M. Gorki trong phê bình văn học Nga Hậu xô viết

M. GORKI TRONG PHÊ BÌNH VĂN HỌC NGA HẬU XÔ VIẾT

                                                                Trần Đình Sử

 

      Mắcxim Gorki – nhà văn Nga vĩ đại, người đặt nền móng cho phương pháp sáng tác hiện thực xã hội chủ nghĩa, người sáng tạo các tac phẩm kinh điển đầu tiên của phương pháp này có ảnh hưởng lớn đến văn học cách mạng vô sản thế kỉ XX hiện đang được nhìn lại khách quan và nghiêm khắc ở nước Nga hậu xô viết.

      Tháng 9 năm 1929 trong bài báo Sự mất mát năng lượng viết để bênh vực nhà văn B. Pinnhiắc trước sự công kích của dư luận, Gorki nói: “Chúng ta có thói quen ngu xuẩn là đẩy một người lên đỉnh vinh quang, rồi sau đó lại ném người ta xuống bùn hoặc đốt người ta thành tro bụi.” Có lẽ lúc ấy bấy giờ M. Gorki không thể ngờ ngày hôm nay ông lại là nạn nhân của thói ngu xuẩn ấy.

      Bắt đầu từ năm 1928 tên của Gorki được dùng để đặt cho thành phố, đường phố, bến tàu điện, viện nghiên cứu, nhà hát, công viên, thậm chí sân bay. Người ta kể lại là ông đã nổi giận và phản đối, nhưng chẳng ai nghe ý kiến của ông. Những năm 1928 – 1933 là năm chính quyền xô viết công nhận chính thức ông nhiều nhất, ông được đẩy lên đỉnh cao chót vót. Từ cuối những năm 80 bắt đầu một quá trình ngược lại. Thành phố, nhà ga, đường phố mang tên ông được thay bằng tên khác, thậm chí có người đề nghị bỏ tác phẩm của ông ra ngoài sách giáo khoa phổ thông. Ở Chêliabinsk khi thanh lí một thư viện, sách của ông bị đem ra đốt. Nhà phê bình Xukhic nói rõ ràng và ngắn gọn: Con lắc đánh giá đã chuyển tột cùng sang phía bên kia: người đặt nền móng cho văn học xô viết biến thành một trong những kẻ tội phạm trong việc nô dịch tinh thần đất nước, “người tư tế đầu tiên của Stalin”.

   Thời đại Cải tổ đã kích động  để xoá bỏ lớp mạ vàng trên các bức tượng và ánh hào quang trong các tuyển tập của các tác phẩm kinh điển thuộc thời kì xô viết. Việc đó thực hiện rất dễ dàng bằng cách công bố hàng loạt bài trên các báo, tạp chí, các ấn phẩm của các nhà xuất bản. Đáng chú ý là vào năm 1993, là năm kỉ niệm 125 ngày sinh của nhà văn, họ in lại hàng loạt bài báo cũ in ở nước ngoài. Nhưng nội dung thì không phải là kỉ niệm, không có bài tụng ca.

   Mặc dù hàng loạt bài dài đòng trong đó con người và sáng tác của nhà văn được đánh giá theo chiều hướng tiêu cực, song không ít công trình người ta cố gắng đánh giá khách quan hiện tượng Gorki, phân tích chỗ mạnh, chỗ yếu, những thành tựu và những chỗ sai lầm. Nhìn lại sáng tác của Gorki thời kì trước cách mạng tháng Mười trước hết là bài báo của L. Êgôrôva nhan đề Gorki và thời hiện đại. A. Sinhiapski có bài Tiểu thuyết Người mẹ như là mẫu mực đầu tiên của chủ nghĩa hiện thực xa hội chủ nghĩa, ở đó tác phẩm được phân tích dưới ánh sáng của tư tưởng “tạo thần”của Gorki. Gây xôn xao nhất là bài báo của G. Mitina Phúc âm của Mắc xim, nói rằng nguyên mẫu của tiểu thuyết Người mẹ là văn bản Kinh Tân ước. Trong hình tượng Paven Vlasôp có hình bóng của một người vác thánh giá. Nhìn chung, phải nói là sự tước bỏ ánh hào quang giả tạo đã có hiệu quả. Một tác giả nói: “Chúng ta đã bắt đầu phát hiện cho mình một nhà văn Gorki đầy mâu thuẫn, phức tạp, nói cách khác là một nhà văn sống động, chứ không phải nhà văn được tô vẽ ra theo một lí tưởng nào đấy.

      Sử dụng các tài liệu lưu trữ, người ta làm sáng tỏ mối quan hệ Gorki với Lênin, một quan hệ trước đây được miêu tả như là tình bạn nồng nhiệt, thậm chí là ngọt ngào. một tấm gương về sự thống nhất tư tưởng và hiểu biết lẫn nhau. Về đề tài này có bài báo của I. Rêviakina M. Gorki và Lênin (Những thư từ chưa công bố), bài báo của L. Smiernôva Gorki và Lênin – phá bỏ một huyền thoại. Các tác giả cho thấy đó là quan hệ phức tạp, đầy kịch tính, trong những năm 1909 – 1910- Gorki và Lênin không có điểm nào nhất trí với nhau cả.

     Đáng chú ý là đề tài Gorki và Stalin. L. Xpiriđônôva cho biết quan hệ Gorki và Stalin bắt đầu từ năm 1907, họ gặp nhau tại Luân đôn. Những năm sau cách mạng có một sự kiện đặc biệt, khi có người đề nghị nhà văn viết bài báo về đề tài: “người lãnh tụ của mọi thời đại” và có ai đó gửi cho ông tấm ngân phiếu 2500 đô la, nhà văn đã từ chối. Căn cứ vào bài tụng ca lạnh lùng Gorki viết cho Stalin vào năm 1930, nhà nghiên cứu đi đến kết luận: “Quan hệ hai người không mặn mà. Sự tiếp xúc của Gorki với Stalin và những người thuộc giới Stalin không hề có nghĩa là ông trở thành bạn hay đồng chí của Stalin. Tác giả bài báo dẫn tư liệu của B. Bobryshev cho thấy, khi Gorki mất, tiểu ban xử lí di cảo của nhà văn tìm thấy những trang, trong đó Gorki ví Stalin với “con rận man rợ mà giới tuyên truyền đã thổi phồng to lên đến mức không tin được”. Các nhận định này thống nhất với ý kiến của V.Vx. Ivanôv nêu trong bài báo có tên: Tại sao Stalin giết hại Gorki?

   Về vai trò người đặt nền móng cho phương pháp sáng tác hiện thực xã hội chủ nghĩa người ta liên hệ tư tưởng của Gorki với tư tưởng siêu nhân của Nietzsche và tư tưởng anh hùng dân tuý. Đó là một hiện tượng mâu thuẩn. Gorki đi từ tư tưởng “Tôi thích Nietzsche” đến “tôi là con người của đám đông” , và “tôi không thích nhân vật của Lavrova-Mikhailovski cũng như không thích đạo đức thống trị mà Nietzsche đã nói rất hay”. Các mâu thuẩn ấy nói lên đặc điểm cá nhân nhà văn, nhưng các mô tip của Nietzsche thể hiện trong sáng tác Gorki thời kì đầu thì rất rõ rệt. Say mê với tư tưởng Mác xít về vai trò tiên phong của giai cấp công nhân, hình như Gorki đã thay tư tưởng chủ nghĩa cá nhân của Nietzsche bằng tư tưởng tập thể. Sự thay đổi thể hiện trong tính cách của nhân vật. Paven Vlasôv, mặc dù có thể đặt vào hàng ngũ những Đancô có sức kêu gọi mọi người, nhưng anh vẫn gần với các nhân vật kiểu Nietzsche trong sáng tác thời kì đầu của nhà văn hơn, tức là các nhân vật trả lời câu hỏi: “Tôi làm gì cho mọi người?”. Theo nhận xét của nhà phê bình văn học Nga đương thời Đ. Philosophov thì nếu nhà văn từ bỏ các nhân vật ấy có nghĩa là chấm hết Gorki với tư cách là nhà nghệ sĩ, nhưng quan điểm đó không đúng. Thực chất của Gorki là thay đổi quan niệm nghệ thuật về con người và nhân vật. Đối với nhân vật hiện thực xã hội chủ nghĩa, đó là nhân vật tập thể, là kẻ biểu hiện lợi ích của giai cấp mình ( còn Nietzsche thì phủ nhận quan điểm giai cấp), do đó không phù hợp với con người siêu nhân của Nietzsche là kẻ khi tiếp cận mọi người thì thấy “ảm đạm vì buồn chán” và “muốn tự giải thoát khỏi đám đông” để qua bên kia bờ thiện ác.  Nhưng dù sao thì mối liên hệ Gorki và Nietzsche là có thật, không thể phủ nhận được. 

    L.Kolobaeva viết về mối quan hệ Gorki với Nietzsche, khẳng định răng sự gần gụi giữa Gorki với Nietzsche và chịu ảnh hưởng của Nietzsche không phải là huyền thoại, mà là thức tế. Gorki đem hệ vấn đề đạo đức của Nietzsche vận dụng vào nước Nga, sử dụng một số môtip và biểu tượng ở triết học của Nietzsche trong sáng tác. Gorki vẫn giữ tư tưởng cải tạo thế giới một cách duy ý chí của Nietzsche, tinh thần đó bắt gặp tư tưởng của K. Marx: “Các nhà triết học quá khứ chỉ giải thích thế giới, trong khi đó nhiệm vụ của triết học là cải tạo thế giới”. Gorki đã kết hợp tính tích cực của K. Marx với tính tích cực của Nietzsche. Rất thú vị là bản dịch về cương lĩnh triết học của Nietzsche ra tiếng Nga vào năm 1909 nghe như là sự diễn đạt khác của tư tưởng Marx: “Nietzsche muốn làm sao để cải tạo thế giới hơn là hiểu thế giới một cách nào đó”. Trong một bức thư gửi cho I. Micôla ngày 28 tháng 7 năm 1921 Gorki viết:”Tôi tin chắc vào năng lượng cá nhân nhiều hơn là năng lượng của quần chúng”. Tuy nhiên cho dù không dẫn Mác và Nietzsche, Gorki với tư cách là nhà nghệ sĩ đã thể hiện thái độ tích cực đối với thế giới, thể hiện khát vọng cải tạo nó triệt để. So với văn học thế kỉ XIX hoàn toàn có thể khẳng định tính chất mới mẻ về tính tích cực xã hội của nhân vật Gorki. Câu nói của Gorki: “Chỉ có những người cứng rắn, thẳng băng không thương xót như cây kiếm thì mới là người chọc thủng được xã hội cũ” có thể dùng làm đề từ cho chuỗi các nhân vật của chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa. Vậy là kẻ siêu nhân kiểu Nietzsche đã biến thành nhân vật kiểu mới – siêu nhân của cách mạng với “đôi mắt sáng ngời ánh thép”. Có người không hoàn toàn tán thành quan điểm này.  R. Persova cho rằng quan hệ Gorki với Nietzsche đã bị thổi phồng. Bà lưu ý rắng Gorki rất cố chấp, không dễ dàng tin theo người khác. Nên nói giống nhau đến mức nào, mâu thuẫn đên mức nào thì đúng hơn.

   Ngoài quan hệ với tư tưởng của Nietzsche Gorki còn có quan hệ với tư tưởng cực đoan của phái dân tuý. Nhà tư tưởng dân tuý Lavrov cho rằng dân chúng cần nhân vật thần thoại và những người chịu nạn mà huyền thoại về các nhân vật ấy sẽ chuyển hoá thành phẩm chất thực sự và công lao thực tế. Phải truyền cho dân chúng một nguồn năng lượng mà họ không có, …các nhân vật sẽ trở thành một lí tưởng không thể có, không thể với tới trước đám đông. Số lượng những người sẽ chết không quan trọng. Huyền thoại về những con người ấy bao giờ cũng sẽ nhân họ lên tận cùng của khả năng. Cách hiểu về nhân vật chính diện như thế đã nuôi dưỡng những cốt truyện “tạo thần”của chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa không chỉ trong thời kì cách mạng, mà cả trong đời thường ( ở đây cũng đòi hỏi anh hùng). Có thể tìm thấy một cái gì tương tự với điều trên trong cách hiểu về thực tiễn xã hội chủ nghĩa sau này của Gorki, khi ông đặt nhiệm vụ “Chuẩn bị những thử thách vĩ đại, dũng cảm có tính chất tập thể trong sự nghiệp giáo dục và xiết chặt kĩ luật nhằm mục đích chấm dứt sự thống trị khủng khiếp của những phi lí, ngẫu nhiên, cái sự thống trị cho đến nay vẫn được gọi là lịch sử.” Những yêu cầu về lòng hăng hái, niềm say mê của Nietzsche đã chuyển vào mĩ học đang hình thành của chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa. Còn một đặc điểm nữa làm cho chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa gần với mĩ học của Nietzsche là tính chất thiêng liêng trong chừng mực nào đó. Ở đây cái thiêng liêng phải có tác động thực tế bằng tác phẩm nghệ thuật đến ý thức và hành vi của người tiếp nhận. Có thể nhớ lại luận điểm của Nietzsche về vai trò của huyền thoại thời đại mới là “gợi lên một tồn tại khác, một niềm vui cao vời”. Sự phát huy độc đáo của các tư tưởng này có thể tìm thấy trong diễn văn của Gorki đọc tại Đại hội nhà văn xô viết lần thứ nhất cũng như qua nhiều ý kiến khác của nhà văn về một chủ nghĩa lãng mạn làm cơ sở cho huyền thoại và làm thức dậy thái độ cách mạng đối với thế giới, một thái độ mà thực tế sẽ làm biến đổi thế giới. Như thế, tư tưởng về tính tích cực xã hội của văn học ở Gorki có các cội nguồn văn hóa sâu xa.

     Gần đây xuất hiện nhiều công trình nghiên cứu về Gorki, trong đó đáng chú ý là công trình của Viện Văn học thế giới: Gorki và thời đại của ông, 4 tập (1989 – 1995), chuyên luận của X. Xukhic Nhận lầm và bừng sáng của Macxim Gorki (1992), của L. Xpiridova Gorki : đối thoại với lịch sử (1994), của N. Primochkina Nhà văn và chính quyền: M. Gorki trong phong trào văn học những năm 20 (1996), ấn phẩm định kì: Gorki hôm nay(1996). Các công trình này cung cấp nhiều tài liệu mới chưa công bố về nhà văn, phần nhiều là thư từ trao đổi với các nhà văn đương thời.

     Các tác giả L.Kixêlôva và A. Minakova nghiên cứu các đặc điểm thi pháp và thi pháp huyền thoại trong sáng tác của Gorki.

   Rất khó đánh giá ngành Gorki học hôm nay. V. Murômski cho rằng: Gorki đã và vẫn là nhà văn lớn hàng đầu của văn học Nga và mọi mưu đồ dai dẳng muốn xô đổ nhà văn khỏi đài danh dự chỉ có thể sẽ biến thành sự xác nhận nghiêm khắc tình trạng thực tế của sự vật: “Mối tình nồng nhiệt xung quanh Gorki đã lắng xuống, những công kích giật gân không còn, cảm hứng tố cáo đã nguội lạnh. Đã xuất hiện nhưng thái độ bình tĩnh và đầy suy nghĩ đối với sáng tác cĩng như tiểu sử của nhà văn, với các tài liệu mới công bố. Tư tưởng văn học tuy khó khăn, nhưng vẫn liên tục mở đường đi tới một Gorki sống động, không tô vẽ, giải thoất ông không chỉ khỏi những truyền thuyết và huyền thoại, mà còn khỏi những cơn xúc động thần kinh nhất thời, những thói huênh hoang rởm đời, khỏi những cực đoan do các thói xấu ấy tạo nên. Quả thực, những gì đang xảy ra xung quanh tên tuổi của Gorki, không nên xem là khách quan hoàn toàn. Nhưng gột sạch lớp vàng dát bên ngoài các thần tượng là một việc tốt, nó mở đường để đi đến một Gorki sống động đích thực, một con người còn nhiều bí ẩn và mâu thuẩn .”

 

         (Theo Lịch sử văn học Nga thế kỉ XX  của L.L. Egôrova và P.K. Chêkalop, http://teneta.rinet.ru  )

 

About Trần Đình Sử

Giáo sư tiến sĩ Lý luận văn học, khoa Ngữ Văn, Đại học sư phạm Hà Nội
Bài này đã được đăng trong Uncategorized và được gắn thẻ , , . Đánh dấu đường dẫn tĩnh.

4 Responses to M. Gorki trong phê bình văn học Nga Hậu xô viết

  1. Pingback: Tin thứ Tư, 29-5-2013 « BA SÀM

  2. Pingback: Anhbasam Điểm Tin thứ Tư, 29-5-2013 | doithoaionline

  3. Pingback: Tin thứ Tư, 29-5-2013 | Dahanhkhach's Blog

  4. Pingback: NHẬT BÁO BA SÀM : TIN THỨ TƯ 29-5-2013 | Ngoclinhvugia's Blog

Bình luận về bài viết này