Tự sự học – Lí thuyết và ứng dụng
Tự sự (narrative) là một phạm vi rộng lớn trong hoạt động giao tiếp của con người nói chung cũng như trong vô vàn thể loại văn học hoặc phi văn học hết sức đa dạng nói riêng. Hàng ngày con người vẫn kể, thông báo cho nhau các chuyện xảy ra ở đâu đó, chi tiết hoặc khái lược. Hàng ngày các nhà văn, nhà báo, nhà viết sử vẫn kể các chuyện khác nhau dưới nhiều hình thức. Hàng ngày người ta vẫn xem phim, xem kịch, xem biểu diễn các sự tích. Mỗi sự việc, mỗi cuộc đời đều được hình dung bằng những câu chuyện, còn đất nước, cộng đồng lại hình dung thành một câu chuyện lớn hơn. Có thể nói, không đâu là không có chuyện, mà có chuyện là có tự sự. Tự sự trở thành một lĩnh vực biểu nghĩa, kí hiệu học hết sức rộng lớn của nhân loại. Nhà lí luận văn học Mĩ J. Culler nhấn mạnh, “lí luận văn học và văn hóa ngày càng nhận rõ tự sự chiếm vị trí trung tâm trong đời sống văn hóa. Lí luận này cho rằng, bất kể ta xem đời sống là một chuỗi sự kiện liên tục dẫn đến một mục tiêu nào đó, hay là kể bất cứ cái gì đang xảy ra trên thế giới, thì câu chuyện đều là phương thức chủ yếu để chúng ta hiểu được sự vật”[1] Đó là một lĩnh vực không thể thiếu trong đời sống của con người. Bởi vì tự sự là hình thức chủ yếu làm cho cái hư cấu có thể hiện diện được trong văn hóa. Nhờ có tự sự con người đem lại hình thức và ý nghĩa cho kinh nghiệm, Xếp đặt chúng vào trật tự bằng cách chia ra phần mở đầu, phần giữa và kết thúc. Tự sự là năng lực giúp con người sắp đặt trật tự và suy nghĩ về thế giới xung quanh. Tự sự trở thành cơ chế xã hội và lịch sử của con người dùng để để nhận thức thế giới, vì thế nó được quan tâm từ xưa. Tuy vậy ở đây chúng ta cần phân biệt hai phạm vi tư sự học. Một là tự sự học nghĩa hẹp, chỉ lĩnh vực lí luận văn học theo trường phái chủ nghĩa cấu trúc, tức là tự sự nghệ thuật, thực hiện bằng ngôn từ, hai là tự sự học nghĩa rộng, có ý nghĩa lịch sử và triết học. Trong tài liệu này chúng tôi sẽ xem xét ở bình diện văn học là chủ yếu, nhưng không loại trừ có chỗ đề cập tới nghĩa rộng. Tự sự học cũng như lí luận văn học là bộ môn khoa học nghiên cứu các văn bản tự sự, bản chất, hình thức và hoạt động hành chức của văn bản tự sự, các đặc điểm chung của các kiểu tự sự, các tiếu chí khu biệt chúng cũng như các quy tắc chung mà các văn bản tự sự được tạo ra và được phát triển. Chúng ta không quên rằng, bản thân các hình thức tự sự, các yếu tố của nó, như người kể chuyện, điểm nhìn, giọng điệu, kết cấu…đều là sản phẩm lịch sử của văn hoá. Khi trình độ văn hoá đổi thay, nâng cao, hình thức tự sự cũng thay đổi theo. Không có ý thức về cá nhân thì sẽ không có trần thuật ngôi thứ nhất, điểm nhìn nhân vật, không có thành tựu về tâm lí học, không có hình thức tự sự dòng ý thức.
Từ thời cổ đại người ta đã phân biệt tự sự và mô phỏng, Aristote đã nghiên cứu tự sự nghệ thuật trong sự đối sánh với kịch, thơ ca tụng thánh thần, đến thời Khai Sáng thì việc chia ba loại hình văn học đã thịnh hành. Hàng nghìn năm nay người ta chỉ nghiên cứu các thể loại tự sự hoặc tác phẩm tự sự nghệ thuật cụ thể, đặc thù, không lặp lại, gắn với giá trị nghệ thuật độc đáo của chúng. Đối tượng nghiên cứu của họ không ra ngoài các khái niệm bề mặt như cốt chuyện, nhân vật, hoàn cảnh, thời gian, địa điểm với một vài biện pháp tự sự, miêu tả, bình luận, như ngôi thứ nhất, trần thuật ngôi thứ ba…. Lí thuyết văn học truyền thống chưa hề nghiên cứu tự sự như là “một cơ chế tổ chức văn bản” (Genette, Tân diễn ngôn tự sự), một phương thức nhận thức, biểu đạt, giao tiếp, thông tin và tác động đến người đọc, người nhận mà đó sẽ là đối tượng của tự sự học.
Sự ra đời của tự sự học đánh dấu một nhận thức mới về hoạt động tự sự, xem đó là một ngôn ngữ, một hoạt động biểu nghĩa đặc thù, một phương thức giao tiếp xã hội phô biến. Sự ra đời của tự sự học cũng đánh dấu một trang mới trong nghiên cứu văn học tự sự và tiểu thuyết nói riêng. Những năm 40 thế kỉ XX nhà lí luận Mĩ R. Wellek trong sách Lí luận văn học đã viết: “Bất luận về chất hay lượng, sự lí luận và phê bình tiểu thuyết phải nằm trong phạm vi lí luận và phê bình thơ ca”[2]. Quan điểm đó thể hiện sự bất cập của lí luận tiểu thuyết tiền tự sự học. Sự ra đời của tự sự học hơn hai mươi năm sau không hề ngẫu nhiên, nó gắn liền thứ nhất, với nhu cầu nhận thức văn học một cách khoa học, khắc phục tính chất kinh nghiệm chủ nghĩa, bắt nguồn từ chủ nghĩa hình thức Nga. Các thành tựu như Hình thái học truyện cổ tích của Propp với khái niệm chức năng, các khái niệm như “tính văn học”, “truyện kể” và “truyện gốc” kêu gọi họ. Thứ hai, sự tác động của ngôn ngữ học hiện đại của F. de Sausurre, một học thuyết đối lập ngôn ngữ với lời nói, và ngữ học chỉ nghiên cứu ngôn ngữ chứ không nghiên cứu lời nói, ngôn ngữ là hệ thống khép kín nội tại, không bị chi phối bởi điều kiện bên ngoài, một phương pháp luận có ảnh hưởng đến nhiều môn khoa học xã hội như Claud Levy -Strauss, hứa hẹn những khám phá mới trong văn học. Kí hiệu học và lí thuyết hoạt động giao tiếp 6 thành phần của Roman Jakobson cũng khích lệ. Thứ ba, Tu từ học tiểu thuyết của W. Booth ở Mĩ từ những năm 60 với các khái niệm như tác giả hàm ẩn, nguời kể chuyện, điểm nhìn…cũng đóng góp cho tự sự học. Thứ tư, nhiệt tình nghiên cứu liên ngành, không khép kín văn học trong văn học đã thu hút nhiều người. Các học giả Pháp là những người tiên phong rồi lan sang các học giả Israel, Hà Lan đang tu nghiệp tại Pháp, rồi mở rộng sang châu Mĩ châu Á trở thành một mũi nhọn nghiên cứu. Tên gọi tự sự học (narratologie) được nhà nghiên cứu Pháp Tzvetan Todorov dự báo trong công trình Ngữ pháp Truyện mười ngày của ông (1969)[3], song từ trước đó từ đầu thể kỉ XIX sang đầu thế kỉ XX, người ta đã chú ý tới các yếu tố mới có ý nghĩa định hướng thông tin trong văn bản tự sự như điểm nhìn trần thuật, tính ước lệ của nhân vật văn học, người kể chuyện, phân biệt trật tự truyện kể so với câu chuyện nhân quả. Đằng sau nhân vật là chức năng, là các vai hành động…
Từ những năm 60 – 80 thế kỉ XX tự sự học (narratologie) đã hình thành như một bộ môn đặc thù của ngành nghiên cứu văn học với nhiệm vụ riêng, phương pháp riêng. Mặc dù đương thời các nhà nghiên cứu gọi nó bằng các tên gọi khác nhau. R. Barthes gọi là “Phân tích cấu trúc truyện kể”, “Kí hiệu học tự sự”, bản thân Tz. Todorov thì gọi bằng nhiều tên gọi khác, khi thì “Thi pháp văn xuôi”, “Ngữ pháp truyện kể”, khi thì “Thi pháp truyện kể”. G. Genette thì gọi là “Diễn ngôn truyện kể”, G. Prince gọi là “Ngữ pháp câu chuyện”. Có người gọi là “Bản chất của tự sự”, người thì gọi là “Logic truyện kể” (Bremond), “Ngữ nghĩa truyện kể” (Greimas)… Mặc dù tên gọi khác nhau song các công trình của các tên tuổi đã ghi dấu ấn cho bộ môn như R. Barthes, Tz. Todorov, J. A. Greimas, C. Bremond, G. Genette, Ph. Hamon ở Pháp, rồi lan sang cả châu Âu với N. Friedman, Z. Leibfried, V. Kayzer, L. Dolezel, F. Stanzel, Shlomid Remon-Kenan, Mieke Bal, Wh. Schmid, bắc Mĩ như G. Prince, S. Chatman, J. Culler, H. White, Robert Scholer, Robert Kellog, Manfred Jahn…. Bước sang những năm 90 và đầu thế kỉ XXI trong trào lưu giải cấu trúc tự sự học chuyển dần sang tự sự học hâu kinh điển, nghiên cứu các mối quan hệ giữa tự sự với tu từ học , tiếp nhận của người đọc và tự sự với ý thức hệ, tức ngữ cảnh xã hội. Các học giả Mĩ như David Herman, James Phelan, Mark Curries, Susan Lanser, L. Dolezel, M. Jahn, H. White…đã phát triển tự sự học hậu kinh điển. Sự khác biệt và mâu thuẫn, hỗn loạn trong nhiều quan niệm, khái niệm là dư địa để người đi sau bổ sung, hoàn chỉnh. Tự sự học ngày nay đã trở thành một bộ môn nghiên cứu được ghi trong tất cả các từ điển học thuật lớn nhỏ, có hệ thống khái niệm riêng, thuật ngữ riêng, thao tác làm việc riêng, một bộ môn trong trường đại học, có các giáo trình đại học, có từ điển thuật ngữ, tư điển bách khoa và được vận dụng rộng rãi[4]. Không chỉ thế mà còn có các tạp chí , các tổ chức xã hội như Hội nghiên cứu tự sự học các nước. Có hội thảo định kì. Tự sự học cũng không đóng khung trong nghiên cứu Âu Mĩ, mà đang mở rộng sang phía Đông. Tự sự học Nga hồi sinh. Các nhà tự sự học Nga đã đi tiên phong trong nghiên cứu tự sự với các tên tuổi như V. Shklovski, B. Tomashevski, O. Freidenberg, V. Propp, M. Bakhtin, Ju. Lotman, B. Uspenski nay lại tiếp tục với các học giả như N. Tamarchenco, V. Tiupa và nhiều người khác. Tự sự học Nga cũng đi theo khuynh hướng giao tiếp, kí hiệu học, ngữ cảnh xã hội, nhưng họ gắn bó với truyền thống thi pháp học lịch sử, văn hóa học, khám phá bản chất đặc trưng thẩm mĩ của tự sự, có giá trị đọc hiểu tác phẩm tự sự nghệ thuật các loại. Nói một cách chặt chẽ thì Tự sự học chỉ là cái tên chung, trong đó bao gồm nhiều lí thuyết tự học khác nhau, nó là tập hợp các lí thuyết tự sự hiện đại có tính chất đa nguyên. Các nước đông Á như Trung Quốc, Việt Nam cũng tiếp nhận và phát triển môn học này. Ở Trung Quốc tự sự học được tiếp nhận từ những năm 1985 thế kỉ trước, và đã có nhiều công trình nghiên cứu có giá trị, nhiều tác giả nổi tiếng như Dương Nghĩa, Trần Bình Nguyên, Triệu Nghị Hành, La Cương, Thân Đan… Ở Việt Nam tự sự mới được giới thiệu từ đầu thế kỉ XXI, song cũng được tiếp nhân tích cực trong nghiên cứu và giảng dạy, xuất hiện những công trình khả quan[5].
- Về thuât ngữ tự sự học hay trần thuật học
Ở các nước Âu Mĩ do lí do ngôn ngữ các học giả hầu như không có băn khoăn về thuật ngữ, bởi họ có chung các gốc từ Latinh, Hy Lạp, đối với tiếng Slavo họ chỉ việc chuyển chữ từ chữ cái latinh sang chữ cái Slavo. Còn ở các nước đông Á thì lại khác. Từ khi du nhập vào Việt Nam cũng như vào một số nước Đông Á khác như Trung Quốc, thuật ngữ “Narratology” được dịch thành hai tên gọi: tự sự học và trần thuật học với những lí do khác nhau. Lúc đầu nhiều người dựa vào ý nghĩa mặt chữ của từ tiếng Latinh “narration” (từ này dịch từ từ Hi Lạp là diègèsis, narration và diègèsis là đồng nghĩa ) để dịch thành trần thuật học. Tuy là đúng, nhưng dần dần người ta thấy nội dung ấy có phần phiến diện. Trong khi đó dịch thành tự sự học lại sợ lặp lại quan niệm tự sự xưa cũ. Các ý kiến đó thường chỉ mới căn cứ vào nguyên gốc latinh để nêu vấn đề dịch, trong lúc đó, cần phải chú ý đến cả các yếu tố của từ tiếng Việt để cấu tạo thuật ngữ tiếng Việt cho một bộ môn. Để có thể thống nhất tên gọi chúng tôi nêu ra một số lí do sau đây. Nếu dịch là trần thuật học thì tên gọi ấy chỉ phù hợp với nội dung từ tiếng Pháp là “narration”, chỉ hành động kể. “Trần” nghĩa là kể, mà “thuật” cũng là kể. Ngày xưa ở ta các cụ nói “trần tình”, “Thuật hứng”, đều là kể, mà người ta không chỉ kể sự, mà còn kể hứng, kể tình. Cho nên nếu chỉ thuật ngữ trần thuật thì chỉ nói được một bộ phận quan trọng của tự sự học, mà chưa nói được nội dung tổng thể của tự sự học. Các từ tố trong từ “trần thuật” là từ đồng nghĩa, có quan hệ đẳng lập, nó chỉ phản ánh một phương diện của tự sự là diễn ngôn tự sự. Trong khi đó thuật ngữ “narrative” chỉ truyện kể, tức là tự sự, trong đó có hoạt động kể chuyện của người kể, có tuần tự sau trước, nhanh chậm, có thứ tự thời gian… Đồng thời, cùng với hành động kể là câu chuyện, có nhân vật, sự kiện trong sự diễn biến qua thời gian, có cốt chuyện và kết cục. Vì vậy chúng tôi đề nghị dịch “narratology” là “tự sự học”, bởi vì, trong thuật ngữ này vừa có yếu tố “tự” có nghĩa là kể theo một trật tự nhất định lại vừa có yếu tố “sự”, tức là chuyện, sự kiện, hành động, câu chuyện. Thuật ngữ “Tự sự học” phản ánh đầy đủ nội hàm của narratology. Trên thực tế tự sự học cũng không chỉ nghiên cứu diễn ngôn, mà còn nghiên cứu ngữ pháp truyện, nghiên cứu nhân vật và sự kiện, do đó hai chữ trần thuật không bao quát hết nội dung thực tế của bộ môn. Đề nghị này cũng là một quy ước, nhưng quy ước sao để có thể biểu hiện đầy đủ nội dung của đối tượng nghiên cứu khoa học[6]. Các nhà nghiên cứu Trung Quốc cũng trải qua một quá trình lựa chọn như ở Việt Nam và ngày nay họ đã thống nhất lựa chọn thuật ngữ tự sự học, được ghi trong các hội thảo quốc tế và hội thảo quốc gia, đáng để cho chúng ta tham khảo. Điều thú vị là trong Lời tựa ở Diễn ngôn tự sự Genette cho biết là công trình của ông hiểu là tự sự hay trần thuật đều được[7].
Đương nhiên tên gọi tự sự học là tên gọi chung, bao trùm của ngành, của bộ môn nghiên cứu, trong đó khái niệm trần thuật như một cấp độ của tự sự vẫn được bảo lưu, và trần thuật như một thủ pháp bên cạnh miêu tả, bình luận, trữ tình của người trần thuật. Nếu lấy trần thuật học làm tên chung thì phương diện sự kiện câu chuyện vô tình bị đặt ra ngoài phạm vị nghiên cứu.
- Đối tượng và phương pháp nghiên cứu của tự sự học
Tự sự học xuất phát từ các nguyên tắc lí thuyết nghiên cứu trước hết các văn bản văn học tự sự nghệ thuật nhằm khám phá cách tạo nghĩa của các tự sự. Đối tượng của nó là các nguyên tắc nền tảng của tự sự bảo đảm làm cho tự sự có ý nghĩa (nói cách khác, theo thuật ngữ của các đại biểu của bộ môn này, đối tượng của tự sự học là hiện tượng “tính tự sự”. – cũng giống như trước đây các nhà hình thức Nga xem đối tượng của lí thuyết văn học là hiện tượng “tính văn học”). Tự sự, trần thuật là kết quả của quá trình triển khai của hoạt động trần thuật, kết quả của tự sự hóa. Đối tượng cụ thể của tự sự học, theo Bremond có thể là các thủ pháp, phương thức tạo nên tự sự, mà cũng có thể là các quy luật chi phối các sự kiện được kể ra. (Logich của các khả năng tự sự). Genette cho rằng có tự sự học nghĩa rộng, nhiên cứu các vấn đề nội dung, chủ đề của tự sự, và có tự sự học nghĩa hẹp, chỉ nghiên cứu các phương thức tạo nên văn bản tự sự. Các nhà tự sự học kinh điển nghiên cứu logích của hệ thống sự kiện, còn các tác giả từ Genette trở đi lại nghiên cứu cấu trúc của diễn ngôn tự sự. Cả hai trường hợp đều không nghiên cứu văn bản tự sự cụ thể mà chỉ nghiên cứu cấu trúc nội tại của tự sự. Ngay Genette khi nghiên cứu Diễn ngôn tự sự chỉ dựa trên một văn bản là Đi tìm thời gian đã mất của Proust, nhưng tác giả cũng chỉ mượn tác phẩm cụ thể để nêu lên cái chung phổ quát, chứ không đi vào nội dung tác phẩm. Đây là điều được nói trong lời nói đầu. Đối với tự sự học hậu kinh điển đối tượng còn là ngữ cảnh và tiếp nhận của người đọc.
Sự xác định đối tượng của tự sự học kinh điển chịu ảnh hưởng sâu sắc của ngôn ngữ học cấu trúc chủ nghĩa. Theo lí thuyết ngôn ngữ học cấu trúc, lí thuyết đẻ ra đối tượng. Để nghiên cứu ngôn ngữ, Ferdinand de Saussure đã đối lập ngôn ngữ như là hệ thống quy tắc nằm ở bề sâu và lời nói là hoạt động ngôn ngữ của cá nhân biểu hiện ra bề mặt. Theo N. Chomski thì đó là đối lập biểu hiện bề mặt và cấu trúc bề sâu. Đồng thời, đối lập mặt đồng đại và mặt lịch đại, phân biệt cái biểu đạt và cái được biểu đạt, vận dụng cặp đối lập, phép thay thế và xác lập mô hình để phát hiện quy tắc ngôn ngữ. Theo phương pháp đó nhà tự sự học không nghiên cứu tác phẩm mà nghiên cứu ngữ pháp, nghiên cứu các nguyên tắc tạo ra lời văn, không nghiên cứu nhân vật, hành động, chỉ nghiên cứu chức năng, tóm lại không nghiên cứu các yếu tố bề ngoài mà nghiên cứu các quan hệ bề sâu của tự sự.
Theo phương hướng đó, các nhà tự sự học xác định đối tượng nghiên cứu của mình không phải là tác phẩm tự sự, mà là “ngữ pháp truyện kể”(Todorov), “hình thức và chức năng của tác phẩm tự sự” (G. Prince), là “lí thuyết về văn bản tự sự” (M. Bal), ‘cấu trúc của văn bản tự sự”(S. Chatman), là “môn học nghiên cứu sự biểu hiện của những biến đổi trạng thái” (W. Shmid). Có thể có nhứng biểu đạt khác nhau, song đối tượng chung của tự sự học như một lí thuyết không phải là văn bản cụ thể, mà là hình thức bên trong, cấu trúc nội tại của văn bản tự sự nói chung. Các nhà tự sự học đã cụ thể hóa mục tiêu trên vào việc nghiên cứu ngữ pháp của truyện kể, khám phá cấu trúc diễn ngôn, mô hình tạo nghĩa của văn bản tự sự nói chung, bất kể thể loại nào, văn học hoặc phi văn học. Các nhà tự sự học không nghiên cứu nhân vật mà nghiên cứu chức năng, vai hành động của nó; họ cũng không nghiên cứu cốt chuyện mà nghiên cứu chuỗi hành động, logich nội tại tạo thành cốt chuyện; họ đối lập diễn ngôn trần thuật với câu chuyện, nghiên cứu cấu trúc trần thuật với người kể chuyện, điểm nhìn, các thủ pháp kiến tạo thời gian, không gian, các phương thức trần thuật. Nhưng trong thực tế, người ta không thể nghiên cứu các quy tắc mà không phân tích các biểu hiện cụ thể trong văn bản, nhưng văn bản đó đóng vai trò vật liệu khảo sát. Các nhà tự sự học nghiên cứu hệ thống giao tiếp tự sự với quan hệ giữa tác giả hàm ẩn, người kể chuyện, người đọc hàm ẩn với tác giả thật với người đọc thực tế. Nói tóm lại tự sự học nghiên cứu hệ thống cấu trúc và các hình thức, tầng bậc của tự sự cùng các chức năng của chúng trong hoạt động giao tiếp tự sự nói chung. Họ muốn khám phá, xây dựng một mô hình mẫu của tự sự, giống như là một ngữ pháp thống nhất, mà các văn bản tự sự cụ thể chỉ là sự biểu hiện đa dạng, lệch chuẩn so với hình mẫu đó, giống như các lời nói cá nhân khác nhau đều xuất phát từ quy tắc ngữ pháp chung.
Phương pháp nghiên cứu đó gọi là phương pháp cấu trúc, tức là phương pháp nghiên cứu nội tại, bỏ qua phương diện ngoại tại, ở đây có nghĩa là bỏ qua các phương diện xã hội, lịch sử, ngữ cảnh. Nó là phương pháp tĩnh tại, bỏ qua sự vận động. Là phương pháp suy diễn, bỏ qua phương pháp quy nạp. Vì thế nó có rất nhiều mâu thuẫn. Nhưng thời gian trôi qua cũng giúp phát hiện thấy những hạn chế to lớn của cách tiếp cận này. Mô hình ngữ pháp tự sự tĩnh tại thoát li khỏi cuộc giao tiếp sinh động trong thực tiễn nghệ thuật với người đọc. Mô hình đồng đại mâu thuẫn với bản chất thời gian của nghệ thuật tự sự, cấu trúc bề sâu mâu thuẫn với bản chất cụ thể, sinh động, cảm tính, không lặp lại của nghệ thuật, và nhất là hệ thống khép kín mâu thuẫn với hoạt động giao tiếp phụ thuộc vào ngữ cảnh và tiếp nhận của người đọc. Nhà triết học Pháp P. Riceour đã nhận xét về tính trừu tượng, thoát li cấu trúc thời gian của tự sự học này. Nhà nghiên cứu Nga Kocikov đã chỉ ra sự nghiêng về cấu trúc logich, mà thiếu hụt cấu trúc ngữ nghĩa của các mô hình tự sự cấu trúc.
Tuy nhiên nhược điểm đó không hề có nghĩa là tự sự học kinh điển đã lỗi thời. Hình học, toán học, ngữ pháp học và lí thuyết nói chung chỉ nghiên cứu các quan hệ thoát li ngữ cảnh, nhưng không hề vô nghĩa, chúng cung cấp mô hình logich cho tư duy và phân tích. Trong thời đại hậu cấu trúc và giải cấu trúc có xu hướng xem tự sự học kinh điển cũng như chủ nghĩa cấu trúc đã chết. Tuy nhiên biết bổ sung quan điểm lịch sử và khi vận dụng có ý hức đầy đủ về ngữ cảnh thì tự sự học vẫn còn nguyên giá trị.
Một cuộc chuyển đổi hệ hình từ tự sự học cấu trúc sang tự sự học hậu kinh điển chú trọng tới quá trình tiếp nhận của người đọc, mối quan hệ giữa tự sự và ngữ cảnh xã hội, lịch sử và văn bản tự sự cụ thể. Chẳng hạn tự sự học kinh điển có phần coi nhẹ nghiên cứu nhân vật, thì tự sự hậu kinh điển đã bù đắp mặt này. Nhân vật không chỉ là chức năng, không chỉ là vai, nếu chỉ như thế nó không thể biểu cảm được, mà nó còn phải có các thuộc tính khác để mang thông tin biểu cảm, khiến người đọc đồng tình hay phản cảm. Tự sự học hậu kinh điển phải trả tự sự về với đời sống giao tiếp xã hội, lịch sử của tự sự. Nhưng điều đó không có nghĩa là nghiên cứu cấu trúc không còn có giá trị gì. Tự sự học cấu trúc vẫn phát hiện hệ thống các yếu tố tự sự ổn định có ý nghĩa như hệ thống quy chiếu từ bên trong. Nó chỉ có khiêm khuyết là phiến diện. Tự sự học cấu trúc phải vượt qua sự trói buộc của cấu trúc khép kín. Hiện tại, tự sự học nằm giữa quan niệm cấu trúc và lí thuyết tiếp nhận, hoạt động giao tiếp, phê bình phản ứng người đọc. Tự sự học vẫn giữ những tìm tòi ban đầu nhưng khắc phục các cực đoan, phiến diện của chủ nghĩa cấu trúc để hướng tới ngữ cảnh và tiếp nhận của người đọc. Trong quá trình vận động tự sự học ngày càng hòa trộn với tu từ học tiểu thuyết, phong cách học văn xuôi, thi pháp học thể loại, hoạt động tri nhận và phê bình ý thức hệ, lí thuyết diễn ngôn, thể hiện tính chất liên ngành. Tự sự học hư cấu và phi hư cấu. Tự sự học Nga đương đại khai thác truyền thống thi pháp học lí thuyết và lịch sử, kí hiệu học của mình, đang có sự đột phá trong phân tích tác phẩm tự sự nghệ thuật. Phương tiện tự sự phi ngôn từ cũng là một đối tượng nghiên cứu của tự sự học.
Một phương diện nữa của phương pháp tự sự học như R. Barthes đã nói trong bài Dẫn luận phân tich cấu trúc truyện kể, rằng trước sự phong phú vô tận của các văn bản hình thức tự sự, người nghiên cứu không thể sử dụng phương pháp quy nạp, mà chỉ có thể sử dụng phương pháp diễn dịch, dựa vào một số đặc điểm khu biệt rồi suy ra cấu trúc tự sự, sau đó minh họa hay kiểm chứng bằng một vài phân tích cụ thể. Nhưng sự đa dạng của tự sự lại có thể xử lí bằng phương pháp loại hình, trên cơ sở phân tích cụ thể, quy nạp thành loại hình. Tự sự học hậu kinh điển có thể và cần vận dụng loại hình hóa để quy nạp loại hình tự sự phương Đông, phương Tây, tự sự cổ đại, trung đại, hiện đại, tự sự lãng mạn, hiện thực, châm biếm…
Trong quá trình phát triển tự sự học thể hiện ở hai phạm vi. Phạm vi rộng bao hàm mọi hoạt động tự sự, trong đó tự sự học lịch sử, tự sự học cận văn học và phạm vi hẹp gắn với tự học hư cấu nghệ thuật. Tự sự học nghĩa rộng mở ra khả năng nghiên cứu các quy tắc tự sự trong hoạt động nhân văn ngoài nghệ thuật, còn tự sự học nghĩa hẹp mở ra khả năng nghiên cứu các phương tiện tự sự nghệ thuật phi ngôn từ. Trong vấn đề phạm vi đối tượng của tự sự học, có người chủ trương xem các nghệ thuật sân khấu, điện ảnh… đều là đối tượng cua tự sự học, nhưng theo ý kiến của Shmid thì chỉ tác phẩm nào có yếu tố người kể chuyện, sự kể chuyện thì mới là đối tượng của tự sự học. Cuộc chuyển đổi hệ hình mới bắt đầu chưa lâu, toàn bộ triển vọng đang nằm ở phía trước.
- Vấn đề ứng dụng lí thuyết tự sự trong nghiên cứu văn học
Xây dựng lí thuyết là để ứng dụng vào việc phân tích ý nghĩa, nghệ thuật truyện kể. Tìm hiểu một lí thuyết cũng cần biết nó được ứng dụng như thế nào. Các mô hình tự sự, các cấu trúc trần thuật, các khái niệm người kể chuyện, điểm nhìn, khoảng cách trần thuật…có giá trị phân tích rất cao. Là các khái niệm mẫu, có tính phổ quát, chúng có thê được vận dụng vào tác phẩm cụ thể với những sai lệch, khiếm khuyết, dôi dư để cho thấy cái đặc trưng. Chúng có thể được sử dụng để phân tích các văn bản truyện kể cụ thể, phân tich nghệ thuật một thể loại, một tác giả kinh điển, cũng có thể phân tích sự vận động của một giai đoạn phát triển của loại văn tự sự (truyện ngắn, tiểu thuyết, truyện thơ, truyện vừa…) của một nền văn học dân tộc.
Chẳng hạn mô hình tự sự gồm sáu vai (chức năng) của J. A. Greimas được nhiều người yêu thích vận dụng, do nó giúp người đọc tự sự quy các nhân vật khác nhau vào các vai hữu hạn để dễ nhận rõ ý nghĩa của truyện. Mô hình tổ chức diễn ngôn trần thuật của G. Genette cũng được nhiều người vận dụng để khám phá đặc điểm trần thuật của một tác giả, tác phẩm nào đó. Các phương thức trần thuật toàn tri, hạn tri với sự kết hợp các loại điểm nhìn cũng được vận dụng để loại hình hóa các giai đoạn phát triển của thể loại tiểu thuyết trong một nền văn học. Ví dụ học giả Nga Ju. Lotman đã phân tích nghệ thuật tự sự của Pushkin, Gogol, Lermantov, học giả N. Tamarchenco đã phân tích đặc điểm của tiểu thuyết Nga thế kỉ XIX, Các học giả Trung Quốc Trần Bình Nguyên, Triệu Nghị Hành vận dụng mô hình tự sự để nghiên cứu sự chuyển đổi mô hình tự sự trong tiểu thuyết Trung Quốc từ cận đại sang hiện đại. Về lí huyết Triệu Nghị Hành tiến hành so sánh tự sự học, còn Thân Đan liên kết tự sự với phong cách học tiểu thuyết, có tính liên ngành. Các học giả Mĩ như Patrik Hanan nghiên cứu tự sự trong thoại bản, Andrew Plack (Phổ An Địch) trong sách Tự sự học Trung Quốc nghiên cứu tứ đại kì thư đời Minh, học giả Mĩ gốc Hoa Vương Tịnh Vũ nghiên cứu tự sự trong Tả Truyện, Sử Kí. Tác giả Trung Quốc Dương Nghĩa trong cuốn Tự sự học Trung Quốc nghiên cứu toàn bộ nghệ thuật tự sự Trung Quốc từ cổ đại đến cận đại, chỉ ra các quy luật đặc thù mang bản sắc Trung Quốc. Đặc biệt Hồng Lâu Mộng và truyện ngắn Lỗ Tấn càng là đối tượng hào hứng của nghiên cứu tự sự học.
Tự sự học truyền vào Việt Nam chưa lâu song cũng giúp phát hiện những đặc điểm mới trong tiểu thuyết thời kì mới. Tự sự học đã là đề tài của nhiều luận án thạc sĩ, tiến sĩ, hứa hẹn những tìm tòi mới.
Tất nhiên việc vận dụng lí thuyết vào thực tế bao giờ cũng dựa trên cơ chế phiên dịch của văn hóa. Lí thuyết là công cụ, là siêu ngôn ngữ để miêu tả sự vật. Vận dụng tức là phiên dịch. Lí thuyết bao giờ cũng hàm chứa những khả năng và bất cập, nếu sự vận dụng tỏ ra máy móc, thiếu linh hoạt và nhất là thiếu quan niệm sâu sắc về đối tượng nghiên cứu thì sẽ gặp khó khăn; nếu biết sáng tạo, tiếp biến thì sẽ đem lại hiệu quả mới và phát triển lí thuyết. Lí thuyết và vận dụng là cách nói thông dụng, song hiểu thấu đáo thì không có cái gọi là vận dụng, mà chỉ có lí thuyết trong thực tiễn, thực tiễn tái tạo lí thuyết. Các tác giả không nhận thấy nhược điểm của cách tiếp cận cấu trúc, không biết vận dụng yếu tố ngữ cảnh để khắc phục nhược điểm của chủ nghĩa cấu trúc. Lúc đó sự vận dụng cấu trúc tự sự để áp vào một tác phẩm, lấy các dữ liệu của tác phẩm để minh họa lí thuyết, lúc đó nhà nghiên cứu chỉ có được một bản liệt kê các thủ pháp, yếu tố tương đồng với mô hình lí thuyết, mà không mảy may chỉ ra được tính độc đáo của tác phẩm được nghiên cứu. Trong việc ứng dụng tự sự học cấu trúc nếu đi theo con đường diễn dịch một chiều đã mở sẵn, không coi đó chỉ là định hướng nhằm nghiên cứu quy nạp thì chỉ là sự lặp lại giản đơn các đề mục của tự sự học. Nếu đi theo hướng quy nạp có thể khám phá nhiều nội dung mới giàu tính sáng tạo. Nếu tiếp tục diễn dịch thì phải nhìn thấy các mâu thuẫn để tìm cách khắc phục, đưa lí thuyết tiến tới. Trong ứng dụng còn có quan hệ giữa học theo ngước ngoài và sang tạo cách nhìn mới. Nhìn chung các nước Đông Á ứng dụng nhiều mà kiến tạo ít, thiếu cân đối .
Trong phạm vi ứng dụng còn bao hàm nội dung giảng dạy tự sự học trong các trường đại học và vận dụng tự sự học trong phân tích dạy học tự sự ở nhà trường trung học phổ thông. Ở đây bao gồm phân tich văn bản tự sự và tổ chức tri thức theo kênh tự sự để cho dễ nhớ. Trong sách Văn chương lâm nguy tác giả Tz. Todorov phê bình lói dạy văn trong nhà trường Pháp yêu cầu học sinh lớp 9 phải thuộc “sáu chức năng của Jakobson”, “sáu nhân tố của Greimas” hay “hồi cố, dự thuật…” của Genette[8] là cách dạy hình thức và không cần thiết đối với học sinh. Đó chỉ là những khái niệm siêu ngôn ngữ của phê bình văn học, chỉ cần cho nhà nghiên cứu, không cần làm mệt đầu học sinh. Giáo viên có thể vận dụng chúng để hiểu đúng tác phẩm cho mình, sau đó gợi ý học sinh đi tìm nghĩa của tác phẩm. Hoặc giáo viên có thể và cần dựa vào lí thuyết tự sự đẻ nêu câu hỏi cho đúng, rồi để học sinh trả lời, chứ không dạy cho các em các khái niệm trừu tượng ấy. Bản thân tự sự học không phải là lí thuyết hình thức chủ nghĩa. Với các khái niệm tác giả hàm ẩn, lời kể, điểm nhìn, khoảng cách trần thuật, tiếng nói…nó cho thấy sự khống chế của người kể đối với câu chuyện, sự kiện, chi tiết. Nghĩa là câu chuyện không thể tự nó hiện ra nếu không có lời kể, điểm nhìn…mang nội dung quan niệm và luân lí. Từ đó cung cấp khả năng phân tích nội dung tư tưởng của tác phẩm.
- Vài nét về tự sự học ở Việt Nam
Văn học tự sự Việt Nam bắt đầu từ thế kỉ XV, nhưng trong suốt thời trung đại không được phát triển, lí thuyết về nó cũng chưa có. Lí thuyết về tiểu thuyết bắt đầu có từ đâu thế kỉ XX. Từ đó mới có các luận bàn, khảo luận, nghiên cứu về tiểu thuyết. Có thể kể các tên tuổi đã bàn về thể loại cốt yếu của tự sự này: Phạm Quỳnh (1933), Thach Lam (1941), Vũ Bằng (1955), Nhất Linh (1960), Doãn Quốc Sỹ (1972), Ngyễn Văn Trung (1965), Thanh Lãng…Đó là lí thuyết tiểu thuyết tiền tự sự học. Từ những năm 80 thế kỉ trước chúng tôi bắt đầu nói đến điểm nhìn trần thuật trong giáo trình lí luận văn học (1987). Song song với việc dịch thuật một ít lí thuyết về tự sự học của Ilin và Tsuganova[9], Barthes, Todorov, Genette[10], khoa Ngữ văn ĐHSP Hà Nội đã tổ chức hai hội thảo về Tự sự học (2001, 2008), có cuốn Thi pháp của truyện của Nguyễn Thái Hoà (2000), Tự sự học 1 (2003), Tự sự học 2 (2008), Thời gian nghệ thuật trong cấu trúc văn banr tự sự của Lê Thị Tuyết Hạnh, (2003), Phê bình văn học từ lí thuyết hiện đại của Đào Duy Hiệp, (Giáo dục, 2008), Tiểu thuyết trên đường đổi mới nghệ thuật của Phùng Văn Tửu (2010), Dẫn luận truyện của Trần Ngọc Hồ Trường (2015) và một số luận văn luận án tiến sĩ theo hướng tự sự học, nhìn chung lí thuyết tự sự ở Việt Nam hầu như còn rất non trẻ, chưa có một công trình trình bày, giới thiệu có quy mô và hệ thống. Chưa có những công trình dịch thuật có quy mô, xứng tầm. Vì vậy nhân có sự tài trợ của Quỹ nghiên cứu khoa học cơ bản Nafosted của Bộ khoa học và công nghệ, chũng tôi muốn có một công trình hệ thống để lấp chỗ trống.
- Mục đích của công trình
Do tầm quan trọng của tự sự học trong nghiên cứu văn học nói riêng và nghiên cứu văn hóa nói chung, trong điều kiện hạn hẹp của nước Việt Nam cho đến nay vẫn chưa có một công trình giới thiệu có hệ thống, chưa có giáo trình, chưa có bản dịch được xuất bản chính thức, chúng tôi thấy cần phải giới thiệu tự sự học một cách có hệ thống, trình bày những nét lớn, các tư tưởng chủ yếu, những con đường tìm tòi, những thành công và khiếm khuyết, từ tự sự học cấu trúc đến tự sự học hậu kinh điển, sự ứng dụng của nó trong nhiều lĩnh vực, cung cấp một cái nhìn toàn cảnh. Trong công trình này chúng tôi sẽ trình bày ba phần nội dung : 1. Tự sự học kinh điển, 2. Tự sự học hậu kinh điển và tự sự học văn hóa Nga, Trong phần này chúng tôi có mử rộng biên giới tự sự, bao gồm cả đa phương tiện cũng như tự sự học lịch sử, tức là tự sự học nghĩa rộng. 3. Tự sự học ứng dụng. Trong mỗi phần có các mục nhỏ, tập trung giới thiệu các phạm trù, khái niệm cơ bản của một số tác giả chủ yếu. Công trình do đó có tính chất một giáo trình lí thuyết. Trong phần ứng dụng chúng tôi giới thiệu những cách ứng dụng tự sự học trong các lĩnh vực, những thành tựu và khiếm khuyết. Tự sự học là một khoa học đang hình thành và đang biến đổi, thay đổi phương pháp và đối tượng nghiên cứu. Cách làm như trên theo chúng tôi là thích hợp đối với đối tượng và cũng dễ theo dõi, như là nghe một câu chuyện. Hiện nay giáo trình tự sự học có hai hình thức: một là trình bày tiến trình tự sự học qua các tìm tòi, phát hiện của các học giả; hai là trình bày hệ thống các khái niệm, phạm trù của tự sự học, hoặc kết hợp cả hai. Cuối sách còn có một thư mục các công trình tự sự học chủ yếu. Để bổ sung chúng tôi còn biên soạn một cuốn từ điển các từ chìa khóa của tự sự học, lựa chọn các thuật ngữ quan trọng, trình bày gọn rõ, giúp các bạn mới học nắm vững và vận dụng. Với công trình này chúng tôi mong cung cấp cho người nghiên cứu, nhất là các bạn sinh viên, học viên thạc sĩ, nghiên cứu sinh có thêm nguồn tài liệu tham khảo bổ ích.
Phương pháp của chúng tôi chủ yếu là thuật, kết hợp phân tích, bình luận, sử dụng những tài liệu mới, đáng tin cậy từ nhiều nguôn. Trong quá trình làm việc chúng tôi cũng gặp không ít khó khăn về tư liệu, không phải lúc nào cũng tìm được những cuốn sách đúng gốc. Chúng tôi cũng gặp khó khăn về ngoại ngữ. Nhiều khi phải sử dụng các bản dịch tiếng Anh, tiếng Nga, tiếng Trung. Với các bản dịch qua ngôn ngữ trung gian, sự sai khác là khó tránh khỏi. Tập thể tác giả mong nhận được sự góp ý, trao đổi.
Cuối cùng, chúng tôi cùng đồng nghiệp tham gia công trình này xin có lời cảm ơn sâu sắc giửu đến quỹ Nafosted, cơ quan quản lí trương Đại học sư phạ Hà Nội cùng Hội đồng khoa học của quỹ, các bạn bè thân hữu, học trò đã dành cho chúng tôi sự giúp đỡ quý báu để công trình hoàn thành và đến tay bạn đọc.
Hà Nội, ngày 10 – 8 – 2014
[1] Jonathan Culler. Dẫn luận rất ngắn về lí luận văn học, nxb. Giáo dục Liêu Ninh, Trung Quốc, 1998, tr. 86.
[2] Wellek và Worren. Lí luận văn học, bản dịch tiếng Trung, Nxb Tam Liên, Thượng Hải, 1984, tr. 236.
[3] Tz. Todorov. Ngữ pháp Truyện Mười ngày: “Bộ sách này thuộc về một khoa học chưa xuất hiện, chúng tôi tạm gọi nó là narratologie, tự sự học, một khoa học lấy tác phẩm tự sự làm đối tượng nghiên cứu”. Todorov,T.Grammaire du Décameron[M].Mouton:The Hague,1969.p69。
[4] G. Prince. A Dictionary of Narratology, (Revissed editon), Univerrsity Nebraska Presss, 1987, 2003; David Herman. Narratologies, 1999, Ohio State University; David Herman et. Al., eds. Routledge Encyclopedia of Narrative Theory (London: Routledge, 2005, 2008); James Phelan and Peter J. Rabinowitz, eds. A Companion to Narrative Theory (Oxford: Blackwel, 2005); H. Porter Abbott, The Cambridge Introduction to Narrative (Cambridge: Cambridge UP, 2002, 2008); David Herman, ed. The Cambridge Companion to Narrative(Cambridge: Cambridge UP, 2007); Peter Huhn et. Al. eds. , Handbook of Narratology (Berlin & New York, Walter de Gruyter, 2009). Whol Shmid. Dẫn luận tự sự học, 2010; Thân Đan và Vương Lệ Á. Tự sự học phương Tây. Kinh điển và hậu kinh điển, Đại học Bắc Kinh, 2010; Đàm Quân Cường. Dẫn luận tự sự học. Từ tự sự học kinh điển đến tự sự học hậu kinh điển, Cao đẳng giáo dục, Bắc Kinh, 2013.
[5] Tự sự học – Một số vấn đề lí luân và lịch sử, Trần Đình Sử chủ biên, H., ĐHSP, 2003, tái bản 2007;Tự sự học – Một số vấn đè lí luận và lịch sử, phần 2, Trần Đình Sử chủ biên, H., ĐHSP, 2008. Từ sau những năm đó đã xuất hiện một số công trình nghiên cứu sự đổi mới của tiểu thuyết Việt Nam theo nhãn quan tự sự học có giá trị. Nhiều trường đại hoch đã mở chuyên đề Tự sự học cho sinh viên và học viên cao học. Có trường đã dịch một số giáo trình, nhưng chưa có giáo trình của riêng mình.
[6] Trần Đình Sử. Nên dịch Narratology thành tự sự học hay trần thuật học? Trân Đình Sử WordPress.com
[7] G. Genette, Diễn ngôn tự sự – Tân diễn ngôn tự sự, Vương Văn Dung dịch, nxb KHXH, Bắc Kinh, 1990, tr.
[8] Tz. Todorov. Văn chương lâm nguy, Trần Huyền Sâm dịch, Trần Thiện Đạo hiệu đính, nxb Văn học, Trung tâm quốc học, H., 2010, tr. 22.
[9] Các khái niệm và thuật ngữ của các trường phái nghiên cứu văn học ở Tây Âu và Hoa Kì thé kỉ XX, Đào Tuấn Ảnh, Trần Hồng Vân, Lại Nguyên Ân dịch, Đại học Quốc Gia Hà Nội, 2003;
[10] Lộc Phương Thuỷ chủ biên. Lí luận phê bình văn học thế giới thế kỉ XX, tập 2, nxb Giáo dục, Đà Nẵng, 2007. Nhiều người dịch. Trần Huyền Sâm giới thiệu, Những vấn đề lí luận văn học phương Tây hiện đại. Tự sự học kinh điển, Trung Tâm quốc học, văn học, 2010. Các sách này tập hợp bản dịch những trích đoạn và bài lẻ. Chưa có bản dịch các chuyên luận của các nhà tự sự học nổi tiếng.