thứ tự hoàn chỉnh của cốt truyện phải có chuỗi liên tục gồm phần mở đầu, phần giữaphần kết. Phần mở đầu gợi ra hành động chủ yếu, khiến ta chờ đợi nhiều hành động hơn nữa xảy ra; phần giữa tiếp nối sự kiện phần trước và mở ra hành động tiêp sau; phần kết tiếp nối sự kiện trước và không yêu cầu bất cứ sự kiện nào nữa. Đến đó là người xem thỏa mãn rồi. Nhà phê bình Đức Gustaf  Freytag trong sách Kĩ xảo kịch (1863) lập ra mô hình kim tự tháp cốt truyện gồm mở đầu (thắt nút), phát triển, cao trào (đỉnh điểm, cũng là đỉnh kim tự tháp), mở nút, kết thúc. Mặc dù mô hình chỉ áp dụng được vào một số ít tác phẩm kịch, nhưng thuật ngữ của ông được áp dụng rộng rãi vào tác phẩm kịch và  tự sự. Kịch Hamlet của Shakespeare bắt đầu bằng hồn ma báo cho Hamlet biết Claudius đã giết cha chàng, từ đó xung đột chàng và Claudius phát triển ngày một sâu, Khi Hamlet dùng kịch trong kịch để chứng thực kẻ thù là ông chú thì kịch đạt đến cao trào. Các hành động tiếp theo là mở nút, đến khi Claudius, hoàng hậu, Laertes và Hamlet chết thì kết thúc.Truyện Kiều của Nguỹen Du mở đầu bằng cuộc gặp gỡ giữa Kiều và  hồn Đạm Tiên, Kiều và Kim Trọng, mối tình Kim Kiều nhen nhóm rồi gia biến là sự phát triển. Từ Hải chết và Kiều tự tử ở sông Tiền Đường là đỉnh điểm, Giác Duyên cứu Kiều, Kim Trọng đi tìm gặp là mở nút, đoàn tụ, vui tình cầm kì là kết thúc.

Do đặc điểm của kịch là không có người kể chuyện, cho nên khái niệm cốt truyện chỉ chuỗi sự kiện, hành động thuần túy. Với tự sự học hiện đại cốt truyện kết hợp với diễn ngôn tự sự để trở thành truyện kể, trong đó bao gồm thêm người kể chuyện, không gian, thời gian, điểm nhìn, lời trực tiếp, gián tiếp, trực tiếp tự do, gian tiếp tự do, lời bình luận hoặc lời trữ tình của người kể chuyện.  Và do trong tiểu thuyết hiện đại vai trò của cốt truyện ngày càng suy giảm so với tiểu thuyết thời cổ, trung đại, cận đại, vai trò kĩ thuật của truyện kể ngày càng gia tăng. Có người kể lộ diện (xưng tôi) hoặc không lộ diện (thường gọi là kể toàn tri, ngôi thứ ba). Khi có nhiều người kể chuyện thì có trần thuật nhiều tầng bậc.

Xét về số lương nhân vật chính và nhân vật người kể chuyện có thể phân biệt cốt truyện đơn tuyến hoặc đa tuyến. Cốt truyện đơn tuyến thường chỉ xoay quanh một nhân vật chính với xung đột chính, như AQ chính truyện của Lỗ Tấn, Chí Phèo của Nam Cao, Số Đỏ của Vũ Trọng Phụng… Cốt truyện đa tuyến thường có nhiều nhân vật và xung đột khác nhau triển khai thành các tuyến khác nhau, như Chiến tranh và hòa bình của L. Tolstoi, Anh em nhà Karamazov của F. Dostoievski…

Xét về kết cấu có cốt truyện đồng tâm, khi tác phẩm chỉ có một số nhân vật chính với một xung đột trung tâm, có thắt nút, phát triển và mở nút rõ ràng, như Truyện Kiều.Có cốt truyện li tâm hay còn gọi là biên niên, khi truyện có nhiều nhân vật, nhiều xung đột thay thế nhau. Có cốt truyện khép kín khi nó có mở nút rõ ràng với một kết thúc nào đó; và có cốt truyện mở, nghĩa là không có mở nút, truyện kết thúc khi mọi mâu thuẫn hãy còn dang dở. Nhiều tiểu thuyết đương đại do tính cốt truyện yếu, đều không đi đến một kết quả nào trong số phận nhân vật.

Trong lí thuyết văn học hiện đại, khi tự sự học đã phát triển, vấn đề diễn ngôn tự sự nổi lên hàng đầu, thì khái niệm cốt truyện đã mất vị thế của nó, nó đã trở thành một khái niệm cổ, nhường chỗ cho khái niệm câu chuyện.

About Trần Đình Sử

Giáo sư tiến sĩ Lý luận văn học, khoa Ngữ Văn, Đại học sư phạm Hà Nội
Bài này đã được đăng trong Uncategorized. Đánh dấu đường dẫn tĩnh.

Bình luận về bài viết này