TRUYỆN THƠ NÔM VỚI TRUYỆN KIỀU (phần 1)

Trần Đình Sử

Mặc dù Truyện Kiều thuộc loại truyện thơ Nôm và cũng đã có không ít công trình đề cập tới mối quan hệ giữa Truyện Kiều và truyện thơ Nôm, song cho đến nay, khái niệm thế nào là truyện thơ Nôm vẫn chưa có được một định nghĩa đầy đủ và khoa học.

Truyện Nôm tuy có từ xưa nhưng khái niệm và thuật ngữ “Truyện Nôm” thì có lẽ phải đến Dương Quảng Hàm mới được gọi là chính thức. Trước đó, trong các sách Việt Hán văn khảo của Bưu Văn Phan Kế Bính và Quốc văn cụ thể của Ưu Thiên Bùi Kỉ không thấy nhắc đến tên gọi thể loại này. Còn Dương Quảng Hàm trong Việt Nam văn học sử yếu đã có chương XV ghi rõ: Các thể văn riêng của ta đã nói đến: truyện, ngâm, hát nói trong đó “các truyện Nôm của ta viết theo hai thể: lục bát và biến thể lục bát”, và ông hiểu “truyện là tiểu thuyết viết bằng văn vần…”. Đó là định nghĩa sơ lược đầu tiên về truyện Nôm.

Từ điển văn học tập 2 (1984) mục “Truyện Nôm” hiểu đó là “truyện thơ viết bằng thể lục bát”, người ta còn gọi là “truyện thơ lục bát”, tiếp đó là dựa vào tình trạng tác giả mà chia ra truyện Nôm hữu danh và truyện Nôm khuyết danh.

Tác giả Nguyễn Hồng Phong xem truyện Nôm bình dân là thể loại “tiểu thuyết”(1) tuy còn non kém. Tác giả Cao Huy Đỉnh cũng có quan điểm tương tự(2) xem truyện Nôm bình dân có xu hướng tiểu thuyết hóa. Tác giả Phan Ngọc lại xem Truyện Kiều là tiểu thuyết tâm lý trong ý nghĩa hiện đại.

Mục “Truyện Nôm” trong Từ điển thuật ngữ văn học do chúng tôi đồng chủ biên (1992) cũng không đưa ra một định nghĩa khác hơn. Định nghĩa khá mở rộng do Đặng Thanh Lê đưa ra trong sách: Truyện Kiều và thể loại truyện Nôm (1978). Theo tác giả, truyện Nôm chính là một hình thái của thể loại “Truyện”, tức “Tiểu thuyết” trong ý nghĩa cổ xưa của từ này, với hai đặc điểm: (1) Nguồn gốc sự việc xuất phát từ cuộc sống xã hội rộng rãi, và (2) Nội dung đề cập đến những câu chuyện dung tục (bỉ sự) thiếu tính chất “trang nghiêm”, “tao nhã” (tr. 66-67). Xét ra đây chỉ là một đặc điểm! Tuy nhiên xét kĩ chưa có truyện Nôm nào “xuất phát từ cuộc sống xã hội rộng rãi”, trái lại hầu hết truyện Nom đều lấy đề tài từ truyện cổ hoặc từ tiểu thuyết Trung Quốc. Đó chỉ mới là cách nhìn thể loại trong tương quan so sánh với truyền thống văn học Đông Bắc Á. Các học giả Nga như B.L. Riptin, N.I. Nicunin đã nhìn truyện Nôm (poema) trong truyền thống truyện thơ gần gũi với các nước trong khu vực Đông Nam Á. Ở Việt Nam truyện Nôm có thể diễn ca không chỉ truyện cổ tích, thần tích, ngụ ngôn, phật thoại, tiên thoại, sử kí, mà còn diễn ca cả tiểu thuyết chương hồi như Định tình nhân, Kim Vân Kiều truyện, ca bản như Hoa tiên ký, kịch như Tây sương ký. Nó có thể kể một truyện cận đại như U tình lục của Hồ Văn Trung, còn có thể diễn ca một truyện dịch Nhật Bản như Giai nhân kì ngộ. Điều đó chứng tỏ truyện thơ Nôm là một hình thức văn học vừa ổn định vừa linh hoạt, có khả năng đồng hoá lớn, có sức sống lâu bền trong tâm thức người Việt.

Một vấn đề khác là truyện Nôm gắn với chữ Nôm, thuộc phạm trù văn học viết dân tộc. Năm 1992 Kiều Thu Hoạch cho công bố công trình Truyện Nôm, nguồn gốc và bản chất thể loại(3), trong chương “Thi pháp truyện Nôm” tác giả đã phủ nhận quan niệm xem truyện Nôm bình dân là văn học viết, là thể loại tự sự tiểu thuyết hoá và có xu hướng xem đó là thể loại văn học dân gian, sáng tác theo khuôn hình cốt truyện văn học dân gian, nhân vật nhiều loại tính hơn là cá tính, tác phẩm mang đậm tư duy cổ tích, sử dụng kết cấu có hậu với yếu tố thần kì, các môtíp truyện dân gian được sử dụng phổ biến, ngay ngôn ngữ đối thoại, độc thoại cũng là bộ phận cấu thành quan trọng của thể loại cổ tích. (tr.133-215)… Truyện Nôm bình dân là sản phẩm sáng tác tập thể và sáng tác để kể miệng là chính.

Xem thế thì thấy bản chất và đặc trưng thể loại của truyện thơ Nôm nhất là truyện Nôm bình dân đang còn là một vấn đề khoa học, cần được tiếp tục làm sáng tỏ. Thực ra, bản chất văn học viết và bản chất của truyện Nôm bình dân không hề loại trừ nhau. Sự phân tích của tác giả Kiều Thu Hoạch chỉ làm sâu sắc thêm bản chất dân gian của thể loại mà nhiều khi giới nghiên cứu chưa được nhận thức đầy đủ. Và mặt khác các chứng cứ của tác giả cũng không thể bác bỏ được đặc trưng văn học viết của các tác phẩm đó. Vả chăng cho đến nay chưa có truyện Nôm nào được các nhà nghiên cứu văn học dân gian ghi chép bằng phương pháp điền dã, tức là từ một ông bà hát rong nào đó, mà chỉ có các bản phiên âm của một văn bản Nôm nào có trước. Đồng thời, cho dù lý lẽ xác định bản chất sáng tác văn học dân gian hoàn toàn đủ sức thuyết phục, thì đó cũng mới đề cập tới bộ phận truyện Nôm bình dân, vô danh hay khuyết danh. Vẫn còn một bộ phận truyện Nôm có tác giả, bác học nữa được xem là tiểu thuyết. Vậy truyện Nôm là hai thể loại- thể loại truyện kể dân gian và thể loại tiểu thuyết thuộc hai loại hình văn học hay là một thể loại mà hai hình thái thuộc văn học viết? Chúng tôi quan niệm là một thể loại và thiết nghĩ phải tìm hiểu đặc trưng thể loại chung của chúng. Tính dân gian của một bộ phận truyện Nôm chỉ là sản phẩm của ảnh hưởng qua lại giữa văn học dân gian và văn học viết. Không có thể loại truyện Nôm thuộc văn học dân gian, bởi vì cái tên Nôm vốn dùng để chỉ thứ chữ ghi chép của chúng.

Theo chúng tôi, thì truyện Nôm là thể loại ra đời trên cái nền nhu cầu “diễn âm”,  “diễn ca”, “diễn Nôm” tức là truyền thống tự sự rất phổ biến của xã hội trên cơ sở chữ Nôm, và rất có thể tên gọi truyện Nôm có cội nguồn từ chữ Nôm của nó, nghĩa là có chữ Nôm rồi mới có truyện Nôm, và có chữ Nôm rồi mới có tên gọi truyện Nôm. Câu ca dao “Làm trai biết đánh tổ tôm, uống chè Chính Thái ngâm Nôm Thuý Kiều” có thể ra đời muộn, nhưng cũng cho ta nghĩ đến điều đó. Chúng ta biết thơ phú Nôm đã ra đời từ thời Trần trên cơ sở chữ Nôm đó và để phân biệt ngươi ta gọi nó là phú Nôm. Thơ tiếng Việt ghi bằng chữ Nôm cũng gọi là thơ Nôm. Nguyễn Thuyên, Nguyễn Sĩ Cố, Chu Văn An đều giỏi văn Nôm. Bài văn tế cá sấu của Nguyễn Thuyên không còn nữa, nhưng hiện còn mấy bài phú Nôm đời Trần là: Cư trần lạc đạo phú, Đắc thú lâm tuyền thành đạo phú. Vịnh hoa yên tử phú và bài Phú dạy con tương truyền của Mạc Đĩnh Chi… Thơ Nôm Hồng Đức Quốc âm thi tập, và sớm nhất là Quốc âm thi tập của Nguyễn Trãi đã đánh dấu trình độ thơ Nôm điêu luyện, độc đáo đương thời. Thơ văn Nôm đã có trước truyện Nôm rất lâu đời rồi mới có truyện Nôm. Cho nên giả thiết về một truyện Nôm truyền miệng, không gắn với văn bản chữ Nôm, với sự hiện diện chữ Nôm, là khó có sức thuyết phục. Ngược lại, mọi thuật ngữ thơ Nôm, phú Nôm, văn Nôm, dịch Nôm, truyện Nôm đều do có chữ Nôm ghi lại  mà thành tên.

Công cụ chữ Nôm đã làm nảy sinh nhu cầu phiên dịch tác phẩm chữ Hán ra chữ Nôm. Hồ Quý Ly đã dịch thiên Vô dật trong Kinh Thư ra chữ Nôm để dạy vua nhỏ Trần Thuận Tôn. Đến nay không còn. Khoảng thế kỷ XVI – XVII là thời kỳ phát triển rực rỡ, đa dạng của văn Nôm. Thơ ca Nôm xuất hiện nhiều. Riêng văn xuôi đến nay còn văn bản dịch Nôm Truyền kì mạn lục của Nguyễn Thế Nghi (thế kỷ XVI), bản in thế kỷ XVIII, bản dịch Cổ Châu lục, bản in thế kỷ XVIII. Có thể xem đó là những bản dịch văn xuôi thuộc loại cổ nhất hiện còn, cách dịch lệ thuộc vào nguyên văn bản chữ Hán mà có người gọi là “dịch đuổi”, dịch bám vào nguyên tác. Qua hành văn các bản dịch ta cũng chưa thấy một hình thức văn xuôi chín muồi để chứng tỏ từ thế kỷ XVI ta đã có ngôn ngữ văn học thực sự theo truyền thống Đông Bắc Á.

Trong khi đó, theo truyền thống Đông Nam Á thì có lối diễn ca, ngữ lục bằng văn vần. Đó là Thiên Nam ngữ lục dài trên 8.000 câu lục bát, Thiên Nam minh giám 936 câu song thất lục bát. Việt sử diễn ca gồm 2.332 câu, phần đầu lục bát, đoạn cuối là song thất lục bát. Tên gọi “diễn ca”, “ngữ lục” thể hiện nhu cầu xây dựng văn học viết. Thiên Nam ngữ lục mở đầu bằng câu:

Trải xem sử ký nước Nam,

Kính vâng tay mới chép làm nôm na.

Và kết thúc:                Truyện này là của xem nhà,

                                Lấy làm lời đạo nôm na tính tình.

                                     Ta khinh, lẽ thế chẳng khinh,

                                  Ấy vậy ai nấy dễ mình chép nên?

đã nói rõ nhu cầu chép để xem của người đọc đương thời và tâm thế sáng tác của tác giả.

Có thể coi đó là tâm thế sáng tác truyện Nôm sau này mà ta có thể tìm thấy ở các truyện Nôm bình dân và bác học:

Phòng văn nhân buổi ngồi rồi,

  Học đòi tấp tểnh mấy lời nôm na.

(Nhị độ mai)

– Mạnh tay góp nhặt chuyện người,

  Ghi vào một tập xem chơi cũng kỳ.

(Tuyển phu ngộ phối tân truyện)

– Thừa nhàn mượn bút chép ghi,

  Phong lưu gọi một truyện kỳ mà chơi.

(Từ thức)

– Thư nhàn ngồi tựa hiên mai,

  Trải xem tích cũ truyện ngoài chép chơi.

(Hoàng Tú tân truyện)

– Trên am thong thả hội vui

  Tương tư tình nghĩa xem chơi quyển vàng.

(Phan Trần)

– Nhân khi thong thả ngâm nga,

  Lời quê ghi chép nôm na mấy lời.

(Lưu Nguyễn nhập Thiên Thai)

– Tóc tơ một chút chẳng sai.

– Vậy nên làm chuyện đặt vài lời hoa.

  Khi rồi ai muốn ngâm nga,

  Gọi là theo thói nôm na dõi truyền.

(Trinh Thử)

– Bút hoa ghi chép tỏ tường.

  Truyện này thong thả thư đường mà xem.

(Thạch Sanh)

– Lạm xem câu chuyện Hồng Hoan

  Học đòi chấp chảnh vài hàng nôm na.

(Hồng Hoan lương sử)

– Lời quê chấp chảnh nên câu

  Chép là một truyện để sau mua cười.

(Phù Dung tân truyện)

Qua những lời mở và kết của một số truyện Nôm trên đây ta có thể nghĩ rằng, trong tâm thức tác giả truyện Nôm, truyện Nôm là một thể loại “diễn ca” với nội hàm như sau: Truyện thơ Nôm là truyện viết ra để đọc, xem hoặc ngâm nga trong thư trai, phòng văn, không phải để ông xẩm kể nơi đầu đường cuối chợ. Không có chữ Nôm thì không thể có truyện Nôm. Đến thời Chúa Trịnh Giang nhu cầu khắc bán càng nhiều, chứng tỏ nhu cầu ngâm, đọc lên cao. Các ông xẩm không dễ đọc được chữ Nôm, vì muốn Nôm giỏi thì trước hết phải giỏi chữ Hán, có thể nói phần lớn các ông hát xẩm chẳng những là mù chữ, và còn mù loà nữa, nói chung họ không cần có bản in gốc để làm gì.

Có thể xem đây là hình thức văn học viết sơ khai bằng tiếng dân tộc gọi là văn học viết văn vần vì được ghi lại bằng chữ Nôm, nhưng hình thức thể văn là thơ lục bát, một thể thơ vốn là có hình thức truyền miệng. Do đó truyện thơ Nôm chép lại dùng để đọc đã đành, nhưng dùng để kể cũng hoàn toàn được. Mở đầu truyện Lục Vân Tiên Nguyễn đình Chiểu ghi như mở đầu bài kể vè:

Trước đèn xem truyện Tây Minh

Gẫm xem hai chữ nhân tình éo le.

Hỡi ai lẳng lặng mà nghe,

Dữ răn việc trước, lành dè thân sau.

Đặc điểm này thể hiện trong cấu trúc của truyện Nôm bình dân, vừa có đặc điểm văn viết để xem, vừa có đặc điểm văn kể để nghe. Đặc điểm này vốn có trong nhiều tác phẩm văn viết của Trung Quốc, như Hồng Lâu mộng. Một mặt tác phẩm hầu như không có dấu hiệu gây chú ý đối với người nghe, nhưng mặt khác bố cục kể theo thứ tự sau trước tự nhiên cho người nghe dễ theo dõi, không gây nhầm lẫn. Cũng cần chú ý một điều nữa, truyện Nôm viết để “ngâm nga”, một thú chơi nghệ thuật ngôn từ của người Việt. Đó là thể loại để kể, để xem, để ngâm nga giải trí.

Tuy cũng là diễn ca nhưng truyện thơ Nôm khác hẳn diễn ca lịch sử, Ở đây còn có vấn đề loại hình nội dung thể loại. Nếu diễn ca lịch sử hướng tới các sự tích có tính sử thi trong đời sống dân tộc, thì truyện thơ Nôm là thể loại có nội dung đạo đức, thế sự và đời tư, kể chuyện về tính nết, phẩm chất của các loại người trong xã hội cùng mối quan hệ của các loại người ấy, hoặc số phận, hạnh phúc cá nhân của con người. Không phải ngẫu nhiên mà trong các truyện thơ Nôm không thấy truyện sử thi như Thánh Gióng, Sơn Tinh, Thuỷ Tinh… mà chỉ thấy các truyện thế sự như Thạch Sanh, Tấm Cám, Tống Trân Cúc Hoa, Phạm Tải Ngọc Hoa, Phạm Công Cúc Hoa… Các truyện vay mượn cốt truyện Trung Quốc cũng thuộc phạm trù thế sự, và đời tư như Nhị Độ Mai, Phan Trần, Hoa Tiên, Song Tinh, Truyện Kiều…

Cần dựa vào loại hình nội dung thể loại để xác định thể loại. Đây là nguyên tắc đã được nhiều tác giả thi pháp học lịch sử chứng minh. Nếu chỉ dựa vào hình thức kể chuyện bằng lục bát hoặc song thất lục bát, có thể quy vào thể loại truyện Nôm cả những câu chuyện thuần tuý tôn giáo như truyện Nam Hải Quan Âm, truyện Công chúa Liễu Hạnh, thiết nghĩ là không phải.

Đặc điểm của truyện thơ Nôm như một thể loại văn học thể hiện rõ nhất ở chỗ, nó diễn ca truyện cổ tích, nhưng không đồng nhất với truyện cổ tích, nó diễn ca tiểu thuyết chương hồi Trung Hoa nhưng không phải tiểu thuyết chương hồi! Đối với truyện cổ tích vốn chỉ kể sự việc  thì nó mở rộng nội dung kể sang tả cảnh, tả tình, tả ngôn ngữ nhân vật. Đối với truyện chương hồi Trung Hoa vốn có dung lượng lớn, chi tiết phức tạp thì nó lược bớt đi cho vừa “khuôn khổ” truyện Nôm! Vậy “khuôn khổ” nội tại của thể loại truyện Nôm được thể hiện như thế nào?

Thử so sánh số câu trong truyện thơ Nôm và số câu trong bản kể văn xuôi của một số truyện cổ tích, có thể thấy truyện thơ Nôm bao giờ cũng có số lượng câu dài gấp 10 lần. Truyện cổ tích ở bảng tính dưới đây do Nguyễn Đổng Chi kể trong Kho tàng truyện Cổ tích Việt Nam.

Tác phẩmSố câu trong truyện kể cổ tíchSố câu thơ trong truyện Nôm tương ứng
Quan âm thị Kính71786
Thạch Sanh1201812
Từ Thức118608
Tú Uyên63674

Dung lượng tăng lên là có nội dung của nó. Con người trong truyện cổ tích nói chung chưa có tâm lí và đời sống tâm lí, hành động nhân vật nhiều khi chưa có thuyết minh lí do cụ thể. Truyện thơ Nôm có nhu cầu cụ thể hoá, chi tiết hoá nhân vật và câu chuyện, đặc biệt là cụ thể hoá hành động, lời nói, ý nghĩ. Truyện Nôm rõ ràng là có nhu cầu làm khác truyện cổ tích cho thành một thể loại mới. Truyện Nôm đã sáng tạo ra lời kể, lời than, lời bình cố định, lời thoại mang nội dung tư tưởng, tâm lý. Nhân vật được khắc hoạ như là những chủ thể có đời sống nội tâm nhất quán. Nhân vật xuất hiện như là những chủ thể với tỷ lệ lời thoại rất cao, thường chiếm từ 30-50% tổng số câu thơ của tác phẩm. Có ý kiến nói rất đúng là truyện Nôm đã có con người cảm nghĩ, nói năng. Truyện Nôm đã tạo điều kiện cho nhân vật được nói và suy nghĩ nhiều hơn, biểu cảm nhiều hơn. Theo M. Bakhtin thì con người nói năng nói chung tự nó chưa phải là thuộc tính của tiểu thuyết. Theo ông, chỉ khi con người nói năng trở thành đối tượng miêu tả, lời nói nhân vật là đối tượng miêu tả thì đó mới là đặc điểm của tiểu thuyết (1). Theo ý kiến này thì không phải truyện Nôm nào cũng có nhu cầu miêu tả nhân vật nói năng, một thuộc tính của tiểu thuyết. Phần nhiều lời nói nhân vật truyện Nôm bình dân là lời diễn chí, tỏ chí, chưa phải lời nói tự nhiên, cho nên chưa phải tiểu thuyết. .

Nhược điểm của một số nhà nghiên cứu thi pháp truyện Nôm là chỉ chú ý đến các yếu tố cốt truyện, tức là chú ý tới sự kiện, biến cố, mà ít chú ý đến chi tiết và cấu tạo lời văn, mà chỉ như vậy thì khó mà thấy rõ đặc điểm của truyện Nôm bình dân về mặt thể loại, một thể loại khác hẳn truyện cổ tích về nguyên tắc. Tất nhiên về mặt kết cấu đúng là truyện Nôm bề ngoài có phần giống với kết cấu truyện cổ tích là nguyên tắc nhân quả và đơn tuyến. Nhưng truyện Nôm dựa vào cốt truyện tiểu thuyết thì thường là đa tuyến.

Để làm sáng tỏ đặc trưng thể loại này chúng ta thử phân tích truyện Phạm Tải Ngọc Hoa, một cốt truyện Nôm rất bình dân. Về cốt truyện tác giả sử dụng các mô típ quen thuộc của các truyện cổ  như: Văn nhân tài nữ phải lòng nhau (mà chàng là đấng văn nhân, trượng phu gặp đấng nữ tài), nhất kiến chung tình (Ngọc Hoa thấy Phạm Tải thì yêu ngay), cha mẹ tác thành theo ý con, tiểu nhân phá hoại (Biện Điền tạc tượng Ngọc Hoa dâng vua), vua đắm đuối nữ sắc, bất chấp đạo lý (tuyển gái có chồng vào cung, đầu độc chồng người ta). Ngọc Hoa để tang chồng, đoạn tang thì chết theo chồng. Kiện vua tại Phủ Diêm Vương. Thiên Tào tra sổ, cho quỉ sứ bắt Trang Vương bỏ vạc dầu, cho Phạm Tải và Ngọc Hoa sống lại để Phạm Tải làm vua. Yếu tố kỳ diệu phát huy nhiều chỗ. Cơ chế truyện cổ tích- không gian không cản trở – theo quan niệm của D. Likhachov được sử dụng tối đa: nhân vật chết đi sống lại, Thiên Tào, trần giới, địa ngục thông nhau. Nhưng truyện Nôm có yếu tố văn chương: lời kể đẹp kiêm phân tích, bình luận, lời kể là văn viết, không phải lời khẩu ngữ:

11.     Tướng công quan đại phú gia

          Xuân thu đỉnh thịnh tên là Thúc Thông

          Chưa ai kế hậu nối dòng

          Đêm ngày phiền muộn trong lòng lo âu

          Trai già bổng nở hạt châu

          Mới hay như ý sở cầu bấy nay

          Sinh ra một gái tốt thay

          Má đào mặt ngọc tóc mây rườm rà

Tướng công yến ẩm xướng ca

                     Mừng vui cây ngọc nở ra nụ vàng

                     Mai sau hương hoả từ đường

                     Vô nam dụng nữ thế gian cũng đầy

                     Nâng niu vàng ngọc trên tay

          24.     Vàng kia ve vuốt, ngọc này dấu thương.

          Câu 15 kể xen bình luận, câu 16, 21-22 có tính chất nửa trực tiếp, bày tỏ ý nghĩ nhân vật một cách gián tiếp. Nhân vật có biểu hiện tâm lý trong lời nói, hành động:

          171.   Phạm Tải rón rén thưa quì,

                     Ngập ngừng mới giải vân vi tỏ tường.

                     Sơn Tây, Ngọc Tháp là làng,

                     Hai thân sớm đã suối vàng xa chơi…

          Nhân vật có tâm trạng:

                     Ngọc Hoa từ thấy mặt chàng,

                     Cảm thương quân tử nhỡ nhàng đắng cay.

                     Ước ao loan phượng sánh bầy,

                     Để ta nuôi lấy chàng rày kẻo thương.

                     Nghĩ đi nghĩ lại nỗi chàng,

                     Lại sa nước mắt hai hàng như mưa…

Nhân vật có cá tính, ngôn ngữ riêng, phân biệt được với nhân vật khác:

          Ta là danh giá con nhà,

          Chê ta lấy đứa khật khà bần nhân!

          Tao làm cho Phạm lìa Trần,

          Mới cam lòng dạ bỏ lần chê tao…

Trang Vương nói với Điện Biền:

          Phán rằng sự thực nhường này,

          Thì tao phong chức cho mày quận công.

          Dù mày cáo dẫn gian phong,

          Thì tao tru diệt tam tông họ mày!

Rõ ràng truyện Nôm là hình thức tự sự về con người trên cấp độ chủ thể với nhu cầu khắc hoạ tính cách, tâm lý, ý nghĩ, lời nói. Tuy nhiên vấn đề xem truyện thơ Nôm đã là thể loại thuộc loại hình tiểu thuyết chưa, lại cần phải có tiêu chí xem xét cụ thể.


(1) Sơ thảo lịch sử Văn học Việt Nam, Tập III. Nxb Văn sử địa, Hà Nội, 1959. Phần Nguyễn Hồng Phong viết, tr.36.

(2) Cao Huy Đỉnh, Tìm hiểu tiến trình văn học dân gian Việt Nam, Nxb KHXH, Hà Nội, 1974, tr.131.

(3) Kiều Thu Hoạch, Truyện Nôm, nguồn gốc và bản chất thể loại, Nxb KHXH, Hà Nội, 1993.

(1) M.Bakhtin: Những vấn đề văn học mĩ học. M, 1975, tr. 145.

Advertisement

About Trần Đình Sử

Giáo sư tiến sĩ Lý luận văn học, khoa Ngữ Văn, Đại học sư phạm Hà Nội
Bài này đã được đăng trong Uncategorized. Đánh dấu đường dẫn tĩnh.

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s