Tính kí hiệu của hình tượng văn học

Tính kí hiệu của hình tượng văn học    

 

Trần Đình Sử

0.Đặt vấn đề

      Văn học nghệ thuật là một sáng tạo kí hiệu, không chỉ chi tiết, biểu tượng có tính kí hiệu, mà các nhân vật, dù là nhân vật hư cấu hay nhân vật lịch sử, hễ xuất hiện trong văn học tất cả đều có tính kí hiệu. Thế nhưng một thời gian dài, do dựa vào lí thuyết phản ánh, mà lí thuyết này phủ nhận vấn đề kí hiệu trong nhận thức, thế là tính kí hiệu của hình tượng nghệ thuật, hình tượng văn học bị che giấu. Từ đó phẩm chất của hình tượng nghệ thuật là giống như thật, chủ nghĩa hiện thực là phương pháp sáng tác tốt nhất, tiên tiến nhất, hình tượng văn học chỉ là hiện tượng đơn nghĩa, nghĩa phản ánh hiện thực. Hàng loạt vấn đề của văn học nghệ thuật đều bị giản đơn hóa. Đổi mới lí thuyết văn học phải đổi mới lí thuyết hình tượng, mà trước hết cần nhận thức rõ tính chất kí hiệu của nó. Trong bài này chúng tôi trình bày tính kí hiệu của hình tượng văn học. Các vấn đề liên quan như văn bản văn học, cấu trúc kí hiệu của hình tượng văn học sẽ nêu ra trong dịp khác.

1. Khi diễn ngôn văn học chỉ xét từ phương diện ngữ học

      Mọi người đều biết văn học là nghệ thuật ngôn từ, sao có thể nói nó là nghệ thuật giao tiếp phi ngôn ngữ? Vấn đề là từ khi có ảnh hưởng sâu rộng của ngôn ngữ học Saussure, rồi “bước ngoặt ngữ học” trong khoa học xã hội và nhân văn, vấn đề đặc trưng văn học hầu như chỉ xem xét trên bình diện ngôn ngữ: đối chiếu văn bản thơ với văn bản phi thơ, tìm chức năng thơ của ngôn ngữ văn học, thủ pháp lạ hóa…Coi thi pháp học là một bộ phận của ngôn ngữ học…Cách tiếp cận đó đã có những đóng góp đột xuất, song vẫn không tránh khỏi hạn chế, bởi vì, cái quy định chức năng thơ của thơ không chỉ là quy luật ngôn ngữ, mà còn là quy luật của nghệ thuật ngoài ngôn ngữ, quy luật thẩm mĩ, kí hiệu nói chung. Đúng như M. M. Bakhtin khi phê bình trường phái hình thức Nga đã nhận xét, một lí luận văn học, lí luận thi ca mà thiếu cái nhìn bao quát của mĩ học, nghệ thuật học thì không tránh khỏi hạn chế[1].

      R. Jakobson đề xuất mô hình giao tiếp 6 thành phần (người phát, người nhận, thông tin /thông báo, ngữ cảnh, tiếp xúc, mã), từ mô hình đó xây dựng mô hình 6 chức năng: chức năng biểu hiện, chức năng cầu khiến, chức năng thơ, chưc năng liên hệ, chức năng giao tiếp/tiếp xúc, chức năng siêu ngôn ngữ, trong đó chức năng thơ biểu hiện ở việc đem phương diện lựa chọn quy chiếu vào phương diện tổ hợp, tức là vận dụng sự tương tự về hình ảnh, âm thanh, vần, nhịp… nhằm hướng chú ý của người đọc từ chức năng liên hệ/ngữ cảnh chuyển sang đặc điểm hình thức của thông báo[2]. Mô hình giao tiếp của Jakobson là một đóng góp cho khoa học kí hiệu học và đã được hưởng ứng rộng rãi. Tuy nhiên theo Ju. Lotman, “áp dụng máy móc mô hình ấy vào các lĩnh vực văn hóa thì sẽ gặp nhiều khó khăn” [3], bởi vì mô hình giao tiếp kia tuy có tính phổ quát, thống nhất, song trong từng loại hình giao tiếp cụ thể, các thành phần có thể thay đổi, chẳng hạn người phát có thể là Tôi, người nhận cũng có thể là Tôi (trong quan hệ giao tiếp Tôi – Tôi, chứ không nhất thiết là Tôi – Người khác). Quan niệm về “tính thơ” của Jakobson lại bị một số học giả phê phán, bởi vì “có nhiều khiếm khuyết nghiêm trọng”(R. Scholes, xem chú thích 7 ở dưới). Đáng chú ý nhất trong đó là mô hình ấy không phân biệt giao tiếp bằng miệng và giao tiếp văn bản, không phân biệt giao tiếp thông thường và giao tiếp hư cấu, tách biệt giao tiếp ngôn ngữ với giao tiếp tạo hình. Theo quan niệm của mô hình giao tiếp nghệ thuật của Ju. Borev thì có tám cặp quan hệ giao tiếp: Tôi-Tôi (Tự giao tiếp bên trong cá nhân), Tôi –Anh (Giao tiếp Tôi với Người khác). Tôi –  Ta (đoàn thể, tập thể, dân tộc…), Tôi – Tất cả chúng ta (Nhân loại), Tôi – Toàn Thể (thế giới Tự nhiên), Tôi – Toàn thể khác (Tự nhiên thứ hai), Tôi – Toàn thể thứ ba (Văn hóa), Tôi – Toàn thể phổ quát (Vũ Trụ)[4].  Ý kiến này lưu ý tính đa thức của giao tiếp. Theo giải thích của M. Kagan thì giao tiếp chỉ xảy ra trong các hệ thống chủ thể với nhau, là vấn đề quan hệ liên chủ thể, mà chủ thể có tính đa thức: tôi có thể là cá nhân , có thể là đoàn thể, cộng đồng, dân tộc, nhân loại[5]. Theo M. Bakhtin thì cặp Tôi – Người khác là bao quát nhất. Trong bất cứ quan hệ nào cũng chỉ là Tôi và Người khác là hai chủ thể cơ bản biến dạng mà thôi: “Trong sự hiểu có hai ý thức, hai chủ thể”[6] bất kể chủ thể ấy số ít hay số nhiều.

   Trong giao tiếp bằng văn bản người phát vắng mặt, hơn nữa cuộc giao tiếp trong văn bản văn học, thơ ca là giao tiếp tưởng tượng, hư cấu: giữa người kể chuyện, nhân vật trữ tình, người đọc thực tế không phải là người nhận đúng danh nghĩa, anh ta đọc văn bản như là đọc ké văn bản của người khác[7]. Ví dụ khi đọc các bức thư trong truyện ngắn Thế là mợ nó đi Tây của Nguyễn Công Hoan, thì người đọc chỉ là người đọc ké, vì văn bản không gửi cho họ. Hay như khi đọc bài thơ Bầm ơi của Tố Hữu, hầu như tất cả người đọc không có ai là “bầm”, còn những người đọc bài Bác ơi, có ai là Bác đâu? Như thế thì  người nhận văn bản văn học cũng hoàn toàn khác với người nhận văn bản thực tế. Khi đọc bài thơ tình của Puskin chẳng hạn, người gửi trong thơ không đồng nhất với Puskin, người nhận trong thơ là một ai đó, người đọc thực tế của bài thơ không liên quan gì với người nhận của bài thơ. Người đọc ấy không đứng ở chỗ đứng người nhận trong bài thơ, mà đọc theo lập trường người gửi (nhà thơ) theo cach hiểu của người đọc để hiểu nhà thơ. Điều này cho thấy mô hình giao tiếp trong thơ trữ tình là Tôi – Tôi dưới hình thức Tôi – Người khác. Các nhầm lẫn đó nói lên rằng, chức năng thơ không phải là hiện tượng thuần túy ngôn ngữ học, không thể giải thích thuần túy bằng mô hình giao tiếp ngôn ngữ tự nhiên. Muốn xét nó, phải đặt trong phạm vi rộng hơn như giao tiếp nghệ thuật, văn hóa, và giao tiếp cũng không thể chỉ là giao tiếp ngôn ngữ. Công trình của Jakobson đã chứng tỏ điều đó. Thử hỏi, cái gì bắt buộc văn bản thơ phải đem nguyên tắc đẳng trị của phương diện lựa chọn quy chiếu vào trục tổ hợp? Cái đó có phải quy tắc của ngôn ngữ không? Rõ ràng là không, bởi ngữ học có hai trục lựa chọn và trục kết hợp, nhưng quy tắc “quy chiếu” ấy phải chăng chỉ có trong nghệ thuật? Bàn về văn học nghệ thuật cần phải xem xét phương diện tính hình tượng.

2. Giao tiếp ngôn ngữ và giao tiếp phi ngôn ngữ(giao tiếp không lời)

F. de Saussure đã phân chia ra hai loại kí hiệu:Kí hiệu ngôn ngữ và kí hiệu phi ngôn ngữ, bao gồm chữ viết, chữ cái của người câm điếc, tín hiệu quân đội, các nghi thức, nghi lễ. Từ đó có thể phân biệt giao tiếp ngôn ngữ và giao tiếp phi ngôn ngữ. Hình tượng là phương tiện giao tiếp phi ngôn ngữ của con người. Giao tiếp phi ngôn ngữ là thuật ngữ của ngữ học. Lí thuyết giao tiếp cho biết có hai hình thức giao tiếp: ngôn ngữ và phi ngôn ngữ. Giao tiếp ngôn ngữ như tiếng Việt, tiếng Anh, tiếng Pháp….mọi người đã biết. Giao tiếp phi ngôn ngữ thông qua các kí hiệu phi ngôn ngữ để thực hiện, ví như nét mặt, ánh mắt, động tác tay chân, ăn mặc, môi trường xung quanh… Trong các cuộc trò chuyện, thông tin từ ngôn ngữ chỉ chiếm khoảng 35% , còn 65% thông tin thu nhận từ các tín hiệu phi ngôn ngữ. Có người cho rằng thông tin từ ngôn ngữ còn ít hơn, chỉ 7%. Điều đó xác nhận vị trí cực kì quan trọng của kênh thông tin phi ngôn ngữ trong đời sống. Dĩ nhiên để tiếp nhận các thông tin phi ngôn ngữ ấy người ta đã “phiên dịch” thầm chúng thành ngôn ngữ nội tại trong tâm trí.

Tuy vậy trong lí thuyết thông tin, truyền thông khái niệm giao tiếp phi lời nói lại thường không bao gồm nghệ thuật, bởi ở đó, yếu tố phi lời nói chỉ là yếu tố phụ trợ, bổ sung cho giao tiếp ngôn ngữ, chứ không có ý nghĩa độc lập. Thật vậy theo quan niệm đó phạm vi  giao tiếp phi lời nói bao gồm các hành vi biểu cảm thân thể, âm lượng, âm chất của lời, tổ chức không gian, môi trường giao tiếp, khứu giác, xúc giac, đồ dùng, thời trang,… Có người xác định giao tiếp phi lời nói gồm ba loại hình: tư thế tĩnh, tư thế động, các biểu hiện tình thái, nội dung cũng tương tự như cách hiểu thứ nhất. Đó là một quan niệm hẹp, thiếu quan niệm bao quát về văn hóa giao tiếp. Theo Ju. Lotman, “trong cơ chế văn hóa sự giao tiếp được thực hiện tối thiểu theo hai kênh có tổ chức khác nhau.” Đó là “kênh tạo hình và kênh ngôn từ có quan hệ mật thiết với nhau”[8]. Hai kênh liên hệ mật thiết với nhau nhưng không phải là một. Do vậy lĩnh vực giao tiếp tạo hình phi lời nói cần được hiểu rộng hơn như là giao tiếp hình tượng, tạo hình, bao gồm cả giao tiếp với chính mình, và với thế giới xung quanh bằng hoạt động của các giác quan và trí tưởng tượng, liên tưởng, trực giác, bằng con mắt, lỗ tai bên trong. Mà trong lịch sử phát triển của con người giao tiếp tạo hình, nhịp điệu, âm nhạc có trước hoặc cùng lúc với ngôn ngữ, tư duy và sử dụng kí hiệu. Ý thức con người theo các nhà khoa học cho biết xuất hiện khoảng 2 triệu năm nghìn năm trước, vào thời đồ đá cũ, khi con người đã để lại những dấu hiệu của họ trong hang động. Thứ tự xuất hiện các nghệ thuật của nhân loại về mặt logic, trước hết là nghệ thuật cải tạo môi trường như chọn hang động, làm nhà, kiến trúc rồi điêu khắc; thứ hai là nghệ thuật thân thể, như trang sức, vẽ mình, múa nhảy, kịch câm; thứ ba, khi đã có trình độ cao thì hội họa, âm nhạc, thi ca. Thi ca chỉ xuất hiện khi nào năng lực ngôn ngữ đạt trình độ điêu luyện, con người biết làm chủ âm thanh, nhịp điệu, hình ảnh…Khi đã có ngôn ngữ văn học càng phát huy kênh giao tiếp phi ngôn từ bằng ngôn từ, chính điều đó tạo nên tính đặc thù của văn học. Ở đây ngôn từ đã chuyển mã ngôn ngữ tự nhiên để thành ngôn ngữ nghệ thuật, và hình tượng đây là hình tượng ngôn ngữ, khác hẳn với hình tượng hôi họa, múa nhảy. Giao tiếp này có một lúc hai kênh: kênh ngôn ngữ và kênh hình tượng, ngôn ngữ tự nhiện phục tùng ngôn ngữ hình tượng. Ta có thể hình dung hai kênh qua một vài ví dụ như sau: “Lép nhép vài hàng tỏi, Lơ thơ mấy bụi khương, Vẻ chi tèo teo cảnh, Thế mà cũng tang thương.” Đó là cuộc giao tiếp không lời giữa con người (Tôi – Tôi) qua ngoại cảnh do ngôn từ ghi lại, không hướng tới ai. Lời trong bài tự hướng tới bản thân nhà thơ, nhà thơ nói với chính mình. “Tiền bất kiến cổ nhân, Hậu bất kiến lai giả, Niệm thiên địa chi du du, Độc thương nhiên nhi thế hạ.” Đó là sự giao tiếp với chính mình qua biểu tượng trong nội tâm. Lời thơ chỉ thuần túy miêu tả, không hướng tới ai cả. “Một thoáng lặng nhìn nhau, Mắt đã thầm hỏi chuyện, Đôi bộ áo quần nâu, Đã âm thầm thương mến. Giọt giọt mồ hôi rơi, Trên má anh vàng nghệ, Anh Vệ quốc ơi, Sao mà yêu anh thế?” Đoạn thơ miêu tả trạng thái giao tiếp của hai chủ thể qua hoạt động quan sát nhau, mà thực tế chỉ là tự quan sát của một chủ thể trong bài thơ. Lời thơ là lời nói thầm của một chủ thể với chính mình. Các ví dụ này cho thấy thi ca là sự miêu tả bằng ngôn ngữ cuộc tự giao tiếp phi ngôn ngữ của chủ thể người thông qua kí hiệu ngoại giới được tổ chức bằng ngôn ngữ. Ngưới ta giao tiếp bằng các hình ảnh được cảm nhận bằng tri giác, tình cảm, trực giác, chứ không bằng ngôn ngữ, ngôn ngữ chỉ là phương tiện “sao lại”, “chép lại”, “tổ chức” lại. Như vậy ngôn ngữ (văn bản) là cái biểu đạt của hình tượng, đến lượt mình hình tượng chuyển thành cái biếu đạt của tư tưởng, tình cảm. Tất nhiên hình tượng lúc này là hình tượng ngôn ngữ, ngôn ngữ là thuộc tính của hình tượng, không còn là ngôn ngữ như trong giao tiếp thông thường, cũng không phải là ngôn ngữ thuần túy chỉ bị chi phối bởi các quy luật thuần túy ngôn ngữ. Xem thi pháp học là bộ phận của ngữ học như Jakobson là khó có sức thuyết phục. Theo Lotman, ngôn ngữ và văn học nghệ thuật là hai ngôn ngữ ở hai cấp độ khác nhau.Ngôn ngữ là hệ kí hiệu tính thứ nhất, còn văn học thuộc hệ kí hiệu tính thứ hai.

Lĩnh vực giao tiếp này tất yếu bao gồm toàn bộ nghệ thuật. Trong công trình Nghệ thuật là gì, L.Tolstoi có nêu định nghĩa: “Nghệ thuật là một hoạt động của con người hình thành khi một người có ý thức dùng một số kí hiệu ngoại tại nhất định để truyền đạt cho người khác những tình cảm mà mình đã thể nghiệm cho người khác, người khác lây lan tình cảm đó và thể nghiệm được chúng.” Kí hiệu ngoại tại có thể là ngôn ngữ mà cũng có thể chỉ là màu sấc, hình khối, đường nét, có thể là thân thể người được hiểu như là kí hiệu, tức là một vật có giá trị thay thế một cái khác. Theo ông nghệ thuật không phải là sự thể hiện tư tưởng, vẻ đẹp thần bí; không phải là trò chơi phát tiết sinh lực thừa; không phải là  thể hiện tình cảm ra ngoài; không phải sự tự hưởng thụ, mà chủ yếu là phương tiện giao tiếp của con người cần thiết đôí với cuộc sống và đối với sự vận động đi đến cái tốt đẹp của mỗi người và của nhân loại nhằm thống nhất tất cả mọi người vào trong những tình cảm nhất định”[9]. L. Plekhanov phê bình quan niệm này chỉ nói đến tình cảm mà không nói đền tư tưởng, thẩm mĩ. Quan niệm nghệ thuật là phương tiện giao tiếp tư tưởng và tình cảm thẩm mĩ của con người là hoàn toàn đúng. Vấn đề mà chúng tôi muốn nhấn mạnh ở đây là hoạt động giao tiếp ấy diễn ra thế nào, theo cấu trúc như thế nào? Trong quan niệm giao tiếp của Tolstoi hàm chứa phương diện tự giao tiếp, trong đó giao tiếp phi ngôn ngữ có một giá trị độc lập tương đối rất hệ trọng. Nếu trong giao tiếp bằng ngôn ngữ như các cuộc chuyện trò, các phương tiện giao tiếp phi lời nói chỉ đóng vai trò phụ trợ, thì trong hoạt động nghệ thuật chúng lại đóng vai trò chủ đạo duy nhất. Hội họa, điêu khắc, âm nhạc, vũ đạo, kiến trúc, trang phục…đều là các hình thức giao tiếp thẩm mĩ giữa người và người mà không sử dụng ngôn ngữ giao tiếp tự nhiên, nếu có thì rất hạn chế  nhưng rất quan trọng, ví dụ nhan đề bắt buộc dùng ngôn ngữ. Hiển nhiên phương tiện phi ngôn ngữ trong giao tiếp ngôn ngữ với phương tiện giao tiếp phi ngôn ngữ của nghệ thuật có sự tương đồng mà cũng có khác biệt về chất. Các biểu hiện phi ngôn ngữ của cơ thể người, của nét mặt, âm thanh…cũng giống như các biểu hiện kí hiệu của tự nhiên như mưa, gió, giông, bão, bình minh, hoàng hôn, chồi, nụ, hoa, lá…là những hiện tượng vật chất, vốn có của thực tại trong tự nhiên và trong đời sống. Tính chất cụ thể, gợi cảm và biểu nghĩa của chúng do lặp đi lặp lại nhiều lần trong kinh nghiệm mà hình thành và được thừa nhận (ước định tục thành) như những kí hiệu giao tiếp. Nghệ thuật mô phỏng, sử dụng các kí hiệu tự nhiên ấy, biến chúng thành hình tượng, làm thành ngôn ngữ biểu đạt của mình. Hình tượng nghệ thuật do đó là một văn bản dệt bằng các kí hiệu tự nhiên theo những quy tắc nhất định. Khái niệm “mô phỏng” có từ thời cổ đại Hy Lạp chỉ nên hiểu là một phương thức cấu thành phương tiện kí hiệu phi ngôn ngữ mà con người sử dụng để sáng tạo nghệ thuật, chứ không phải là bản chất của toàn bộ hoạt động nghệ thuật như người ta ngộ nhận. Kant đã viết: “Tất cả mọi người đều tán thành, rằng thiên tài (tức là người sáng tạo nghệ thuật – người trích lưu ý) phải đối lập lại với tinh thần mô phỏng.”[10]  Mô phỏng chỉ là một phương thức tạo ra kí hiệu hình tượng, ngoài ra còn có so sánh, phúng dụ, biểu tượng, tượng trưng, nghịch dị, liên hệ, ghép nối để các kí hiệu tự nhiên có khả năng nói nhiều hơn bản thân chúng… nhằm thể hiện một cái gì sâu sắc hơn thì mới làm nên bản chất của nghệ thuật. Khái niệm “mimesis” của Aristote theo nghiên cứu của nhà triết học Nga A. F. Losev, có nhiều nghĩa, có thể dịch thành các thuật ngữ khác nhau như mô phỏng, biểu hiện, tái hiện, mô phỏng cái khả nhiên, hư cấu…đã nói rất đúng tính chất của nghệ thuật là phương tiện giao tiếp phi ngôn ngữ[11]. Hình tượng là sự mô phỏng đời sống nhưng không phải bản thân đời sống, và vì giống đời sống mà không phải bản thân đời sống cho nên nó mới là hình tượng, là một thứ hình thức. Bởi thế hình tượng là một sáng tạo ảo, chỉ để nhìn ngắm và biểu nghĩa. Nhưng bản chất của nghệ thuật không phải là mô phỏng hay “phản ánh” như sau này ta thường nói. Tuy nhiên Hegel không tán thành quan niệm của Aristote là “nghệ thuật mô phỏng tự nhiên”, bởi vì theo ông, cái đẹp tự nhiên có nhiều khiếm khuyết, nếu giản đơn mô phỏng thì là chủ nghĩa tự nhiên, vì thế ông chủ trương hình tượng phải có sự lựa chọn, khái quát tạo nên sự thống nhất hữu cơ nội dung và hình thức[12]. Từ đó khái niệm hình tượng có một địa vị vững chắc trong lí luận văn học về sau, đặc biệt là lí luận văn học dân chủ Nga và lí luận văn học macxit. Hình tượng đó là một ngôn ngữ đặc biệt, không dùng ngôn ngữ giao tiếp tự nhiên mà có khả năng truyền đạt thông tin cho người khác tiếp nhận. Đến đầu thế kỉ XX khi ngữ học lên ngôi, có xu hướng phủ nhận khái niệm hình tượng, cho là không chính xác. V. Shklovski một mặt đả kích khái niệm hình tượng, xem nghệ thuật là thủ pháp, song mặt khác trong quá trình luận chứng ông lại thấy “chỗ nào có thủ pháp, chỗ ấy có hình tượng”[13]. Vậy là hình tượng vẫn có chỗ đứng. Đến nay theo Lotman hình tượng và ngôn ngữ là hai kênh giao tiếp đã khẳng định hình tượng (tạo hình) và ngôn ngữ tồn tại cùng nhau, Sự đối lập ngôn ngữ với hình tượng trên con đường đi tìm đặc trưng văn học là thiếu cơ sở, rút gọn đặc trưng văn học vào một mình ngôn ngữ cũng thiếu cơ sở như thế.

 

3.Đặc trưng của giao tiếp không lời (phi ngôn ngữ)

Quan niệm ngày nay người ta hiểu giao tiếp không chỉ là hoạt động trao nhận thông tin, khi bên sở hữu thông tin phát tín hiệu cho bên nhận để bên nhận qua giải mã, thu được thông tin trọn gói mà nó chưa biết, mà còn bao hàm hoạt động suy luận, diễn giải của người nhận mới đạt đến sự hiểu. Quá trình giao tiếp cũng là quá trình hình thành ngôn ngữ. Con người sống trong xã hội và trong thế giới, thoạt đầu khi chưa có ngôn ngữ nó đã phải giao tiếp với nhau và với thế giới. Khi đã có ngôn ngữ rồi con người vẫn tiếp tục giao tiếp với toàn bộ thế giới phi ngôn ngữ. Chính sự giao tiếp đó làm cho hệ thống giác quan và trí tuệ của con người phát triển thành giác quan người và nhờ đó mà con người có khả năng thu nhận thông tin đủ cho việc duy trì và phát triển  đời sống của nó. Marx có nói con chó có khứu giác tinh nhạy hơn mũi người, con đại bàng có thị giác tuyệt vời hơn mắt người, nhưng không có con vật nào có thể cảm nhận thế giới sâu sắc, tinh vi, nhiều thông tin như giác quan người. Khả năng giao tiếp phi ngôn ngữ bổ sung cho giao tiếp ngôn ngữ, bởi không có phương tiện giao tiếp nào là vạn năng. Đó cũng là cơ sở để cho nghệ thuật phát triển. Trí não con người cũng chia làm hai nửa bán cầu có sự phân công phi đối xứng, nửa bên trái là trung tâm hoạt đọng ngôn ngữ, tư duy trừu tượng, nửa bên phải là khu vực tri nhận, tưởng tượng, liên tưởng. Có thể nói nửa bên phải là khu vực diễn ra hoạt động giao tiếp phi ngôn ngữ[14].

Giao tiếp phi ngôn từ diễn ra như thế nào? Theo nghiên cứu của các nhà triết học kinh nghiệm chủ nghĩa Anh thế kỉ XVII – XVIII như F. Bacon, Thomas Hobbes, Shaftesbury, F. Hutcheson, Hium người ta đã lần lượt chỉ ra cơ chế tâm lí học của hiện tượng giao tiếp đó. Chẳng hạn Hium chỉ ra, một hình thể đặt không thăng bằng, ví như một bức tường hay một cái tháp nghiêng gây cảm giác bất an, lo lắng, sự nguy hiểm, bởi nó sẽ đổ, gây tai họa, thương vong. Một thân cây quay cuồng trong gió bão gây cảm giác quằn quại, đau đớn. Cũng vậy bình minh báo hiệu một ngày mới tươi đẹp, chồi non báo hiệu sự sống và sinh trưởng… Ngày nay tâm lí học Gestalt giải thích bằng “dạng thức động lực học” (dáng lực) của sự vật tạo nên khả năng biểu cảm của chúng. Mỗi sự vật đều hàm chứa cái thế, cái lực, cái phương tạo nghĩa của chúng. Chẳng hạn phố đổ ra bờ sông, con được chạy lên đồi, bức tường đứng sừng sửng, cây vươn cành lên cao…Từ các quy luật “đồng cảm”, “liên tưởng”, “tưởng tượng”, “chuyển cảm” người ta đã thấy được sự giao tiếp của con người với tự nhiên, giả định rằng tự nhiên cũng có sự sống, từ đó nẩy sinh tư tưởng vạn vật hữu linh, mọi vật có linh hồn, nảy sinh tôn giáo, hoạt động ma thuật có từ thời cổ đại. Kì thực không cần có cảm quan tôn giáo dạng thức động lực học vẫn thường xuyên đánh thức sự đồng cảm của con người đối với thế giới xung quanh để nhìn chúng như một thế giới kí hiệu. Sang thế kỉ XIX, hai cha con nhà triết học Đức Robert Vischer(cha) và F. Theodor Vischer (1807 – 1887) đề ra thuyết nhập cảm (Einfuhlung, Empathy, nhà mĩ học Trung Quốc Chu Quang Tiềm dịch là “di tình”) con người đem tình cảm mình nhập vào đối tượng, Theodor Lipps (1851 – 1914) phát triển quan niệm “nội mô phỏng”, nghĩa là con người không chỉ mô phỏng bề ngoài sự vật như Platon hình dung, mà còn dùng tâm hồn mô phỏng hoạt động bên trong của sự vật để đồng cảm với nó. Từ đó xác lập nguyên tắc nhân cách hóa trong giao tiếp với thế giới. Đó là giao tiếp Tôi – Tôi trên cơ sở kí hiệu tự nhiên của thế giới. Cho đến giờ đây các hiện tượng trên vẫn là cách giao tiếp phổ biến của nhân loại[15].

Trung Quốc cổ xưa cũng có thuyết tâm vật cảm ứng, cảm cảnh sinh tình giải thích cơ chế con người tự giao tiếp với thế giới. tự nhiên – cảm vật – sinh tình – tạo hình thức theo nguyên tắc dị chất đồng cấu. Các loại thơ “tức cảnh”, “tức sự” chính là giao tiếp dị chất đồng cấu như vậy.[16]

Thực chất của giao tiếp đó không phải là giao tiếp “Tôi – Người khác” thông thường, mà đã là tự giao tiếp “Tôi – Tôi” như Ju. Lotman phát hiện. Giao tiếp tôi – tôi thực chất là quá trình tự thể nghiệm, tự phát hiện, tự thay đổi. Tôi qua giao tiếp trở thành một cái Tôi khác sâu sắc hơn cái Tôi ban đầu.

Các hành vi của con người, các cảnh vật xung quanh hiện ra như là các đơn vị  của một ngôn ngữ biểu trưng (representative) đặc thù hướng tới khả năng tâm trí tri nhận của ngôn ngữ bên trong. Bởi vì bất cứ sự hiểu nào, mà các hành vi của diễn viên trên sân khấu hướng đến sự hiểu của người xem nhờ các xung động và motiv nội tại của chúng, kết quả là  “một sự phiên dịch từ ngôn ngữ tự nhiên thành ngôn ngữ nội tại”[17]Trong hệ thống tự giao tiếp (Auto kommunicatio) này ngôn ngữ không cần ngữ pháp, vì đó là ngôn ngữ bên trong, “ngôn ngữ cho mình”, và việc tạo thành các ý nghĩ của mình sau đó đòi hỏi các ngôn ngữ loại khác để mọi người xung quanh có thể hiểu được. Và khi thể hiện thành ngôn ngữ tự nhiên thì mới thành văn bản cố định, và minh hiểu mình sâu sắc hơn, lâu dài hơn. Điều này cho thấy trong sáng tác và tiếp nhận thường xuyên có hoạt động phiên dịch từ ngôn ngữ phi ngôn ngữ sang ngôn ngữ tự nhiên và ngược lại.  

Lotmanphânbiệthaihệthốnggiaotiếp: “Tôi – Ngườikhác” và “Tôi – Tôi”. Trong hệ thống một, chủ thể Tôi thông báo cho Người khác điều người ấy không biết, hoặc nhắc cho khỏi quên một điều đã biết. Trong hệ thống hai, Tôi nói với Tôi, ngoại trừ điều tự nhắc để tôi khỏi quên một thông tin đã biết, có chức năng văn hóa khác, hoặc là cấp bậc khác. Khi Tôi đọc văn bản của Tôi trên văn bản in hay trong tuyển tập, thì giao tiếp đó nhận được thông tin bổ sung của cấp bậc khác so với bản thảo viết tay. Trường hợp ghi nhật kí không phải với mục đích ghi nhớ sự việc, mà nhằm mục đích phơi bày tâm trạng, thì nếu không ghi nhật kí ta sẽ không có sự phơi bày đó cho chính mình. Theo Lotman tự giao tiếp có vị trí to lớn hơn nhiều so với các trường hợp vừa nêu. Đó là giao tiếp để mình tự hiểu mình, thực trạng mình, hoàn cảnh mình, tính chất của mình. Bài thơ của Puskin Ngôi sao là hành trình giao tiếp Tôi – Tôi:

 Một ngôi sao vừa rơi
vụt tắt trên bầu trời
hay là tên người ấy
vụt tắt ở trong tôi ?

Vẫn thấy trên bầu trời
có muôn vàn sao sáng
mà ở trong lòng tôi
như một hành lang vắng

Một ngôi sao vừa tắt
bầu trời vẫn không buồn
sao tên người ấy tắt
trong lòng tôi cô đơn ?

 

Tuy nhiên Lotman chỉ lưu ý khía cạnh của giao tiếp bằng ngôn ngữ. Người ta vẫn tự giao tiếp khi ngắm cảnh, xem tranh, xem kịch, khi đọc tác phẩm văn học. Trong thời nguyên thủy có thể hình dung  hệ thống tự giao tiếp “Ta –Ta” khi chưa có ngôn ngữ trong hoạt động giao tiếp ma thuật. Mọi người mô phỏng động tác săn bắt con mồi trong điệu nhảy. Mô phỏng là giao tiếp. Khi cầm cái dáo đâm vào hình ảnh hay hình nộm con vật, họ vừa thể hiện nguyện vọng săn bắt, vừa thể nghiệm hoạt động săn bắt, vừa dự cảm kết qủa săn bắt. cái dáo, động tác, hình nộm là kí hiệu. Nhà nghệ sĩ (điêu khắc, họa sĩ hay nhà văn…) khi sáng tác bức tượng vừa là người tạo (gửi) thông điệp, vừa là người nhận thông điệp của mình thể hiện trong chất liệu, so sánh với ý đồ sáng tác ban đầu để xem có phải cái mà ta muốn trao gửi, biểu hiện hay chưa. Sáng tác là quá trình tự giao tiếp và tự hoàn thiện. Niềm vui sáng tạo và niềm vui tiếp nhận sản phẩm mới không tách rời nhau. Hoạt động giao tiếp Tôi – Người khác và giao tiếp Tôi – Tôi ở đây hàm chứa trong nhau.

Với quan niệm thực tiễn, Marx không đóng khung giao tiếp bằng hoạt động cảm giác thuần túy mà mở rộng ra trong thực tiễn. Khi đề cập đến hoạt động sản xuất xã hội Marx đã hình dung một hoạt động giao tiếp kép, hai trong một như sau:

“Giả sử chúng ta sản xuất cho người khác thì trong quá trình sản xuất của mình, mỗi người chúng ta sẽ hai lần khẳng định mình: khẳng định mình và khẳng định người khác. Trong tình hình đó:

1. Trong quá trình sản xuát của tôi, tôi sẽ đối tượng hóa cá tính của tôi cùng các đặc điểm của nó. Do đó, trong bản thân hoạt động này, tôi thưởng thức sự biểu hiện sự sống của cá nhân tôi, và tôi vui thích (…) nhận thấy nhân cách mình trong đối tượng (…) nhận thấy nó là một sức mạnh tuyệt đối không thể chối cãi.

2. Anh sử dụng sản phẩm của tôi và thưởng thức nó,  điều đó cũng trực tiếp làm cho tôi được thưởng thức, vì tôi nhận thấy lao động của tôi thỏa mãn nhu cầu của con người, thấy được bản chất của con người đã đối tượng hóa. (…).

3. Đối với anh, tôi đã trở thành một người môi giới giữa anh và loài của anh, tôi sẽ nhận thức và lí giải cho anh; sẽ trở thành sự kéo dài và bổ sung cho tồn tại của bản thân anh, trở thành một bộ phận không thể tách rời, tất yếu của bản thân anh. Do đó tôi tự khẳng định mình  (…) trong tình cảm thích thú của anh.

4. Thế là thông qua sự biểu hiện sự sống của cá nhân tôi, tôi đã trực tiếp sáng tạo ra sự biểu hiện sống của anh, và trong hoạt động cá nhân của mình tôi đã thực hiện cái bản chất đích thực của tôi, bản chất con người xã hội của tôi. Sản phẩm của chúng ta sẽ là những tấm gương soi thấy bản chất của chúng ta đang tỏa sáng rực rỡ.”[18]

Hoạt đông thực tiễn là một hoạt động con người tự giao tiếp (Tôi – Tôi), trong đó hàm chứa sự giao tiếp với đồng loại (Tôi – anh; Tôi – Ta, Chúng Ta), những giao tiếp không lời, không ngữ pháp. Trong giao tiếp đó, con người vừa thu nhận thông tin về hoạt động và sản phẩm của mình, vừa thu nhận thông tin về sản phẩm của mình trong sự sử dụng của đồng loại, vừa mang cái chung của nhân loại. Sự mô tả của Marx hoàn toàn có thể giúp ta suy ra tính nhân loại trong giao tiếp nghệ thuật không lời.

 

4. Giao tiếp không lời trong nghệ thuật.

Hình tượng đóng vai trò là một ngôn ngữ giao tiếp đặc biệt, giao tiếp không lời. Ngôn ngữ hình tượng có đặc điểm thứ nhất là không nói bằng khái niệm trừu tượng, mà bằng hình ảnh cụ thể , thiên về khêu gợi, ám thị, kích hoạt, do đó ý nghĩa thường mơ hồ, nhiều khia cạnh mà không cách gì có thể phiên dịch hết hàm nghĩa của nó thành ngôn ngữ tự nhiên thông thường.

Đặc điểm thứ hai của ngôn ngữ hình tượng nghệ thuật là có khả năng truyền đạt thông tin trực tiếp đến tận các giác quan, kích thích những phản ứng cảm xúc, tình cảm, nhiều khi vô thức, khêu gợi sự tưởng tượng, liên tưởng, có sức lan tỏa thấm sâu đến người nhận. Hình tượng có sức đánh thức những kinh nghiệm tiềm ẩn trong vô thức mà ngôn ngữ tự nhiên thông thường không sánh kịp.

    Đặc điểm thứ ba của ngôn ngữ hình tượng nghệ thuật là nghệ sĩ giữ im lặng trong tác phẩm của mình. Tác giả không nói gì suốt vở múa, bài nhạc hay bức tranh, bức tượng, ngoại trừ nhan đề. Cũng có nhiều tác phẩm vô đề. Mặt trời có nói gì đâu, nó chỉ là một vầng rực rỡ. Núi cao có nói gì đâu, chỉ phô bày một dãy nguy nga. Bầu trời có nói gì đâu, chỉ một chốn cao thâm vòi vọi; Đất rộng có nói gì đâu, chỉ một miền bát ngát mênh mông. Nghệ thuật học cách nói của bản thân thế giới.

       Chúng tôi hiểu hình tượng là ngôn ngữ nghệ thuật phi lời nói đối với tất cả các loại hình nghệ thuật, trong đó có văn học. Là một loại hình nghệ thuật, đặc trưng đầu tiên của nó chính là phương thức giao tiếp phi lời nói. Chính vì như thế mà chúng tôi xem hình tượng là phạm trù trung tâm của lí luận văn học nghệ thuật. Đối với hầu hết nghệ thuật, hình tượng tồn tại trong tư duy, trong tác phẩm, trong tiếp nhận của người tiếp nhận. Chỉ riêng văn học vấn đề có hơi khác.

Để hiểu văn học chúng ta trước hết hãy tìm hiểu phương thức giao tiếp phi lời nói của nó, sau đó mới tìm hiểu vai trò của ngôn ngữ trong văn học có chức năng như thế nào. Khi R. Jakobson lập mô hình giao tiếp ngôn ngữ gồm 6 thành phần rồi xác định chức năng thơ của ngôn ngữ, không khó lắm để thấy rằng, chức năng thơ của thông báo hoàn toàn tách rời hoặc không phụ thuộc gì đến các yếu tố khác của mô hình giao tiếp ngôn ngữ, được biến dạng so với phương thức liên kết của ngôn ngữ. Như thế có nghĩa là chức năng thơ là chức năng phi ngôn ngữ.

Ngôn ngữ trong tác phẩm văn học là ngôn ngữ dùng để miêu tả, tái hiện, biểu hiện của một chủ thể hư ảo do tác giả tạo ra, nhưng không phải tác giả. Vì vậy có thể nói ngôn ngữ trong văn học là “không của ai cả”. Đó không phải ngôn ngữ của tác giả dùng để phát ngôn, giao lưu trực tiếp ý nghĩ, tư tưởng với một ai cụ thể trong thực tại. Lời trực tiếp của tác giả thường chỉ thể hiện trong nhan đề, lời đề tặng hoặc lời tựa. Trong văn bản nghệ thuật không có lời tác giả.

 

Nhà mĩ học mác xít Pháp là Pierre Macherey viết: “Trên thực tế là tác phẩm văn học vì sự im lặng này mà được viết ra.Chúng ta nên tìm hiểu thêm, cái điều không có, không thể biểu đạt trong cái im lặng ấy là cái gì.”[19]. Theo Macherey, sự im lặng gắn bó mật thiết với hàm nghĩa đích thực của tác phẩm. Có người hỏi L. Lolstoi điều ông muốn thể hiện trong tác phẩm Anna Karenina là gì, ông đã từ chối và yêu cầu đọc lại tác phẩm từ đầu đến cuối. Có giai thoại có người hỏi Goethe trong Faust nói gì, Goethe cũng trả lời như nhà văn Nga. Nghĩa là cả Tolstoi và Goethe đều giữ im lặng đối với ý nghĩa của tác phẩm. Điều đó chứng tỏ, văn học là sự giao tiếp hình tượng phi lời nói. M. Bakhtin cũng xác nhận tính chất giao tiếp gián tiếp và việc giữ im lặng của tác giả.[20] Nhà lí luận văn học Nga V. Tiupa cũng viết, “nghệ sĩ không giao tiếp với ta bằng ngôn ngữ tự nhiên, mà bằng mô hình ngôn ngữ thứ sinh”, tức ngôn ngữ hình tượng[21].

Từ đặc điểm  vừa nêu có thể nhận ra đặc điểm thứ tư, đó là hình tượng nghệ thuật mang ý nghĩa mở. Khi nghệ sĩ im lặng thì có nghĩa là ông ta để cho người đọc quyền phán định, mà không gò vào một xác quyết nào. Ý nghĩa không chỉ ở trong hình tượng mà còn ở xung quanh nó, trong sự luận bàn về nó. Quan niệm này trùng hợp với quan niệm ý nghĩa của các nhà hiện tượng học như R. Ingarden, hay giải thích học như Gadamer. 

5. Giao tiếp không lời trong diễn ngôn văn học

     Ngôn ngữ hình tượng văn học là ngôn ngữ được tạo ra bằng ngôn ngữ tự nhiên, do ngôn ngữ làm nảy sinh ra trong tâm trí người đọc. Nó là cái được biểu đạt của văn bản.

Nhưng đồng thời ngôn ngữ văn học lại phụ thuộc vào cấu trúc của bản thân ngôn ngữ hình tượng nghệ thuật, do hình tượng nghệ thuật quyết định. Nếu hình tượng người kể chuyện là người điên thì ngôn ngữ không thể có logich rõ ràng. Nếu nhân vật chỉ suy nghĩ thì ngôn ngữ chỉ có thể là độc thoại nội tâm. Nếu người kể chuyện là trẻ con thì ngôn ngữ không thể là của người lớn. Nếu người kể chuyện sử dụng điểm nhìn nhân vật thì ta có lời trần thuật nửa trực tiếp. Ngôn ngữ văn bản văn học hoàn toàn phụ thuộc vào tình chất của hình tượng hư cấu và do đó nó cũng có tính hư cấu.

      Bản thân ngôn ngữ, từ ngữ là khái quát, trong ngôn ngữ chỉ có cái chung, không có cái cụ thể. Khi ta đau đớn trong người, trước câu hỏi của bác sĩ :  “đau ở đâu, đau như thế nào” mọi người bệnh đều lúng túng trong việc diễn đạt cái đau trong người, vì không có từ ngữ nào diễn tả được cái đau thể chất ấy. Còn cái đau tâm hồn, tình cảm lại càng khó biểu đạt. Goethe nói “nghệ thuật  là phương tiện truyền đạt cái mà ngôn ngữ không thể nói ra được”. M. Gorki cũng nói về “nổi khổ sở ngôn từ”, nghĩa là cái khổ khi không tìm được từ thích đáng để biểu đạt điều muốn biểu đạt. Marx trong Lời nói đầu cho tập Phê phán chính trị kinh tế học có nói. “Cái cụ thể sở dĩ là cụ thể là vì nó là tổng hợp của rất nhiều quy định”. Hình tượng văn học cũng thế. Từ là là trừu tượng. Nhưng “chiếc lá xanh” đã cụ thể hơn, rồi “chiếc là xanh non mới nhú trên cành bàng đung đưa trước gió” thì đã cụ thể gợi cảm, vì ngôn ngữ biến thành sự miêu tả. Hình tượng văn học là sản phẩm của sự miêu tả, cách tổ chức ngôn từ đặc biệt nhằm gây ấn tượng sâu đậm khó phai mờ trong tâm trí người đọc.      

Giao tiếp trong hình tượng văn học thực chất là giao tiếp với đời sống xã hội, thông qua các chủ thể ngôn ngữ trong văn bản, mà đó là phương thức tự giao tiếp Tôi – Tôi của con người, hoàn toàn không phải giao tiếp Tôi – Người khác như mô hình giao tiếp ngôn ngữ thông thường. Giao tiếp Tôi – Người khác được thể hiện một cách gián tiếp, như sơ đồ sau đây:

 

 

 

 

Tác giả tự giao tiếp

Tôi – Tôi

Người trần thuật

Văn bản

 

trần thuật

Người tiếp nhận

Người đọc tự giao tiếp

Tôi – Tôi

      Hành vi trần thuật

Ở đây hành vi giao tiếp ngôn ngữ trong quan hệ giữa các chủ thể người kể chuyện, nhân vật trữ tình với người nhận trong truyện, thơ, dưới dạng giả định, có tính chất biểu diễn trong hình thức hình tượng. Còn giữa tác giả và người đọc thực tế không hề có quan hệ giao tiếp trực tiếp nào mà chỉ có tự giao tiếp gián tiếp khi ngắm sự biểu diễn của người khác. Sáng tác văn học là tạo sân chơi cho các chủ thể hình tượng biểu diễn theo lập trường tác giả. Người đọc bị quy định bởi lập trường tác giả trong văn bản, song cũng độc lập theo lập trường riêng của mình. Tác giả tự giao tiếp khi sáng tác và người đọc tự giao tiếp khi đọc văn bản nghệ thuật. Cái gọi là giao tiếp với tác giả thực chất là giao tiếp với “tác giả” do người đọc tưởng tượng ra tức là một dạng Tôi – Tôi. Quan niệm cho rằng một văn bản nghệ thuật nếu chưa được đọc thì chưa trở thành tác phẩm tỏ ra phiến diện, bởi vì trong quá trình sáng tác, văn bản đã được đọc và đã là tác phẩm đối với người sáng tác.

 

 6. Ngôn ngữ trong giao tiếp văn học

       Đặc trưng của ngôn ngữ văn học đã được nói nhiều trong khái niệm loại hình “ngôn ngữ văn chương”, theo đó ngôn ngữ văn chương có 4, 5 hoặc 6, 7 tính chất như tính hình tượng, tính biểu cảm, tính chính xác, tính hàm súc…Sự có dãn của số lượng thuộc tính cho thấy quan niệm còn thiếu chặt chẽ khoa học. Xét ra các tính ấy cũng có thể tìm thấy trong các văn bản ngoài văn học. Tuy nhiên ngôn ngữ văn học không giống với ngôn ngữ giao tiếp thông thường. Xét về chức năng, đây là ngôn ngữ gián tiếp, nó trực tiếp phục tùng sự giao tiếp phi ngôn từ của hình tượng. Đó không phải là lời của một người cụ thể nói với một người cụ thể. Ở đây ngôn từ văn học giống với ngôn từ khoa học và ngôn từ triết học, nghĩa là một ngôn từ trình bày chân lí trong quá trình tư duy mà không giao tiếp với bất cứ ai cụ thể. Nó không phải là lời của ai, không phải là lời nói với ai cụ thể. Nhà nghiên cứu Nga Lixevich trong sách Tư tưởng văn học cổ Trung Hoa khi nhận xét về nét độc đáo trong ngôn ngữ thơ cổ Trung Quốc có nhận xét rằng đó là lời không của ai cả. Nhưng xét ra đó là đặc điểm chung của mọi lời văn học, không riêng gì của thơ cổ điển Trung Hoa. 

Vậy mối quan hệ giữa hình tượng và ngôn ngữ trong văn học như thế nào? Xét chức năng ngôn ngữ trong văn bản văn học thì có thể nói ngôn ngữ văn học đóng vai trò yếu tố tổ chức, kết cấu, miêu tả, tự sự, tức là ngôn ngữ mô phỏng, nói khái quát, là yếu tố tái mã hóa hình tượng phi ngôn ngữ. Với đặc điểm đó ngôn ngữ văn học là ngôn ngữ nghệ thuật, không phải là ngôn ngữ giao tiếp, biểu đạt như ngôn ngữ đời thường hay ngôn ngữ khoa học.  Ví dụ đọc câu thơ của Bà Huyện Thanh Quan:

Chiều trời bảng lảng bóng hoàng hôn.

Tiếng ốc xa đưa lẫn trống đồn,

Gác mài ngư ông về viễn phố,

Gõ sừng mục tử lại cô thôn.

Ngàn mai gió cuốn chim bay mỏi,

Dặm liễu sương sa khách bước dồn…

Toàn bài không có dấu hiệu của lời nói, lời giao tiếp. Nó là thông báo, nhưng không có người gửi và người nhận. Đọc đến câu cuối: “Kẻ ở Chương Đài, người lữ thứ, Lấy ai mà kể nỗi hàn ôn”. Thì ta nhận ra là lời tự giao tiếp Tôi – Tôi. Trong thơ hiện đại, ví dụ bài Vội vàng của Xuân Diệu hay bài Đây thôn Vĩ Dạ của Hàn Mặc Tử cũng đều là giao tiếp Tôi – Tôi phi lời nói.

Việc xác lập văn học là sự giao tiếp phi ngôn ngữ cho phép ta nhìn đặc điểm ngôn ngữ văn học rõ hơn, tập trung hơn. Theo đó, có thể nêu lên 4 điểm đặc điểm cơ bản sau đây.

Đặc điểm thứ nhất của ngôn ngữ văn học là ngôn ngữ phi tác giả. Trong một công trình nghiên cứu thơ trữ tình Nekrasov  nhà ngữ văn Nga B.O. Korman chỉ ra sự phân biệt ngôn ngữ nghệ thuật của thơ và ngôn ngữ hàng ngày. Theo ông, trong bất cứ lời nói thông thường nào cũng có ba yếu tố thống nhất với nhau: Tác giả lời nói, Chủ thể lời nói, Ý thức lời nói. Trong đời sống thực tiễn tác giả lời nói đóng vai trò quyết định, trả lời câu hỏi lời của ai. Địa vị càng cao lời nói có thể càng tỏ ra quan trọng. Nhưng trong văn bản văn học tác giả lời nói đứng ngoài, nhường chỗ cho các chủ thể lời nói như là các yếu tố mang ý thức tác giả phát ngôn. Chủ thể này có thể biểu hiện các ý thức thẩm mĩ có ý nghĩa khái quát cao hơn tác giả lời nói thông thường, đời thường. Nhà văn đã sáng tạo ra các chủ thể như người kể chuyện, chủ thể trữ tình, nhân vật phát ngôn…tạo thành hệ thống chủ thể của văn bản nghệ thuật. Ngôn ngữ trong truyện, trong thơ đều là ngôn ngữ của các chủ thể do nhà văn sáng tạo ra. “Không một từ nào của văn bản nghệ thuật có thể liên hệ trực tiếp với cá nhân nhà văn. Người nói trong các tác phẩm văn học đều là các hình ảnh (nhân vật) do nhà văn lựa chọn hoặc là người thay mặt nhà văn – nhưng mặt nạ ngôn từ về sự có mặt của nhà văn trong văn bản (người kể chuyện,  người trần thuật, người chép sự kiện,  các chủ thể trữ tình). Suy đến cùng những kẻ ấy  đều có địa vị của nhân vật văn học. Thậm chí trong thơ trữ tình có yếu tố tự truyện thầm kín của tác giả, thì hình tượng tác giả không phải là người nói, mà là người nghe kẻ nói ấy, hiểu và đánh giá tiếng nói ấy như là “một người khác”[22]. Trong không gian văn bản nghệ thuật không có chỗ hiện diện cho ngôn ngữ tác giả, mà chỉ có các chủ thể mang ý thức tác giả.[23]Trong ngôn ngữ kịch đặc điểm này càng rõ. Tác giả hiện diện trong tác phẩm một cách gián tiếp dưới dạng “hình tượng tác giả” hay “tác giả hàm ẩn” thể hiện qua chủ thể lời nói. Để viết được văn bản văn học trước hết nhà văn phải sáng tạo được hình tượng chủ thể để cho nó phát ngôn. Lời văn văn học là lời phát ra từ trong thế giới hình tượng của các chủ thể đó, chứ không phải trong không gian thực tại. “Rồi một hôm nếu về cha hỏi, Mẹ đi đâu con biết nói sao?” hoặc “Hắn vừa đi vừa chửi. Bao giờ cũng vậy, cứ rượu xong là hắn chửi” không phải là lời của Thanh Tịnh hay của Nam Cao trong không gian thực tại. Một thời gian dài người ta đồng nhất tác giả với người kể chuyện hay nhân vật trữ tình, nhưng đó là hai hiện tượng khác nhau. Đặc điểm này ứng với quan niệm “sự im lặng” của tác giả như Macherey đã nói, ứng với quan niệm của Bakhtin về phương thưc biểu đạt gián tiếp của văn học, ứng với quan niệm tác phẩm là không gian vắng mặt tác giả như Foucault nói.

Đặc điểm thứ hai của ngôn ngữ văn học là tính chất mô phỏng (biểu diễn). Nhà văn là người mô phỏng (biểu diễn) các biểu hiện của thực tại chứ không phải người phát ngôn. Bắt đầu từ mô phỏng người kể chuyện, mô phỏng kẻ trữ tình, mô phỏng các nhân vật hành động đến mô phỏng (tức là miêu tả, trần thuật, biểu diễn) các sự kiện, cảm xúc, cảm giác, mô phỏng dòng ý thức, mô phỏng độc thoại nội tâm…Sự mô phỏng tạo ra tất cả các thuộc tính đã nêu như tình hình tượng, tính cụ thể, cảm tính, tính biểu cảm. G. Genette có phản biện rằng nói văn học mô phỏng như Aristote là không chính xác, Theo ông văn học chỉ có khả năng mô phỏng ngôn ngữ: ngôn ngữ người kể, ngôn ngữ nhân vật, còn không thể mô phỏng sự vật, bỡi giữa ngôn ngư và đồ vật không có cái tương đồng không thể mô phỏng. Nhưng theo phân tích của A. Losev, từ “mô phỏng” của Aristote có 9 nghĩa trong đó có biểu hiện, tái hiện, tái tạo… Với hàm nghĩa đó theo tôi có thể nói mô phỏng được. Chức năng chủ yếu của ngôn ngữ văn học là “mô phỏng”, tức tái hiện cuộc giao tiếp phi ngôn từ của con người, tái hiện các biểu đạt ngôn ngữ và phi ngôn ngữ của nhân vật,  tình huống, phong cảnh… Yêu cầu mô phỏng đòi hỏi nhà văn sử dụng dày đặc các phương thức tu từ như ẩn dụ, so sánh, nhân hóa, chơi chữ, tượng thanh, tượng hình…Trong văn học ngôn ngữ không có chức năng giao tiếp trực tiếp nào hết.

Đặc điểm thứ ba là tính mơ hồ, đa nghĩa. Do miêu tả các kí hiệu giao tiếp phi ngôn ngữ của thực tại cho nên ngôn ngữ văn học luôn có tính mơ hồ đa nghĩa. Hầu như mọi trường hợp về chữ nghĩa không có gì khó hiểu mà ý nghĩa vẫn mơ hồ. Ví như các câu thơ Hồ Xuân Hương trong bài Mời trầu, Đánh đu, câu thơ Chính Hữu “Đầu súng trăng treo”.

Đặc điểm thứ tư là tính lệch chuẩn, lạ hóa so với ngôn ngữ giao tiếp thông thường. Ngôn ngữ văn học không mô phỏng một cách giản đơn theo thói quen đã mòn, theo cơ chế tự động hóa, mà luôn luôn theo nguyên tắc mĩ học, lạ hóa. Từ trong bản chất nó chống lại mọi mô phỏng sáo mòn bằng mọi thủ pháp lạ hóa, lệch chuẩn. Ngôn ngữ thơ cho phép biến đổi cấu trúc ngữ pháp, thay đổi quy tắc kết hợp, có thể không tuân thủ quy tắc chính tả như viết hoa, xuống dòng, chấm câu… Đó là vì văn học “nói” bằng phương tiện phi ngôn ngữ. Nói cách khác là “nói” bằng sức tự biểu hiện của sự vật hay con người.

7. Lời lết

Nói hình tượng giao tiếp phi ngôn từ không phải là coi nhẹ ngôn ngữ mà muốn xác lập vị trí ngôn ngữ trong văn học. Hình tượng văn học với tư cách là biểu đạt phi ngôn từ cũng là một ngôn ngữ nghĩa rộng, một hệ thống kí hiệu có cấu trúc của nó, có phương thức lập mã, giải mã của nó. Đó là phương diện đã được nhiều học giả đề cập, chúng tôi sẽ đề cập trong bài khác. Tất nhiên hình tượng trong văn học lại do ngôn ngữ khái niệm hóa mà tạo nên, không thể tách rời khỏi chức năng biểu đạt của ngôn ngữ. Nó là nghệ thuật của một ngôn ngữ kép. Tình hình này không có trong hội họa, âm nhạc, múa, nhảy,kiến trúc, điêu khắc. ở đấy đặt văn học trong hàng nghệ thuật giao tiếp phi ngôn ngữ nhằm cho phép ta nhận ra, lí giải các đặc trưng của hình tượng văn học trong tính hệ thống, quy định lẫn nhau mà cách tiếp cận khác chưa đề cập tới được. Thông qua tính chất giao tiếp phi ngôn ngữ ta mới thật sự hiểu rõ đặc trưng của ngôn ngữ văn học. Không tính đến phương thức giao tiếp phi ngôn ngữ người ta không tránh khỏi phiến diện khi thuyết minh đặc trưng của ngôn ngữ văn học.

 

Hà Nội, 2 – 8 – 2012. Bổ sung sửa chữa tháng 4 năm 2013, xem lại, bổ sung 6 – 2014.

 

 

 

 

[1] M. M. Bakhtin. Hình thức, nội dung và chất liệu trong nghệ thuật/ Những vấn đề văn học và mĩ học, nxb. Nghệ thuật M., 1975.

[2] R. Jakobson. Ngôn ngữ học và thi pháp học / Trong sách Chủ nghĩa cấu trúc, tán thành và phản đôi, nxb. Tiến bộ, M., 1975, tr. 193 – 230.

[3] Ju. Lotman. Tự giao tiếp: “Tôi” và “Người khác” như là những người nhận. Về hai mô hình giao tiếp trong hệ thống văn hóa. Xem Kí hiệu quyển, St-Peterrburg, 2000, tr. 159 – 165.

[4] Ju. Borev Giao tiếp nghệ thuật và Kí hiệu học, M., nxb. Khoa học, 1986, tr. 33.

[5] M. S. Kagan. Thế giới của giao tiếp. Nxb Chính trị, M., 1988, tr. 100.

[6] M. Bakhtin. Vấn đề văn bản trong ngữ học, triết học và các khoa học nhân văn khác, trong sách Mĩ học sáng tạo ngôn từ, M., Nghệ thuật, 1979, tr. 290.

[7] Robert Scholes. Chủ nghĩa cấu trúc trong văn học., Bản dịch Trung văn, nxb Tam Liên, Thượng Hải, 1988, tr. 42.

[8] Ju. Lotman. Tài liệu đã dẫn.

[9] L. Tolstoi. Nghệ thuật là gì? Nxb. Người đương thời, M., 1985, tr. 168 – 169.

[10] I. Kant. Phê phán năng lực phán đoán. Bản dịch tiếng Nga, tr. 182. Dẫn theo Khalizev V. trong sách Dẫn luận nghiên cứu văn học.

[11] A. F. Losev. Mĩ học Hi Lạp cổ đại.

[12] Hegel. Mĩ học, Phan Ngọc dịch, Tập I, nxb. Văn học và Trung tâm ngôn ngữ văn hóa Đông Tây.

[13] V. Shklovski. Nghệ thuật như là thủ pháp.

[14] Bác sĩ ngoại khoa Pháp Pierre Brroca (1824 – 1880) chứng minh người bị tổn thương bán cầu trái đại não, mất khả năng nói. Nhà sinh vật học thần kinh Mĩ chứng minh, người hỏng bán cầu trái khi nhìn thấy bức tranh, tuy không nói được, nhưng lại có thể chỉ ra bức tranh vừa nhìn thấy.. Xem David Cohen Bí ẩn của ngôn ngữ tư duy, Bản Trung văn, nxb Thanh niên, Bắc Kinh, 2001, tr. 46.

[15] Xem. Chu Quang Tiềm. Lịch sử mĩ học phương Tây, tập 1, 187; tập 2, tr. 251 và các trang sau.

[16] Đồng Khánh Bính và nhiều tác giả. Trung Quốc cổ đại thi học tâm lí thấu thị, Thiên Tân., Bách Hoa xuất bản. 1993.

[17] Xem Vygotski. Tư duy và ngôn ngữ, Tác phẩm 6 tập, t. 2, M., 1982.

[18] Mác , Engels. Tác phẩm , T.3, tr. 574, bản tiếng Đức. Chuyển dẫn từ bài của Chu Quang Tiềm  trong Tập luận văn thảo luận vấn đề mĩ học, Nxb. Văn nghệ, Bắc Kinh, 1964, tập 6, tr. 186 – 187.

[19] Macherey P. Phân tích văn học: nấm mồ của cấu trúc.  Trong sách: Tọa độ mới của mĩ học hiện đại, Đại học Bắc Kinh xuất bản, 1990, , tr. 363.

[20] M. Bakhtin. Mĩ học sáng tạo ngôn từ, M., 1979, tr. 353; 289.

[21] V. Tiupa. Diễn ngôn nghệ thuật (Dẫn luận vào lí luận văn học. Tver, 2001, tr. 6.

[22] Tiupa V. Dẫn luận vào diễn ngôn nghệ thuật, Tver, 2002,  tr. 6.

[23] Korman B. O. Thở trữ tình Nekrasov,  Voronege, 1964, Izhevsk, 1978. Xem thêm tác phẩm của ông: Nghiên cứu văn bản tác phẩm văn học, M., 1972.

About Trần Đình Sử

Giáo sư tiến sĩ Lý luận văn học, khoa Ngữ Văn, Đại học sư phạm Hà Nội
Bài này đã được đăng trong Uncategorized. Đánh dấu đường dẫn tĩnh.

4 Responses to Tính kí hiệu của hình tượng văn học

  1. Pingback: Tin Chủ Nhật, 08-06-2014 « BA SÀM

  2. Pingback: NHẬT BÁO BA SÀM : TIN CHỦ NHẬT 8-6-2014 | Ngoclinhvugia's Blog

  3. Pingback: Anhbasam Điểm Tin Chủ Nhật, 08-06-2014 | doithoaionline

  4. Pingback: Biểu tượng văn học dưới cái nhìn tự sự học theo lí thuyết của Iu. M. Lotman – leluuoanhdhsp

Bình luận về bài viết này