Cuộc phê phán luận văn của Đõ Thị Thoan hay là sự xung đột về khung tri thức và thế hệ

Cuộc phê phán luận văn của Đỗ Thị Thoan hay là sự xung đột về khung tri thức và thế hệ?

Trần Đình Sử

     1.Một cách hành xử quá nóng vội

Cuộc phê phán luận văn thạc sĩ năm 2010 của giảng viên đại học Đỗ Thị Thoan hiện đang rầm rộ khắp cả nước, trên các báo lớn, báo nhỏ với đủ các từ quy kết nặng nề như “phản văn hóa”. “phản động,”, “mượn danh khoa học để làm chính trị”, “ngụy khoa học”, “sự lệch chuẩn”, “sự nổi dậy của rác thối”, tham vọng soán ngôi của thơ rác…Một đám cháy đang bùng lên dữ dội trên văn dàn.  Mật độ cấp tập của sự phê phán không kém gì với các cuộc phê phán tác phẩm Vào đời của Hà Minh Tuân năm xưa mà tôi đã nhắc đến với sự xử lí oan đối với cả cuộc đời nhà văn đại tá quân đội. Đồng thời với sự phê phán là các đề nghị cách chức, xử lí những người hữu quan, và thực tế đã không tiếp tục kí hợp đồng giảng dạy với cô giáo Nhã Thuyên một cách vội vàng, chưa đủ thủ tục pháp lí. Thông thường người ta chỉ xử lí sau khi đã nghị án rõ ràng, có người bào chữa, có ý kiến của đương sự. Đằng này tất cả đều làm rất nhanh, bên trên, sau lưng đương sự, thiếu các thủ tục dân chủ tối thiểu trong một xã hội được coi là đề cao dân chủ thì thật tiếc là thiếu sự đàng hoàng. Tại sao chúng ta không tổ chức đối thoại, nêu câu hỏi để yêu cầu nhà khoa học trẻ giải trình, mà chỉ cho phép phê phán, như là một tội lỗi đương nhiên không cần bàn cãi? Tại sao chúng ta lại hành xử một sự kiện văn hóa một cách thô bạo, y như hồi những năm 50, 60, khi chúng ta đang còn ít kinh nghiệm?  Giả thử luận văn thạc sĩ Đỗ Thị Thoan có sai lầm nghiêm trọng chăng nữa thì cũng cho người ta cơ hội để nhận thức và sửa chữa, tương lai của cô còn rất dài, chọn được một người có trình độ học thức để làm giảng viên đại học đâu phải câu chuyện dễ? Chúng ta phải tin vào con người. Mọi sự đều sẽ thay đổi, không có gì là bất biến.

Thái độ ứng xử vơi Hội đồng chấm luận văn và người hướng dẫn cũng vậy. Họ là nhứng người làm việc hợp pháp theo quy chế của ngành, thống nhất trong toàn quốc, lẽ ra phải được quy chế bảo vệ. Nay có một ý kiến hô lên có vấn đề, thế là lập túc đòi xử lí họ, vô hiệu hóa họ. Điều này tạo ra một tiền lệ nguy hiểm sẽ phá hoại bản thân nền đào tạo trên đại học của nước nhà. Nay mai, sẽ có người khác hô lên, luận án này có vấn đề, luận án kia có vấn đề, thế là lại xử lí, mà ý kiến bất đồng trong khoa học xã hội và nhân văn bao giờ cũng có, nhất là trong thời buổi nhạy cảm như hôm nay. Sự đánh giá của các hội đồng và các cá nhân thông thường không khớp nhau. Người ngoài hội đồng cũng thường có ý kiến khác. Theo tôi, làm to chuyện một vấn đề không lớn không phải là giải pháp hay.

     2. Sự xung đột về thế hệ

Nhã Thuyên thuộc thế hệ trí thức học tiếng Anh đầu tiên, một chủ trương sáng suốt của ngành giáo dục, học sinh phải học tiếng Anh từ tiểu học, các luận văn cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ đề phải có trích dẫn tài liệu tiếng Anh. Mà đã học tiếng Anh thì đương nhiên tiếp thu văn hóa của thế giới tiếng Anh, trong đó ý thức về đa nguyên văn hóa là điều trở thành niềm tin tự nhiên của nền văn hóa ấy. Mà nếu ngày nay có lưu học ở Trung Quốc hay lưu học ở Nga, Ucraina, thì ở các nước đó văn hóa đa nguyên cũng đã là niềm tin tự nhiên rồi. Thế hệ trẻ tương lai của đất nước ta là một thế hệ như thế, không có thế hệ khác. Tôi không nói đa nguyên chính trị ở đây, chỉ riêng đa nguyên văn hóa ở Việt Nam cũng đang là một thực tế mà ta không thể phủ nhận. Các loại triết thuyết, các loại tôn giáo, tín ngưỡng đều có, tất nhiên sắp xếp theo một trật tự của ý thức hệ thống trị. Luận văn được viết ra trên một thực tế là văn hóa, văn học chúng ta là một thực thể đa nguyên, trong đó có trung tâm và bên lề luôn luôn xung đột. Trung tâm dĩ nhiên là đối tượng chủ yếu của nghiên cứu rồi, mà các hiện tượng bên lề cũng là đối tượng đáng được nghiên cứu. Đối với các nhà phê bình văn học thế hệ trước, trong đó có tôi, chúng ta tin văn hóa, văn học chỉ có trung tâm, ngoài ra là thù địch, không có ngoại biên, bên lề, không có cái khác, do đó khi tiếp cận luận văn này rất lấy làm bức xúc. Qủa thật, điểm danh các tác giả tham gia phê phán luận văn thạc sĩ này như Chu Giang Nguyễn Văn Lưu, Phong Lê, Vũ Hạnh, Nguyễn Ngọc Thiện, Văn Chinh…đều thuộc thế hệ trước. Sự khác biệt thế hệ khó hiểu nhau, thế hệ mới nói những điều mà thể hệ trước khó hoặc không thể hiểu được, thế là xảy ra xung đột đã làm tóe lửa, tạo thành đám cháy lớn trên văn đàn và thiệt hại cho các cá nhân hữu quan. Nếu không suy nghĩ đến vấn đề này thì sẽ còn xảy ra xô xát nhiều nữa, mà thiệt hại trực tiếp sẽ là sự tiến bộ của nền khoa học nước nhà, mặc dù mọi nghị quyết của Đảng đều thiết tha mong mỏi để cho nền khoa học nước nhà tiến kịp trình độ các nước trong khu vực và các nước tiến tiến trên thế giới. Nếu xử lí không thỏa đáng sẽ làm e sợ, giảm sút  nhu cầu tiến bộ của cả một thể hệ mới.

     3. Sự xung đột về khung tri thức khoa học hay là hệ hình khoa học

Trung tâm và ngoại biên là một cặp khái niệm để mô tả cấu trúc của các nền văn hóa và văn học. Có trung tâm thì có ngoại biên. Nếu chủ đề yêu nước, chủ nghĩa xã hội là chủ đề trung tâm của văn học thì các chủ đề như nữ quyền, hậu thực dân, tân lịch sử, giới tính…là các chủ đề ngoại biên. Nếu lí luận mác xít đối với nước ta là trung tâm, thì các lí thuyết khác như phân tâm học, cấu trúc luận, kí hiệu học, tự sự học… là ngoại biên. Nếu văn học dân tộc Kinh là trung tâm, thì văn học các dân tộc ít người là ngoại biên. Nếu văn học cách mạng là trung tâm thì các biểu hiện lệch lạc trước đây là văn học ngoại biên. Trong thơ Tố Hữu, các bài thơ tình của ông là ngoại biên. Trong sáng tac của Nguyễn Đình Thi, Con nai đen, Nguyễn Trãi ở Đông Quan là ngoại biên.  Trong Kháng chiến chống Pháp, trong sổ tay thơ của các chiến sĩ, ngoài các bài thơ cách mạng của Tố Hữu, Chính Hữu, thế nào cũng có đôi bài thơ mới của Xuân Diệu, Hàn Mặc Tử… như là một thứ ngoại biên, phải giấu kĩ, nếu bị phát hiện thì không phải đùa. Trong xuất bản hôm nay, các thứ thơ như Bóng chữ, thơ Trần Dần thực ra vốn là thơ ngoại biên, bên lề. Nói gọn lại, toàn bộ các tác phẩm bị cấm đoán, bị phê phán trong giai đoạn trước đều là thứ văn học ngoại biên. Các tác phẩm, tác giả văn học đô thị miền Nam được xuất bản hôm nay đều bị coi là ngoại biên. Trong báo chí hôm nay, các bài viết theo kiểu “chuyện hôm nay mới kể” là các đề tài ngoại biên, bởi thời trước không thể kể ra được. Văn học dân gian hiện đại rất sống động và phát triển, nhưng ngoài truyện vui Ba Phi, thơ Bút tre ra đều là ngoại biên hết. Văn hóa dân gian quá khức, như ca dao, tục ngữ có phân thanh và phần tục, như các bộ “Kho tàng”  thì chỉ ghi phần thanh, loại bỏ phần tục vì coi chúng là “không có tính giáo dục”. Đó là cách tự  làm nghèo vốn dân gian của ta. Cấu trúc văn học không đối xứng, trật tự thường là không bình đẳng. Đó là sự thật lịch sử mà ai cũng biết.

Trong công cuộc đổi mới văn học của chúng ta hôm nay vấn đề đổi mới thơ, đổi mới văn học đã trở thành một vấn đề của trung tâm, được trung tâm quan tâm. Trong các thời trước, đổi mới, làm thơ không vần như Nguyễn Đình Thi là bị cấm, coi là bất hợp pháp. Đổi mới thơ như Hoàng Hưng, Lê Đạt, Dương Tường, Đặng Đình Hưng cũng từng bị phê phán. Nhưng trong đổi mới thơ cũng có trung tâm và ngoại biên. Đổi mới kiểu Nguyễn Quang Thiều hôm nay được coi là trung tâm, nhưng khi mới xuất hiện, đối với một số người là ngoại biên, là thơ tây dịch sang thơ ta. Thơ của nhóm “Mở miệng” cũng là một thứ ngoại biên. Chúng ta có thể không thích nó, thậm chí ghét bỏ nó, nhưng nó vẫn là một phần, dù là rất bé nhỏ, rất phụ, đã lui vào quá khứ của quá trình văn học. Hiểu như thế mọi hiện tượng văn học ngoại biên đều đáng được xem xét, đều có ý nghĩa để soi sáng lịch sử văn học từ chỗ này hay chỗ khác. Vì vậy tạo ra vùng cấm trong nghiên cứu văn học là không nên. Điều này đúng như nhà lí luận văn học Lã Nguyên trong bài tham luận tại Hội nghị lí luận phê bình văn học Tam Đảo, đã được tạp chí của Hội đồng lí luận phê bình văn học nghệ thuật trung ương đăng tải, muốn đổi mới phê bình văn học của chúng ta nhất thiết phải đổi mới khung tri thức lí thuyết, nếu không các sự cố do không hiểu nhau, hiểu nhầm, hiểu chệch sẽ xảy ra nhiều hơn, gây xáo trộn nhiều hơn trong đời sống bình thường.

4. Đối với trường Đại học sư phạm Hà Nội

Đại học sư phạm Hà Nội là một trường lớn của Quốc gia, để xảy ra một việc như trên là đáng tiếc. Tôi mong Khoa Ngữ văn, Ban Giám hiệu, các tổ Bộ môn cần có sự rút kinh nghiệm sâu sắc để làm tốt công tác đào tạo của mình.

Trong bài này chúng tôi chưa muốn nêu ý kiến về luận văn của Đỗ Thị Thoan, mà chỉ mới nêu vấn đề về cung cách xử lí vấn đề, sự xung đột thế hệ và xung đột về hệ hình nghiên cứu. Vấn đề là có đáng huy động lực lượng để làm một chiến dịch to lớn quy mô toàn quốc như thế không? Tôi mong sao những người có trách nhiệm đã sáng suốt đứng ra xử lí rất tốt sự cố Cánh đồng bất tận của Nguyễn Ngọc Tư năm nào, thì nay sẽ lại góp phần làm giảm bớt tính nghiêm trọng đối với một luận văn cao học.

26 – 7 – 2013

About Trần Đình Sử

Giáo sư tiến sĩ Lý luận văn học, khoa Ngữ Văn, Đại học sư phạm Hà Nội
Bài này đã được đăng trong Uncategorized và được gắn thẻ , . Đánh dấu đường dẫn tĩnh.

30 Responses to Cuộc phê phán luận văn của Đõ Thị Thoan hay là sự xung đột về khung tri thức và thế hệ

  1. Pingback: Cuộc phê phán luận văn của Đõ Thị Thoan hay là sự xung đột về khung tri thức và thế hệ | Tô Oanh

  2. Em ủng hộ ý kiến của thầy triệt để.
    Và em xin bài này về trang của em, mai sẽ đăng vì hôm nay em vừa đăng bài rồi. Trang em mỗi ngày post một bài thôi.

  3. Pingback: Tin thứ Bảy, 27-07-2013 | Dahanhkhach's Blog

  4. Pingback: CUỘC PHÊ PHÁN LUẬN VĂN CỦA ĐỖ THỊ THOAN hay là SỰ XUNG ĐỘT VỀ KHUNG TRÍ THỨC & THẾ HỆ (Trần Đình Sử) | ngoclinhvugia2

  5. hungdm1 nói:

    vịêc gì mà ầm ĩ lên thế. Tôi chưa biết luận văn của Đỗ Thị Thoan như thế nào, nhưng lý luận và hành sử của GS-TS Trần Đình Sử đáng trân trọng. Có thể, tác giả cho đăng LV đó để thiên hạ đánh giá như thế nào. Đúng thì chẳng bao giờ có xung đột thế hệ cả! Cảm ơn.
    Hung danmanh.

  6. Pingback: Đã “phi chính trị” thì nguy hiểm chỗ nào? | Chu Mộng Long

  7. Pingback: NHẬT BÁO BA SÀM : TIN THÚ BẢY 27-7-2013 | ngoclinhvugia2

  8. Ngo Thao nói:

    Rất cần có những ý kiến nghiêm túc và khoa học như thế này, Cuộc phê phán tổng lực này chắc có bàn tay chỉ đạo từ cấp cao. và đó là điều đáng lo ngại. Có khi chỉ cần một sự chỉ đạo đánh bồi, đánh nhồi như thế này mà kéo lùi những cố gắng tìm tòi trong khoa lý luận lùi lại đến mấy năm. Không phải mọi tìm tòi đều cho đáp số đúng ngay, Nhưng cách ứng xử của người có trách nhiệm sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến không khí và hòa khí trong nghiên cứu hiện nay, Ngô Thảo

  9. anhvu73f nói:

    Thái độ ôn tồn, khách quan và khoa học của GS thật đáng trân trọng. Cám ơn GS.

  10. Pingback: Cuộc phê phán luận văn của Đõ Thị Thoan hay là sự xung đột về khung tri thức và thế hệ | Cóp nhặt

  11. Pingback: Bauxite Việt Nam » Blog Archive » Cuộc phê phán luận văn của Đõ Thị Thoan hay là sự xung đột về khung tri thức và thế hệ

  12. Nguyễn Hoàng Hà nói:

    Anh Sử đã có ý kiến đúng. Làm gì mà đao to, búa lớn, vô pháp luật đến thế? Đây đích thị là nhân văn giai phẩm lần 2!

  13. Nói Thật nói:

    Lâu lắm rồi mới được đọc một bài phê bình trên văn đàn ở ta nhẹ nhàng, sâu sắc, thấu lí đạt tình như thế này. không hiểu khoa Ngữ văn trường ĐHSP Hà Nội có tĩnh tâm mà tiếp thu đẻ sửa chữa sai sót không.
    Tuy vậy, tôi thấy việc “ngổi lại với nhau” để “nghe nhau” ở ta là rất khó. Rồi xem.

  14. Hoàng Hưng nói:

    Bài viết đúng tinh thần khoa học. Chỉ có 1 câu hỏi: Tác giả nói “Đại học sư phạm Hà Nội là một trường lớn của Quốc gia, để xảy ra một việc như trên là đáng tiếc. Tôi mong Khoa Ngữ văn, Ban Giám hiệu, các tổ Bộ môn cần có sự rút kinh nghiệm sâu sắc để làm tốt công tác đào tạo của mình” nghĩa là sao? Nếu đó là việc chấm điểm cao cho LV của Thoan và chấp nhạn cô dạy học thì có gì “đáng tiếc”? Vì mọi việc đều đúng luật lệ, 3 năm trước khi có sự “tố cáo” của cái ông họ “Lưu”?

  15. Vũ Xuân Tửu nói:

    – Một bài viết với thái độ điềm tĩnh, chín chắn, sâu sắc của GS.TS Trần Đình Sử, khiến chúng ta an tâm hơn. Về việc này, trên web Nhavantphcm.com.vn, cũng đăng bài của Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, nói về cách ứng xử với một công trình nghiên cứu khoa học, cần tuân theo quy định pháp luật.
    – Tôi cũng thấy dấu hiệu một cuộc đổ bộ đánh “Nhân văn giai phẩm lần thứ 2”. Văn nghệ sỹ cần phải đề phòng.
    – Trên Tuần báo Văn nghệ, số 30, 27/7/2013, có đăng 1 số ý kiến, nhân dịp 65 năm, ngày thành lập Hội Văn nghệ Việt Nam; trong đó, ý kiến của Nghệ sĩ nhân dân Đình Quang, rất đáng quan tâm: “Trong mấy chục năm gần đây, có nhiều hiện tượng văn học nghệ thuật bị phê phán rồi phải phục hồi lại như Thơ mới, Tự lực văn đoàn, Nhân văn Giai phẩm… Kinh nghiệm lịch sử cho thấy, không xuất phát từ bản thân, từ nội sinh thì sẽ sai lầm, và sai lầm thì lại phải sửa chữa”. (tr. 22).
    Vũ Xuân Tửu

  16. Bài viết của thầy rất xúc động. Em đồng ý với ý kiến của thầy.. Kính chúc thầy sức khỏe …

  17. Lý Nguyễn nói:

    – Về vụ luận văn Nhã Thuyên đa số những người trong giới nếu hiểu biết đều có quan điểm. Thậm chí trong thời đại bùng nổ thông tin như hiện nay thì những người dân bình thường họ cũng hiểu khi chưa tiến hành thẩm tra, thẩm định, đối chất, phản biện… mà như thế là không công bằng, áp đặt, quy chụp. Nhưng vấn đề là ở chỗ, ai là người dám đưa ra quan điểm và chứng minh quan điểm đó dựa trên cơ sở về lí lẽ, lí luận, khoa học, pháp luật… và bằng động lực trong sáng, công bằng, công tâm mà nói? Nhiều khi chỉ lên tiếng không thôi cũng đã khó rồi. Hay là chỉ ở ngoài lề “kháo nhau” rồi “lắc đầu”, “tặc lưỡi”? Im lặng, bỏ qua, làm ngơ, bất lực? Thế là “Phải ai tai nấy” “Cháy nhà hàng xóm bình chân như vại” rồi?
    – Đọc chùm bài viết của Giáo sư Trần Đình Sử tôi thấy rất thuyết phục. Đặc biệt là bài “Cuộc phê phán luận văn của Đỗ Thị Thoan hay là sự xung đột về khung tri thức và thế hệ”. Thầy đã phân tích, dẫn chứng, lí giải, trích dẫn cổ kim, đông tây, đủ cả. Đọc xong bài của thầy, tôi lại phần nào thông cảm hơn cho một số người không lên tiếng, hoặc lên tiếng nhưng có phần sai lệch!
    – Bài viết đã lập luận, diễn giải một cách đầy đủ, chính xác, rõ ràng, thấu tình, đạt lí. Thiết nghĩ, bạn có tên đăng nhập Hoàng Hưng không cần hỏi lại, có nên chăng bạn nên đọc lại!
    – Đến đây, tôi lại chợt nhớ một ý lập luận rất hay của Lâm Ngữ Đường trong cuốn “Sống đẹp” (Nguyễn Hiến Lê dịch)– Nxb Văn hóa, Hà Nội, 1999. Xin trích dẫn: “Vì chúng ta là động vật, sớm muộn gì cũng chết, cho nên chúng ta có thể bị giết và cũng có thể giết người, mà không ai muốn bị giết và cũng ít ai muốn giết người. Chúng ta có cái dục vọng rất cao quý tìm hiểu thêm, mở mang trí tuệ; nhưng hễ tri thức tăng tiến thì phát sinh ra sự bất đồng ý kiến, do đó sinh ra tranh luận. Trong thế giới các vị thần linh trường sinh bất tử, hễ có tranh luận thì không bao giờ dứt vì không vị nào chịu nhận rằng mình lầm. Trong thế giới của bọn hữu sinh hữu tử như chúng ta, tình cảnh khác hẳn. Thường thường kẻ tranh luận thế nào cũng bị đối phương ghét cay, ghét đắng – lí luận càng đúng thì càng bị ghét – rồi bị đối phương thủ tiêu để giải quyết cuộc tranh luận. Nếu A giết được B thì A thắng lí; nếu B giết được A thì B thắng lí. Lối đó là lối thông thường của loài cầm thú. Trong thế giới động vật, con sư tử bao giờ cũng phải…”.
    – Xin chúc thầy sức khoẻ và tràn đầy năng lượng trong nghiên cứu! ./.

  18. Pingback: [VỤ ÁN NHÃ THUYÊN] – LỊCH SỬ CỦA BỆNH DỊCH (Nguyễn Hoàng Văn) | Ngoclinhvugia's Blog

  19. suthat01 nói:

    Nhân Văn Giai Phẩm thứ hai

  20. Pingback: Tin thứ Sáu, 09-08-2013: Mất nước đến nơi?! | Dahanhkhach's Blog

  21. Pingback: Anhbasam Điểm Tin thứ Sáu, 09-08-2013 | doithoaionline

  22. Pingback: NHẬT BÁO BA SÀM : TIN THỨ SÁU 9-8-2013 | Ngoclinhvugia's Blog

  23. Ngọc Liên nói:

    Em thích, ủng hộ quan điểm này nhiệt tình của Thầy

  24. Pingback: Tin thứ Bảy, 27-07-2013 « BA SÀM

  25. tiendang36 nói:

    Bây giờ thì ý kiến của Thầy đã được người ta “thực hiện” một cách … tàn nhẫn nhất.

  26. Pingback: PGS.TS. Phan Trọng Thưởng: Để hiểu rõ hơn thực chất của một luận văn | Văn Việt

  27. Pingback: THẤT VỌNG VỚI BẢN NHẬN XÉT của ÔNG PHAN TRỌNG THƯỢNG về LUẬN VĂN của ĐỖ THỊ THOAN (An Thảo – Van Việt) | Ngoclinhvugia's Blog

  28. Pingback: Lược sử kỳ án Nhã Thuyên | http://giangnamlangtu.wordpress.com

  29. Pingback: Lược sử kỳ án Nhã Thuyên | http://giangnamlangtu.wordpress.com

  30. Sông Quê nói:

    Hi! Hix! La!
    Thật khó cho Việt Nam quá!

Gửi phản hồi cho Nguyễn Hoàng Hà Hủy trả lời