Lỗ Tấn: Cỏ dại (Phần 3)

LỖ TẤN: CỎ DẠI (phần 3)

Trần Đình Sử dịch

 

LỜI PHẢN BÁC CỦA CON CHÓ

 

       Tôi mơ thấy mình đang đi trong một ngõ hẹp, áo và giày đều rách bươm, hệt như một kẻ ăn mày.

       Một con chó ở đằng sau sủa lên.

       Tôi từ từ quay lại, kinh ngạc bảo:

– Xì, câm mồm! Đồ chó xu phụ!

– Hi hi- con chó cười rồi nói thêm- Không dám! Sao được như giống người!

– Cái gì?! Tôi căm phẫn, cảm thấy đó là lời xúc phạm sâu sắc.

       – Tôi hổ thẹn: rốt cuộc tôi vẫn không biết phân biệt đồng và bạc, vẫn không biết phân biệt vải và lụa, vẫn không biết phân biệt quan và dân, vẫn không biết phân biệt chủ và tớ, vẫn không biết…

       Tôi bỏ chạy.

       – Ấy, hãy hượm đã! Chúng ta còn bàn… Con chó ở đằng sau lớn tiếng giữ lại.

       Tôi bỏ chạy, rồi rảo bước nhanh, cho đến khi ra khỏi giấc mơ, nằm trên giường của mình.

Ngày 23 tháng 04 năm 1925

 

 

VĂN BIA MỘ

 

       Tôi mơ thấy mình đang đứng trước tấm bia mộ, đọc những lời khắc trên đó. Bia mộ như làm bằng sa thạch, vỡ lở đã nhiều, lại thêm có rêu phủ lên, chỉ còn lại ít dòng văn tự.

       “… cảm lạnh trong khúc ca cuồng nhiệt; thấy hố sâu ở trên trời. Nhìn thấy không có gì trong mọi đôi mắt; được cứu vớt trong vô vọng…”

       “… có một linh hồn lang thang hoá thành con rắn dài, miệng có răng độc, không nhằm cắn ai, mà cắn chính bản thân nó, cuối cùng chết điên…”

       “…đi khỏi!…”

       Tôi đi vòng ra sau tấm bia mới nhìn thấy một nấm mộ cô đơn, trên không có cây cỏ, và đã hư hỏng. Xuyên qua hố nứt lớn, tôi nhìn thấy xác chết, ngực và bụng đều rách toạc, không còn tim gan. Mà mặt thì không có vẻ gì là vui hay buồn, chỉ mờ mờ như sương khói.

       Mãi nghi hoặc không kịp quay người, nhưng đã kịp nhìn thấy mặt sau tấm bia còn lại dấu tích văn tự:

       “… moi tim tự ăn, muốn biết mùi vị. Đau đớn tột cùng, làm sao biết được mùi vị?…”

       “… sau khi hết đau, từ từ mới ăn. Nhưng tim đã cũ rồi, còn làm sao biết được mùi vị nữa?…”

       “… Trả lời tôi. Nếu không, đi khỏi đây…”

       Tôi định bỏ đi, nhưng xác chết trong mồ đã ngồi dậy; đôi môi bất động, nhưng có tiếng nói:

       “Chờ tôi thành bụi, sẽ thấy được tôi mỉm cười!”

       Tôi đi vội, không dám nhìn lại, chỉ sợ nhìn thấy xác chết chạy theo mình.

Ngày 17 tháng 06 năm 1925

 

 

SỰ RUN RẨY TRÊN ĐƯỜNG ĐỒI BẠI

 

        Tôi mơ thấy mình đang nằm mơ. Tự thân không biết đang ở đâu, mà trước mắt thì lại có phía trong của một căn nhà nhỏ đóng kín cửa giữa đêm khuya, nhưng cũng nhìn thấy rừng cây ngoã tùng um tùm trên mái nhà.

       Chụp đèn trên bàn làm theo kiểu mới, chiếu rọi căn nhà sáng trưng. Trong ánh sáng, trên chiếc sập cũ nát, dưới tảng thịt mạnh mẽ đầy lông chưa từng quen biết có một tấm thân gầy yếu, nhỏ bé đang run rẩy vì đói khát, khổ đau, kinh ngạc, hổ nhục và sung sướng. Làn da đã chùng nhưng cũng còn mỡ màng toả ánh lấp lánh; đôi má trắng xanh thoáng hiện chút phớt hồng, như chút phấn son thoa lên mảnh chì.

       Ngọn đèn cũng vì sợ hãi mà thu nhỏ lại, phương Đông đã hiện màu trắng.

       Vậy mà trong không trung vẫn ngập tràn làn sóng run rẩy của đói khát, khổ đau, kinh ngạc, hổ nhục và vui sướng…

       “Mẹ ơi!” Đứa bé gái chừng hai tuổi thức giấc vì tiếng kẹt của chốt cửa, kêu lên dưới đất, trong góc nhà có vây chiếu cỏ.

       “Còn sớm mà, ngủ một lát nữa đi con”- nàng hoảng hốt nói.

       “Mẹ, con đói, đau bụng. Hôm nay mình có gì ăn không?”

       “Hôm nay mình có cái ăn rồi. Chờ một lát người bán bánh nướng đến, mẹ mua cho con ăn”. Nàng vui sướng nắm chặt hơn mảnh bạc nhỏ trong bàn tay, giọng nói nhỏ yếu đang xót xa run rẩy, bước đến góc nhà nhìn đứa con nhỏ, gạt chiếc chiếu cỏ ra một bên, bế con đặt trên cái đệm nát.

       “Còn sớm mà, ngủ thêm một lát nữa đi con”- nàng nói, đồng thời ngước đôi mắt vô hồn nhìn bầu trời trên mái nhà rách nát.

       Trong không trung đột nhiên dấy lên một làn sóng khác thật mạnh, va đập với làn sóng trước, cuộn lên thành xoáy, nhấn chìm tất cả, kể cả chính tôi, mũi miệng đều không thở được.

       Tôi rên rỉ và tỉnh dậy, ngoài cửa sổ ngập tràn ánh trăng như bạc, còn lâu trời mới sáng.

 

       Tôi tự mình không biết ở đâu mà trước mắt thấy bên trong của một căn nhà đóng kín giữa đêm khuya, tôi biết là mình đang tiếp giấc mộng tàn. Nhưng năm tháng đã cách giấc mơ trước nhiều năm rồi. Trong và ngoài căn nhà đã rất ngăn nắp, trong có một đôi vợ chồng trẻ, một đám trẻ con, tất cả đang oán hận và khinh bỉ đối với người đàn bà đã già khụ.

       “Chúng tôi chẳng còn mặt mũi nào để nhìn ai, đều chỉ tại bà”- người đàn ông bực dọc nói- “Bà tưởng rằng đã nuôi lớn được cô ta, kì tình bà làm khổ cô ta, thà rằng hồi bé bà để cho cô ấy chết đói còn hơn!”.

       “Tôi một đời tủi nhục vì bà!”- người đàn bà nói.

       “Lại còn làm tôi phải luỵ lây!”- người đàn ông nói.

       “Lại còn làm khổ lây cả chúng nó nữa!”- người đàn bà nói, chỉ đám trẻ con.

       Đứa con bé nhất đang chơi một đoạn lá lan, lúc ấy bèn vung nó vào không trung, tựa hồ như một chiếc dao sắt, lớn tiếng kêu:

       “Giết!”

       Người đàn bà già khụ trên khoé miệng co giật, bất ngờ giật mình, tiếp theo là bình tĩnh, không bao lâu lại tỉnh táo, đứng thẳng dậy như một tượng đá. Bà mở chiếc chốt cửa, bước ra trong đêm khuya, vứt bỏ lại đằng sau tất cả lời chửi rủa lạnh lùng và nụ cười độc địa.

       Bà cứ đi trong đêm khuya, đi mãi đến cánh đồng hoang vô bờ; bốn bề đều là đồng hoang, trên đầu chỉ có trời cao, chẳng có chim chóc nào bay qua. Bà trần trụi loã lồ, đứng giữa đồng hoang như tượng đá, trong khoảnh khắc chiếu sáng tất cả quá khứ: đói khát, khổ đau, kinh ngạc, hổ nhục, vui sướng, thế rồi run rẩy; làm khổ, tủi nhục, luỵ lây, khổ lây, thế rồi co giật, giết, rồi bình tĩnh…trong giây lát tất cả đều hợp lại: lưu luyến và dứt khoát, yêu chiều và thù hận, nuôi nấng và tàn sát, cầu phúc và nguyền rủa… Thế là bà đem hết sức đưa hai tay lên trời, miệng thốt ra những lời của người và của thú, không phải của nhân gian, do đó mà không lời.

       Khi bà thốt ra một ngôn ngữ không lời thì tấm thân bà vốn vĩ đại như tượng đá, nhưng đã tàn tạ, suy sụp, toàn bộ đều run rẩy. Cái run rẩy đó từng chấm như vẩy cá, mỗi cái vẩy lại dập dờn như nước sôi trong ngọn lửa bốc; không trung cũng có một khắc lay động, tựa hồ như làn sóng biển khơi trong cơn bão tố.

       Thế rồi bà ngước cặp mắt lên nhìn trời, và tiếng nói không lời lặng lẽ trút hết, chỉ còn có sự run rẩy toả rộng như ánh thái dương, khiến làn sóng trong không trung lập tức hồi vọng, như thể gặp gió lớn, ào ạt cuồn cuộn nơi đồng hoang vô bờ.

       Tôi giật mình trong mơ, tự mình không biết là tại vì gác tay lên ngực; tôi trong mơ còn đem hết sức bình sinh muốn đẩy cánh tay hết sức nặng nề sang một bên.

Ngày 19 tháng 06 năm 1925         

      

 

 

LẬP LUẬN

 

       Tôi mơ thấy mình đang ở trong lớp tiểu học chuẩn bị làm văn, xin thầy dạy cho phương pháp lập luận.

       “Khó!”- thầy đưa mắt ra ngoài đôi kính, nhìn tôi, nói- “Thầy kể cho em nghe một chuyện:

       Có một nhà sinh một đứa con trai. Cả nhà vui mừng khôn xiết. Khi đứa bé đầy tháng, người ta bế ra cho khách xem, có lẽ là muốn nhận được điều may.

       Một người nói: đứa bé này sau này sẽ phát tài, thế là anh ta nhận được một hồi cảm tạ.

       Một người nói: đứa bé này tương lai sẽ làm quan, thế là anh ta nhận được một câu lấy lòng.

       Một người nói: đứa bé này tương lai sẽ chết, thế là anh ta bị mọi người hợp sức đánh cho một trận đau.

       Nói sẽ chết là tất yếu, nói phú quí là dối trá. Nhưng nói dối trá thì được báo đáp tử tế, nói tất yếu thì bị đánh đau. Em…”

       “Em muốn không phải nói dối mà cũng không phải bị đánh đau, vậy thì thưa thầy, em phải nói như thế nào?”

       “Vậy thì em phải nói: Ôi cha, đứa bé này, kìa xem, thật là… chậc, chậc, hà hà, hehe! He, hehehehe!”

Ngày 08 tháng 07 năm 1925         

 

 

SAU KHI CHẾT

 

       Tôi mơ thấy mình chết trên đường.

       Đây là đâu, làm sao mà tôi đến đây, vì sao chết, những việc đó tôi hoàn toàn không rõ. Tóm lại là cho đến khi tôi biết rằng mình đã chết rồi, thì là chết ở đấy.

       Nghe mấy tiếng chim khách kêu, tiếp đến là một hồi quạ kêu. Không khí thật trong mát- tuy rằng cũng còn vương hơi bụi- có lẽ đó là vào lúc bình minh. Tôi muốn mở mắt ra, nhưng mắt không hề động đậy, quả là không giống như mắt của tôi; thế là muốn nhấc tay, kết quả cũng như thế.

       Một mũi khoan sắc khủng khiếp xuyên suốt tim tôi. Khi tôi sống từng đùa mà nghĩ rằng, nếu một người bị chết, chỉ là sự huỷ hoại hệ thần kinh vận động, mà tri giác vẫn còn, điều đó còn đáng sợ hơn là chết hoàn toàn. Ai ngờ dự đoán của tôi mà lại đúng, chính bản thân tôi đang chứng thực dự cảm của tôi.

       Nghe thấy tiếng bước chân, chắc là của người đi đường. Một chiếc xe cút kít đẩy qua bên đầu tôi, có vẻ như chở nặng lắm, tiếng xe rít khiến tim đau nhói, mà răng cũng ê. Cảm thấy đầy mắt ánh hồng, chắc là nắng đã lên. Vậy là mặt tôi đang hướng về đông. Điều đó cũng chẳng sao. Tiếng người nói rào rào, đó là những kẻ thấy ồn ào thì xúm lại xem. Họ dẫm tung đất văng bụi bay vào lỗ mũi của tôi làm tôi muốn hắt hơi, nhưng rốt cuộc không hắt hơi được, chỉ có ý muốn mà thôi.

       Lục tục lại có tiếng bước chân, đều đều gần tôi thì dừng lại, lại có nhiều tiếng nói khẽ, người đến xem đã đông. Bỗng nhiên tôi rất muốn nghe họ bàn luận, nhưng đồng thời lại nghĩ, khi tôi sống từng nói rằng, phê bình không đáng một nụ cười, chắc là một lời không thật lòng: vừa mới chết mà đã lộ ra vết che giấu! Thế nhưng tôi vẫn nghe; nghe mà không có được kết luận, đem ghi nạp lại, chẳng qua là thế này:

       “Chết rồi à?”

       “Ờ… việc này…”

       “Hừ!…”

       “Chậc… chà!…”

       Tôi rất vui mừng bởi vì trước sau đều không nghe thấy những giọng nói quen. Nếu không thì tôi sẽ rất đau lòng; hoặc là làm cho họ sung sướng; hoặc là thêm cho họ một ít tư liệu để chuyện gẫu sau bữa ăn, bỏ phí nhiều thì giờ quí báu; việc đó khiến tôi cảm thấy có lỗi. Bây giờ thì không nhìn thấy ai nữa, ai cũng không bị ảnh hưởng nữa. Thế là tốt, có thể coi là tôi không phụ người.

       Nhưng có lẽ là một con kiến bò trên sống lưng tôi, ngứa ngáy quá. Tôi không thể cử động được, không có cách gì để phủi kiến. Nếu là bình thường, tôi chỉ cần vặn mình một cái là đủ khiến nó rút lui. Đã thế trên đùi lại bò một con nữa. Chúng mày định làm gì vậy? Đồ sâu bọ!

       Sự thể càng xấu thêm. “Ào” một tiếng, liền có con nhặng xanh đậu xuống trên lưỡng quyền tôi, đi mấy bước lại bay một cái mở miệng liếm vào đỉnh mũi của tôi. Tôi buồn thảm nghĩ: Thưa ngài, tôi không phải là loại người vĩ đại, ngài cần gì phải tìm đến thân tôi để kiếm chút tư liệu mà đàm luận… Nhưng không nói ra được. Con nhặng từ đỉnh mũi bò xuống, lại dùng cái lưỡi lạnh của nó liếm vào môi của tôi. Không biết có phải biểu thị tình thân yêu! Còn có mấy con bò trên lông mày, nhảy một cái, chân lông tôi rụng một cái. Thật làm tôi khó chịu hết sức, khó chịu cùng cực.

       Bỗng nhiên có một làn gió, một tấm gì từ phía trên đậy xuống, thế là bầy nhặng cùng bay đi, khi sắp bay còn bảo:

       “Tiếc quá!…”

       Tôi căm giận đến gần như ngất đi.

 

       Cái tiếng nặng nề của gỗ ném xuống đất và sự chấn động của mặt đất làm tôi đột nhiên tỉnh táo, trước trán cảm thấy có đường cói của chiếc chiếu. Nhưng cái chiếu bị cuốn lên, lập tức lại cảm thấy ánh nắng nóng bỏng. Còn nghe thấy có người nói:

       “Làm sao mà lại chết ở đây?…”

       Tiếng nói đó cách tôi rất gần, người ấy đang cúi lưng xuống. Thế thì người ta nên chết ở đâu? Tôi trước kia cho rằng người sống trên đời tuy không có quyền muốn sống ở đâu cũng được, nhưng vẫn có quyền chết ở đâu cũng được. Bây giờ mới biết là không phải thế, cũng rất khó thích hợp với ý chung của mọi người. Đáng tiếc đã lâu tôi không có giấy bút, dù có cũng không viết được, vả lại dù viết ra cũng không có nơi để đăng. Chỉ đành bỏ qua như vậy.

       Có người lại khiêng tôi, cũng không biết là ai. Nghe có tiếng bao kiếm, còn có cả cảnh sát ở đây nữa, ở nơi mà tôi không nên chết ấy. Tôi bị lật qua lật lại mấy lần, liền cảm thấy được nâng lên, lại bị hạ xuống; lại nghe có nắp đậy lại, đinh đóng lên. Nhưng thật lạ lùng, chỉ đóng có hai đinh. Lẽ nào quan tài ở đây chỉ đóng có hai đinh?

       Tôi nghĩ chuyến này là vấp cả sáu mặt, bên ngoài đóng đinh. Thật là hoàn toàn thất bại, ô hô ai tai!…

       Thế nhưng tôi nghiệm mình đã trấn tĩnh hơn trước nhiều, mặc dù không rõ là đã chôn hay chưa. Trên mu bàn tay chạm phải các sợi chiếu, cảm thấy cách liệm xác này cũng không tệ. Chỉ không biết là ai phải chi tiền cho tôi, thật đáng tiếc! Nhưng, đáng ghét là đám người liệm xác! Cái áo ngắn đằng sau lưng có một góc dồn lại, thế mà họ không kéo bằng ra, giờ đây cứ cộm lên rất khó chịu. Các người tưởng rằng người chết vô tri, nên làm việc quấy quá như vậy sao? Hà hà!

       Cơ thể tôi có vẻ nặng nề hơn lúc sống, cho nên nó đè lên nếp gấp chiếc áo cảm thấy càng khó chịu. Nhưng tôi nghĩ, chẳng bao lâu mình sẽ quen; hoặc là cũng sắp rữa nát rồi, sẽ không còn có gì phiền phức lắm nữa. Lúc này hãy cứ lặng lẽ mà suy nghĩ lại hơn.

       “Chào ông, ông chết rồi sao?”

       Một tiếng nói khá quen tai. Mở mắt ra nhìn, thì hoá ra là nhân viên chuyên chạy ngoài của hiệu sách cũ Bột Cổ Trai. Đã hai mươi năm không gặp nó rồi, thế mà vẫn một bộ dạng như cũ. Tôi lại nhìn bức tường sáu bên, quả thật là thô tháp quá, hầu như là chưa bào qua chút gì, vết cưa còn nham nhở.

       “Không hề gì, không quan trọng”. Anh ta vừa nói, vừa cởi cái túi vải màu xanh thẫm: “Đây là Công Dương truyện bản in đời Minh, bản đóng chỉ đen Gia Tĩnh, xin đem lại cho ông, ông cất đi cho. Đây là…”.

       “Chú mày!”. Tôi kinh ngạc nhìn kĩ vào mắt anh ta, bảo: “Chú mày lú lẫn rồi hay sao? Nhìn xem tôi thế này thì còn xem bản đời Minh làm gì nữa?”.

       “Có thể xem, không việc gì”.

       Tôi lập tức nhắm mắt lại, bởi vì rất khó chịu với anh ta. Chờ một lát, không thấy ai nói gì, có lẽ anh ta đã đi khỏi. Nhưng hình như lại có một con kiến bò lên cổ của tôi, cuối cùng bò lên mặt, bò quanh hố mắt.

       Thật không ngờ tư tưởng của con người, dù chết rồi cũng còn thay đổi. Đột nhiên có một sức mạnh phá tan sự bình yên của lòng tôi, đồng thời nhiều giấc mơ cũng hiện ra ngay trước mắt. Mấy người bạn chúc tôi bình yên, mấy kẻ thù địch chúc tôi tiêu vong. Mà tôi thì vẫn là không bình yên mà cũng không tiêu vong, tiếp tục sống không lên không xuống, không thể gánh vác bất cứ kì vọng nào. Bây giờ đã chết như chiếc bóng, đến kẻ thù cũng không cho biết, không muốn tặng cho chúng chút niềm vui mà không phải tốn công sức.

       Tôi cảm thấy sung sướng đến phát khóc. Đây có lẽ là lần khóc đầu tiên của tôi sau khi chết.

       Thế nhưng rốt cuộc cũng không có nước mắt rơi xuống; chỉ nhìn thấy phía trước hình như có ánh đèn loang loáng, thế là tôi ngồi dậy.

Ngày 12 tháng 07 năm 1925 

      

      

         

CHIẾN SĨ  THẾ ĐẤY

 

       Phải có một loại chiến sĩ như thế –

       Đã không còn mông muội như thổ dân châu Phi mà mang súng moze sáng loáng; cũng không phải mệt mỏi như lính lục doanh Trung Quốc mà khoác súng pạchoọc. Anh ta không cần cầu xin sự phù hộ ở tấm da trâu và bộ giáp trụ bằng sắt phế liệu; anh ta chỉ có một mình, nhưng cầm ngọn lao mà người dã man vẫn dùng, vung tay là ném.

       Anh ta tiến vào một mặt trận không có đối tượng. Những người anh gặp đều nhất loạt gật đầu chào anh. Anh biết cái gật đầu đó là vũ khí của kẻ địch, là vũ khí giết người không chảy máu, biết bao chiến sĩ đều chết ở đó, giống như đạn pháo, khiến cho lực sĩ không biết dùng sức lực đánh vào chỗ nào nữa.

       Trên đầu những kẻ ấy có đủ các loại cờ, thêu đủ các loại danh hiệu đẹp đẽ: nhà từ thiện, học giả, nhà văn, trưởng giả, thanh niên, tao nhân, quân tử,… dưới đầu họ có các loại áo khoác, thêu các loại hoa văn: học vấn, đạo đức, quốc tuý, dân ý, logic, công ích, văn minh phương Đông…

       Nhưng anh ta đã vung ngọn lao lên.

       Chúng nó đều đồng thanh tuyên thệ để đến giảng giải rằng, tim của chúng đều ở chính giữa ngực, khác hẳn nhân loại tim lệch về một phía. Trước ngực chúng đều đặt hộ tâm kính (tấm gương bảo hộ tim), chứng tỏ chúng tin chắc tim chúng nằm ở chính giữa lồng ngực.

       Nhưng anh ta đã vung ngọn lao lên.

       Anh ta mỉm cười, ném lệch về một bên, thế mà trúng vào buồng tim của chúng.

       Tất cả đều suy sụp gục ngã – thế nhưng chỉ có độc một bộ áo khoác, bên trong không có gì. Những vật không có đối tượng ấy đều chạy thoát, được thắng lợi, bởi vì lúc này anh ta mang tiếng là kẻ có tội hãm hại những người như nhà từ thiện.

       Nhưng anh ta đã vung ngọn lao lên.

       Anh ta bước những bước dài trong trận không có đối tượng, lại nhìn thấy những cái gật đầu đồng loạt, các loại cờ xí, các loại áo khoác…

       Nhưng anh ta đã vung ngọn lao lên.

       Cuối cùng anh ta già nua và chết trong trận không có đối tượng ấy. Cuối cùng anh ta không còn là chiến sĩ, nhưng những vật không có vật thì lại là kẻ thắng.

       Trong khung cảnh như thế, ai cũng không nghe thấy tiếng thét khi đánh nhau: thái bình.

       Thái bình…

       Nhưng anh ta đã vung ngọn lao lên!

Ngày 14 tháng 12 năm 1925

 

 

                                   NGƯỜI THÔNG MINH VÀ

                                   THẰNG NGỐC VÀ

                                   NÔ TÀI

 

       Nô tài chẳng qua là kẻ tìm người kể khổ. Chỉ cần như thế, cũng chỉ có thể như thế. Một hôm, hắn gặp một người thông minh.

       “Thưa ngài”- hắn nói thảm thiết, nước mắt vòng quanh, chảy thẳng từ khoé mắt xuống dưới- “Ngài biết đấy, tôi sống một cuộc đời chẳng phải của con người. Ăn thì mỗi ngày chưa chắc đã có một bữa, mà bữa đó chẳng qua là vỏ cao lương, cái thứ đến chó lợn cũng không thèm ăn, mà lại chỉ có một bát bé…”.

       “Điều đó thực là đáng thương”- người thông minh buồn rầu nói.

       “Lại còn không ư!”. Hắn vui lên: “Nhưng làm việc thì ngày đêm không có nghỉ ngơi bao giờ. Tinh mơ gánh nước, chiều tối nấu cơm, buổi sáng đi phố, ban đêm xay bột, trời tạnh giặt áo quần, trời mưa đi cầm ô; mùa đông thì đốt lò sưởi, mùa hè thì quạt. Nửa đêm ninh mộc nhĩ trắng, hầu hạ chủ đánh bạc ăn tiền. Tiền hồ chưa từng được chia, mà có lúc còn bị quất roi da…”.

       “Chà, chà”- người thông minh than, khoé mắt có chút đỏ, tựa hồ sắp rơi nước mắt.

       “Thưa ngài, sống như thế tôi không thể chịu nổi nữa, tôi thế nào cũng phải nghĩ cách giải thoát, nhưng có cách gì được?…”.

       “Tôi nghĩ, anh thế nào cũng sẽ khá lên…”.

       “Thế sao? Chỉ mong được thế. Nhưng tôi kể nỗi oan khổ cho ngài nghe, lại được ngài đồng tình và an ủi, đã thấy dễ chịu đi biết bao nhiêu. Đủ thấy trời còn có mắt…”

       Nhưng, chẳng mấy hôm, hắn lại bất mãn, vẫn tìm người để kể khổ.

       “Thưa ngài”- hắn nói và rơi nước mắt- “Ngài biết đấy, chỗ tôi ở quả thực không bằng chuồng lợn, ông chủ không coi tôi là người, lão còn quí con chó bécgiê của lão hơn tôi…”.

       “Đồ khốn nạn!”- người nghe kêu to lên, khiến hắn giật mình. Người ấy là một thằng ngốc.

       “Thưa ngài, chỗ tôi ở chỉ là một gian nhà nhỏ dột nát, lại ẩm thấp, lại tối tăm, đầy những gián, khi ngủ bị chúng cắn đến khốn khổ. Mùi hôi xộc vào mũi, bốn bên lại không có một cái cửa sổ…”.

       “Anh không đòi chủ mở một cái cửa sổ sao?”.

       “Làm thế sao được?…”

       “Vậy anh dắt tôi đi xem”.

       Thằng ngốc cùng nô tài đến ngoài ngôi nhà, bắt tay đập cái tường đất.

       “Thưa ngài, ngài làm gì thế?”- hắn giật mình hỏi.

       “Tôi mở một cái cửa cho anh”.

       “Làm thế không đựơc, ông chủ sẽ mắng”.

       “Mặc kệ ông ấy”. Thằng ngốc tiếp tục đập.

       “Cứu với, kẻ cướp đến phá nhà chúng tôi rồi. Mau mau cứu với! Chậm thì nó đập thông tường mất!”. Hắn khóc, kêu và lăn lộn trên mặt đất.

       Một bầy nô tài chạy đến, đuổi thằng ngốc đi.

       Nghe thấy tiếng kêu, kẻ đến chậm rãi, sau cùng là ông chủ.

       “Có kẻ cướp đến phá ngôi nhà của chúng ta, tôi là người đầu tiên kêu lên, mọi người cùng nhau đuổi nó đi rồi”. Hắn quỵ luỵ và đắc ý nói.

       “Mày giỏi lắm”. Ông chủ khen.

       Ngày hôm ấy còn có nhiều người đến thăm hỏi, người thông minh cũng có mặt.

       “Thưa ngài, lần này vì tôi có công, ông chủ đã khen tôi. Ngài nói tôi rồi sẽ khá lên, thực là sáng suốt…”. Hắn nói một cách vui vẻ, như thể có nhiều hi vọng.

       “Lại còn không ư!”- người thông minh cũng vui vẻ đáp lời.

Ngày 16  tháng 12 năm 1925

      

 

Advertisement

About Trần Đình Sử

Giáo sư tiến sĩ Lý luận văn học, khoa Ngữ Văn, Đại học sư phạm Hà Nội
Bài này đã được đăng trong Uncategorized và được gắn thẻ , . Đánh dấu đường dẫn tĩnh.

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s