(NGUYỄN TRÃI)
Trong tập thơ Quốc âm thi tập của Nguyễn Trãi, có những bài mới xem qua tưởng là nêu những vấn đề vô thưởng vô phạt, nhưng đọc kĩ, ngẫm kĩ, sẽ thấy dưới lớp ngôn từ có vẻ khô khan là một trái tim đau đớn, một tâm sự lớn. Bài Tùng trong tập này là một bài thơ tâm sự về cuộc đời, về sự nghiệp, về niềm tin được cống hiến trọn đời cho con người và đất nước. Đã có một thời bài thơ được tuyển vào sách giáo khoa cho học sinh THPT (ở lớp 8, hệ 10 năm). Nhưng đáng tiếc là tuy có rất nhiều tài liệu hướng dẫn giảng dạy mà chưa có tài liệu nào thật sự làm người đọc thỏa mãn(1). Cho nên khi dạy, bài thơ khô khan, học sinh chán học. Do khó dạy, người ta có khi đã đưa bài thơ ra khỏi sách giáo khoa. Nếu còn giữ lại thì vẫn để nó ở vị trí đọc thêm, giảng cũng được, không giảng cũng được. Có nhà giáo còn bảo rừng: Nguyễn Trãi đã bị cái oan tru di đã khổ lắm rồi, xin đừng đem bài thơ này để làm khổ cho ông nữa. Nhớ lại hồi ấy, người ta thường xem bài thơ là sự thể hiện phẩm chất cây tùng một cách phi văn học, như “có sức chống chọi với tuyết sương”, “có khả năng lớn lao trong công trình xây dựng to tát”, “có khả năng sinh ra các vị thuốc quý”, từ đó mà liên hệ tới phẩm chất người quân tử của Nguyễn Trãi ! Có khi người ta mượn cây tùng để liệt kê các tri thức uyên bác về một thể thơ cổ, một đề tài thơ cổ như tùng, cúc, mai. Có khi người ta hiểu bài thơ thể hiện “những phẩm chất lý tưởng mà Nguyễn Trãi mơ ước sống theo”, khi thì hiểu chủ đề bài thơ là biểu hiện khí tiết kẻ sĩ “kiên cường liêm khiết”. Tựu trung các tài liệu chưa soi tỏ được tư tưởng và tâm sự của nhà thơ trong bài thơ. Mà thiếu điều đó thì bài giảng tránh sao khỏi chung chung, nhạt nhẽo ? Trong thơ trữ tình, vấn đề truyền thống đề tài, hình tượng, môtíp chủ đề dù quan trọng thế nào vẫn là yếu tố thứ hai. Yếu tố thứ nhất phải là niềm suy tư, tâm sự xúc động ở tâm can. Người xưa nói, đọc thơ phải biết”rẽ văn để nhập tình”(phi văn dĩ nhập tình). Chúng ta hãy đọc bài thơ :
Thu đến cây nào chẳng lạ lùng,
Một mình lạt thuở ba đông.
Lâm tuyền ai rặng già làm khách ?
Tài đống lương cao ắt cả dùng !
Đống lương tài có mấy bằng mày ?
Nhà cả đòi phen chống khỏe thay.
Cội rễ bền, dời chẳng động,
Tuyết sương thấy đã đặng nhiều ngày !
Tuyết sương thấy đã đặng nhiều ngày,
Có thuốc trường sinh càng khỏe thay.
Hổ phách, phục linh nhìn mấy biết,
Dành còn để trợ dân này.
Đây là ba bài thơ liên hoàn, câu đầu bài sau lặp lại câu cuối hoặc một phần câu cuối của bài trước, do thống nhất chặt chẽ trong một chủ đề, mà ngày nay ta có thể xem như ba khổ của một bài thơ.
Lời bài thơ là lời của ai? Xét lời thơ, cách xưng hô, ta thấy bài thơ vừa là lời tự bạch của cây tùng, vừa là lời tâm sự vỗ về cây tùng, nói với cây tùng, cho cây tùng. Nhà thơ và cây tùng như hòa quyện với nhau làm một, cùng chung một tâm sự, nỗi niềm.Đây là bài thơ trữ tình nhập vai, nhà thơ nhập vào vai cây tùng, nói lời tâm sự của cây tùng.
Tâm sự xuyên suốt bài thơ là niềm tin chắc vào việc mình sẽ được dùng vào việc lớn, không hôm nay thì mai sau. Hai câu đầu nói tới phẩm chất hơn hẳn của cây tùng so với các loài thảo mộc khác : một mình cây tùng là dám coi thường thời tiết mùa đông, dù băng tuyết vẫn xanh tươi như không. Nhưng chỉ riêng điều đó thì đã có gì là quan trọng ? Xanh tươi không phải để làm khách, làm cảnh nơi chốn lâm tuyền, mà phải có ích lợi lớn cho đời, cho nước. Có tài lớn thì phải được dùng vào việc lớn. Ý này Nguyễn Trãi mượn từ câu thơ Trời sinh tài cho ta ắt phải có ích cho đời trong bài Tương Tiến Tửu của Lí Bạch( 天生我才必有用), thể hiện một niềm tin rằng, mọi người có tài, thế nào cũng được cất nhắc sử dụng. Chữ “tài đống lương” đây có ý nghĩa song quan, đồng một âm mà hai nghĩa, vừa chỉ chất liệu làm rường cột cho ngôi nhà lớn, vừa chỉ tài năng làm rường cột cho đất nước :
Lâm tuyền ai rặng già làm khách,
Tài đống lương cao ắt cả dùng.
Câu thơ nghe như lời bác bỏ một dư luận của ai đó, bảo rằng tùng già chỉ còn làm khách chơi thôi, đồng thời là một niềm tin sắt đá vào sự nghiệp phụng sự việc lớn của đời mình.
Đọc bốn câu đầu, tưởng đâu chỉ là hoài bão của một người trẻ tuổi, chưa đi vào đời. Nhưng không phải thế. Đọc khổ thứ hai, ta mới hiểu người này đã lập công cho đời rồi. Khổ thứ hai cho ta biết sâu thêm về cây tùng. Một niềm tự hào về tài năng và công lao sự nghiệp rất mạnh mẽ. Ta nghe câu thơ như lời bác bỏ ai đó muốn phủ nhận cây tùng và nhà thơ dõng dạc tự khẳng định :
Đống lương tài có mấy bằng mày ?
Nhà cả đòi phen chống khỏe thay !
Câu thơ mới nghe có vẻ như tự phụ, nhưng đọc tiếp hai câu sau mới thấy nhà thơ như muốn tìm chỗ dựa cho mình ngay trong bản thân mình, để giữ cho mình tư thế vững chãi, không nghiêng ngửa trước thế sự :
Cội rễ bền, dời chẳng động,
Tuyết sương thấy đã đặng nhiều ngày.
Câu thơ như cho biết có một nguy cơ nào đang muốn làm lung lay nghiêng đổ cây tùng, buộc cây tùng phải dựa vào tài năng, sự nghiệp, cội rễ và kinh nghiệm đặng mà tự tin vào thế đứng của mình. Trong thế giới đầy bất công, đố kỵ, gièm pha như môi trường của Nguyễn Trãi đương thời, nhà thơ buộc phải gồng mình lên mà tự khẳng định chứ biết dựa vào đâu ?
Khổ thơ này còn cho ta hiểu thêm một điều sâu kín : một cây tùng đã từng nhiều phen chống đỡ nhà lớn – quốc gia mà vẫn tin “Tài đống lương cao ắt cả dùng”, thì có nghĩa là cây tùng ấy nay đã không còn được tin dùng nữa, không còn được can dự vào việc chống nhà lớn nữa. Bị ruồng bỏ mà vẫn tin chắc còn sẽ được “cả dùng” thì thật là một niềm tin mạnh mẽ hiếm có biết bao ! Không có niềm tin vào mình và tin vào lẽ phải ở đời thì làm sao có được sức mạnh ấy ? Chi tiết này cho phép ta nghĩ rằng bài thơ Tùng này được Nguyễn Trãi làm vào lúc ông không còn được vua Lê Thái Tổ trọng dụng, đã lui về làm khách lâm tuyền ở Côn Sơn, và trước khi được vua Lê Thái Tôn vời ra làm việc lại mà ông đã bày tỏ nỗi lòng trong bài Biểu tạ ơn. Cụ thể là bài thơ được làm vào khoảng về quê ở ẩn mà nhiều bài thơ khác có thể làm chứng cho tâm trạng đó :
– Vừa sáu mươi dư tám chín thu(2)
Lưng gầy da nẻ tướng lù khù
Lâm tuyền thanh vắng bạn Sào, Hứa
Lễ nhạc nhàn chơi đạo Khổng, Chu.
(Ngôn chí – bài 14)
– Hoạn nạn nhiều thu tổn khí hào
Lâm tuyền chưa khứng dứt chiêm bao.
(Tự thuật – bài 11)
Một tâm trạng rất mâu thuẩn. Người về ở ẩn mà tâm không ẩn, ở chốn lâm tuyền mà chí vẫn ao ước được “đại dụng” nơi miếu đường, vừa muốn nhàn lại vừa không thể nhàn. Ta sẽ nhầm nếu hiểu Nguyễn Trãi là người đam mê quan chức, quyền lực. Ông chỉ là người mang lý tưởng sống phải “hữu dụng” cho nước, cho dân. Khổ thứ ba sẽ cho ta thấy rõ điều đó. Nếu không được chống đỡ “nhà cả” thì ông dành làm thuốc quý cứu dân. Trong nhựa cây tùng có chứa chất hổ phách, phục linh, là những thứ thuốc quý được hình thành trong khoảng thời gian trăm năm, nghìn năm, một khoảng thời gian dài hơn đời người. Đó cũng là phẩm chất mà người đời chỉ sống trong khoảng trăm năm đâu dễ nhìn thấy !
Nhà thơ tin dù mình có chết, vẫn có cái gì quý giá dành để lại cho đời sau, có ích cho đời sau.
Cả bài thơ toát lên niềm tin mãnh liệt, không lay chuyển của nhà thơ vào phẩm chất, giá trị của mình, vào lý tưởng hữu dụng cao cả của mình. Nhưng niềm tin này mới cô đơn, đau đớn làm sao ! Nói với cây tùng chỉ là hình thức mình nói với mình, còn cây tùng cũng chỉ là hình ảnh phân thân của nhà thơ mà thôi. Môi trường xung quanh, như ta thấy, chỉ là gièm pha, đố kỵ, phủ nhận. Đối chiếu với môi trường ấy mới thấy rõ nhân cách người xưa là một sức mạnh cứng cỏi, siêu việt biết chừng nào ! Nhân cách ấy mãi mãi nâng đỡ ta tự tin vào lẽ phải của mình, khích lệ ta đứng vững trong nghịch cảnh.
Điều thú vị là chính tâm hồn Nguyễn Trãi đã làm đổi mới hình tượng cây tùng trong bài thơ, tạo nên bản sắc riêng của bài thơ Nguyễn Trãi. Ai cũng biết đề tài tùng trong thơ cổ không có gì mới lạ. Nhưng điều đó không có nghĩa là ở mỗi thời kỳ, mỗi tác giả, hình tượng cây tùng không có bản sắc riêng. Ở Trung Quốc xưa từ đời Hán trở về trước, cây tùng thường tượng trưng cho sự cao khiết và sống lâu. Người ta trồng tùng ở nơi lăng mộ cùng với cây bách là theo ý nghĩa đó. Từ đời Hán trở đi, tùng thường được dùng ví với người có khí tiết cứng cỏi mà lánh đời. Từ đó mà có hình ảnh cây tùng cứng cỏi, ẩn dật, tùng cô trực ở trong thơ Lưu Trinh, Đào Uyên Minh, Trần Tử Ngang, Lý Bạch… đối lập với “chúng thảo”, “quần thụ” phàm tục, tầm thường. Trong các bức tranh vẽ cây tùng, ta thường thấy cây tùng mọc trên núi, cao, vách đã cheo leo, xa lánh chốn bụi trần. Theo truyền thống đó Nguyễn Trãi cũng đối lập cây tùng của mình với mọi loài cây khác về khí tiết, sức sống. Nhưng cây tùng của Nguyễn Trãi lại lại là cây tùng hoàn toàn khác : đây không phải cây tùng ẩn dật, lánh đời, cô ngạo, mà là cây tùng ở bất cứ tình huống nào vẫn hướng về cuộc đời, gắn bó và hữu ích cho đời. Về tư thế, cây tùng của Nguyễn Trãi hình như không đứng nơi cheo leo với hình dáng quanh co, uốn ngã, khúc khuỷu, mà thẳng băng để làm rường cột, và sừng sững cắm rễ sâu vào lòng đất, như những cây tùng ta thấy ở Chí Linh, Côn Sơn tình Hải Dương. Còn một điều khác nữa : cây tùng trong thơ xưa, tranh xưa thường đẹp một vẻ đẹp bề ngoài: dáng vươn ngửa trên núi cheo leo, màu xanh quanh năm, tiếng reo vô tư… Cây tùng Nguyễn Trãi trái lại đẹp một vẻ đẹp nội tại, kín đáo, đẹp ở phẩm chất hữu dụng, ở vầng cội rễ bền… Đó là bản sắc của cây tùng Nguyễn Trãi, của cây tùng Việt Nam với cái gốc nhân nghĩa, cái gốc đức lớn, cội nguồn nhân dân.
Dù bọn đố kỵ, gièm pha đã thắng và lưỡi gươm oan nghiệt đã làm nhà thơ cùng với ba họ rơi đầu, trong vụ án oan Lệ chi viên, nhưng với đời sau Nguyễn Trãi vẫn được đại dụng như niềm tin sinh thời của ông.
Thơ văn xưa thường dùng hình ảnh ước lệ, nhưng đằng sau hình ảnh ước lệ là một trái tim phập phồng ước mơ và khổ đau với đời. Đến với thơ văn xưa mà chỉ loay hoay với các hình ảnh ước lệ bề ngoài, không đi sâu được vào tâm trạng tác giả, khác nào như đến viếng một ngôi đền mà chỉ mải xem trang trí bề ngoài, quên việc vào thắp hương tại nơi nội điện.
Tùng là bài thơ ngôn chí giữa một thời thế sự. Tiếng thơ Tùng khác với tiếng sang sảng của Đại cáo bình Ngô. Vào những năm kháng chiến hào hùng của dân tộc, khi muôn người như một xông lên như nước vỡ bờ, người ta dễ dàng hiểu được Đại cáo, chứ đâu dễ thông cảm được tâm sự cô đơn với bài Tùng ? Đó là một điều cần phải thể tất cho người đi trước. Nhưng bài Tùng này, thiết nghĩ vẫn nên cho học sinh được học hẳn hoi để suy nghĩ về cách làm người, cách xây dựng niềm tin vào cuộc sống.
1.Xin xem: Giảng văn, tập 1, Nxb GD, Hà Nội, 1969.
Hướng dẫn giảng dạy văn học lớp 8, T. 2, Nxb GD, Hà Nọi 1971, in lại, năm 1973.
Giảng văn, T, 1. Nxb ĐH và THCN, Hà Nội, 1982.
2. Câu này theo Đào Duy Anh thì có nghĩa là, tính tròn thì được 60 tuôi, dư tám, chín tuổi, có nghĩa là lúc này Nguyễn Trải khoảng 51, 52 tuổi.