Nghệ thuật và trách nhiệm

NGHỆ THUẬT VA TRÁCH NHIỆM

 

Mikhail Bakhtin

 

       Một chỉnh thể mà các bộ phận chỉ  liên hệ với nhau bề ngoài trong thời gian và không gian, không có nội dung thống nhất nội tại quán xuyến trong đó thì phải gọi là chỉnh thể cơ giới. Các bộ phận của chỉnh thể này dầu có đặt bên nhau, nối liền với nhau, thì bên trong cũng chẳng ăn nhập gì với nhau cả.

   Ba lĩnh vực văn hoá của loài người – khoa học, nghệ thuật và đời sống – chỉ có thể có được sự thống nhất trên con người cá nhân, cá nhân đem chúng đặt vào thể thống nhất của mình, nhưng thể thống nhất ấy có cơ chỉ trở thành mối liên hệ cơ giới. Đáng tiếc phần lớn tình hình là như thế. Nhà nghệ thuật thường kết hợp với con người một cách ấu trĩ, cơ giới vào một thân thể; một cá nhân do “khó khăn về đời sống” tạm thời chuyển sang sáng tác, đi vào thế giới khác của “linh cảm, âm thanh và lời cầu nguyện”. Kết quả như thế nào? Khi nghệ thuật quá ư táo bạo và tự tin, quá ư xúc động phấn khích, thì phải thấy nó không chịu bất cứ trách nhiệm gì đối với đời sống; đời sống tất nhiên không thể nào theo kịp nghệ thuật đó rồi. Đời sống bảo :”Chúng tôi đâu làm được thế, người ta là nghệ sĩ, còn chúng tôi chỉ là những kẻ bận rộn, tầm thường.”

   Khi cá nhân dấn thân vào nghệ thuật thì nó vắng mặt trong đời sống, ngược lại cũng thế. Giữa hai cái đó không có thống nhất, không có sự thẩm thấu vào nhau trên một người cá nhân thống nhất.

   Cái gì đảm bảo cho sự liên hệ nội tại giữa các yếu tố trên người cá nhân? Chỉ có thể là trách nhiệm thống nhất. Đối với cái mà tôi thể nghiệm và lí giải trong nghệ thuật, tôi phải lấy sự sống của tôi mà gánh lấy trách nhiệm, làm cho những điều thu được từ thể nghiệm, lí giải trong nghệ thuật có ích cho đời sống. Nhưng liên hệ với trách nhiệm còn có lỗi lầm. Đời sống và nghệ thuật, không chỉ nên chịu trách nhiệm với nhau mà còn phải gánh chịu trách nhiệm về lỗi lầm. Nhà thơ phải biết, đời sống tầm thường, nhạt nhẽo, là do lỗi của thơ của anh ta; mà con người của đời sống cũng phải biết, nghệ thuật vô tích sự là do lỗi ở chỗ anh ta thiếu đòi hỏi nghiêm khắc và có thái độ nhận chân đối với các vấn đề của đời sống. Cá nhân phải gánh vác toàn diện trách nhiệm của nó: cá nhân không chỉ phải đặt mọi nhân tố của cá nhân vào trật tự thời gian đời sống của anh ta, mà còn phải làm chúng thấm nhuần trong sự thống nhất  của trách nhiệm và lỗi lầm.

   Chớ mượn cớ “linh cảm “ mà bào chữa cho tội vô trách nhiệm. Cái linh cảm coi thường đời sống và bị đời sống coi thường ấy đâu phải là linh cảm, nó là cơn mê cuồng. Mọi quan hệ nghệ thuật và đời sống, mọi vấn đề cũ kĩ về nghệ thuật thuần tuý, hàm nghĩa đúng đắn mà không giả dối của chúng, tinh thần chân chính của chúng chỉ là ở chỗ: nghệ thuật và đời sống đều muốn giảm nhẹ nhiệm vụ của nhau, thủ tiêu trách nhiệm của mình, bởi vì khi không chịu trách nhiệm với đời sống thì tương đối dễ sáng tác, mà khi không suy nghĩ về nghệ thuật thì lại tương đối dễ sống.

   Nghệ thuật và đời sống không phải là một, nhưng cần phải thống nhất trên người tôi, thống nhất trong trách nhiệm thống nhất của tôi.

(Trần Đình Sử dịch)

 

About Trần Đình Sử

Giáo sư tiến sĩ Lý luận văn học, khoa Ngữ Văn, Đại học sư phạm Hà Nội
Bài này đã được đăng trong Uncategorized và được gắn thẻ . Đánh dấu đường dẫn tĩnh.

4 Responses to Nghệ thuật và trách nhiệm

  1. Pingback: Tin thứ Ba, 11-06-2013 | Dahanhkhach's Blog

  2. Pingback: NHẬT BÁO BA SÀM : TIN THỨ BA 11-6-2013 | Ngoclinhvugia's Blog

  3. Pingback: Anhbasam Điểm Tin thứ Ba, 11-06-2013 | doithoaionline

  4. Pingback: Tin thứ Ba, 11-06-2013 « BA SÀM

Bình luận về bài viết này