Về mốc thời gian và tiêu chí chọn tác gia cho Bách khoa thư văn học

Thử dề xuất về mốc thời gian và tiêu chí chọn tác gia cho Bách khoa thư văn học Việt Nam

Trần Đình Sử

Chủ trương biên soạn bách khoa thư văn học tập 18 trong bộ Bách khoa thư Việt Nam gồm 36 tập của Chính phủ là rất cần thiết, đáp ứng yêu cầu tra cứu. học tập  của đông đảo bạn đọc trong nước và thế giới, đánh dấu sự trưởng thành của nền học thuật hiện đại Việt Nam. Ta đã có Từ điển văn học bộ cũ và bộ mới, có tính bách khoa thư, do một nhóm nhà nghiên cứu đứng ra tổ chức, đó cũng là bằng chứng để cho thấy, nếu biết tổ chức tốt chúng ta có thể làm được Bách khoa thư và có đóng góp.

Một vấn đề được Ban biên soạn nêu lên như gợi ý nhằm trao đổi để tiến tới biên soạn đề cương Bách khoa văn học Việt Nam, là mốc giới hạn thời gian để chọn lựa các mục từ về tác gia tác phẩm, sự kiện văn học, một vấn đề bức thiết cần được xem xét trước hết.

Chúng ta chưa có Bách khoa văn học. Lần biên soạn này là lần đầu. Đã có một vài cuốn từ điển văn học, có tính bách khoa thư, song cũng chưa phải bách khoa thư, vì còn có những hạn chế. Ví như đưa quá nhiều mục từ tác phẩm, nhiều mục viết quá dài, thiếu cô đúc.  Tôi biết Pháp có Bách khoa văn học 4 tập. Liên Xô cũ từng có Bách khoa giản yếu văn học  gồm 8 tập và một tập bổ sung là 9 tập. Bộ này xuất bản tập đầu năm 1962, tập 9 xb năm 1978, kéo dài trong 16 năm. Sau khi ra tập 1 đã có hàng loạt bài báo của nhiều tác giả uy tín viết bài phê bình các khiếm khuyết. Bách khoa văn học Liên Xô do lí do ý thức hệ đã để ra ngoài nhiều tác gia thuộc văn học hiện đại chủ nghĩa trong văn học Nga, nhiều tác giả Nga hải ngoại, những người bị đánh giá trái chiều về ý thức hệ. Do đó Tập 9 là tập bổ khuyết các thiếu sót đó. Tính chất của Bách khoa thư, theo tiêu chí của Nga bao gồm các điểm sau đây: 1. Tri thức toàn diện, đầy đủ thể hiện trong hệ thống các mục từ. Trong Bách khoa văn học giản yếu Nga bao gồm 35 nghìn mục từ văn học Nga và thế giới, gồm các mặt tác phẩm, trào lưu, nhà văn, tổ chức, nxb, cơ quan văn học, báo chí, phê bình, nhà phê bình, các thuật ngữ nghiên cứu, các thể loại, các hình thức tu từ; 2. Tính hệ thống, thể hiện trong sự lien quan giữa các mục từ. 3. Tính khoa học, chỉ đưa các thong tin có tính chất sự kiện, các sự kiện được kiểm chứng. 4. Tính khách quan, nội dung các mục từ chỉ nêu tri thức sự kiện, không bao hàm sự đánh giá chủ quan.5. Tính chính xác, các thông tin đều có kiểm chứng; 6. Tính nhất quán, văn phong trong các mục từ không cho phép sai khác vè phong cách viết khác nhau. 7. Tính cô đọng, không được nhiều lời, chấp nhận viết tắt một số thuật ngữ. 8. Tính công thức. Các mục từ cùng loại có thể được viết theo một công thức chung.9. Văn phong phi biểu cảm. 10. Các tranh ảnh, biểu đố không có tính trang trí mà phải là một bộ phận không tách rời của khái niệm hoặc nội dung mục từ. 11. Phải có hệ thống chỉ dẫn tra cứu. Đây là các tiêu chí để tham khảo của Bách khoa toàn thư Nga. Mục 1 tri thức toàn diện đầy đủ không có nghĩa là tất các nhà văn đều có tên trong bách khoa thư. Ở đây tiêu chí là tác giả có tính chất sự kiện. Nếu sáng tác của anh chưa tạo được tính sự kiện của giới,  được xã hội, dư luận của giới thừa nhận thì chưa nên đưa vào Bách khoa thư. Đây là tiêu chí nhiều khi khó xác định vì nhiều lí do.của người biên soạn. Nhiều khi có thể con xảy ra kiện cáo. Vì bách khoa thư coi trọng tính sự kiện mà không đặt trọng tâm ở đánh giá, biểu cảm, vậy nên việc quán triệt tiêu chí ý thức hệ nên có mức độ để có thể đưa vào các mục từ mang tên tác giả có cấn cái về chính trị. Ví dụ như nhà văn Võ Phiến , trước đây có tư tưởng chống cộng, nhưng một nhà văn có tài, vậy nên có tên trong bách khoa, việc chống cộng cũng được nhắc đến trong mục từ như là tính sự kiện của ông ấy. Trung Quốc không thích nhà thơ Tố Hữu, vì ông viết bài Tâm sự có nhăc đến “Trái tim lầm chỗ để trên đầu, Nỏ thần vô ý trao tay giặc, Nên nỗi cơ đồ đắm biển sâu”. Ông Tố Hữu đã cói Tàu là “giặc” cho nên nó thù. Họ ghi trong Mục từ Tố Hữu: “Nhà thơ chống Trung Quốc”. Nhưng không thể bỏ mục từ này. Ta nên tham khảo cách này để xây dựng hệ thống mục từ của Bách khoa văn học Việt Nam. Các tác giả Nhân văn Giai phẩm đều phải có mặt. Tất nhiên đánh gía bây giờ đã khác trước.Nhiều người Việt Nam nghĩ rằng một tác giả muốn được đưa vào Bách khoa thư thì người đó phải là đã chết rồi, bởi theo cách nghĩ truyền thống, phải “cái quan”, mới có “định luận”. Nhưng theo tôi chết hay không, không phải là điều kiện đủ để đưa vào Bách khoa thư, mà là tính sự kiện của nha văn ấy. Ví dụ, nhà thơ Trần Đăng Khoa từ khi lên bảy tuổi đã nổi tiếng là nhà thơ thần đồng với tác phẩm Góc sân khoảng trời, thì đó đã là sự kiện để vào Bách khoa thư rồi. Dù ông còn sống bao lâu nữa cũng không quan trọng. Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp với Tướng về hưu đã đủ là sự kiện rồi, cũng thế. Dù ông có sáng tác thêm cũng tốt, nhưng chắc gì đã làm thêm sự kiện nữa. Nhà văn Bảo Ninh  với Nỗi buồn chiến tranh tự nó là sự kiện lớn trong văn học, đủ để vào Bách khoa thư. Từ đó ông có viết gì thêm cũng không làm thay đổi tính sự kiện. Nhà văn Ma Văn Kháng, Nguyễn Xuân Khánh cũng thế. Như thế nếu nhà văn đã làm được sự kiện trong đời sống văn học là đủ, không cần phải đợi cho đến khi ông ta chết mới đưa vào Bách khoa thư. Ta có thể nói vui, dù nhà văn có sống lâu nữa cũng là thừa đối với tiêu chí Bách khoa thư. Như thế không phải nhà văn nào cũng làm được sự kiện của văn học. Cái khó là nhà văn có vẻ làm được sự kiện, suýt soát sự kiện, nhưng chưa phải sự kiện. Sự cân nhắc này do người làm sách có bản lĩnh quyết định, không sợ kiện cáo.

Vậy về thời điểm chót dùng để làm mốc chọn các sự kiện văn học nên cắt ở năm nào? Từ điển văn học do các ông Đỗ Đức Hiểu, Nguyễn Huệ Chi, Phùng văn Tửu, Trần Hữu Tá chủ biên lấy thời điểm năm 60 thế kỉ XX. Sở dĩ thế là vì các tác giả nảy sinh ý tưởng biên soạn Từ điển văn học từ sau năm 1975 chưa bao lâu, nghĩa là vào khoảng năm 1977 – 78 gì đó, cho nên không lấy điểm cuối là năm 1975 được vì quá gần. Thời gian biên soạn mất nhiều năm, phải đến năm 1983 – 1984 sách mới ra, cách năm 1975 chỉ có 8 năm, cho nên nhiều khiếm khuyết. Từ điển bộ mới kế thừa bộ cũ cho nên không thay đổi thời điểm cuối, xuất bản năm 2003, do đó thời điểm cuối cách thời điểm xuất bản những 43 năm, thiếu hụt nhiều thông tin lẽ ra cần phải có để tra cứu.

Như vậy tôi nghĩ rằng Bách khoa thư văn học Việt Nam khởi thảo từ năm 2017, thì ít nhất cũng phảểttải qua bốn năm năm, và nhiều lần biên tập, sửa chữa, nếu sớm thì phải đến năm 2020, 2021, 2022  mới có thể hoàn thành, bởi nó còn phải vừa làm vừa nghiên cứu, bổ sung, thêm bớt, xét duyệt. Từ thời điểm 2020, 2022 mà nhìn lại, thì theo tôi thời điểm cuối của Bách khoa thư nên là năm 2000 với khoảng cách 22, 25 năm. Nếu chọn thời điểm đó ta sẽ bao quát văn học chống Mĩ, văn học đổi mới là các giai đoạn quan trọng đánh dấu sự phát triển của văn học Việt Nam thế kỉ XX. Thời điểm này cũng bao quát cả văn học miền Nam, nhìn lại, văn học hải ngoại. Văn học chống Mĩ là môt giai đoạn có nhiều tên tuổi nổi bật. Văn học đổi mới đã trải qua bao nhiêu hội thảo khẳng dịnh, nhất là Hội thảo tại trướng đại học văn hoá khẳng định một thế hệ sau năm 1975’

Việc chọn điểm dừng của bách khoa thư không chỉ là việc riêng của phần văn học. Cần tham khảo cách chọn điểm dừng của các tập khác trong toàn bộ bộ sách. Ví dụ nếu trong tập bách khoa thư về chính trị, kĩ thuật, vật lí, toán học, nông nghiệp… nếu các tập ấy chọn thời điểm nào thì tập văn học cũng nên theo thông lệ chung. Ví dụ về chính trị, nếu họ đưa mục từ Đại hội Đảng thứ XII vào thành một mục từ, mục từ Bộ chính trị khoá XII, thì lúc ấy văn học cũng có thể mở rộng đến dầu thế kỉ XXI. Tuy nhiên về văn học nếu không có khoảng cách thời gian thử thách thì nhiều khi cái nhìn sẽ dễ thiên lệch. Có thể văn học không hoàn toàn theo tiêu chí của tập bách khoa chính trị chăng? Đó cũng chỉ là giả định, vì sách ấy chưa có.

Tóm lại tôi đã nêu một số lí do và nguyên tắc chọn nhà văn và chọn thời điểm chót để mọi người thảo luận.

Hà Nội, ngày 11 tháng 8 năm 2017.

Trần Đình Sử

 

 

About Trần Đình Sử

Giáo sư tiến sĩ Lý luận văn học, khoa Ngữ Văn, Đại học sư phạm Hà Nội
Bài này đã được đăng trong Uncategorized. Đánh dấu đường dẫn tĩnh.

Bình luận về bài viết này