THI PHÁP THƠ LÃNG MẠN

Trần Đình Sử  Mặc dù các khái niệm “lãng mạn”, “chủ nghĩa lãng mạn” cho đến nay vẫn là một trong những khái niệm mù mờ, được hiểu rất khác nhau (có người tính : hiện có 28 cách hiểu !) và tình trạng này đã xuất hiện trên 160 năm trước (năm 1836, A. Musset đã nhại các định nghĩa về lãng mạn !), nhưng văn học lãng mạn vẫn là một hiện tượng vĩ đại trong lịch sử, nó xuất hiện như là một cuộc cách mạng trong nghệ thuật, bất cứ ở nước nào. Một thời gian dài, trong lí luận văn học mác xít, do quá đề cao chủ nghĩa hiện thực, coi chủ nghĩa lãng mạn chỉ là một giai đoạn thấp, mà quên rằng, chính chủ nghĩa lãng mạn có trước rồi mới sinh ra chủ nghĩa hiện thực. Phải có ý thức lãng mạn rồi mới có thể nảy sinh ý niệm về hiện thực.  Chủ nghĩa lãng mạn gắn liền với những tên tuổi vĩ đại – G. Byron, P. Shelley, H. Heine, V. Hugo, A. Miskiêvích, S. Petofi, E. Poe, A. Puskin, M. Lermontov,… Nó gắn với W. Wordswothe, S. Coleridge thuộc  phái “Ao hồ” ở Anh, với Quách Mạt Nhược ở Trung Quốc, với phong trào Thơ mới ở Việt Nam. Người ta không thể nói đến thi ca mà không nói về thơ lãng mạn !

Thời đại lãng mạn chính là thời đại cách mạng, thời đại của hy vọng lớn và thất vọng lớn, thời đại của những rung chuyển toàn bộ xã hội, trong đó con người bị hất ra ngoài các quan hệ cố định, nhưng cũng chưa tìm thấy vị trí của mình trong cuộc đời. Thời đại mà mỗi con người tự cảm thấy mình là những cá nhân cô đơn, lạc lõng, bơ vơ, đang đi tìm vị trí của mình. Đó là thời đại của buồn rầu, chán nản, mộng mơ, đợi chờ, mong mỏi vô định, Xuân Diệu rất sâu sắc khi dẫn lời V. Biêlinxki để cắt nghĩa Tản Đà : “Mọi cái cũ đã phá đi và chưa có chút gì của cái mới để thay thế, con người chỉ là cái khả năng của một cái gì sẽ có thật trong tương lai và là một ảo ảnh trong hiện tại”(1). Đó là lúc con người cảm thấy rõ nhất cái cá nhân – individu của mình, là lúc con người tự khám phá cá nhân mình, thổ lộ mình để mong tìm đồng cảm ở người khác, cá nhân khác. Điều đó làm thay đổi căn bản chủ thể trữ tình. A. Lamartine nói : “Tôi là người đầu tiên làm cho thơ ca rời khỏi núi Parnasse, tôi đã tặng cho cái gọi là Nàng thơ, không phải là cây đàn lyre bảy dây quy ước, mà là những bài thơ của trái tim con người, bị xúc cảm do những rung động của tâm hồn và thiên nhiên”([1]). Nhà nghiên cứu Nga V. Girmunxki cũng nói : “Nhà thơ lãng mạn muốn tỏ bày cho chúng ta trước hết là về chính họ, là phơi bày tâm hồn, cõi lòng họ. Họ thổ lộ cho ta những chiều sâu tâm hồn xúc cảm, sự đa dạng của cá tính. Họ reo lên vì vui, họ gào lên hay khóc lên vì đau đớn. Họ kể lể, họ bảo ban, họ vạch trần với khuynh hướng rõ rệt, buộc người nghe phục tùng cảm giác về đời sống của họ, làm cho người nghe thấy cái gì đang hiện ra trong trực giác trực tiếp của nhà thơ”([2]). Vậy là thơ trữ tình vốn bao giờ cũng chủ quan, đối với thơ lãng mạn, đã có một cái chủ quan cụ thể – cái tôi cá nhân, trái tim xúc động. Đó là thơ ca của sự bộc bạch chân thành, của sự tự chiêm nghiệm, của sự tự ý thức về cái tôi. Đọc thơ lãng mạn trước hết ta thấy tâm hồn nhà thơ.

Phải nói ngay rằng, bản thân việc biểu hiện cái tôi, sự cô đơn, nỗi buồn, tình yêu,… chưa làm nên thơ lãng mạn, đó không phải là độc quyền của thơ lãng mạn. Chất lãng mạn nằm trong cách cảm nhận, biểu hiện thế giới và con người một cách đặc thù.

Đó là cái tôi nằm ở trung tâm cảm nhận, làm nguyên tắc thế giới quan. Hoài Thanh đã rất chính xác khi gọi thời đại thơ mới là “thời đại chữ tôi” trong thơ. Đúng như vậy. Chữ tôi hiện ra bề mặt và ở vị trí trung tâm : “Tôi là khách bộ hành phiêu lãng”, “Tôi là một khách tình si”, “Tôi là con chim đến từ núi lạ”, “tôi là khách giang hồ”, “tôi là một cô hồn”, “tôi là kẻ lạc loài”, “tôi là chiếc thuyền say”,…

Khác với cái ta trong thơ cổ – một cái tôi cao cả, tĩnh lặng, tự đắc, tự tại, dù ở trong nghịch cảnh, vẫn cảm thấy luôn luôn gắn bó với một cái gì thiêng liêng, bền chặt, không di dịch, trái lại, nhà thơ lãng mạn để ngỏ lòng mình mà đón nhận tất cả, lắng nghe tất cả để tự làm giàu mình. Bài thơ Cảm xúc của Xuân Diệu, bài Cây đàn muôn điệu của Thế Lữ thể hiện rất rõ cho khát vọng giải phóng cá tính, bỏ hết ràng buộc, cởi mở, thả lòng : “Là thi sĩ nghĩa là ru với gió – Mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây”. Thế giới như thế nào thì lòng họ sẽ xúc động theo mọi cung bậc của thế giới (những chữ ru, mơ, vơ vẩn ở đây phù hợp với tính chất của đối tượng !). Xin đọc lại bài Cảm xúc :

                        Là thi sĩ nghĩa là ru với gió

                        Mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây.

                        Để linh hồn ràng buộc bởi muôn dây,

                        Hay chia sẻ bởi trăm tình yêu mến.

                        Đây là quán tha hồ muôn khách đến,

                        Đây là bình thu hợp trí muôn phương,

                        Đây là vườn chim nhả hạt mười phương.

                        Hoa mật ngọt chen giao cùng trái độc,…

                        Đôi giếng mắt đã chứa trời vạn hộc,

                        Đôi bờ tai nào ngăn cản thanh âm,

                        Của vu vơ nghe mãi tiếng kêu thầm…

                        Của xanh thẳm thấy luôn màu nói sẽ…

                        Tay ấp ngực dò xem triều máu lệ,

                        Nghìn trái tim mang trong một trái tim

                        Để hiểu vào giọng suối với lời chim

                        Tiếng mưa khóc lời reo tia nắng động.

                        Không có cánh nhưng vẫn thèm bay bổng ;

                        Đi trong sân mà nhớ chuyện trên giời :

                        Trút ngàn năm trong một phút chơi vơi,

                        Ngắm phong cảnh giữa hai bờ lá cỏ…

                        – Tôi chỉ là một cây kim bé nhỏ,

                        Mà vạn vật là muôn đá nam châm

                        Nếu hương đêm say dậy với trăng rằm,

                        Sao lại trách người thơ tình lơi lả ?

Đây là một quan niệm cực kỳ cởi mở, vô tư đối với thế giới. Trong tư tưởng văn học Việt Nam xưa nay có thể nói chưa bao giờ có một quan niệm như thế.

Tâm hồn rộng mở tất nhiên đòi hỏi một thế giới muôn màu muôn vẻ : “muôn dây”, “trăm tình”, “muôn khách”, “mười phương”, “trời vạn hộc”, “nghìn trái tim”, “muôn đá nam châm”. Thế giới này được Thế Lữ nói rõ trong Cây đàn muôn điệu :

                 Tôi là kẻ bộ hành phiêu lãng

                 Đường trần gian xuôi ngược để vui chơi :

                 Tìm cảm giác hay trong tiếng khóc câu cười ;

                 Trong lúc gian lao, trong giờ sung sướng,

                 Khi phấn đấu cũng như hồi mơ tưởng.

                 Tôi yêu đời cùng với cảnh lầm than,

                 Cảnh thương tâm, ghê gớm, hay dịu dàng

                 Cảnh rực rỡ, ái ân hay dữ dội.

                 Anh dù bảo : tính tình tôi hay đổi,

                 Không chuyên tâm, không chủ nghĩa, nhưng cần chi ?

                 Tôi chỉ là một khách tình si

                 Ham vẻ đẹp có muôn hình, muôn thể

                 Mượn lấy bút nàng Ly Tao, tôi vẽ,

                 Và mượn cây đàn ngàn phím, tôi ca

                 Vẻ đẹp u trầm, đắm đuối, hay ngây thơ,

                 Cũng như vẻ Đẹp cao siêu, hùng tráng,

                 Của non nước, của thi văn, tư tưởng.

                 Dáng yêu kiều tha thướt khách giai nhân ;

                 Ánh tưng bừng linh hoạt nắng trời xuân ;

                 Vẻ sầu muộn âm thầm ngày mưa gió ;

                 Cảnh vĩ đại sóng nghiêng trời, thác ngàn đổ ;

                 Nét mong manh, thấp thoáng cánh hoa bay ;

                 Cảnh cơ hàn nơi nước đọng bùn lầy ;

                 Thú sán lạn mơ hồ trong ảo mộng ;

                 Chí hăng hái đua ganh đời náo động ;

                 Tôi đều yêu, đều kiếm, đều say mê.

                 Tôi sẵn lòng đau vì tiếng ai bi,

                 Và cảm khái bởi những lời hăng hái,

                 Tôi ngợi ca với tiếng lòng phấn khởi,

                 Tôi thở than cùng thiếu nữ bâng khuâng,

                 Tôi véo von theo tiếng sáo lưng chừng,

                 Tôi yên ủi với tiếng chuông huyền diệu,

                 Với Nàng Thơ, tôi có đàn muôn điệu,

                 Với Nàng Thơ, tôi có bút muôn màu ;

                 Tôi muốn làm nhà nghệ sĩ nhiệm màu ;

                 Lấy Thanh Sắc trần gian làm tài liệu.

Đúng là quan niệm thơ đã vứt bỏ hết mọi ràng buộc !

Thế giới thơ lãng mạn cho phép tự biến đổi và giàu tính chất đối nghịch, tương phản. Nhưng quan niệm thơ tự do, cởi mở kiểu lãng mạn này chủ yếu phát huy trong phạm vi thế giới tình cảm. Bài thơ Chỉ ở lòng ta Lời thơ vào tập “Gửi hương” của Xuân Diệu đã cho thấy cái khát vọng đem tình cảm nồng nàn của mình mà cải tạo thế giới :

                 Tôi vốn biết cuộc đời thường đạm bạc,

                 Nên mang theo từng suối rượu, nguồn tình ;

                 Đem mến yêu làm cho cảnh thêm xinh

                 Cứ phong nhã để cho người bớt tục.

                 Để lây lửa chuyển những lòng giá đúc,

                 Phải ấm lên vì bắt chước tôi nồng ;

                 Để bừng tia trong những mắt tê đông,

                 Và gợi nhịp khiến hồn lười phải thức…

Bài thơ này cho thấy cái mâu thuẫn trung tâm trong thế giới thơ lãng mạn : thế giới này bị phân cực gay gắt giữa lý tưởng cao đẹp, tự do đầy mộng mơ và thực tại tầm thường, bất công, tăm tối. Kẻ thù của họ là lý trí thực tế tầm thường, tâm hồn giá lạnh, vô cảm, là sự thoả mãn với thực trạng, sự an phận. Lý tưởng của họ là sự đổi thay, sự khác thường, là sự mạnh mẽ và tự do của tâm hồn. Tình cảm của họ là sự bất mãn, sự thất vọng sâu sắc, nỗi chán chường trước thế giới không lối thoát, lý tưởng không thực hiện được, tạo thành vết nứt toác trong tim nhà thơ và nỗi buồn đau vô cớ khôn nguôi của họ. Trong mâu thuẫn ấy, các nhà thơ sống như những người bị đầy ải, bị bỏ rơi, cô đơn, những kẻ lang thang, giang hồ, du tử, tạm bợ, dang dở, lỡ làng. Nhưng đồng thời họ là những người kiêu hãnh, khinh bỉ cái tầm thường, giả dối, “Thà một phút huy hoàng rồi chợt tối – Còn hơn buồn le lói suốt trăm năm”. Đó là những kẻ biết mình hữu hạn nhưng không thôi khao khát vươn tới sự vô hạn của cuộc đời tự do, cao đẹp, nhưng lại mỏi mệt, chán chường, cô đơn.

Chất lãng mạn của Xuân Diệu thể hiện ở chỗ ông không chấp nhận để thời gian trôi chảy, tuổi trẻ tàn phai, đời người bằng phẳng. Ông đòi hỏi, giục giã, vội vàng, cường độ căng thẳng. Ông muốn cưỡng lại tự nhiên :

                 Tôi muốn tắt nắng đi,

                 Cho màu đừng nhạt mất

                 Tôi muốn buộc gió lại,

                 Cho hương đừng bay đi…

Ông đòi hỏi một tình cảm được biểu hiện  tuyệt đối, nồng cháy, cao độ, tối đa :

                 Em phải nói, phải nói và phải nói

                 Bằng lời riêng nơi cuối mắt đầu mày

                 Bằng nét vui, bằng vẻ thẹn, chiều say

                 Bằng đầu ngả, bằng miệng cười, tay riết

Thiên nhiên của ông lãng mạn ở chỗ sống cuộc sống tình tứ, trẻ trung, mơ mộng của con người, đẫm nhạc, đẫm hương thơm và ánh sáng :

                 Gió canh khuya hay nghìn cánh tay ôm

                 Trăng mối lái phủ màng tơ ảo mộng,

                 Gió chắp cánh cho hương càng toả rộng.

                 Và hương bay thì hoa tưởng hoa bay…

Có thể nói Xuân Diệu đã mỹ hoá, phú cho thiên nhiên vô vàn ý nghĩa chủ quan mà chỉ có cảm xúc lãng mạn mới có được. Ví dụ bài Ca tụng :

                 Trăng, vú mộng đã muôn đời thi sĩ

                 Giơ hai tay mơn trớn vẻ tròn đầy ;

                 Trăng, hoa vàng lay lắt cạnh bờ mây ;

                 Trăng, đĩa ngọc giữa mâm trời huyền bí ;

                 Trăng, vú mộng đã muôn đời thi sĩ,

                 Giơ hai tay mơn trớn vẻ tròn đầy.

                 Trăng, nguồn sương làm ướt cả gió hây.

                 Trăng, võng rượu khiến đêm mờ chếnh choáng !

                 Ngươi ám ảnh hương thơm bằng ánh sáng,

                 Ru màu êm, mà gọi thức lòng ngây.

                 Trăng, nguồn sương làm ướt cả gió hây.

                 Trăng, võng rượu khiến đêm mờ chếnh choáng !

                 Trăng, thánh thót hoạ đàn tơ lấp loáng,

                 Trăng nghiêng nghiêng, tư tưởng  chuyện ưu phiền.

                 Ngươi làm ma rồi ngươi lại làm tiên :

                 Ngươi tạo lập những đền đài mỏng thoáng,

                 Trăng thánh thót, hoạ đàn tơ lấp loáng,

                 Trăng nghiêng nghiêng, tư tưởng chuyện ưu phiền…

                 Ngươi là trăng, hỡi trăng đẹp bình yên ;

                 Hỡi trăng đẹp, ngươi là trăng náo nức ;

                 Ngươi hay khóc, ngươi không cần sự thực

                 Nhớ thương luôn, nên mắt có quầng viền,

                 Ngươi là trăng, hỡi trăng đẹp bình yên,

                 Hỡi trăng đẹp, ngươi là trăng náo nức !

                 Rừng xoã tóc để ngươi làm chiếc lược ;

                 Biển nhân ngươi thành ức triệu vòng khuyên,

                 Gió căng ngươi trên những cánh buồm thuyền,

                 Ngươi định nhịp cho sóng triều xuôi ngược.

                 Rừng xoã tóc để ngươi làm chiếc lược,

                 Biển nhân ngươi thành ức triệu vòng khuyên…

                 Trăng của xa xôi, trăng của hão huyền,

                 Ngươi vĩnh viễn như lòng trăng ý gió.

                 Trăng của mắt, trăng của hồn rạng tỏ,

                 (Trăng rất trăng là trăng của tình duyên)

                 Trăng của xa xôi, trăng của hão huyền,

                 Ngươi vĩnh viễn như lòng trăng ý gió…

Nếu như đối với thơ cổ điển, trăng chỉ là “nguyệt”, “trăng sáng”, “ngọc thỏ”, “chị Hằng”, người bạn cô đơn,… thì đối với Xuân Diệu lãng mạn, trăng còn có biết bao ý nghĩa ! Bài thơ này chứng tỏ cách nhìn năng động đa nghĩa của chủ nghĩa lãng mạn, đã thay thế tính tĩnh tại đơn nghĩa của chủ nghĩa duy lý cổ điển. Bài thơ này còn hội đủ nhiều đặc điểm cảm xúc về thiên nhiên trong thơ Xuân Diệu : nhạc, hoa, say, mộng, hương, nhục cảm, căng thẳng. Có thể nói Xuân Diệu là nhà thơ lãng mạn nhất trong các nhà thơ mới.

Cảm thức tự do, vượt ra ngoài mọi khuôn phép đã làm nảy sinh nhiều mô típ mới tiêu biểu cho thơ lãng mạn. Chẳng hạn cảm giác lạnh lẽo, cô đơn, tan vỡ, tàn phai, phân vân, bâng khuâng,… Trước đây, nhận xét về Xuân Diệu, Hoài Thanh có nói : “Từ con cò của Vương Bột lặng lẽ bay với ráng chiều đến con cò của Xuân Diệu không bay mà cánh phân vân, có sự cách biệt của hơn một ngàn năm và của hai thế giới”(1). Ta hiểu nhà phê bình văn học đang nói tới một cái nhìn chung của thơ lãng mạn : “Những luồng run rẩy rung rinh lá”, “Cành biếc run run chân ý nhi”, “Linh lung bóng sáng bỗng rung mình”, “Buồn theo gió lan xa từng thoáng rợn”, “Trời đầy trăng lạnh lẽo suốt xương da”,… Cảm giác lãng mạn về cuộc sống bắt nguồn từ cảm giác về cái run rẩy, rùng mình của cá nhân, cá thể. Thế Lữ thích những vẻ đẹp thoáng qua, hư ảo, không cố định, những hứa hẹn bâng quơ. Thi sĩ lãng mạn thích tiếng nhạc có lẽ vì âm nhạc là nghệ thuật mơ hồ, khó nắm bắt nhất trong các nghệ thuật. Người chinh phu của ông khảng khái ra đi, không chút vướng víu, nhưng vô định và lỡ làng trên đường xa, cô đơn trong quán trọ :

                 Mắt lệ đắm trông miền cách biệt,

                 Phút giây chừng mỏi gối phiêu lưu…

Cốt cách lãng mạn của Lưu Trọng Lư thể hiện ở hoài niệm triền miên về những mối tình giang hồ, thoáng qua, ngắn ngủi, ngoài khuôn khổ của tính người mà ông gọi là “tính trời” :

                        Biết sao trái được tính trời

                 Giang hồ cốt ấy, trọn đời phiêu linh…

Những giấc mộng tình tan vỡ để lại niềm trống trải, bâng khuâng :

                 Đã qua rồi, cơn mộng…

                 Còn đây ánh trăng vàng,

                 Mơ trên làn tóc rối ?

                 Em là gái trong song cửa

                 Anh là mây bốn phương trời…

Thơ lãng mạn của Nguyễn Bính thể hiện những mô típ lãng mạn của đời ông trong những ngày phiêu bạt : những trông đợi mơ hồ, những mối tình suông, những ước mơ hão huyền – tương tư kẻ không yêu mình, anh lái đò mơ đỗ Trạng, buồn tiếc một cô lái đò đi lấy chồng, những cuộc tình lỡ làng, dang dở, và kết quả cũng trống trải, bâng khuâng :

                        Giếng thơi mưa ngập nước tràn,

                 Ba gian đầy cả ba gian nắng chiều

Đối với những đầu óc chỉ biết thực tế tầm thường thì những tương tư, trông đợi kiểu đó là vô nghĩa, vớ vẩn, nhưng đối với nhà thơ lãng mạn đó lại là ý thức về mình, là cuộc đi tìm mình khắc khoải.

Thơ lãng mạn còn là cuộc đi tìm vô vọng những giá trị đã mất, là sự bất lực trước quy luật của thời gian, là giây phút mơ ngắn ngủi về cái đã trường tồn :

                  Năm nay hoa đào nở,

                        Không thấy ông đồ xưa,

                        Những người muôn năm cũ,

                        Hồn ở đâu bây giờ ?

                   Lòng ta là những hàng thành quách cũ,

                        Tự ngàn năm bỗng vẳng tiếng loa đưa…

(VŨ ĐÌNH LIÊN)

Nguyễn Nhược Pháp sống lại giấc mơ thơ mộng của cô bé ngày xưa, lặp lại đoạn đường đi cống. Chế Lan Viên tìm lại nước non Hời với những cuộc trở về trong mộng ảo (“Ai biết hồn tôi say mộng ảo”). Huy Cận, Thanh Tịnh cũng có những phút giây bắt gặp Đẹp xưa, Chiều xưa,… Huy Thông sống lại ngày mạt vận của Hạng Vương, Thế Lữ tiếc một thời oanh liệt nay còn đâu của chúa sơn lâm.

Thơ lãng mạn còn là cuộc đi tìm cái đẹp của sinh hoạt, phong tục, êm đềm, ngọt ngào, ngộ nghĩnh, đậm vị điền viên, như Huế, đẹp và thơ của Nam Trân, Chợ tết, Đám cưới mùa xuân của Đoàn Văn Cừ, thơ của Bàng Bá Lân, Anh Thơ,… Nếu sức hấp dẫn của các hình ảnh thiên nhiên trong thơ Xuân Diệu là ở sức tưởng tượng mới lạ của tác giả, thì sức hấp dẫn của các bài thơ “tả chân” ở đây là sức quan sát và cảm giác tinh tế của nhà thơ, nó chứng tỏ một cái nhìn của một con người cụ thể. Nếu so sánh, chẳng hạn, bài Bến đò ngày mưa của Anh Thơ với Bến đò xuân đầu trại của Nguyễn Trãi, ta sẽ thấy khác nhau như thế nào :

                 Tre rũ rượi ven bờ chen ướt át,

                 Chuối bơ phờ đầu bến đứng dầm mưa.

                 Và dầm mưa dòng sông trôi dào dạt,

                 Mặc con thuyền cắm lái đứng trơ vơ.

                 Trên bến vắng đắm mình trong lạnh lẽo

                 Vài quán hàng không khách đứng xo ro.

                 Một bác lái ghé buồm vào hút điếu

                 Mặc bà hàng sù sụ sặc hơi, ho.

                 Ngoài đường lội hoạ hoằn người đến chợ,

                 Thúng đội đầu như đội cả trời mưa.

                 Và hoạ hoằn một con thuyền ghé chợ,

                 Rồi âm thầm bến lại lặng trong mưa.

Đặc sắc của bài thơ là nhà thơ nhìn cảnh bằng con mắt của chính mình, không thông qua bất cứ một ước lệ nào từ trước truyền lại. Và bằng tâm hồn mình, nhà thơ truyền đạt cái hồn, cái nhịp đời sống làng quê ngày trước, buồn tẻ, đìu hiu. Chủ nghĩa lãng mạn đặt vấn đề miêu tả đời sống bằng trực cảm với trái tim xúc động, còn chủ nghĩa hiện thực thì đặt vấn đề sâu hơn – giải thích về mặt xã hội. Do vậy, đây vẫn là bức tranh lãng mạn. Nhưng cái bước giải phóng cá tính này là dọn đường cho cách cảm thụ đời sống một cách hiện thực về sau.

Trong thơ lãng mạn Việt Nam, thơ Huy Cận có một vị trí đáng được chú ý, bởi, nói như Hoài Thanh, nhà thơ đã “luôn luôn lắng nghe mình sống để ghi lấy cái nhịp nhàng lặng lẽ của thế giới bên trong” “giữa cái ồ ạt, cái rộn rịp của cuộc đời hằng ngày”(1). Cũng như nhiều nhà thơ lãng mạn khác, ý thức về cá nhân làm cho Huy Cận chú ý quan sát dòng ý thức, tâm tình, tình cảm trôi chảy trong tâm não mình :

                        Đêm mưa làm nhớ không gian,

                 Lòng run thêm lạnh nỗi hàn bao la…

                        Tai nương nước giọt mái nhà,

                 Nghe trời nằng nặng, nghe ta buồn buồn.

                        Nghe đi rời rạc trong hồn

                 Những chân xa vắng dặm mòn lẻ loi…

                        Rơi rơi… dìu dịu rơi rơi…

                 Trăm muôn giọt nhẹ nối lời vu vơ…

Dòng nội cảm còn thấy rất rõ trong các bài thơ Trông lên, Đi giữa đường thơm,… Theo một số nhà lý luận, ta có thể nói có một chủ nghĩa lãng mạn tâm lý trong thơ Huy Cận, mà nổi bật là dòng tâm linh sâu thẳm, làm cho hình tượng thơ của ông phức tạp, nhiều khi không dễ nhận. Cũng theo Hoài Thanh, đây là điểm làm thơ Huy Cận khác thơ cổ điển, cũng giống như Le Cid của Corneille khác với tác phẩm cùng tên của Guillen de Castro, Truyện Kiều của Nguyễn Du khác với Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân. Chính Huy Cận cũng xem Truyện Kiều của Nguyễn Du là một tác phẩm lãng mạn !

Điểm khác biệt của thơ lãng mạn Hàn Mặc Tử là ở chỗ nhà thơ này vào thời nở rộ của mình đã sống hoàn toàn trong thế giới mộng ảo, không còn phân biệt hư thực, và tiếng thơ là tiếng được viết ra từ cõi ấy. Hãy xem bài Bẽn lẽn :

                 Trăng nằm sóng soãi trên cành liễu,

                 Đợi gió đông về để lả lơi

                 Hoa lá ngây tình không muốn động,

                 Lòng em hồi hộp, chị Hằng ơi !

                 Trong khóm vi vu dào dạt mãi…

                 Tiếng lòng ai nói ? Sao im đi ?

                 Ô kìa bóng nguyệt trần truồng tắm,

                 Lộ cái khuôn vàng dưới đáy khe…

                 Vô tình để gió hôn lên má

                 Bẽn lẽn làm sao lúc nửa đêm.

                 Em sợ lang quân em biết được,

                 Nghi ngờ tới cái tiết trinh em.

Đây hoàn toàn là thơ mộng ảo viết về cảnh mộng ảo, trong đó “trăng” và “em” là những nhân vật đồng dạng, thể hiện những khao khát vô thức của nhà thơ. Chế Lan Viên nói Hàn Mặc Tử “bị thơ làm”([3]), có lẽ nên nói thêm thơ Hàn Mặc Tử làm bằng mộng mơ thì rõ hơn, đúng như nhận định của chính Chế Lan Viên : “Trước sau Anh vẫn là lãng mạn, dùng nhiều yếu tố hiện thực, dùng nhiều yếu tố siêu thực,…”([4]).

Thơ Bích Khê, đúng như Hàn Mặc Tử nhận định : “Thi sĩ Bích Khê là người có đôi mắt rất mơ, rất mộng, rất ảo, nhìn vào thực tế thì sự thực sẽ thành chiêm bao, nhìn vào chiêm bao lại thấy xô sang địa hạt huyền diệu…”. Đó là chất lãng mạn của Bích Khê. Có điểm khác là nhà thơ này chuyển cái mộng ảo, mơ, huyền diệu này sang cho nhạc điệu, ngôn từ, theo đúng nghĩa là “làm thơ” :

                 Buồn lưu cây đào xin hơi xuân

                 Buồn sang cây tùng thăm đông quân

                 Ô hay buồn vương cây ngô đồng

                 Vàng rơi ! Vàng rơi ! Thu mênh mông.

Tóm lại, thơ lãng mạn là thơ của tâm hồn, một tâm hồn đã giải phóng khỏi mọi  quy phạm giáo huấn, rất đỗi thành thực, tự bộc lộ mình mà không cần một ước lệ nào. Đồng thời lãng mạn là thơ lấy tâm hồn mình làm trung tâm, không chấp nhận cõi thực tầm thường, bằng phẳng, nhạt nhẽo, vô cảm. Nó tự vượt lên bằng tưởng tượng khác thường, bằng mộng ảo, hoài niệm hoặc mỹ hoá phong tục, phong cảnh, truyền thuyết, ngôn từ,… chỉ để nhằm một mục đích : tự khẳng định chất người của mình, sự tự do tâm hồn của mình. Một con người tự do thì vừa mạnh mẽ, kiêu hãnh, vừa yếu đuối, bơ vơ, buồn rầu, cô đơn, tạo thành dải phổ tình cảm cực kỳ phong phú, tinh tế, phức tạp của kiểu sáng tác thơ này.

Thơ lãng mạn đem lại một nguyên tắc miêu tả mới : “tả chân” sự vật bằng trực cảm mang nội dung tâm lý và tưởng tượng. Nhiều nhà nghiên cứu như Hoài Thanh, Đặng Thai Mai đã xác nhận lối tả chân này chưa có trong thơ cổ điển. Hãy xem :

             –   Hàng dừa cao say sưa ôm bóng ngủ

                 Vài quả xanh khảm bạc hớ hênh phô

                 Xoan vươn cành khều mặt trời rực rỡ,

                 Bên bóng râm lơi lả nhẹ nhàng đu.

(CHẾ LAN VIÊN)

             –   Rặng liễu đìu hiu đứng chịu tang,

                 Tóc buồn buông xuống lệ ngàn hàng :

                 Đây mùa thu tới – mùa thu tới,

                 Với áo mơ phai dệt lá vàng.

(XUÂN DIỆU)

             –   Trong làn nắng ửng, khói mơ tan

                 Đôi mái nhà tranh lấm tấm vàng

                 Sột soạt gió trêu tà áo biếc

                 Trên giàn thiên lý. Bóng xuân sang.

(HÀN MẶC TỬ)

             –   Mỗi lần nắng mới hắt bên song

                 Xao xác gà trưa gáy não nùng

                 Lòng rượi buồn theo thời dĩ vãng

                 Chập chờn sống lại những ngày không.

                 Tôi nhớ me tôi thuở thiếu thời.

                 Lúc Người còn sống, tôi lên mười ;

                 Mỗi lần nắng mới reo ngoài nội

                 Áo đỏ Người đưa trước giậu phơi.

                 Hình dáng me tôi chửa xoá mờ,

                 Hãy còn mường tượng lúc vào ra.

                 Nét cười đen nhánh sau tay áo,

                 Trong ánh trưa hè, trước giậu thưa.

(LƯU TRỌNG LƯ)

             –         Ngập ngừng mép núi quanh co

                 Lưng đèo quán dựng mưa lò mái ngang

                        Vi vu gió hút nẻo vàng

                 Một trời thu rộng mấy hàng mây nao.

(HUY CẬN)

             –   Bữa ấy mưa xuân phơi phới bay

                 Hoa xoan lớp lớp rụng vơi đầy

                 Hội chèo làng Đặng đi ngang ngõ

                 Mẹ bảo : “Thôn Đoài hát tối nay”.

(NGUYỄN BÍNH)

             –   Núi cao, lửa hồng reo chói lọi

                 Đổ vàng cây cối, um tùm xanh.

                 Khi loè nắng loá, khi thâm tối

                 Sườn non con đường mềm uốn quanh.

                 …

                 Mặc áo bào xanh, ngồi ngựa trắng,

                 Sứ nghe nhạc lắc vang bên rừng.

                 Hai bên hai lọng vàng che nắng

                 Giời, mây, trông non nước muôn trùng.

(NGUYỄN NHƯỢC PHÁP)

             –   Sở Bá Vương ngồi yên trên mình ngựa

                 Giương mắt buồn say ngắm chân trời xa

                 Trong sương thu nhẹ đượm ánh dương tà

                 Quân Lưu Bang đang tưng bừng hạ trại.

                 Khói tung bay trên vòm trời rộng rãi

                 Như muôn sao trong đêm tối mơ màng…

(HUY THÔNG)

             –         Tiên nga xoã tóc bên nguồn

                 Hàng tùng rủ rỉ trên cồn đìu hiu

                        Mây hồng dừng lại sau đèo

                 Mình cây nắng nhuộm bóng chiều không đi.

(THẾ LỮ)

Chúng tôi dẫn mười đoạn thơ có tính chất ngẫu nhiên, không lựa chọn đặc biệt, cũng cho thấy một chất lượng miêu tả mới mà thơ lãng mạn đã đem lại. Đó là sự quan sát những biến thái tinh vi trong cảnh vật, là tính cá thể trong giây phút ngắm trông, những sắc màu mới lạ không ước lệ, là sự thấm đượm tình cảm chủ quan nhưng không xoá bỏ tính khách quan độc đáo riêng biệt của khách thể.

Trái lại thơ cổ điển chỉ chú ý nhiều đến các thuộc tính phổ biến muôn thuở, bất biến :

             –   Nước biếc non xanh, thuyền gối bãi

                 Đêm thanh nguyệt bạc, khách lên lầu…

(NGUYỄN TRÃI)

             –   Lầu treo cung nguyệt người êm giấc,

                 Đường quạnh nhà thôn cửa chặt cài.

(Hồng Đức quốc âm thi tập)

             –   Trông bên nam bãi che mặt nước

                 Cỏ biếc um dâu biếc màu xanh

                 Nhà thôn mấy xóm chông chênh

                 Một đàn cò đậu bên ghềnh chiều hôm…

(ĐOÀN THỊ ĐIỂM)

                 – Lọng kéo rợp trời quan sứ đến,

                    Váy lê quét đất mụ đầm ra.

(TRẦN TẾ XƯƠNG)

                 – Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt,

                    Ngõ trúc quanh co khách vắng teo

(NGUYỄN KHUYẾN)

Cảnh sắc trong thơ cổ điển được tả một cách như là khách quan, hầu như vắng mặt nhà thơ trong ấy. Nhà thơ cổ thích “tình cảnh giao hoà” và thường ký thác, “ngụ tình”, nhưng vì hoà quyện, hoá thân vào cảnh nên không để lộ cá tính và biểu hiện ra như là khách quan :

                 – Đá cũng trơ gan cùng tuế nguyệt

                    Nước còn cau mặt với tang thương

(BÀ HUYỆN THANH QUAN)

                 – Ba vuông phấp phới cờ bay dọc

                    Một bức tung hoành váy xắn ngang…

(NGUYỄN KHUYẾN)

Thơ lãng mạn đã làm hiện lên tâm lý, cảm xúc ngay trong hình ảnh thơ là do họ có đối lập cái tôi chủ thể và khách thể, và làm cho chủ thể hiện ra. Đó là một thi pháp mới về tạo hình.

Nguyên tắc thứ hai của thơ lãng mạn là câu thơ thổ lộ, giãi bày. Như đã nói, dòng thơ trong thơ cổ chủ yếu là những câu thơ độc lập về cú pháp và ý nghĩa, bởi vì chỉ trong dạng độc lập như thế chúng mới có thể được xếp song song với nhau theo luật đối hoặc niêm một cách tề chỉnh. Như vậy, câu thơ luật tự hạn chế sức biểu hiện của nó. Mặt khác, như đã nói, câu thơ cổ điển là câu thơ điệu ngâm, không phải câu thơ điệu nói, câu thơ dường như không phải là lời của ai cả, cũng không hướng tới ai cả, nó chỉ biểu hiện cái nhìn và sự trầm tư nội tại, do vậy nó ít có khả năng thể hiện cụ thể giọng điệu tiếng nói của con người. Truyền thống “thơ ngôn chí”, “ngôn hoài”, “tỏ lòng” có từ rất xưa, nhưng trọng tâm không ở “ngôn”, mà ở ý tượng. Cơ chế thẩm mỹ  của nó là “cảm ở mắt, hiểu ở lòng, biểu hiện ở tượng”, “lấy vật để tả lòng”, do vậy yếu tố lời nói thu hẹp vào mấy dòng “luận” hoặc “kết” theo kiểu “Ngán nỗi xuân đi xuân lại lại – Mảnh tình san sẻ tý con con” (Hồ Xuân Hương).

Thơ lãng mạn đã cải tạo lại câu thơ, giải phóng nó khỏi niêm, luật, tạo dáng lại, làm cho nó trở thành lời nói cá thể, câu thơ thường có chủ ngữ “tôi”, “anh”, “em”, “ta” biểu thị lời nói của chủ thể xác định. Câu thơ có ngữ khí từ, câu hỏi, câu cảm thán, hướng tới một ai đó, hoặc hướng tới chính người đọc, theo kiểu tự bộc bạch, tâm sự với bạn bè :

             –   Chẳng bao giờ, ôi ! Chẳng bao giờ nữa

                 Mau đi thôi ! Mùa chưa ngả chiều hôm…

(XUÂN DIỆU)

             –   Chiều ơi hãy xuống thăm ta với !

                 Thiên hạ lìa xa, đời trống không…

(HUY CẬN)

             –   Tôi chỉ là người mơ ước thôi,

                 Là người mơ ước hão : Than ôi !

(THẾ LỮ)

             –   Em ơi nhẹ cuốn bức rèm tơ

                 Tìm thử chân mây khói toả mờ…

(THANH TỊNH)

             –   Anh biết em đi chẳng trở về

                 Dặm dài liễu khuất với sương che

                 Em đừng ngoái lại nhìn anh nữa

                 Anh biết em đi chẳng trở về.

(THÁI CAN)

                 Tôi vẫn đi bên cạnh cuộc đời

                    Ái ân lạt lẽo của chồng tôi

                    Mà từng thu chết, từng thu chết

                    Vẫn giấu trong tim bóng “một người”

(T.T.KH)

Lời giãi bày, bộc bạch nhấn mạnh tính chất giao tiếp của thơ, tạo cho thơ lãng mạn một không khí tâm tình chưa từng có, đồng thời tạo tâm thế cho từng cá nhân thổ lộ, mở lòng ra với đời. Lời thơ này giải phóng giọng điệu cá thể làm cho nó hiện ra bề mặt, đồng thời cải tạo lại chất nhạc của thơ – không phải nhạc trầm bổng, réo rắt do phối hợp bằng trắc tạo nên, mà do tiếng lòng, do hơi thở, nhịp tình cảm tạo nên. Đúng như vậy, thơ cổ điển thường hình dung tiếng nhạc là “tiếng sắt, tiếng vàng”, “tiếng ngọc rung”, “tiếng lụa xé”, “tiếng sầm sập như trời đổ mưa”, toàn là những âm thanh khách quan, vật thể. Còn Mácxim Goócki vào thời lãng mạn của mình đã tả tiếng đàn vĩ cầm như sau : “Nghe tiếng đàn muốn khóc lại vừa muốn cười. Có khi như ai than thở đắng cay, cầu xin giúp đỡ, nghe đau xót như lưỡi dao cứa vào tim. Có khi như tiếng thảo nguyên thì thầm kể với bầu trời những chuyện cổ tích buồn rười rượi. Lại có khi như tiếng một thiếu nữ khóc trong buổi tiễn biệt người yêu…”(1).

Nhạc trong văn học lãng mạn được quan niệm là tiếng người, ngữ điệu người, giọng điệu người.

Như vậy, thơ lãng mạn, so với thơ cổ điển chủ quan gấp ba lần : lấy tâm trạng làm nội dung, lấy cái nhìn cá thể làm nền tảng tạo hình, lấy tiếng nói cá thể làm giọng điệu và nhạc điệu.

Do tạo hình cá thể hoá, thơ lãng mạn nặng về sử dụng ẩn dụ : Ẩn dụ nói đây là ví ngầm gắn với những tưởng tượng, liên tưởng, cảm nhận sống động của chủ thể. Nó thường thoáng qua chốc lát và cá thể hoá cao độ chứ không vững bền phổ quát như các câu ví (trắng như tuyết, trong như ngọc, đỏ như son, cao như núi,…). Ẩn dụ gắn với tâm trạng nhà thơ (“Đồn xa quằn quại bóng cờ – Phất phơ buồn tự thời xưa thổi về”, “Cây dài bóng xế ngẩn ngơ -Hồn em đã chín mấy mùa thương đau”, “Tay anh em hãy tựa đầu – Cho anh nghe nặng trái sầu rụng rơi…“, “Ánh sáng vấn vương chiều uể oải – Sắc hè bông phượng rớt từng đôi”, “Biết bao hoa đẹp trong rừng thẳm – Đem gửi hương cho gió phụ phàng…“, “Tôi con đường nhỏ chạy lang thang – Kéo nỗi buồn không chạy khắp làng…”. Do đó, người ta gọi thơ lãng mạn là thơ ẩn dụ. Ẩn dụ đây không giản đơn là một phép chuyển nghĩa của từ ngữ mà là một cách tư duy được biểu hiện qua nhiều phương diện : định ngữ, trạng ngữ, vị ngữ. Dù có dùng hình thức ví von (như, như thể,…) thì thơ lãng mạn cũng thiên về biểu hiện những cảm nhận, tâm trạng :

                 Chiếc thuyền nhẹ hăng như con tuấn mã

                 Phăng mái chèo mạnh mẽ vượt trường giang

                 Cánh buồm giương to như mảnh hồn làng

                 Rướn thân trắng bao la thâu góp gió…

(TẾ HANH)

Đây là điểm làm thơ lãng mạn khác thơ cổ điển.

Do phát triển điệu nói, giãi bày, thơ lãng mạn cũng có nhiều biểu hiện lý sự, nghị luận, phân tích của lý tính :

             –   Yêu là chết ở trong lòng một ít

                 Vì mấy khi yêu mà chắc được yêu

                 Cho rất nhiều nhưng nhận chẳng bao nhiêu

Người ta phụ hay thờ ơ chẳng biết.

(XUÂN DIỆU)

             –   Lấy câu khảng khái tiễn đưa nhau

Em muốn cho ta chẳng thảm sầu.

Nhưng chính lòng em còn thổn thức

Buồn kia em giấu được ta đâu ?

(THẾ LỮ)

Nghị luận đã có từ lâu ở trong thơ cổ điển dưới dạng câu hỏi, câu cảm thán (“Thân này ví biết dường này nhỉ – Thà trước thôi đành ở vậy xong”, “Có tiền việc ấy mà xong nhỉ – Đời trước làm quan cũng thế a ?”,…). Nhưng nghị luận trong thơ lãng mạn phát triển hơn, “lý sự” hơn :

                 Xuân đang tới, nghĩa là xuân đang qua

                 Xuân còn non, nghĩa là xuân sẽ già,

                 Mà xuân hết, nghĩa là tôi cũng mất.

                 Lòng tôi rộng, nhưng lượng trời cứ chật,

                 Không cho dài thời trẻ của nhân gian,

                 Nói làm chi rằng xuân vẫn tuần hoàn,

                 Nếu tuổi trẻ chẳng hai lần thắm lại,

                 Còn trời đất, nhưng chẳng còn tôi mãi,

                 Nên bâng khuâng tôi tiếc cả đất trời ;

                 Mùi tháng, năm đều rớm vị chia phôi

                 Khắp sông núi vẫn than thầm tiễn biệt,…

(XUÂN DIỆU)

Đặc biệt, với câu thơ điệu nói, thơ lãng mạn có nhiều yếu tố kể lể, phân trần :

                 Tuổi non dại lòng tôi say mến bạn,

                 Khi thanh xuân, tôi mãi chạy theo tình,

                 Nhưng cô độc đã thầm ghi trên trán,

                 Lòng lạc loài ngay từ thuở sơ sinh.

                 Lòng tôi đây, trọn một đời thương nhớ,

                 Hồn tôi đây, thiên hạ bỏ đìu hiu ;

                 Người nhìn xem, chân tôi muôn dấu rỗ,

                 Thủng gai đời, đây tay với tình yêu…

(HUY CẬN)

Với điệu nói, rõ ràng thơ lãng mạn đã mở rộng nội dung thơ sang lĩnh vực ý nghĩ, suy ngẫm và tạo đà cho chất văn xuôi và nhiều khái quát táo bạo về cuộc sống được xuất hiện. Thơ lãng mạn bộc lộ rõ ràng quan điểm riêng về cuộc sống :

                 Nay ta ôm niềm uất hận ngàn thâu,

                 Ghét những cảnh không đời nào thay đổi.

                 Những cảnh sửa sang, tầm thường, giả dối :

                 Hoa chăm, cỏ xén, lối phẳng, cây trồng ;

                 Dải nước đen giả suối, chẳng thông dòng,

                 Len dưới nách những mô gò thấp kém ;

                 Dăm vừng lá hiền lành, không bí hiểm,

                 Cũng học đòi bắt chước vẻ hoang vu

                 Của chốn ngàn năm cao cả, âm u.

(THẾ LỮ)

Nhưng cũng nhiều khi sự giãi bày, kể lể trở nên lắm lời, mặc dù là chân thành :

                 Vì khốn nỗi ! Tôi vẫn còn tin mãi

                 Sự nhầm kia ; tôi không thể không yêu,

                 Dầu không tin, tôi càng cứ yêu nhiều :

                 Khi người nói, tiếng người êm ái quá…

                 Có lúc, tưởng chỉ để rơi tàn lửa,

                 Tay vô tình gieo một đám cháy to :

                 Người tưởng buông chỉ đôi tiếng hẹn hò,

                 Tôi hưởng ứng bằng vạn lời say đắm

                 Đang rạo rực, thì thào, rối rắm,

                 Ngập lòng tôi – Mà ai ngó tới đâu :

                 Tôi điên cuồng, tất nhiên phải khổ đau,

                 Tôi biết lắm, trời ơi, tôi biết lắm !

(XUÂN DIỆU)

Thơ lãng mạn thường là thơ cuồng say, dào dạt tuôn chảy, không “hàm súc”, “cô đọng” như thơ cổ, và dĩ nhiên không nên áp dụng tiêu chuẩn hàm súc một cách máy móc đối với kiểu thơ này. Tuy vậy, sự nhiều lời vẫn là một nhược điểm mà các nhà thơ sau lãng mạn muốn vượt qua.

Cuối cùng, nếu thơ cổ điển tạo nhạc cảm bằng phối hợp bằng trắc, sử dụng song thanh, điệp vận (trắng xoá tràng giang phẳng lặng tờ ; con quốc quốc, cái gia gia, sè sè nấm đất, rầu rầu ngọn cỏ,…) thì thơ lãng mạn còn sử dụng nhiều biện pháp mới như phép lặp từ, trùng điệp trên từ, thành phần câu, trên câu mà sau này Tố Hữu đã sử dụng thành công tạo thành nhạc điệu lôi cuốn, hùng biện.

Kết cấu thơ lãng mạn cũng đa dạng, mới mẻ. Bài thơ thường bắt đầu ở giữa, kết lửng lơ. Có bài cấu tạo theo lối đối đáp, theo lối giục giã, hành khúc, theo lối kể lể, giãi bày. Lối thơ hoạ cổ điển vẫn được sử dụng…

Thơ lãng mạn trong thơ mới đúng là một cuộc cách mạng trong thơ ca, làm thay đổi hẳn nhãn quan thơ, cách cảm thụ thơ và tiêu chuẩn đánh giá thơ. Đáng chú ý là cả đương thời và cho đến nay người ta vẫn còn đánh giá thơ lãng mạn theo tiêu chuẩn thơ cổ, và do vậy, chưa thể nói là ta đã hiểu hết mọi cái mới của thơ lãng mạn thời này. Điều chắc chắn là thơ lãng mạn đã mở ra một giai đoạn mới của thơ ca dân tộc, thay thế hẳn thói quen làm thơ cổ điển ngự trị hàng ngàn năm và hé mở ra nhiều khả năng mới cho thơ.

(Những thế giới nghệ thuật thơ, Sđd)


(1) Xuân Diệu, Lời giới thiệu “Tuyển tập Tản Đà”, NXB Văn học, H., 1986, tr .27.

([1]) Dẫn từ : Lê Hồng Sâm, Đặng Thị Hạnh, Văn học lãng mạn và hiện thực phương Tây thế kỷ XIX, NXB Đại học và Trung học chuyên nghiệp, H., 1981, tr. 32.

([2]) V. Girmunxki, Bàn về thơ cổ điển và thơ lãng mạn trong sách Lý luận văn học, Thi pháp học, Phong cách học, NXB Khoa học, Lêningrát, 1977, tr. 134 – 135 (tiếng Nga).

(1) Hoài Thanh và Hoài Chân, Thi nhân Việt Nam, Sđd, tr.119.

(1) Hoài Thanh, Hoài Chân, Thi nhân Việt Nam,  Sđđ, tr.135, 136.

([3]) Chế Lan Viên, Thơ Bích Khê trong tập Thơ Bích Khê, Sở Văn hoá và Thông tin xuất bản, Nghĩa Bình, 1988, tr. 15.

([4]) Chế Lan Viên, Hàn Mặc Tử, anh là ai ? trong tập Thơ Hàn Mặc Tử, Sở Văn hoá và Thông tin xuất bản, Nghĩa Bình, 1988, tr. 13.

(1) M. Gorki, Makar, Tuyển tập truyện ngắn, tập 1, NXB Văn học, H., 1970. tr. 36.

Advertisement

About Trần Đình Sử

Giáo sư tiến sĩ Lý luận văn học, khoa Ngữ Văn, Đại học sư phạm Hà Nội
Bài này đã được đăng trong Uncategorized. Đánh dấu đường dẫn tĩnh.

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s