ĐẠI HỌC SƯ PHẠM VINH VÀ BƯỚC ĐẦU NGHIÊN CỨU VĂN HỌC CỦA TÔI

Trần Đình Sử

Tại sao tôi đi theo nghề văn? Hồi tưởng lại những năm tháng đầu đời, có lẽ đó là một bí ẩn của số phận. Chúng tôi yêu thích văn, nhưng chưa hề có ý thức học văn trong nhà trương. Trong giờ văn tôi thường phát biểu, có lúc được thầy khen. Tôi chưa có bài văn nào hay để thày đem đọc trước lớp cho cả lớp cùng nghe. Nghe các bài văn được khen thường có cái vẻ làm văn hoặc bắt chước tôi lại không thích. Nhớ lại những ngày học văn hồi ấy, hầu như  các thầy dạy văn của tôi, chưa bao giờ khêu gợi cho tôi chút tò mò nào về văn học, tò mò về tiểu sử, về văn tài, về từ ngữ để còn có cái gì phải đi theo, phải thắc mắc, tìm đọc. Đó là những năm mới lập lại hoà bình, thầy chưa chuẩn hoá, thầy kháng chiến về với thầy ở trong thành lưu dụng chưa quen dạy chương trình mới. Thầy dạy văn lớp 7 của tôi là thầy Lê Tố. Thầy thường nói về sự tố cáo xã hội bất công, ngợi ca các tấm gương anh hùng. Thầy lớp 8 của tôi là thầy Lê Ngọc Cầu, sau này có dịch Phauste của Goethe nên mọi người gọi đùa thầy là “Cầu phao”, ít khi chuẩn bị bài. Thầy có rất ít thời gian để làm việc với bài văn. Có lần học trò vào lớp ngồi chờ mãi mà không thấy thầy. Bạn lớp trưởng vào gỏ của nhà thầy, thì thầy ngủ chưa dậy. Thầy vội vã rửa mặt rồi lên lớp. Thầy giảng bài qua qua, thì giờ còn lại, thầy đem tiểu thuyết ra đọc cho học trò nghe. Ít khi thầy sử dụng hết quỹ thời gian trên lớp. Một thời gian khá dài thầy đem Thuỷ hử vào lấp chỗ trống trong lớp.Thầy lớp 9 của chúng tôi là thầy Nguyễn Thành Long, hiền lành, nhỏ nhẹ, vốn thầy cũ trong thành,  thường mang theo cây đàn violon vào lớp. Dạy qua loa nội dung rồi, thầy đem đàn violon kéo cho chúng tôi nghe. Khi dạy bài thơ Tự tình của Hồ Xuân Hương, thầy đọc cho cả lớp nghe, rồi bảo, bài thơ hay quá. Các em về tự học nhé. Rồi thầy đem đàn ra kéo cho cả lớp nghe. Thầy lớp 12 là thầy Nguyễn Đăng Thiệp,  từ khi vào lớp cho đến hết giờ thầy chỉ đứng nguyên một chỗ, ngoẹo đầu giảng một mạch cho đến hết giờ, học trò chúng tôi rất buồn ngủ. Bây giờ hồi tưởng lại những giờ dạy văn của các thầy cấp 3 của tôi, tôi có cảm tưởng rằng các thầy chưa chuẩn bị để dạy văn cho chúng tôi trong nhà trường. Chưa biết dạy gì và dạy như thế nào. Khi nộp đơn thi vào đại học, tôi chưa hề có một ý niệm gì về nghề nghiệp mai sau. Tôi và mấy người bạn, Nguyễn Quang Hồng, Phan Kì Nam vốn thích văn học, nghĩ rằng, muốn giỏi văn thì phải biết ngoại ngữ, mà ngoại ngữ đối với văn học Việt Nam là chữ Hán, vậy phải học Trung văn. Thế là chúng tôi thi vào ngành Trung văn Đại học sư phạm Hà Nội. Các thầy coi thi thấy chúng tôi làm bài thi rất tốt thì rất nể. Học được ít lâu thì chúng tôi được triệu tập đi học chuyên tu để chuẩn bị đi học Trung Quốc. Nhưng rồi tôi phải trở về lại khoa bởi vì tôi có một người anh  đã được cử đi học rồi. Mỗi nhà chỉ được một người. Tôi nghĩ nếu du học, biết đâu tôi bị phân công sang ngành khác thì sẽ không có nghề văn nữa. Tôi học trung văn nhẹ nhàng, say sưa  và đỗ đầu khoá tốt nghiệp. Nghe các thầy nói, thang điểm chấm 100 mà chỉ có mình tôi đạt số điểm ấy. Tôi  là học sinh trơn duy nhất được nhà trường giữ lại làm giảng viên, được học thêm về Trung văn và dạy tập sự. Những người khác đều là cán bộ đi học.  Tại những giờ tập sự này tôi đã gặp giáo sư Nguyễn Khắc Phi đến ôn tiếng Trung. Tôi có vẻ có hoa tay, viết chữ Hán đẹp được bè bạn khen. Những năm học Trung văn cũng là năm tôi phát huy năng khiếu hội hoạ. Các pano lớn dựng hai bên cổng trường Đại học sư phạm Hà Nội hồi ấy đều là tác phẩm của tôi. Chúng tôi phải dùng nhiều kilo bột màu và keo da trâu để vẽ nên chúng.

Năm sau tôi được cử đi tiến tu, tức là đi học thêm ở Đại học Nam Khai, Thiên Tân, Trung Quốc. Cùng đi có ba thầy của tôi ở phân khoa Trung Văn. Anh Lại Cao Nguyện, Tạ Sĩ Phán, Nguyễn Quang Long. Khoa có cho chúng tôi làm một bài kiểm tra về trình độ, sau đó, có lẽ do tôi ít tuổi, tôi được học theo năm thứ ba va thứ tư. Năm sau có thêm anh Lưu Đức Trung và Nguyễn Liên sang nữa. Thiên Tân là một thành phố đẹp, người ta gọi là “tiểu Thượng Hải”, dấu ấn Nhật Bản khá nhiều. Đại học Nam Khai là một trường lớn  có uy tín ở Trung Quốc. Chủ nhiệm khoa Ngữ văn lúc ấy là giáo sư Lí Hà Lâm, một nhà nghiên cứu nổi tiếng, đã từng sang làm chuyên gia ở Việt Nam. Ở đây trong hai năm, tôi sinh hoạt với nhóm nghiên cứu sinh, vừa học thêm tiếng (có một thầy nói tiếng Bắc Kinh rất chuẩn, hàng tuần dạy tôi phát âm) vừa lên lớp theo chương trình năm thứ 3 và thứ tư, học lí luận văn học, văn học cổ, cận, hiện đại, cả cổ đại Hán ngữ, theo giáo trình của Vương Lực  nữa.  Giáo sư Lí Hà Lâm dạy chúng tôi chuyên đề nghiên cứu Lỗ Tấn. Ông hướng dẫn đọc từng bài văn quan trọng, yêu cầu hiểu sâu vào văn tự, hình ảnh, điển cố. Xong chuyên đề tôi viết một tiểu luận về nhân vật người điên trong Nhật kí người điên và Cây trường minh đăng của Lỗ Tấn. Giáo sư Lí Hà Lâm biên tập và định cho đăng vào tạp chí Ngữ văn của trường. Nhưng cuộc đấu tranh chống xét lại nổ ra, báo dành đăng các bài phê phán và tôi lỡ dịp để công bố. Đó là năm 1963. Ngoài giờ lên lớp,  tha hồ đọc sách. Do lí luận mới chỉ lặp đi lặp lại đấu tranh giai cấp, dâu tranh tư tưởng, rất chán, cho nên tôi tìm các lí luận khác. Tôi đọc đủ loại, chủ yếu là lí luận văn học  cũ. Tôi đã đọc sách của Mao Thuẫn viết về thần thoại, sách Chu Duy Chi viết về văn học và tôn giáo, đọc Biểu tượng của đau khổ của nhà lí luận Nhật Bản Kuriyagawa Hakuson, người đã chết vì động đất  lúc mới 43 tuổi, do Lỗ Tấn dịch. Những sách ấy mở mang cho tôi rất nhiều. Lúc này tôi đã hiểu, nếu giỏi tiếng Trung thì  nhiều lắm chỉ làm một người dạy ngoại ngữ hoặc nhà phiên dịch  mà thôi. Hakuson vận dụng lí thuyết Freud để giải thích cội nguồn văn nghệ. Cho nên tôi gắng tự học để chuyển sang nghiên cứu văn học. Xin nói thêm là sau khi tốt nghiệp Trung văn năm 1961, tôi hiểu chỉ là môn ngoại ngữ, giỏi lắm chỉ làm phiên dịch là cùng. Tôi đã mua các sách về văn học Việt Nam, bắt đầu học văn học Việt Nam theo lớp học ban đêm. Tôi cũng nghe tiếng thầy Nguyễn Tài Cẩn, lặn lội sang lớp học của đại học tổng hợp ở Láng để nghe ông giảng về tiếng Việt. Tôi đã dự hết khoá dạy của thầy Cẩn. Khi còn học ở Trung Quốc tôi cũng có ý thích sưu tầm, mua các sách văn học cổ điển Trung Quôc, sách nghiên cứu về lí luận văn học, mĩ học. Ngoài các bộ sách Marx, Engels. Lênin bàn về văn nghệ (các bộ này in đầy đủ văn bản Mác thời kì đầu chứ không cắt bớt như bản tiếng Việt), đáng quý nhất là bộ sách 10 tập lí luận văn nghệ cổ điển phương Tây, bộ Triết học nghệ thuật của H. Taine với rất nhiều ảnh tranh,tượng, sách về  các khuynh hướng văn học châu Âu của Brandes, các sách nghiên cứu sáng tác của các nhà văn lớn phương Tây như Balzac, Hugo. Các sách ấy giúp cho tôi rất nhiều khi làm nghề dạy lí luận. Tôi nghĩ, mình còn phải học tiếng Pháp, tiếng Anh, và tôi đã mua hai bộ sách giáo khoa đại học về hai môn ấy gồm 8 cuốn cùng với hai cuốn từ điển Pháp Hoa và từ điển Anh Hoa mang về.

Thời gian này cuộc chiến đấu của đồng bào miền Nam cũng tác động rất mạnh đến chúng tôi. Tôi đã dịch bài thơ Hãy nhơ lấy lời tôi của Tố Hữu đang ở báo Thiên Tân nhật báo. Tôi đã dịch 4 truyện ngắn của nhà văn Anh Đức, như truyện Khói, Đứa con, Con chị Lộc, Đất, đăng trên Nhật báo Thiên Tân, Thiên Tân buổi chiều và tạp chí Văn nghệ Hà Bắc. Đó là các truyện đã đăng trên báo Văn nghệ.  Hăng hái, tôi thức liền nhiều buổi trưa, say sưa dịch nửa cuối tập trường ca Bài ca chim Chơ rao của Thu Bồn, đăng trên tạp chí Văn nghệ Hà Bắc (tạp chí của Hội văn nghệ tỉnh Hà Bắc của Trung Quốc) số 10 năm 1964.  Tôi chọn thể thơ Tín thiên du (nghĩa đen là chơi mặc sức, một thể thơ có vần nhưng khá tự do) của dân ca Thiểm Bắc để dịch trường ca này. Đây cũng là thể thơ mà nhà thơ Lí Chí của Trung Quốc sử dụng để viết các trường ca của ông ấy. Dịch xong tôi nhờ thầy Trung Quốc Lạn Hâm Bích, giảng viên tu từ học xem lại hộ. Về cơ bản không sửa chữa gì nhiều. Hồi ấy tôi chưa thật tư tin, khi đem công bố tôi đề nghị đưa thêm tên anh Lại Cao Nguyện vào, thực tế anh Nguyện không dịch một chữ nào hết.  Đây là điều tôi ân hận suốt đời. Như vậy nếu tính năm tôi có bài công bố phải tính từ năm 1964.  Năm 1965 tôi còn dịch một bài kí của Xuân Thiều, có tên Ngược miền Tây Quảng Bình, tôi dịch là Quảng Bình tây du kí, cũng đăng ở tạp chí trên. Sau hai năm, tôi được Học viện ngữ ngôn Bắc Kinh mời làm phiên dịch cho họ, vì lúc này số sinh viên Việt Nam sang học Trung Quốc rất đông. Tôi vừa làm vừa học, mượn sách ở Đại học nhân dân. Ở đây tôi ở chung phòng với anh Phan Đại Doãn, giảng viên sử Đại học Tổng hợp. Được hai năm nữa, đến năm 1966, khi cách mạng văn hoá rầm rộ lên thì trường đại học đóng cửa, giải tán lưu học sinh và chúng tôi về nước.

Về nước, để tránh việc làm thầy dạy Trung văn, tôi đã xin đi phục vụ tuyến lửa, xin vào dạy khoa văn, Đại học sư phạm Vinh, lúc này đang sơ tán ở huyện Hà Trung, Thanh Hoá. Tôi vào Vinh còn do lúc ấy bạn tôi Nguyễn Quang Hồng cũng đang dạy ngữ học ở đấy. Trường Đại học sư phạm Hà Nội vẫn đòi tôi rất ráo riết, họ bảo đảm không dạy trung văn mà cho về về khoa văn dạy văn học Trung Quốc vì cán bộ ngành ấy đang thiếu. Nhưng tôi cũng không muốn dạy văn học Trung Quốc, chỉ muốn nghiên cứu văn học Việt Nam, thế là cứ đi vào Vinh. Ở đó có giáo sư Huỳnh Lý, bố của bạn Hỳnh Phan Lê của tôi, hiện đang đi B (năm 1969 thì Lê hi sinh trong một trận phục kích). Tôi được phân công vào bộ môn Lí luận văn học do anh Lê Bá Hán, lúc đó 32 tuôi, tôi 26 tuổi, làm tổ trưởng, và bắt đầu nghiên cứu lí thuyết văn học từ đó. Bộ môn lí luận có ba người, anh Hán, anh Đậu Văn Ngọ, anh Nguyễn Vịnh, nhưng anh Vịnh lúc này bị kỉ luật không được dạy. Anh Nguyễn Xuân Nam thì đã có quyết định chuyển ra Hà Nội. Sau đó có thêm cô Phan Thị Diễm Phương rồi anh Trần Quốc Chững. Tôi được phân công dạy phần “Nguyên lí chung”, tức là phần nêu bản chất, đặc trưng, chức năng của văn học. Các giảng viên thường bắt đầu từ phần này sau đó tiến tới dạy các phần tác phẩm, thể loại và quá trình văn học. Từ đây tôi bắt đầu nghề nghiệp lí luận văn học của mình.

 Khi tôi mới về khoa Văn Vinh (bí danh là K2 trường 12/9), có người hoài nghi năng lực chuyên môn văn học của tôi, sợ rằng tôi học Trung văn và văn học Trung Quốc thì khó xoay xở với văn học Việt Nam, cho nên ngay năm vừa về khoa, Ban chủ nhiệm cử tôi đi hướng dẫn thực tập cho sinh viên năm thứ ba (năm cuối) ở trường cấp 3 Thiệu Hoá. Sau đó khoa cử thêm anh Lê Kinh Khiên đi tăng cường. Nói là tăng cường, nhưng tôi hiểu khoa muốn thử thách, nếu tôi gặp khó khăn về chuyên môn  thì có anh Khiên trợ giúp. Tôi đã giúp sinh viên soạn bài, dự giờ, trao đổi, đánh giá trót lọt, vui vẻ. Nhiều vướng mắc về văn học cổ, tôi đã giúp giải quyết tốt đẹp. Anh Khiên từ đó rất nể tôi. Nhờ thế sang năm 1967, Bộ chủ trương cấp bằng tốt nghiệp đại học đặc cách cho những ai có trình độ mà chưa có bằng tốt nghiệp đại học. Tôi được khoa đề nghị cấp bằng tốt nghiệp đặc cách, do anh Lê Hoài Nam kí (Lúc này thầy Hào đã nghỉ hưu và anh Nam lên làm hiệu trưởng) và nhờ cái bằng ấy mà sau này mà tôi có thể đi học làm phó tiến sĩ ở Nga được. Nếu không có bằng không biết tôi sẽ xoay sở thế nào!Tôi biết sự cố gắng của mình khiến mình có khả năng tiếp nhận được cơ hội.

Hồi ấy, ở khoa văn Đại học sư phạm Vinh, tuy trong hoàn cảnh chiến tranh, nơi sơ tán, nhưng không khí học tập nghiên cứu khá sôi nổi. Các anh Hoàng Ngọc Hiến, Nguyễn Đăng Mạnh, Nguyễn Duy Bình thường ra Hà Nội đọc sách, kết hợp thăm nom gia đình. Anh Nguyễn Khắc Phi mượn giáo trình tiếng Pháp 4 tập của tôi để tự học. Anh Trần Hữu Duy mượn giáo trình Cổ đại Hán ngữ 4 tập của tôi để chép lại và tự học. Các anh Duy Bình, Lương Duy Thứ, Lê Kinh Khiên viết bài thường nhờ tôi đọc góp ý kiến. Không khí ấy giúp tôi rất nhiều. Nó kích thích tôi tự học, tự bồi dưỡng để theo kịp các đàn anh trong khoa.

Hồi ấy quan niệm về bộ môn lí thuyết văn học rất đơn giản. Dạy li luận văn học có nghĩa là dạy các quan điểm cơ bản của chủ nghĩa Mác, của đảng cộng sản về văn học. Giáo trình đầu tiên do GS Nguyễn Lương Ngọc soạn từ năm 1958. Khi tôi về dạy năm 1966, thì giáo trình đã bị rút gọn, theo hưởng tinh gian, cơ bản, Việt Nam. Các “nguyên lí” của văn học chỉ có mấy bài: Nguồn gộc của văn học, văn học là hình thái ý thức xã hội thuộc thượng tầng kiến trúc, Văn học phản ánh hiện thực, Đối tượng và chức năng của van học, Tính giai cấp, tính đảng của văn học, tính nhân dân của văn học, Hình tượng văn học, điển hình văn học. Nhìn chung là học cho đủ “các tính”, rất khô khan và chán. Bài dạy lí luận giống như bài dạy quan điểm chính trị, tôi thấy chẳng hấp dẫn tí nào. Để hiểu và dạy đuợc các bài ấy chỉ cần tìm các ví dụ sinh động dễ hiểu và hấp dẫn. Nhưng rất khó tìm ví dụ về nguồn gốc văn học, văn học bắt nguồn từ lao động. Khó tìm ví dụ về tính giai cấp  của văn học, nhất là văn học cổ điển, ví dụ tính giai cấp của nhân vật Kiều. Hồi ấy sinh viên và giáo viên không được đọc thơ mới và tiểu thuyết Tự lực văn đoàn. Để nắm vững quan điểm tôi đã đọc kĩ các tác phẩm kinh điển của Lênin như Bút kí triết học, Chủ nghĩa  duy vật và chủ nghĩa kinh nghiệm phê phán, Mác, Engels và chủ nghĩa Mác, đọc Hệ tư tưởng Đức, Lutvich Phơ bách và sự cáo chung của triết học cổ điển Đức, Luận cương về Phơ Bách, Chống Đuy Rinh, Phép biện chứng của tự nhiên. Tôi đã đọc hết các sách lí luận dịch từ Liên Xô như Nguyên lí lí luận văn học của Timofeev, hai tập, Abramovich, Nguyên lí mĩ học Mác Lê nin ba tập, các sách dịch của Vanslov, Bagienova, Andriomov. Tôi còn dịch cuốn Dẫn luận nghiên cứu văn học của bà Sêpilova từ bản tiếng Trung, đem in rôneo làm tài liệu tham khảo cho sinh viên. Thời gian ấy Trung Quốc đang bận Cách mạng văn hoá, suốt ngày đấu tố, các trường đại học nghỉ đào tạo, sinh viên  trở thành hồng vệ binh “tạo phản” hoặc đi lao động ở nơi hẻo lánh xa thành phố, không mong gì có sách học thuât. Tôi có viết thư liên hệ với một anh bạn thân TrungQuốc của tôi, anh Hàn Chi Hữu, anh chỉ gửi cho tôi một cuốn Ngữ lục của Mao bìa màu đỏ, và bảo lúc này không có gì để nói cả. Tôi thấy phần lớn sách dịch tiếng Nga phần nhiều  chỉ là nguyên lí chung, thiếu phần đi vào văn học cu thể. Nhìn thư viện trường chất đầy ngồn ngộn sách và tạp chí tiếng Nga mà mắt tôi như mù, không đọc được, tôi quá thèm và tiếc, chỉ muốn được đọc ngấu nghiên chúng. Năm 1968 tôi đề đạt nguyện vọng muôn đi học chuyên tu Nga văn một năm để đọc sách, khoa va trường đều đồng ý và nhiệt tình giúp đỡ, nhưng hồi ấy không có chế độ cho giảng viên đi học bồi dưỡng như vậy.. Anh Lê Hoài Nam bảo, trường chỉ cho giấy đề nghị ra Bộ, còn mọi việc cậu phải tự lo lấy. Tôi ra Hà Nội, đánh bạo lên gặp thứ trưởng Lê Văn Giạng, nói nguyện vọng. Hồi ấy chỉ có chế độ học chuyên tu để đi học nước ngoài, không có chuyên tu để nâng cao trình độ. Ông bảo tôi ngồi chờ,  rồi phê vào đơn mấy chữ “ưu tiên tuyến lửa” xong lấy phong bì gửi cho ông Nguyễn Bá Hưng, lãnh đạo trường  chuyên tu, bảo tôi lên Gia Lương, tình Hà Bắc mà liên hệ. Tôi đi xe đạp lên Gia Lương may được anh Hưng giúp đỡ, cho tôi ngồi ké vào một lớp nào đó, thế là được học. Anh Hưng là người Quảng Trị, phó tiến sĩ tiếng Nga. Tôi xiết bao sung sướng. Cô giáo dạy tiếng Nga của tôi cũng là một phó tiến sĩ tiếng Nga. Sau một khoá, tôi cậy cục tập đọc, nhờ có cuốn Nga Hán đại từ điển, tôi tập đọc, vở vạc dân dần. Các sách giáo trình tương đối dễ, đọc tạp chí khó hơn nhiều. Các sách của G. N. Pospelov tương đối dễ đọc. Vừa đọc vừa tra từ điển, vừa tóm tắt, tôi đã đọc hết các cuôn sách của Pospelov có trong thư viện.  Cuốn Về bản chất của nghệ thuật, Vấn đề phong cách của văn học, Cái nghệ thuật và cái thẩm mĩ. Tôi đọc đủ thứ, cái gì cũng mới lạ. Tôi đọc luân án tiến sĩ của K. Granov viết về hình tượng văn học như một quá trình, in năm 1969, đọc sách Phản ánh và tác động của Kh. Redeker tác giả Đức dịch sang tiếng Nga.Tôi đã có mười mấy cuốn sổ tay ghi chép đọc sách. Tôi đọc bài trong tạp chí Nhưng vấn đề văn học của Nga, bắt gặp những bài rất hay. Một là bài Thế giới bên trong của tác phẩm văn học của viện sĩ D. S. Likhachev, số 8 năm 1968. Bài về grotesque của M. M. Bakhtin ở một số khác. Các bài loại này thực sự là bải vỡ lòng dẫn tôi đi sâu vào thế giới nghệ thuật. Đặc biệt là bài báo của Likhachev. Trong bài ấy ông cho biết đọc tác phẩm ta thường thấy thế giới bên ngoài, nhân vật, mâu thuẫn, phong cảnh, đồ vật…Nhưng ít người thấy được thế giới bên trong của nó. Thế giới bên trong có quan niệm con người, không gian, thời gian, đồ vật, ngôn ngữ, những yếu tố quy định cách thức vận hành của thế giới bên ngoài. Rồi ông phân tích minh hoạ bằng các ví dụ trong văn học dân gian, tiểu thuyết Dostoievski. Đó chính là mô hình thi pháp học mà về sau nay tôi sẽ triển khai. Tôi cảm thấy để hiểu văn học phải đi sâu vào đặc trưng và thi pháp, chứ không phải là “các tính”. Tôi bắt đầu chú ý ghi chép các nguyên tắc hình thức. Điều quan trọng mà tôi tiếp thu được ở các học giả nói trên là đối với họ, không có chân lí của ai là tuyệt đối, ai cũng có thể có khía cạnh sai, phương diện sai cần được điều chỉnh. Ở Việt Nam hòi đó có lẽ ai cũng xem Timpfeev là thần tượng, khi tranh luận thướng dẫn ý kiến của Timofeev làm trọng tài. Nhưng đọc Pospelov thì thấy ông này đã chỉ ra bao nhiêu cái sai và chế giễu một cách cay độc.  Học giả nào cũng xuất phát từ phê phán chỗ yếu của người khác mà xây dựng nên lí thuyết của mình. Điều này dạy tôi cách đọc lí luận trong nước và tìm ra chỗ yếu của nó.

Sau dịp kỉ niệm 200 năm sinh Nguyễn Du, hứng thú nghiên cứu Nguyễn Du vẫn còn. Khoa tổ chức Hội thảo khoa học. Tôi cũng viết một bài về tính cách nhân vật Thuý Kiều theo kiểu Lê Đình Kỵ. Khi viết thì hăng hái, khi sắp báo cáo mới thấy mình không có ý gì mới cả. Rút lui thì không được. Khi đến lượt tôi báo cáo, tôi cảm thấy như đứng bên bờ vực thẳm, toàn thân run bắn lên và tơ giấy trên tay cũng run bắn. Tôi hoàn toàn thất bại. Tôi nghĩ lại, đặc sắc cô Kiều không ở tính cách, mà ở số phận. Cái hay truyện Kiều chủ yếu ở nghệ thuật. Phải khám phá nghệ thuật. Sau trận ấy, anh Nguyễn Trung Hiếu, một giảng viên rất giỏi tiếng Pháp, dạy văn học cận đại, rất lịch lãm bảo tôi. “Tôi thấy ông run mà tôi mừng. Thế là ông biết sợ. Phải biết sợ thì mới làm khoa học được”. Tôi run là vì phát hiện tôi đi sai đường.

Cho đến năm 1970 tôi vẫn chưa có công trình nghiên cứu nào được công bố trong nước. Một hôm tôi phát hiện trong thư viện có cuốn Từ điển thuật ngữ văn học nhỏ do Timofeev và Vengrov soạn, đọc xong, tôi thấy mình hoàn toàn có thể dựa vào đó mà làm một cuốn từ điển bằng tiếng Việt. Tôi đem ý đó nói với anh Lê Bá Hán. Anh Hán trầm ngâm, có ý ngại. Tôi bảo, tôi sẽ làm thử độ năm đơn vị thuật ngữ để các anh xem, nếu các anh thấy được, thì ta làm cả quyển. Anh đồng ý, và tôi làm ngay. Tôi đưa cho anh Hán xem, thấy làm được anh đem ra khoa, đề nghị các anh bên ngôn ngữ, văn học nước ngoài, văn học Việt Nam, văn học dân gian cùng tham gia. Thế là sau một năm, đến năm 1971, chúng tôi có được một tập từ điển thuật ngữ, lấy tên là Thuật ngữ nghiên cứu văn học.  Cuốn này đã đem ra các nhà xuất bản ở Hà Nội, NXB Giáo dục, nxb văn học, nhưng đều bị từ chối. Họ không dám đánh giá, và không tự tin. Họ nghĩ rằng, người Việt không thể làm được loại sách này. Cuối cùng thấy không in thì tiếc công,  Khoa văn của trường Đại học SP Vinh tự xuất bản.

Điều tôi thấy sốc là sau khi cuốn sách in ra vào năm 1972 , trên bìa sách, mọi người đều có tên, mà tôi thì không. Tôi phản ứng quyết liệt, vì tôi là người khởi xướng, là người làm thử. Nhiều giảng viên đứng về phía tôi. Tôi hiểu rằng, trong xã hội có một thứ trật tự nuốt hết các cá nhân sáng tạo, nếu người ấy không vượt lên. Đến bản in năm 1974 thì tên tôi đã được ghi theo thứ tự abc[1]. Như vậy công bố tiếng Việt của tôi phải tính từ năm 1972.

Nhờ đọc được sách Nga tôi tự thấy mình tiến bộ nhiều. Tôi viết một bài tiểu luận về phong cách thơ Tố Hữu, dài trên 30 trang. Tôi xác định rõ, thơ Tố Hữu có ba chủ đề   xuyên suốt là lẽ sống cách mạng, niềm vui cách mạng và ân tình cách mạng. Các chủ đề ấy thể hiện qua hình tương những con người, qua không gian và thời gian, giọng điệu. Bài đó được đọc trong Hội nghị khoa học trẻ của Khoa. Hôm ấy có ông Tôn Gia Ngân vào dự, ông đánh giá cao báo cáo của tôi, khiến tôi thêm tự tin vào mình. Bài này về sau được tuyển vào tập kỉ yếu khoa học khổ lớn của khoa văn ĐHSP Vinh năm 1974. là một cơ sở để tôi viết Thi pháp thơ Tố Hữu năm 1985. Tôi đồng thời viết một chuyên luận dài hơi về Đặc trung văn học trong tính chỉnh thể, dài 100 trang, Sở dĩ thế là vì nói đến đặc trứng văn học không thể không nói đến ý thức nghệ thuật, không thể không nói đến tác giả , chủ thể sáng tác, không thể không nói đến văn bản thể hiện một cách ước lệ, lại không thể không nói đến người đọc. Hồi ấy trong giáo trình lí luận của ta chưa hề nói đến chủ thể, chưa nói đến ước lệ, chưa nói đến người đọc, mà chỉ nói đến đặc điểm hình tượng văn học với ba đặc điểm: tính thống cái chung và cái cá biệt, thống nhất chủ quan và khách quan, thống nhất tình cảm và lí trí, chép từ sách của Ju. Borev, viết năm 1959. . Có thể nói nghiên cứu của tôi đề cập nhiều vấn đề rất mới của lí luận văn học đương thời. Khoa khuyến khích, đưa nhà trường cho đánh máy làm 8 bản, rồi tổ chức hội thảo. Thật hiếm có. Trong tiểu luận ấy, tôi phê phán quan niệm đặc trưng văn học trong giáo trình là sơ lược, thiếu logich và đưa ra cách hiểu khác, mà phần viết ấy là của anh Lê Bá Hán. Rất tiếc là nhiều người đọc thấy mới mẻ, nhưng không hiểu nó. Có người cho là tôi viết để đả kích anh Hán, do mâu thuẫn về chuyên môn, có người cho tôi nêu nhiều vấn đề quá, thiếu tập trung. Có người cho tôi là “ngựa non háu đá”. Anh Hoàng Ngọc Hiến thì chê rằng tôi vẫn chưa bắt được tư tưởng mới của Nga, nhưng tư tưởng mới ấy là gì thì anh không nói. Ngày nay khi đọc lại bài viết của mình tôi có thể nói chắc rằng, anh Hiến đã chộ tôi, và anh Hiến không thể hiểu hơn tôi về hình tượng. Đó là điều đáng buồn của các bậc đàn anh, khi tôi còn chưa có chỗ đứng trong học thuật. Đối với học trò của mình sau này tôi không bao giờ như thế. Quan trọng nhất là anh Hiến bảo: “Tiểu luận 100 trang, nhưng không một câu nào dở”. Câu đó khắc sâu vào kí ức tôi. Một trăm trang không một câu dở, thế là ổn rồi. Mãi sau này đọc bài anh Hiến viét về Nguyễn Đăng Mạnh, anh cũng khen anh Mạnh biết viết.Anh Hiến chia các nhà văn làm hai loại: Loại biết viết và loại không biết viết. Thế là tôi được anh liêt vào loại biết viết từ hồi ấy. Nhận định của anh Hiến đã góp phần khích lệ tôi thêm tự tin. Trong bài này, tôi đã phản biện lại giáo trình, phản biện lại quan niệm hình tượng của Ju. Borev, quan niệm của Timofeev. Tôi khẳng định: “Nó (tác phẩm văn học)không chỉ phản ánh các hiện tượng quá trình và cấu trúc của thế giới mà còn phản ánh các hiện tượng quá trình và cấu trúc của ý thức con người nữa. Vì thế, đặc điểm của hình tượng như là một hiện tượng vật chất đặc thù vừa do đối tượng nghệ thuật quy định, vừa do ý thức nghệ thuật quy định”. Trong bài này tôi đã xác định khái niệm hình tượng với biểu tượng, kí hiệu, phân biệt hình tượng tái hiện với hình tượng tượng trưng, hình tượng nghệ thuật, chức năng của hình tượng là đem lại cái thấy và cái nhìn, là trực quan một cách gián tiếp, xác định hàng loạt khái niệm cơ bản một cách đúng đắn như tư duy và tư duy nghệ thuật, tư duy hình tượng và tu duy logic, hư cấu và hư cấu nghệ thuật. Xác định đối tượng văn học là sự sống của con người, định nghĩa về cấu trúc sự sống, xác định tư tương của văn học không phải là tư tưởng trừu tượng mà là tư tưởng của người mang tư tưởng. Tóm lại tôi đã nghiên cứu toàn bộ tính thống nhất của nghệ thuật trong quan hệ chủ thể của nhà căn với đời sống, với chất liệu, thể loại. với người tiếp nhận. Bây giờ nhìn lại thì đó là điều chưa từng có hồi bấy giờ. Nhưng với môi trường khoa học hạn chế lúc đó, nó không/chưa được thừa nhận. Đó là bi kịch của nhà khoa học ở một nước chậm phát triển.

Hồi ấy tôi đã hiểu câu chuyện Đẽo cày giữa đường. Những kẻ qua đường góp ý đều tuỳ hứng và không biết gì đến đầu đến đũa hết. Điều quan trọng là phải biết tự biết mình. Hồi đó tôi đã tự biết, dù ai khen hay chê tôi, tôi đều tự biết phản tỉnh để thấy mình thực sự đúng hoặc sai về chỗ nào. Những lời chê ác ý hay lời khen  kiểu xoa đầu tôi đều chỉ cười mà thôi. Tôi không dễ dàng nghe theo các ý kiến của người khác. Điều đó dấy lên một luồng ý kiến trong khoa cho rằng tôi tự kiêu tự phụ. Đối với tôi ý kiến ấy vẫn không quan trọng, bởi tôi biết mình không như thế. Hồi đó tôi cũng có ý thức phấn đấu vào Đảng. Một đồng chí cấp uỷ nói với tôi, chỉ cần cậu khắc phục bệnh tự kiêu là Đảng sẽ kết nạp cậu liền. Nhưng tôi nghĩ nếu vào Đảng mà tôi không còn là tôi nữa thì vào để làm gì. Ý thức vào Đảng của tôi cũng nguội lạnh dần. Mãi đến sau này, khi đã về Khoa Ngữ Văn ĐHSP Hà Nội do yêu cầu công tác, Khoa cho người về quê tôi thẩm tra lí lịch, tổ chức kết nạp, vào năm 1985, tôi lại vào Đảng.

Cũng do nghiên cứu đặc trung của văn học, tôi đã thấy rõ, phản ánh luận là lí thuyết rất sơ lược về văn học, vì nó rất coi nhẹ vai trò chủ thể cá thể của nhà văn. Nó chủ trương một thứ văn học đúng theo thế giới quan giai cấp, một thứ chân lí  nghệ thuật hao hao giống nhau. Tôi đem điều này nói với anh Trần Văn Hối và anh Nguyễn Duy Bình, trong Ban chủ nhiệm khoa. Các anh ấy nghiêm mặt và bảo, cậu không được phép nghĩ như vậy. Tôi thấy nghiêm trọng quá. Tôi hiểu các anh ấy ngăn tôi không được suy nghĩ vượt qua giới hạn cho phép. Nhưng tôi tự kiểm nghiệm qua các tác phẩm văn học kinh điển xã hội chủ nghĩa như Người mẹ, Gia đình Áctamonov, Dưới đáy của Gorki, Chiến bại của Fadeev, Thépđã tôi thế đấy của Ostrovski. Tôi nói chung không thích các tác phẩm ấy của Gorki, chỉ thích truyện ngắn thời kì đầu của ông, nhưng các truyện ấy cũng có quá nhiều cường điệu. Ý kiến của Gorki về điển hình cũng khiến tôi không phục. Ông bảo muốn xây dựng điển hình thì nhà văn phải quan sát một trăm người lính, trăm nhà buôn, trăm ông cố đạo, sau đó đem cái chung của một trăm người ấy mà thể hiện vào một người lính, một nhà buôn, một cha đạo…Tôi thấy cách làm đó sẽ khiến cho nhân vật sẽ quá tải và công thức. Có thể nói tôi đã tập dượt được cách đọc phê phán đối với ý kiến của người khác và chỉ ra sai lầm logic trong ý kiến đó. Đọc Timofeev tôi cũng thấy có điểm không phục. Khi ông định nghĩa “Hình tượng là bức tranh cuộc sống…” tôi thấy ngay ông đã luẩn quẩn: hình tượng là bức tranh, vậy bức tranh sẽ là hình tượng chắc? Định nghĩa về hình tượng của ông không hề nói đến yếu tố ngôn ngữ. có thể nói tôi đã biết cách tư duy lí thuyết.

Đã 45 năm trôi qua,từ khi tôi rời trường Đại học sư phạm Vinh thân yêu, tôi không bao giờ quên mái trường có những người bạn, người thầy và cả những học trò, đã khích lệ tôi, yêu mến tôi, cái nôi đã nuôi dưỡng ý chí khoa học của tôi, để tôi có điều kiện phụng sự ngành giáo dục suốt đời.


[1] Tên tập thể tác giả gồm: Ngô Xuân Anh, Trần Duy Châu,, Lê Bá Hán, Hoàng Ngọc Hiến, Đỗ Đức Huyến, Lê Kinh Khiên, Đậu Văn Ngọ, Nguyễn Khắc Phi, , Trần Đình Sử, Hoàng Tiến Tựu, Từ Đức Trịnh, Nguyễn Nguyên Trứ.

Advertisement

About Trần Đình Sử

Giáo sư tiến sĩ Lý luận văn học, khoa Ngữ Văn, Đại học sư phạm Hà Nội
Bài này đã được đăng trong Uncategorized. Đánh dấu đường dẫn tĩnh.

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s